Viết – một sự song hành cùng cuộc đời
Nhiều năm trước, khi mình bị bác sĩ chẩn đoán sai, kết luận rằng mình bị trọng bệnh, mình đã rơi vào hố thẳm tuyệt vọng. Cái trạng thái đó mỗi lần nhớ lại vẫn thấy vô cùng sợ hãi. Một đêm khuya, bạn gọi cho mình, trò chuyện trấn an mình một lúc, bạn bỗng nói: “Em viết đi”… Hôm qua, một người bạn khác lại nói với mình khi hai đứa đang nói chuyện về hạnh phúc và nỗi cô đơn: “Cậu viết đi”… Rõ ràng, viết ở đây được hiểu như là một cách thức để tự chữa lành và biểu đạt… Câu chuyện với bạn khiến mình nhớ đến Marguerite Duras (1914 – 1996) và cuốn tiểu luận (cũng có thể coi là tự truyện) “Viết” (1993) của bà, ở đó viết nghĩa là song hành cùng cô đơn!
Cảm giác cô đơn không xa lạ đối với bất cứ ai trong mỗi chúng ta. Với những người sáng tác, nỗi cô đơn dường như là số phận của họ. Nỗi cô đơn trong “Viết” của M. Duras là một nỗi cô đơn kỳ lạ và quyến rũ, nó khiến người ta (nhất là những người có ước muốn và nhu cầu viết lách) vừa muốn tránh mặt lại vừa muốn nếm trải. Có thể coi “Viết” là một cuốn hồi ký thể hiện những quan niệm văn chương của Duras.
Trong cuốn tiểu luận chưa đầy 150 trang này, M. Duras tuyên bố cô đơn là điều cần thiết đối với người viết văn, không có nỗi cô đơn ấy, sẽ không có tác phẩm. Sáu phần tách rời của cuốn sách xoay quanh cách thức mà Duras cố gắng thâm nhập, rồi từ đó lại tìm cách thoát ra khỏi đời sống. Nói cách khác, đó chính là ý thức của Duras về khoảng cách giữa hiện thực và sáng tác, giữa văn bản và những khoảng lặng giữa các lớp ngữ nghĩa trong văn bản. “Viết” đề cập cả những vấn đề cốt yếu của sáng tạo nghệ thuật, như vấn đề tự do trong tư tưởng. Theo Duras, chỉ khi thoát ra khỏi sự gò bó của những khuôn mẫu và quy tắc, nhà văn mới có thể tạo ra “những cuốn sách ăn vào tư tưởng…”.
“Viết” bộc lộ những cảm xúc mang tính tự sự, những khía cạnh còn khuất lấp trong con người M. Duras. Đó là những vấn đề và tư tưởng từng được nữ văn sĩ phân tích và lý giải trong nhiều tác phẩm trước đó nhưng vẫn còn khiến bà loay hoay tự vấn. Đôi khi Duras tỏ ra phớt lờ không thèm định danh những sự việc mà bà chưa nhận biết rõ, hoặc giả như bà tạm gác những điều chưa rõ ràng ấy sang một bên để đi tiếp dòng suy nghĩ bất tận. “Viết” giống như một dòng suối ý thức, chảy tràn trong những đêm cô độc mất ngủ. Đọc “Viết”, người ta thấy sự xâm chiếm của những luồng cảm xúc tinh tế và phức tạp trong tâm hồn nhà văn, thấy sự gào thét trong im lặng và cô đơn cùng cực. Rõ ràng, Duras sợ nỗi cô đơn nhưng lại không muốn thoát ra khỏi nó. Một mình trong ngôi nhà rộng lớn, bà tự ngăn cách mình với thực tại. Với bà, cô đơn là cách thức để viết. Một nỗi cô đơn tự tạo song hành với nỗi cô đơn tự thân trong chính con người bà!
“Viết” không dễ đọc, một phần bởi văn phong tiểu luận, phần khác có lẽ bởi ngôn ngữ dịch. Không thể đọc lướt để nắm bắt ý tứ tác phẩm mà phải đọc rất chậm, từng câu, từng chữ. Đôi khi đọc được một đoạn lại phải quay lên đọc lại lần nữa, chắp nối các câu lại với nhau để có thể hiểu trọn vẹn một ý. Văn phong dịch quá giản lược, ngắn gọn, đôi chỗ hơi cụt, khiến người ta có cảm giác như đang đọc những đoạn suy nghĩ rời rạc, ngắt quãng, không ăn nhập gì với nhau. Theo Duras, “trước khi viết, người ta không hề biết gì về điều mình sẽ viết”. Và vì thế, viết chính là một quá trình tự mày mò, khám phá. “Viết” của Duras khiến người ta muốn viết, thôi thúc người ta viết vì hiểu rằng đó là phương cách hữu hiệu để giải tỏa những khát khao và ẩn ức, để “chữa lành vết đau”. Qua “Viết”, người ta có thêm sự hiểu biết đầy đủ về công việc của một nhà văn, nhận ra lao động chữ nghĩa là một thứ lao động khổ sai và dấn thân vào văn chương tức là tự mình làm một cuộc lưu đày.
Duras cho rằng, con người ta không bao giờ khóc thì không phải là sống, và nếu “khóc là điều vô ích, thì vẫn cứ cần khóc”. Điều này cũng có thể hiểu là, với Duras, viết chính là khóc, và không bao giờ viết có nghĩa không phải là sống. Viết, đó chính là sự giải thoát, nếu không muốn bị… nổ tung!