Có lần người ta thấy hình ảnh của bà trên một tờ báo, minh họa cho bài viết về những người bán hàng rong. Lần khác, người ta lại thấy bà trong loạt phóng sự ảnh về cuộc sống và con người Hà Nội. Bao giờ bà cũng ngồi ở chính cái góc phố ấy, già nua, bé nhỏ, xa cách, câm lặng với một mớ búp bê bằng vải sặc sỡ. Không ai biết bà bao nhiêu tuổi, tên là gì, sống ở đâu, gia đình, con cái còn hay mất. Người Hà Nội gọi bà bằng một cái tên chung chung nhưng lại rất cụ thể: bà già khâu búp bê!

Run rẩy và tỉ mẩn từng mũi kim trên những mảnh vải vụn đủ màu, bà già dường như không để ý gì đến cuộc sống chung quanh. Những con búp bê của bà được cắt từ những miếng xốp trắng và được mặc những chiếc áo váy do chính bà cắt, khâu. Trông chúng yếu đuối và tội nghiệp như chủ nhân của chúng. Điều lạ lùng không ai hiểu được là bà già khâu búp bê dường như không để tâm đến việc những món hàng của mình có bán được hay không. Thảng hoặc có người dừng xe cầm lên một con búp bê của bà ngắm nghía rồi lại bỏ xuống. Bà cũng không nài nỉ người ta mua. Có người lại dúi vào tay bà ít tiền và nhét con búp bê mềm oặt vào túi xách mà không cần ngắm nghía. Bà cũng không mảy may vui sướng.

Bà là một ẩn số đối với dân Hà Nội. Người ta đồn bà bị điên, người khác nói bà bị con cháu đối xử bạc bẽo, đuổi ra khỏi nhà… Bất chấp những lời thì thào, bà vẫn âm thầm tạo nên một thế giới riêng biệt quanh bà, một thế giới nào đó xa xưa lấp lánh những ánh sáng mà chỉ mình bà mới thấy. Có thể bà là hình ảnh của một cô bé con của mấy chục năm về trước thích tự khâu những con búp bê cho mình. Cũng có thể dơn thuần bà chỉ là một người bán hàng rong mất trí, một người bán hàng rong ấn tượng nhất trên phố phường Hà Nội.

Bây giờ ở chỗ bà vẫn ngồi có một đám xe ôm đang chầu chực chờ khách. Không còn chút dấu vết nào của bà già khâu búp bê, ngoại trừ một con búp bê èo uột trong cái hộp để đồ lưu niệm của tôi. Bà già ấy đi đâu, ra sao rồi nhỉ? Câu hỏi ấy cứ đeo đẳng tôi như ý nghĩ về thân phận một con người.