Tính đến ngày 30-10-2020, Nhà trắng đã có lịch sử tròn 220 năm. 20 năm trước, một chương trình lễ trang trọng đã diễn ra tại South Lawn, với màn trình diễn minh họa lại sự kiện John Adams trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên dọn đến Nhà trắng vào ngày 1-11-1800…

Lịch sử

Nhà trắng được xây từ năm 1782-1800, tại số 1600 Đại lộ Pennsylvania (Washington, D.C.). Được thay tên trong suốt chiều dài lịch sử – từ “Dinh tổng thống”, “Nhà tổng thống”, đến “Dinh điều hành” nhưng “Nhà trắng”, hoặc còn được gọi là “Tòa Bạch Ốc”, vẫn là cái tên quen thuộc nhất, từ lúc được chính thức hóa năm 1901, khi Theodore Roosevelt cho khắc chữ “White House” vào các vật dụng văn phòng của mình. Nhà trắng là nơi ở của mọi tổng thống trong lịch sử Mỹ trừ Tổng thống đầu tiên George Washington dù chính ông là người chuẩn y việc xây dinh tổng thống. Trước khi chính phủ liên bang được thành lập ở Washington, D.C., George Washington sống ở New York City và tại vùng núi Vernon thuộc bang Virginia (ông mất năm 1799, hai năm sau khi mãn nhiệm kỳ). Tháng 12-1790, George Washington ký Đạo luật Quốc hội, tuyên bố rằng chính phủ liên bang sẽ dời đến một khu vực “không vượt quá 10 dặm vuông từ sông Potomac”. Đích thân Washington và nhà qui hoạch đô thị Pierre L’Enfant đã chọn vị trí mới để xây dinh tổng thống.

Nhà trắng 1861 (National Archives)

Nhà trắng và khuôn viên vườn xung quanh nằm trên diện tích 7,31 hecta. Dùng đá Virginia, tòa nhà chính xây theo phong cách cổ điển của kiến trúc sư Ý Andrea Palladio. Sau đó, người ta dựng thêm một số công trình phụ, trong đó có dãy nhà thấp (thời Thomas Jefferson, năm 1807) và công trình này được tái kiến trúc năm 1902. Dãy Tây nối với Dãy điều hành ba tầng (xây năm 1902, trong đó có phòng làm việc của tổng thống); Dãy Đông nối với Cánh Đông (xây năm 1942). Tầng trệt gồm phòng giữ mũ áo, nhà bếp và thư viện. Tầng một được mở cửa cho công chúng tham quan, trong đó có Phòng Đông (lớn nhất Nhà trắng), dùng cho các cuộc tiếp đãi và tổ chức lễ lớn (thi hài Tổng thống thứ 25 William McKinley và Tổng thống thứ 35 J.F. Kennedy được quàn tại đây). Tầng một còn có Phòng xanh dương hình oval, nơi tổng thống tiếp khách; Phòng Đỏ dành cho các cuộc đón tiếp của đệ nhất phu nhân; Phòng xanh lục dùng cho các cuộc đón tiếp không chính thức; và Phòng chiêu đãi (State Dining Room) cho các buổi tiệc chính thức. Các ban bộ chiếm tầng thứ hai của tòa nhà chính. Tầng ba gồm chủ yếu phòng khách và khu hành chính.

Thời Thế chiến thứ nhất, Nhà trắng còn có cừu! Năm 1918, Tổng thống Woodrow Wilson mua một đàn cừu để chúng “cắt cỏ”. Việc này được thực hiện nhằm làm giảm hao tổn ngân sách thời chiến tranh (history.com)

Công trình Nhà trắng được kiến trúc sư Mỹ gốc Ireland James Hoban thiết kế (được chọn từ chín bản vẽ của các nhà thiết kế khác nhau đệ trình). Viên đá nền được đặt vào ngày 13-10-1792 và công trình hoàn thành cơ bản vào năm 1800. Trong cuộc chiến 1812, quân Anh đã đốt Nhà trắng vào ngày 4-8-1814 – theo từ điển Encarta 2000 (theo Los Angeles Times thì đó  là ngày 24-8-1814), thiêu hủy gần như hoàn toàn phần nội thất. James Hoban giám sát việc trùng tu, hoàn thành năm 1817, xây thêm cổng mái phía Nam (năm 1929, một tai nạn hỏa hoạn khác đã xảy ra, thời Tổng thống thứ 31 Herbert Hoover). Kiến trúc Nhà trắng được nâng cấp tổng quát từ năm 1948-1952, thời Harry Truman (dựng thêm khung thép để gia cố các bức tường đá).

Kết quả, số phòng được mở rộng thêm 132, so với 62 phòng ban đầu. Cuộc trùng tu tốn 5.761.000 USD. Từ năm 1964, theo lệnh Tổng thống thứ 36 Lyndon B. Johnson, Ủy ban bảo tồn Nhà trắng (Committee for the Preservation of the White House – CPWH) được thành lập, chịu trách nhiệm trang hoàng cho Tầng khánh tiết, do các nhà thầu tư nhân đảm nhiệm. Dù Quốc hội có quyền giám sát CPWH nhưng không còn quản lý tiền nong. Đệ nhất phu nhân Barbara Bush đã nghĩ ra việc lập một quỹ đóng góp từ các cá nhân giàu có dành riêng cho duy tu Nhà trắng…

Nhà trắng được trùng tu năm 1950 (National Archives)

Kiến trúc và nội thất gây nhiều tranh cãi

Nhà trắng đã được trang hoàng lại nhiều lần, theo phong cách riêng của các đời tổng thống. Năm 2000, sáu trong bảy phòng khánh tiết tại State Floor (Tầng khánh tiết) đã được tái trang hoàng. Đợt chỉnh trang lần này không thể hiện các chi tiết khác biệt, không như những lần trước, với những thay đổi rõ rệt (có thêm bộ đồ sứ Tàu do Nancy Reagan mang vào; phong cách trang trí kiểu Pháp theo lệnh Jacqueline Kennedy; thảm Ba Tư theo yêu cầu của Tổng thống thứ  tám Martin Van Buren…). Kiến trúc Nhà trắng và nội thất là đề tài tranh luận bất tận của các ông nghị, những vị chức sắc chịu trách nhiệm bảo tồn công trình và cả công chúng. Có lần, chỉ vì mua một bàn billiard hồi thập niên 1820, Tổng thống thứ sáu John Quincy Adams đã bị chỉ trích dữ dội. Đến đầu thập niên 1990, người ta bỗng bớt dòm ngó, thậm chí đang lúc tiến hành cuộc trùng tu tốn 1,78 triệu USD, bắt đầu từ năm 1993, trong đó có việc tu sửa Phòng Xanh dương, Phòng Đỏ, Phòng chiêu đãi, Phòng Đông, Sảnh ngang (Cross Hall) và Sảnh vào (Entrance Hall).

Ngôi nhà quan trọng nhất nước Mỹ từng thu hút nhiều cuộc cãi cọ. Chuyên gia nội thất R. Louis Bofferding cho rằng các tấm màn hoa mới thời Bill Clinton trong Tầng khánh tiết trông “quê một cục” (nguyên từ: “very Grosse Pointe” – ám chỉ địa danh quê mùa tại hạt Wayne, Tây Nam Michigan). Bofferding ủng hộ lối trang hoàng kiểu Pháp do nhà thiết kế Stéphane Boudin thực hiện thời Tổng thống thứ 35 J. F. Kennedy. Trong khi đó, John Wilmerding – giáo sư Đại học Princeton và là thành viên CPWH – lại chê phong cách Pháp.

Nhà bếp trong Nhà trắng (trong ảnh là bà Dolly Johnson, đầu bếp của Tổng thống Benjamin Harrison – Library of Congress)
Jerry Smith, người bắt đầu làm việc tại Nhà trắng thời Tổng thống Ulysses S. Grant cuối thập niên 1860, với nhiệm vụ của quản gia, đầu bếp, người gác cửa, người hầu cho đến khi nghỉ hưu khoảng 35 năm sau. Không lâu trước khi mất năm 1904 ở tuổi 69, Jerry Smith đã được đích thân Tổng thống Theodore Roosevelt đến thăm (Library of Congress)
Một buổi lễ Phục Sinh tại Nhà trắng năm 1898 (Library of Congress)

Trong 150 năm đầu, ngôi nhà 132 phòng này được trang hoàng đủ trường phái nghệ thuật. Kiến trúc đá do James Hoban thiết kế năm 1792 mang phong cách Palladian (từ kiến trúc sư Andrea Palladio thế kỷ 16), lấy cảm hứng theo những ngôi nhà tân cổ điển ở Ireland; trong khi đó, phần nội thất lại phản ánh phong cách thời thượng của Pháp, theo ý của Tổng thống thứ năm James Monroe (người có khuynh hướng thân châu Âu). James Monroe cùng phu nhân (Elizabeth) đã mang vào Nhà trắng 54 vật dụng của thợ đồ gỗ mỹ thuật lừng danh nước Pháp Pierre-Antoine Bellangé.

Sau cuộc đấu thầu năm 1903, Tổng thống thứ 26 Theodore Roosevelt đã mời công ty McKim, Mead & White thực hiện phần trang trí nội thất theo phong cách của nhà thiết kế Anh Robert Adams cuối thế kỷ 18. Đến lượt mình, phu nhân Grace Coolidge (của Tổng thống thứ 30 John Calvin Coolidge) lại thay đổi hàng loạt, theo phong cách “Liên bang” (Federal style, trường phái tân cổ điển kiểu Mỹ)… Sau cuộc đại trùng tu thời Tổng thống thứ 33 Harry Truman (1945-1953), thiết kế nội thất vẫn chưa có gì đặc biệt, cho đến lúc xuất hiện Jacqueline Kennedy. Đệ nhất phu nhân này mang vào Nhà trắng nhiều đồ cổ, tổ chức quyên tiền duy tu và thành lập một ủy ban làm việc năng động. Vợ chồng Kenndy còn thuê một chuyên gia trang trí nội thất hàng đầu của Mỹ và nhà thiết kế Pháp Stéphane Boudin. Ngày 14-2-1962, phu nhân Kennedy đã cho nước Mỹ xem toàn bộ nội thất Nhà trắng trên truyền hình.

Một tiệc chiêu đãi phu nhân các thượng nghị sĩ của Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy năm 1962 (John F. Kennedy Library)
Phòng ăn trong Nhà trắng năm 1963
Và năm 2015

Những gì gợi lên hình ảnh vương giả và hào nhoáng thời Kennedy sau này được thay đổi để mang nhiều tính cách Mỹ hơn. Phòng Xanh lục được sửa nhiều nhất. Thậm chí, người ta còn muốn thay luôn bộ mặt của Phòng chiêu đãi (như lớp gỗ sồi dán tường và 11 cái đầu thú do Theodore Roosevelt săn được, cảnh quan khiến các mệnh phụ trong CPWH dễ liên tưởng đến một câu lạc bộ dành riêng cho đàn ông). Tuy nhiên, việc thay lớp gỗ dán tường đồng nghĩa với việc đóng cửa Phòng chiêu đãi suốt hai năm. Một số nhà thiết kế còn cho rằng nội thất Nhà trắng thiếu bóng dáng nghệ thuật đương đại Mỹ, không theo cách giống những nhà thiết kế bậc thầy ở Pháp như Andrée Putman và Philippe Starck thể hiện cho Điện Élysée…

Ngày 1-11-1800, Tổng thống John Adams đến Dinh tổng thống, trên chiếc xe ngựa, lúc khoảng 1 giờ chiều. Công trình lúc đó còn dang dở, phân nửa số phòng chưa được trát vữa, chỉ mới xây xong một trong ba cầu thang và giàn giáo còn dựng ngổn ngang trong tầng hầm. Adams tiếp khách nguyên hôm đó. Cuối ngày, ông dùng bữa tối rồi lên lầu ngủ. Sử gia David McCullough nói rằng lúc đó hẳn Adams dò từng bước lên lầu, trong bóng tối, tay cầm ngọn đèn cầy. McCullough cũng kể thêm về bức thư Adams viết cho vợ (Abigail), không lâu sau khi đến Nhà trắng: “Tôi cầu Chúa ban phúc lành cho ngôi nhà này và tất cả những ai sẽ sống tại đây. Cầu mong rằng không ai trừ những người sáng suốt và thành thật sẽ nắm quyền cai trị dưới mái nhà này”.

Tại sao gọi là “Nhà trắng”?

Đây là câu hỏi mà hết thế hệ học sinh này đến thế hệ khác ở Mỹ cứ lập đi lập lại. Tòa nhà này lần đầu tiên được quét vôi trắng vào năm 1798, khi các bức tường được làm xong. Tại sao tòa nhà sau đó được sơn trắng thì không được rõ. Có lẽ các tổng thống không muốn tòa nhà trông bẩn khi vôi cũ. Tòa nhà có cái tên “Nhà trắng” vào đầu thập niên 1810, khi dân biểu Abijah Bigelow viết bức thư (đề ngày 18-3-1812) cho một người bạn, ba tháng trước khi Mỹ lâm chiến với Anh, nói rằng: “Có nhiều vấn đề ở Nhà trắng, như cách chúng ta vẫn hay gọi, ý tôi muốn nói đến Dinh tổng thống” (trích theo tác giả W. B. Bryan trong The Name White House – hồ sơ lưu của Hội sử học Columbia – năm 1932, trang 308). Tuy phổ biến nhưng cái tên “Nhà trắng” chỉ bắt đầu được chính thức hóa vào tháng 9-1901, dưới lệnh của Tổng thống Theodore Roosevelt.

@ theNewViet

XEM THÊM:

Lịch sử cái bàn Tổng thống Hoa Kỳ

Các gia đình Tổng thống sống trong Tòa Bạch Ốc như thế nào?