Là kiểu tóc mà anh Hiệp hàng xóm của tôi cắt cho chị Vân, vợ anh ấy. Anh Hiệp mê nàng Suzi Quatro (ngôi sao nhạc rock người Mỹ, nữ nhạc công đầu tiên chơi guitar bass, và đã phá vỡ định kiến về chuyện phụ nữ chơi nhạc rock hồi thập niên 70) và thể hiện sự đam mê đó bằng việc chơi những bản nhạc của Suzi và cắt tóc cho vợ giống y như Suzi…

Sau giờ học, tôi hay sang nhà anh Hiệp ngồi nghe anh ấy và mấy người bạn đàn hát. Họ thường chơi nhạc trong các đám cưới, hoặc bất cứ chỗ nào thuê họ chơi, như một nghề làm thêm kiếm sống. Chính nhờ những nhạc công nghiệp dư này mà tụi nhóc chúng tôi hồi ấy biết đến một thể loại âm nhạc khác hẳn so với những hành khúc trên tivi. Khi lần đầu tiên tôi nghe anh Hiệp hát những bản rock ballad của Suzi thì đã là những năm 86-87, nghĩa là chậm 12 -15 năm kể từ khi Suzi cho ra mắt album đầu tiên của cô. Trước đó, rock với tôi hoàn toàn xa lạ.

Căn phòng chưa đầy 10 mét vuông của vợ chồng anh Hiệp lúc nào cũng ngập tràn âm thanh của rock. Trên bốn bức tường, sau cánh cửa tủ quần áo, bên thành giường… dán đầy ảnh Suzi, Chris Norman cùng ban nhạc của cô, và cả những bức ảnh chụp chị Vân biểu diễn tiết mục xiếc đu bay. Họ ăn rock, ngủ rock và mơ rock. Phải rất nhiều năm sau này, tôi mới nhận ra, chính nhờ cái không gian chật chội nhưng vui tươi và rạo rực sức sống của vợ chồng anh Hiệp mà tôi có ý niệm về sự tự do tinh thần. Và có lẽ với anh Hiệp và thế hệ của anh ấy cũng vậy, họ đã vượt thoát thực tại khốn khó, vượt thoát khỏi căn phòng 10 mét vuông bằng âm nhạc và tự do bay bổng cùng những bản rock của Suzi.

 ?  ?  ?  ?  ?  ?  ?  ?  ?  ?  ?  ?

Bữa nọ, có việc đi bộ ngang qua chỗ nhà anh Hiệp ngày trước, tôi nhìn lên ô cửa sổ nhỏ xíu, nơi từng phát ra những giai điệu rock ballad từ cây guitar bass của anh, không còn giai điệu nào vang lên từ đó nữa. Ô cửa lặng câm giữa một mảng tường loang lổ vôi ve. Anh Hiệp mất đã lâu rồi. Tôi nghe hàng xóm cũ kể lại, trước khi mất, anh ấy vật vã bao nhiêu năm vì ma túy. Vâng, rock, rượu và ma túy. Đó có phải là căn cước của “tuổi trẻ lạc lối”? Chị Vân thì đã định cư ở nước ngoài từ nhiều năm nay, sau khi chia tay anh Hiệp. Tôi vẫn như nghe cái giọng trầm khàn của anh Hiệp vờn bên mái tóc Suzi của chị Vân đang lắc lư theo tiết tấu rạo rực đắm đuối của bản Stumblin’ in

Wherever you go, whatever you do

You know these reckless thoughts of mine are following you

I’m falling for you, whatever you do

‘Cos baby you’ve shown me so many things that I never knew

Whatever it takes, baby, I’ll do it for you…

Có lẽ, những ý niệm đầu đời của chúng ta về giấc mơ, tình yêu, tình bạn, cái chết và sự chia lìa… được định hình một phần là từ những cuốn sách, bộ phim, bản nhạc… nào đó. Theo năm tháng, những ý niệm ấy có thể thay đổi, và cách chúng ta đọc lại những cuốn sách đó, xem lại bộ phim đó, nghe lại bản nhạc đó cũng không giống như trước nữa, nhưng những hồi quang trong trẻo của tuổi niên thiếu thì dường như vẫn còn đó.

Những bản nhạc của Suzi và Chris Norman là những ký ức và âm vang tuyệt đẹp của thế hệ lớn lên trong những thập niên ’80-’90. Hơn thế, là phương cách để họ thể hiện ước muốn tự do, để vượt ra, để mơ mộng…