Nhiều năm trước, tôi đã phải trải qua cảm giác đối diện với cái chết khi kết quả xét nghiệm của bác sĩ kết luận: U Lympho non Hodking. May mắn là sau đó, các kết quả xét nghiệm ở các bệnh viện khác cho thấy đó chỉ là sự nhầm lẫn. Nhưng trong thời gian chờ đợi kết quả cuối cùng, tôi dường như đã trở thành một con người khác: quyết đoán hơn, đam mê hơn, sống trọn vẹn từng phút giây trong cuộc đời mình… Mỗi khi đối diện cái chết, con người ta hoặc là cảm thấy mọi điều trở nên hư vô và muốn buông xuôi trước mọi khó khăn, nhọc nhằn của cuộc sống, hoặc sẽ cảm thấy cái ước muốn được sống cho hết ý chí của mình.

Bốn năm trước, anh họ của tôi – người mà tôi không chỉ coi như một người anh, người mà tôi có thể trò chuyện và chia sẻ – đã rời bỏ cuộc sống sau những năm tháng triền miên tìm quên và lẩn tránh những nỗi đau buồn trong men rượu. Khi ngoái nhìn lần cuối cùng nấm mộ vừa đắp giữa cánh đồng trơ trụi chân rạ, tôi không còn giận anh họ mình vì chuyện anh ấy đã tự hủy hoại cuộc đời mình và chết một cách vô nghĩa từ từ như vậy nữa. Tôi từ biệt anh trong một cảm nhận rõ nét về ý nghĩa cuộc sống, về sự hữu hạn và quý giá của thời gian. Tôi không muốn mất thời gian của mình vì những thứ tầm phào, lãng nhách nữa. Ý nghĩa của cái chết có lẽ là ở đó: nó giúp những người đang sống quý trọng thời gian của mình hơn.

Cái chết hiện hữu thường trực trong cuộc sống con người, không có cách gì lẩn tránh nó. Khi một người bạn thân của tôi tự sát, tôi đã tự dằn vặt mình rất nhiều vì đã lần lữa hẹn bạn: “Tớ đi chơi về sẽ gọi cậu”, khi bạn ấy gọi điện cho tôi hai tuần trước khi mất. Tôi đã nghĩ, có thể khi gặp tôi, bạn sẽ không lựa chọn như vậy. Rồi bạn ấy trở về trong giấc mơ của tôi nhiều lần, cho đến một ngày, tôi ngủ mơ tiễn bạn ấy lên một chuyến tàu, có lẽ là chuyến tàu đưa bạn đến ga cuối cùng. Khi tỉnh giấc, tôi không thấy buồn, cũng không thấy sự ra đi của bạn thật phi lý nữa. Có lẽ đó là lựa chọn tốt nhất cho bạn. Tôi vẫn rất nhớ bạn, nhưng không còn bị ám ảnh vì sự vắng mặt của bạn nữa.

Có nhiều cách để hiện hữu trong cuộc đời này và bạn luôn hiện hữu trong ký ức của tôi. Có nhà văn nào đó đã nói: “Con người ta chỉ thực sự chết khi người sống quên họ!”. Đúng rồi, bị lãng quên, nghĩa là phải chết một lần nữa. Sự hiện hữu của một con người đôi khi rất rõ rệt, ngay cả khi người đó không còn ở bên cạnh chúng ta. Dường như họ chỉ đang đi xa đâu đó. Cái lẽ sinh tử dường như chỉ có thể tạo nên sự cách biệt về mặt không gian trần thế, còn thực ra họ vẫn sống, trong tâm tưởng và ký ức của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta hiểu ý nghĩa của cái chết theo hướng tiêu cực: đó là sự ra đi vĩnh viễn của một con người.

Nhưng, ngay cả khi còn sống, có những con người mà chúng ta đã từng gặp gỡ và sau đó hầu như chẳng bao giờ nghĩ tới họ nữa. Vậy có phải là họ đã “chết” trong lòng chúng ta ngay cả khi họ vẫn đang còn sống đấy không? Tôi nghĩ, cái chết chính là sự sống, dưới một trạng thái khác, và những người đã ra đi vẫn hiện hữu trong lòng bạn, trong ký ức của bạn khi bạn vẫn luôn nghĩ về họ, nhớ tới họ. Trong một ý nghĩa nào đó, sự ra đi của họ dường như lại khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn, chín chắn hơn và nhận biết thêm được những giá trị của cuộc sống. Nếu đúng như thế thì họ vẫn đang bao bọc và giúp đỡ bạn, ngay cả khi họ không còn ở bên cạnh bạn…

Trong câu chuyện với những người bạn, tôi thường nghe họ cảm thán: “Đời sống vô thường!”. “Vô thường của thế gian giống như những đổi thay nơi dòng sông Asuka. Dòng thời gian liên tục trôi, vạn vật luôn biến chuyển, cái vui cái buồn đến rồi đi, chốn thành đô hoa lệ năm xưa nay trở thành nơi hoang vắng không người lui tới. Căn nhà vẫn còn đó người xưa nay đã đâu rồi. Cây đào, cây lê trong vườn lầm lũi im lặng với thời gian, không biết cùng ai kể lại câu chuyện ngày xa xưa. Cảm xúc về sự vô thường càng thêm thấm thía khi nhìn dấu vết cung điện thủa nào còn để lại…” (Đồ nhiên thảo – Urabe Kenko). Cảm thức về thời gian là nỗi buồn lớn nhất của con người, và “vô thường quan” là một trong những quan niệm mang tính cốt tủy của văn chương cổ điển Trung Hoa và Nhật Bản. Nhưng các nhà thơ, nhà văn Nhật Bản không nói về tinh thần vô thường với nỗi sầu bi như các nhà thơ đời Đường của Trung Hoa. Không biết có phải do ảnh hưởng của thơ Đường không mà nhiều người trong chúng ta thường nghĩ về cái chết, về đời sống vô thường với một thái độ bi quan, sầu muộn.

 

Tôi cũng đã từng để cho nỗi sầu muộn đó gặm nhấm mình, cho đến khi bắt gặp áng văn tuyệt đẹp này trong cuốn tùy bút “Đồ nhiên thảo” của Urabe Kenko:

Nếu con người không bao giờ tan biến như những giọt sương trên cánh đồng Adasi, không bao giờ mất hút như những làn khói trên miệng núi Toribe, mà lại đeo đẳng vĩnh viễn trên thế gian này thì còn gì làm cho ta xúc động nữa! Điều quý báu nhất trong đời sống chính là nỗi vô thường… Trong mọi sinh vật, có gì sống lâu bằng con người. Hãy xem con phù du đón đợi chiều tà, con ve sầu mùa hạ chưa từng biết đến xuân thu. Dù ta chỉ sống êm ả trong vòng một năm thôi cũng là hạnh phúc vô song rồi. Thế nhưng, đối với những con người không biết nhàm chán thế gian thì một ngàn năm trôi qua cũng cầm bằng giấc mơ của một đêm thôi…”.

Chính vì hiểu được lẽ vô thường mà Urabe Kenko đã “sống êm ả”: “Cuộc đời là vô thường có nghĩa cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu hiểu được như thế tại sao con người ta không tinh tiến nỗ lực tu trì Phật đạo, từ bỏ tà niệm, u mê, vọng chấp về thế gian?”. Trích đoạn trên của Urabe Kenko đã làm vỡ lẽ trong tôi nhiều điều, để mỗi khi đối diện với cái chết và sự vô thường trong đời sống quanh mình, tôi lại nhớ đến “giọt sương trên cánh đồng Adasi”, “làn khói trên miệng núi Toribe” và “con phù du đón đợi chiều tà”…

Minh họa: Unsplash, Pixabay