Bài 8: MTV và pop điện tử

Thập niên 1980 là thập niên của sự bùng nổ kỹ thuật video. Đầu máy video xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ năm 1976 dưới chiến dịch tiếp thị rầm rộ của hãng JVC (Victor Co. of Japan). Năm 1981, thị trường Mỹ tiêu thụ 1,3 triệu đầu video và đến trước năm 1989, hơn 97 triệu hộ gia đình Mỹ đã sở hữu đầu video JVC. Thế hệ trẻ bắt đầu ghiền xem truyền hình và giải trí bằng video game.

Trong xu hướng này, Warner Communications trở thành hãng tiên phong trong việc ứng dụng kỹ thuật video và truyền hình vào công nghiệp âm nhạc. Cùng công ty American Express, Warner đầu tư 20 triệu USD để tung ra chương trình Music Television (MTV). Được giao nhiệm vụ dàn dựng các chương trình MTV, Robert Pittman (lúc ấy mới 28 tuổi) đã thực hiện chiến dịch quảng cáo rầm rộ mang tên “I want my MTV”, nhắm vào đối tượng trẻ dưới 25 tuổi mà đại đa số là dân làm biếng đọc sách báo, thậm chí báo giải trí. MTV đánh trúng tâm lý thế hệ choai choai và nhanh chóng trở thành chương trình được ưa chuộng nhất trong lòng giới trẻ.

Bon Jovi

Với mục tiêu phát sóng 24/24, MTV bắt đầu tìm kiếm những nhóm nhạc thời trang và lăng xê họ lên màn ảnh nhỏ. Một trong những nhóm đầu tiên thuộc loại này là Duran Duran. Thành lập năm 1978 với hai thành viên, đến năm 1981, Duran Duran đã trở thành nhóm nhạc có năm thành viên, chuyên sử dụng nhạc cụ điện tử, góp phần tạo ra cái gọi là pop điện tử. Nhờ MTV và video, Duran Duran nhanh chóng nổi tiếng từ ngay album đầu tay mang tên nhóm. Sau đó, MTV giới thiệu hàng loạt nhóm pop điện tử khác, trong đó có Spandau Ballet xuất xứ từ Anh.

Đến trước năm 1983, MTV đã lan rộng khắp nước Mỹ và sau đó đổ bộ vào châu Âu. Cũng trong thời gian này, MTV tạo ra hiện tượng “Michaelmania” khi lăng xê Michael Jackson bằng các buổi phát sóng album Thriller. Thành công của Michael Jackson, do đó, không thể không kể đến sự dàn dựng của MTV. Cũng nhờ MTV, album Thriller bán được với mức kỷ lục: trung bình cứ bốn ngày, bán được một triệu bản. Thriller nằm trong top Nhật suốt 65 tuần và đĩa này thậm chí còn xuất hiện ở Liên Xô cũng như Nam Phi.

Sự thành công của Duran Duran, Michael Jackson… mở đường cho nhiều ca sĩ và nhóm nhạc khác. Nhóm Culture Club với ca sĩ Boy George, nhóm Eurythmics với Annie Lennox, Wham với George Michael (tên thật là Georios Panayiotou) và nhất là “cô gái xác thịt” Madonna. Trong thập niên 1980, còn có nhiều ca sĩ độc lập, thành đạt từ giai đoạn này – giai đoạn có tỉ lệ ca khúc thuộc loại hay nhiều hơn bất cứ thập niên nào khác. Lionel Ritchie với Hello; Janet Jackson với Dream street, Whitney Houston với How will I know, Saving all my love for you; Prince (tên đầy đủ Prince Rogers Nelson) với Purple rain; Cyndi Lauper với Time after time; Stevie Wonder với I just called to say I love you

Whitney Houston
1980’s cũng là thời hoàng kim của Madonna

Thập niên 1980 cũng là giai đoạn hoàng kim của metal rock với những giai điệu trau chuốt hơn so với thời thập niên 1970. Nhóm tiêu biểu đầu tiên là Van Halen do anh em Alex và Eddie Van Halen (gốc Hà Lan) thành lập. Như hầu hết nhóm nhạc thời đó, Van Halen được MTV quảng cáo rầm rộ, nhất là sau khi Eddie Van Halen thực hiện cú chạy ngón “cực kỳ dã man” trong bài Beat it cho Michael Jackson. Tuy thế, Def Leppard mới là nhóm hoàn thiện giai điệu metal. MTV đã góp phần mang lại thành công cho Pyromania của Def Leppard. Ngoài ra, giai đoạn này còn phải kể đến Motley Crue. Năm 1984, độc giả các tạp chí Hit ParaderCircus đã bình chọn Motley Crue là nhóm rock trong năm. Cuối cùng, gương mặt rock đáng kể trong thập niên 1980 là Bon Jovi (tên thật John Bongiovi). Sự thành công của Bon Jovi đã mở đường cho sự ra đời của hàng loạt nhóm pop-metal vào cuối thập niên 1980: Poison, Winger, White Lion, Tora Tora, Kingdom Come…

@ theNewViet