Tạm biệt Winston Groom, tác giả “Forrest Gump”
Winston Groom, tác giả quyển tiểu thuyết nổi tiếng “Forrest Gump” ấn hành năm 1986, đã từ trần ngày 17-9-2020. “Forrest Gump” được Paramount Pictures dựng thành phim năm 1994 với diễn xuất của Tom Hanks đã trở thành một hiện tượng văn hóa…
Winston Groom sinh ngày 23-3-1943 tại thủ đô Washington DC, lớn lên ở hạt Mobil, bang Alabama, theo học dự bị ở Trường Đại học Quân sự gọi là UMS-Wright Preparatory School. Ông mơ ước hành nghề luật sư như cha nhưng rồi khi làm biên tập viên lúc còn học đại học, ông lại muốn viết văn. Ông vào học ở Đại học Alabama, trở thành thành viên của hội Tam điểm Delta Tau Delta và tham gia lực lượng dự bị ROTC của quân đội Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1965, ông phục vụ hai năm trong quân đội, sang chiến đấu ở Việt Nam trong Sư đoàn 4 Bộ binh từ năm 1966 tới năm 1967. Sau khi trở về từ Việt Nam, ông làm phóng viên cho tờ Washington Star, tờ báo ở thủ đô Washington, D. C. chuyên tường thuật những phiên họp của Bộ Tư pháp và những phiên tòa Liên bang. Nhưng làm phóng viên chỉ một thời gian ngắn, ông nghỉ việc để dành thời gian viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết đầu tiên của ông có nhan đề “Better Times Than These” viết về những người lính chiến đấu ở Việt Nam, xuất bản năm 1978.
Cuốn tiểu thuyết thứ hai có nhan đề “As Summers Die” ấn hành vào năm 1980 được đón nhận tích cực hơn. Tác phẩm thứ ba có nhan đề “Conversations with the Enemy” (Đối thoại với kẻ thù) ấn hành năm 1982 kể câu chuyện một người lính Mỹ bị quân đội Cộng sản bắt làm tù binh, đã trốn thoát khỏi trại tù, lên máy bay trở về Mỹ, nhưng cuối cùng lại bị bắt 14 năm sau đó vì tội đào ngũ.
Năm 1985, ông trở lại hạt Mobile, bang Alabama, để viết “Forrest Gump”, cuốn tiểu thuyết kể lại câu chuyện một chàng trai bị thiểu năng trí tuệ mà ông đã nghe cha ông kể. Cuốn tiểu thuyết được hoàn thành chỉ sau 6 tuần, ấn hành năm 1986. Năm 1994, quyển tiểu thuyết được đạo diễn Robert Zemeckis dựng thành phim. Bộ phim “Forrest Gump” thành công vang dội và cuốn tiểu thuyết “Forrest Gump” của ông bán được 1,7 triệu cuốn trên thế giới. Tuy nhiên hãng phim Paramount Pictures gian dối trong việc công bố doanh thu phòng vé nên Winston Groom chẳng nhận được một đồng nào từ khoản 3% doanh thu lẽ ra ông được hưởng. Tháng 11-2011, ông cho xuất bản tác phẩm cuối cùng là cuốn khảo cứu lịch sử có nhan đề “Kearny’s March: The Epic Creation of the American West, 1846–1847”; và năm 2016, “El Paso”, cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, được xuất bản.
Bộ phim “Forrest Gump”
Năm 1994, Robert Zemeckis làm đạo diễn bộ phim “Forrest Gump” dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của Winston Groom. Bộ phim đạt doanh thu phòng vé kỷ lục 677 triệu USD trên khắp thế giới và mang lại sáu giải Oscar, trong đó có giải Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (cho Tom Hanks) và Đạo diễn xuất sắc nhất (cho Robert Zemeckis). Bộ phim “Forrest Gump” kể về lịch sử nước Mỹ thời hiện đại qua cuộc đời của chàng ngố Forrest Gump có chỉ số IQ rất thấp. Chuyện phim ”Forrest Gump” như sau:
Năm 1981, Forrest Gump (Tom Hanks) ngồi ở trạm xe buýt tại thành phố Savannah, bang Georgia, nhặt được một chiếc lông chim đang rơi xuống theo cơn gió và bất chợt nhớ lại thời thơ ấu vào thập niên 1950 ở thành phố Greenbow, bang Alabama, bên người mẹ đơn thân (Sally Field đóng). Anh bị teo cơ chân, phải mang nẹp sắt và bị thiểu năng trí tuệ (chỉ số IQ chỉ có 75) nhưng cũng được nhận vào một trường công lập sau khi mẹ anh phải hiến thân cho ông hiệu trưởng.
Vào ngày nhập học, anh kết bạn với cô bé Jenny Curran cùng tuổi, rất hiền dịu, nhưng bị chấn thương tinh thần sâu sắc vì bị lạm dụng từ nhỏ. Với sự khích lệ của Jenny, anh đã vụt chạy, bỏ hết nẹp sắt ở chân khi bị một đám bạn học vây đánh; và một ngày kia khi bị đám bạn này truy đuổi, anh đã chạy thật nhanh ngang qua một sân bóng đang có huấn luyện viên huyền thoại Paul “Bear” Bryant dẫn dắt một đội bóng. Paul “Bear” Bryant, thán phục khả năng chạy nước rút của anh, xin được cho anh một học bổng để theo học ở Đại học Alabama, và thành tích lừng lẫy của anh trong màu áo đội tuyển quốc gia Mỹ của NCAA vài năm sau đó đã giúp anh diện kiến Tổng thống John F. Kennedy.
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh nhập ngũ và kết bạn với chàng tân binh Benjamin Buford Blue, biệt danh “Bubba” (Mykelti Williamson đóng), một người mơ ước làm chủ một chiếc tàu câu tôm. Anh và “Bubba” phải sang chiến đấu ở Việt Nam dưới quyền chỉ huy của trung úy Dan Taylor (Gary Sinise đóng). “Bubba” bị tử thương trong một trận phục kích trong khi nhiều đồng đội bị thương, trong đó có trung úy Dan Taylor bị đứt cả hai chân. Forrest Gump đã dũng cảm cứu trung úy Dan Taylor và các đồng đội bị thương nên được Tổng thống Lyndon B. Johson trao tặng Huy chương Danh dự ở Nhà Trắng. Trong một cuộc tuần hành chống chiến tranh ở thủ đô Washington DC, anh gặp lại cô bạn Jenny khi ấy đang theo phong trào hippie sau khi bị đuổi học vì đã cho một tờ báo đăng những bức ảnh hở ngực. Anh rất vui mừng khi gặp nàng nhưng nàng đã rời xa anh để đi theo những người bạn hippie.
Trong thời gian dưỡng thương, anh chợt phát hiện ra mình có năng khiếu đánh bóng bàn, bỏ công sức tập luyện đánh bóng bàn và được chọn làm tuyển thủ bóng bàn để giao đấu với các tay vợt của Trung Quốc vào thời kỳ Mỹ và Trung Quốc thực hiện cái gọi là “chính sách ngoại giao bóng bàn”. Anh tình cờ gặp lại trung úy Dan Taylor khi ấy đã ngồi xe lăn và trở thành một kẻ nát rượu. Trong một kỳ nghỉ cùng với Dan Taylor, anh nói về giấc mơ không thành của bạn đồng đội “Bubba” và khuyến khích ông cùng với anh sắm một chiếc tàu để đi câu tôm. Khi giải ngũ, anh được thưởng 25.000 USD vì thành tích khi thi đấu bóng bàn và số tiền này được dùng để mua một chiếc tàu đi câu tôm.
Sau trận bão Carmen, chiếc tàu của anh và Dan là chiếc tàu duy nhất còn lại trên biển, đã đánh bắt được vô số tôm. Với tiền lời kiếm được, anh và Dan mua nhiều chiếc tàu câu tôm và Dan còn mua cổ phiếu của công ty Apple, cuộc sống được đảm bảo cho đến hết đời. Khi trở về nhà, Forrest Gump thấy mẹ bệnh nặng và anh ở cạnh săn sóc mẹ cho đến khi bà từ trần. Anh tặng tiền cho nhiều tổ chức từ thiện và sống đạm bạc trong ngôi nhà thời thơ ấu nhưng nhiều lúc thấy rất cô đơn và luôn nhớ tới Jenny. Ngày kia, Jenny trở lại và anh ngỏ lời cầu hôn, nhưng nàng từ chối vì tự cho là quá khứ của nàng không trong sạch. Sau một đêm ở với anh, nàng lại ra đi và anh chán nản rời nhà, bắt đầu một cuộc chạy bộ kéo dài suốt ba năm rưỡi… Thế rồi một ngày, anh nhận được bức thư của Jenny, mời anh tới nhà. Nàng cho biết nàng có một đứa con, cũng đặt tên là Forrest. Jenny và anh trở về Greenbow với đứa con nhỏ, làm lễ thành hôn với sự tham dự của trung úy Dan và vị hôn thê của ông. Jenny chết ít lâu sau vì bệnh AIDS và Forrest phải làm gà trống nuôi con.
Cảnh kết thúc phim là cảnh đứa con nhỏ vừa lên xe buýt để tới trường, chiếc lông chim lại rời khỏi tay Forrest Gump để bay theo cơn gió. Hình ảnh chiếc lông chim bay theo cơn gió trong cảnh mở đầu và trong cảnh kết của phim thể hiện triết lý về cuộc sống Zemeckis muốn gởi gắm vào những cảnh phim về cuộc đời chàng ngố Forrest Gump.
Phải chăng mỗi người có một số phận đã được an bài từ trước? Câu trả lời của Forrest Gump là: “Tôi không biết mỗi người trong chúng ta có một số mệnh hay là chúng ta bay đó đây một cách tình cờ theo cơn gió nhẹ, nhưng tôi nghĩ có lẽ là cả hai. Có lẽ cả hai xảy ra cùng một lúc” (I don’t know if we each have a destiny, or if we’re all just floating around accidental-like on a breeze, but I, I think maybe it’s both. Maybe both is happening at the same time). Mỗi người đều có một cuộc đời được an bài bởi định mệnh, nhưng cũng có những yếu tố ngẫu nhiên làm thay đổi cuộc đời; và trong đó, tự do có một vai trò đáng kể trong việc định hình số phận của chúng ta.