Tuyển dụng nhân sự là một nghệ thuật và bây giờ nó thậm chí trở thành một khoa học. Nghiên cứu mới về cách thức tuyển dụng nhân sự cho thấy nhiều lý thú bất ngờ…

Turhan Canli có một bộ ảnh kỳ lạ, trong đó gồm vài bức chụp mặt người, một số tấm chụp chữ “chết”, “hạnh phúc”, hoặc vài bức chụp rắn độc hay chó sủa… Với bộ ảnh này, nhà tâm lý học Canli thuộc Đại học New York đưa cho Robert Sheiman xem đồng thời yêu cầu đối tượng chụp não bằng hệ thống fMRI (functional magnetic resonance imaging – chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng). Khi các bức ảnh lần lượt xuất hiện, Sheiman thể hiện cảm xúc (thích, không thích hoặc bình thường) bằng cách nhấn nút tương ứng. Loại ảnh xuất hiện nhiều nhất là mặt người kèm theo một từ. Sự liên hệ giữa mặt người và từ đôi khi không rõ ràng, chẳng hạn một gương mặt hạnh phúc đi kèm từ “ghế đẩu”.

Quá trình kéo dài khoảng một tiếng và phản ứng biểu cảm của đối tượng đã có thể giúp Canli phác họa đương sự là người có cá tính như thế nào. Liệu có thể dùng máy quét não để nhận biết cá tính? Canli tin rằng hoàn toàn có thể. Đối với tuyển dụng nhân sự, việc tìm ra cá tính ứng cử viên là điều phức tạp. Tuy nhiên, các nhà khoa học như Canli cho rằng bằng kỹ thuật, người ta có thể tìm được ứng cử viên thích hợp nhất cho một công việc cụ thể, đặc biệt khi môi trường xin việc ngày càng có nhiều ứng cử viên bằng cấp cao và trình độ ngang ngửa, khiến viên chức tuyển dụng cảm thấy khó khăn trong lựa chọn.

Với một số vị trí quan trọng, “giá trị thể hiện nhỉnh hơn hoặc kém hơn một chút thôi cũng có thể là cực kỳ quan trọng xét ở yếu tố lợi lộc đầu tư” – phát biểu của Ivan Robertson thuộc công ty tâm lý doanh nghiệp Robertson Cooper. Trong một nghiên cứu, hãng tư vấn Tổ chức Tương lai (The Future Foundation) cùng công ty đo nghiệm tâm lý (psychometric) SHL của Anh cho biết hiệu suất làm việc kém đã làm thiệt hại hơn 22 tỉ USD tại Anh và hơn 100 tỉ USD tại Mỹ. Do vậy, việc tìm ra ứng cử viên thật sự thích hợp với loại công việc cụ thể tỏ ra ngày càng quan trọng. Điều này gần như chỉ có thể thực hiện bằng kỹ thuật (khoa học) hơn là nghệ thuật (phỏng vấn), bởi não ứng cử viên không bao giờ có thể nói dối và kỹ thuật fMRI cũng không là thầy bói gà mờ.

Kiểm tra cá tính đang là một trong những xu hướng lớn nhất tại Mỹ, trở thành ngành công nghiệp trị giá 400 triệu USD/năm và đang tăng 8%/năm. Có nhiều hình thức kiểm tra cá tính ứng cử viên. Một trong những phương pháp phổ biến lâu nay là bảng câu hỏi, chẳng hạn bảng Myers-Briggs Type Indicator với bốn trắc nghiệm tương phản (hướng nội-hướng ngoại; cảm giác-trực giác; suy nghĩ-cảm nhận; phán xét-lĩnh hội). Ứng cử viên sau đó được phân loại bằng bốn chữ cái, chẳng hạn “ESTJ” (viết tắt từ extroverted, sensing, thinking, judging – có nghĩa “có tinh thần quan tâm, có cảm nhận, biết suy nghĩ và có óc phán xét”. Loại “ESTJ” là hạng mức chấm cho ứng cử viên xin vào vị trí lãnh đạo.

Hiện 89 trong 100 công ty lớn nhất Mỹ có mặt trong bảng xếp hạng chuyên san kinh tế Fortune và hàng ngàn công ty nhỏ khác đang dùng phương pháp Myers-Briggs để tuyển dụng cũng như đề bạt nhân sự. Ngoài ra, còn có hệ thống Minnesota Multiphasic Personality Inventory (MMPI), được sử dụng để tìm ra cá tính xấu. 60% cơ quan cảnh sát Mỹ hiện dùng MMPI (phương pháp này đã được dịch sang hơn 100 ngôn ngữ trong đó có tiếng Hoa, Nga và Arab). Gần đây hơn, còn có NEO Personality Inventory (Neuroticism, Extroversion & Openness – Nhận định cơ sở thần kinh học, khả năng hướng ngoại và tính cởi mở), theo công thức gần giống Myers-Briggs. Đó là chưa kể OPQ (Occupational Personality Questionnaire – Bảng câu hỏi cá tính nghề nghiệp).

Chưa dừng lại, người ta tiếp tục xoi rọi vào “khoa học cá tính” bằng nhiều phương pháp khác. Vai trò của gien là một trong những lĩnh vực mới nhất đang nhắm đến. “Chúng ta có chung một số gien nhưng cũng tồn tại sự khác biệt tinh tế giữa người này với người kia và liên quan đến nhận định cơ sở thần kinh học” – Canli cho biết. Chẳng hạn, có hai dạng khác nhau của một gien giữ nhiệm vụ điều phối serotonin (chất dẫn truyền thần kinh liên quan cảm xúc) – một ngắn và một dài. Mỗi người đều hai bản sao của gien này (một từ bố và một từ mẹ). Ai có hai bản sao ngắn thường là người dễ bị kích thích, tâm tính nóng nảy.

Nhà tâm lý học Thụy Điển Eva Longato-Stadler từng phát hiện rằng tội phạm có nhân cách rối loạn đều có nồng độ enzyme gọi là monoamine oxidase thấp hơn so với bình thường mà enzyme này lại có ảnh hưởng đến việc não dùng hoặc tổng hợp serotonin… Khoa học rõ ràng ngày càng có nhiều cách thức mới để tiến sâu vào vùng đất đầy bí ẩn của bản thể con người và việc tìm được ứng cử viên xứng đáng cho một vị trí nhất định (đối với tuyển dụng nhân sự) chỉ là một ứng dụng trong nhiều ứng dụng thực tế của sự “xét người qua não” này.