Sức mạnh kim tiền có thể mua cả… địa chính trị
Sức mạnh quân sự vẫn quan trọng nhưng cạnh tranh kinh tế và công nghệ đang trở thành chiến trường chính của chính trị toàn cầu. Câu hỏi về việc một nhà sản xuất chất bán dẫn sẽ xây dựng nhà máy tiếp theo ở đâu hay liệu các công ty xe hơi Đức hạn chế đầu tư vào Trung Quốc hay không, bây giờ, không hẳn thuộc về quyền quyết định tuyệt đối của các nhà hoạch định chính sách, mà đang nghiêng về giới chủ các đại công ty. Những câu hỏi như vậy đang là trung tâm của hầu hết cuộc tranh luận lớn về chính sách đối ngoại.
Trong một cuộc thăm dò 500 nhà đầu tư gần đây, địa chính trị được xếp hạng là rủi ro hàng đầu đối với nền kinh tế và thị trường toàn cầu vào năm 2024. Một phần của mối lo ngại này là do nhịp độ xung đột toàn cầu ngày càng nhanh, với các cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông cũng như những lo ngại về khủng hoảng ở eo biển Đài Loan.
Nhìn chung, nhiều thay đổi mang tính kiến tạo đang diễn ra, khiến các tập đoàn trở thành chủ thể trên sân khấu địa chính trị. Nói cách khác, khi các chính phủ dựa vào những luật chơi kinh tế và chính sách công nghiệp để đạt mục đích địa chính trị, các tập đoàn ngày càng trở thành đối tượng và công cụ của chính sách đối ngoại.
Tại Mỹ, một số ưu tiên trong chính sách đối ngoại chính, chẳng hạn khuyến khích chuỗi cung ứng năng lượng sạch bền vững hoặc làm chậm tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, đều phụ thuộc vào hàng nghìn chủ thể doanh nghiệp riêng lẻ, những người mà lợi ích của họ không phải lúc nào cũng phù hợp với lợi ích của chính phủ Hoa Kỳ.
Tầm quan trọng của cạnh tranh kinh tế đối với các vấn đề đối ngoại ngày nay đang thể hiện sự khác biệt rõ rệt so với quá khứ. Thời Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ và Liên Xô hầu như không tương tác về mặt kinh tế. Thương mại giữa hai nước đạt đỉnh điểm $4.5 tỷ vào năm 1979. Trong khi đó, những năm gần đây, mỗi tuần hoặc hai tuần, giao dịch kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt con số trên.
Thời hậu Chiến tranh Lạnh, chính sách đối ngoại của Mỹ tập trung vào việc mở cửa thị trường và giảm bớt các rào cản kinh tế quốc tế, chứ không phải dựng lên. Hội nhập kinh tế toàn cầu dẫn đến nhiều thay đổi sâu sắc. Năm 1980, thương mại chỉ chiếm 37% GDP toàn cầu. Ngày nay, con số đó là 74%, và các nền kinh tế đã trở nên gắn bó với nhau ở mức độ chưa từng thấy trong thế kỷ XX. Hội nhập kinh tế sâu rộng hơn cũng đã tạo ra một mạng lưới liên kết phức tạp giữa các đối thủ địa chính trị mà giới hoạch định chính sách ngày nay vẫn tiếp tục tìm cách tận dụng để đạt được những mục tiêu chiến lược.
Tuy nhiên, bối cảnh “thế giới toàn cầu” ngày nay rất khác với “thế giới toàn cầu” khi Thomas Friedman viết quyển The World Is Flat cách đây gần tròn 20 năm. Khi căng thẳng giữa các cường quốc gia tăng, những lĩnh vực bị vướng vào xung đột mà các học giả Henry Farrell và Abraham Newman gọi là “sự phụ thuộc lẫn nhau được vũ khí hóa” (“weaponized interdependence”) cũng tăng theo.
Thử xem xét cách các nước G-7 lợi dụng sự phụ thuộc của Nga vào các công ty bảo hiểm vận chuyển có trụ sở ở phương Tây. Để hạn chế giá xuất khẩu dầu của Nga, G-7 đã ngăn cản các công ty này bảo hiểm cho các chuyến hàng dầu thô của Nga trừ khi chúng được bán ở mức tối đa $60/thùng. Người ta còn nhớ, năm 2010, sau khi một tàu đánh cá Trung Quốc và tàu của Lực lượng Tuần Duyên Nhật va chạm trong vùng biển tranh chấp, Trung Quốc lập tức cấm xuất khẩu sang Nhật các khoáng chất đất hiếm (vốn là thành phần quan trọng của pin và thiết bị điện tử).
Xung đột địa chính trị ngày nay khiến các công ty hoạt động ở nhiều quốc gia buộc phải lựa chọn đường đi nào là hợp lý. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, nhiều công ty đã phải đóng băng. Nếu tiếp tục hoạt động, họ sẽ đối mặt các lệnh trừng phạt phương Tây; nếu họ quyết định rời Nga, họ sẽ gặp phải sự phản đối từ Moscow. Gần đây hơn, một số công ty tư vấn Mỹ đã bị vướng vào mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Saudi Arabia, khi Quốc hội Hoa Kỳ yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về các hợp đồng của họ với Saudi Arabia (trong khi Riyadh nghiêm cấm họ xì ra).
Washington đang khôi phục hoạt động sản xuất chất bán dẫn, nhưng sự thành công của chính sách này, với Đạo luật CHIPS, còn phụ thuộc (một phần) vào cách Bộ Thương mại Hoa Kỳ phân bổ khoản trợ cấp $39 tỷ trong năm năm tới. Một yếu tố quan trọng hơn nữa là liệu nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC có mạo hiểm xây dựng nhà máy sản xuất tại Mỹ hay không (bởi chi phí cao và nguồn nhân lực tương đối khan hiếm), và liệu tập đoàn khổng lồ Apple có mua những con chip đắt sản xuất ở Mỹ hay họ tiếp tục chọn hàng nhập rẻ hơn từ châu Á.
Không ví dụ nào rõ bằng cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc – hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất, cạnh tranh nhau dữ dội nhất và cũng gắn kết nhiều nhất. Cả hai đều muốn thống trị toàn bộ nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21, giành ưu thế về công nghệ điện toán, công nghệ sinh học và năng lượng sạch. Anh nào cũng muốn tăng cường sức mạnh riêng đồng thời tìm mọi cách “bẻ càng” đối thủ. Trung Quốc gọi đó là “sự tự lực”. Washington gọi đó là “giảm rủi ro”.
Trong thực tế, những động lực do nhà nước bảo trợ nhằm tăng cường khả năng tự chủ đã được áp dụng ở hầu hết các nền kinh tế lớn, đặc biệt sau sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19. Foreign Affairs ngày 11 Tháng Ba 2024 cho biết, số quốc gia bắt đầu áp dụng hoặc mở rộng việc “sàng lọc đầu tư” (investment screening) đã tăng từ ba nước trong giai đoạn 1995-2005 lên 54 quốc gia trong giai đoạn 2020-2022. Cùng lúc, quá trình tái lập chuỗi cung ứng cũng dẫn đến việc thúc đẩy dựng lên các rào cản thương mại. Ngoài ra, vấn đề an ninh quốc gia cũng được đề cao, khi các quốc gia tìm cách bảo vệ mọi thứ, từ phần mềm, vi mạch, dược phẩm đến thậm chí nguồn thực phẩm.
Nhìn chung, trong môi trường mới và bối cảnh mới, sự thành công hay thất bại của việc hoạch định chính sách đối ngoại dần phụ thuộc vào việc ra quyết định của doanh nghiệp. Kiểm soát xuất khẩu và chính sách trừng phạt chỉ có hiệu quả nếu các công ty ủng hộ. Các chính sách và trợ cấp công nghiệp chỉ có hiệu quả nếu người ta đáp ứng được những yêu cầu mà các doanh nghiệp đưa ra. Hơn nữa, các công ty chỉ chăm bẳm việc kiếm tiền. Đó là lý do Tesla xây dựng nhà máy khổng lồ ở Trung Quốc, bất chấp căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh. Bây giờ, nếu Bắc Kinh bật đèn xanh cho Facebook hoạt động ở Trung Quốc, Mark Zuckerberg sẵn sàng tung hô “vạn tuế, vạn tuế” Tập Cận Bình.
Tổng quát, địa chính trị ngày nay không thể không xét đến vai trò của giới kinh doanh. Việc thích ứng với thực tế địa chính trị mới này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải thay đổi mô hình và chiến lược đối ngoại. Đã qua rồi thời của Brent Scowcroft, người từng là cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Gerald Ford và George H. W. Bush, đồng thời là một chiến lược gia bậc thầy nhưng lại mù tịt bất cứ điều gì liên quan kinh tế.
Một phần trong câu chuyện này một lần nữa cho thấy, việc thiết kế chiến lược đối ngoại ngày càng trở nên khó khăn. Trong khi đó, khả năng đàm phán các hiệp định thương mại của Washington lại trở nên phức tạp do thực tế là Hoa Kỳ đang trong quá trình xem xét lại chính sách kinh tế trong nước một cách đáng kể nhất trong nhiều thập niên. Với bên ngoài, cả Tổng thống Joe Biden lẫn cựu Tổng thống Donald Trump đều muốn đánh Trung Quốc. Tuy nhiên, các đại công ty Mỹ đang làm ăn trên đất Trung Quốc không bao giờ muốn chứng kiến màn choảng nhau u đầu mẻ trán giữa Washington và Bắc Kinh; và điều quan trọng là họ đang trở thành “rào cản”, xét ở góc độ nào đó, bởi ảnh hưởng ngày càng lớn của họ lên chính sách đối ngoại.