Lại một mùa thi cử tuyển sinh sắp đi qua. Lại một thế hệ chuẩn bị ngồi vào ghế giảng đường tiếp tục mài đũng quần bốn năm sau 12 năm đằng đẵng. Mình là người luôn có nhiều suy nghĩ về rất nhiều thứ, nhưng không phải lúc nào cũng có được thời gian để ngồi xuống và viết. Nhưng mà chủ đề này, nó đã lăm le chực tràn ra trong đầu mấy hôm nay. Kiểu không viết ra thì nó sẽ cứ tức tức như một cái nhọt vậy. Nên thôi, thì viết. Hy vọng mang lại được chút ít giá trị cho đúng người cần đọc, và đúng thời điNên thôi, thì viết. Hy vọng mang lại được chút ít giá trị cho đúng người cần đọc, và đúng thời điểm nên đọc.

Bạn thuộc loại nào?

Có rất nhiều kiểu phân loại năng lực của một cá nhân, nhưng trong phạm vi bài viết này, để đơn giản nhất, mình xin được chia thành hai loại: những người làm gì cũng được và những người chỉ làm được vài thứ cụ thể. Và với cả hai loại thì chọn sai con đường để đi đều để lại hậu quả không hề nhỏ.

Làm gì cũng được không hẳn là toàn năng mà nó bắt đầu với việc có khả năng tiếp thu và bắt chước cái mới nhanh. Tuy nhiên, với sự ngông nghênh năm 18, 20 tuổi thì những người này thường ít khi bỏ công sức tìm hiểu sâu xa đúng đủ con đường nào để làm căn cứ cho việc trau dồi kiến thức, kỹ năng liên quan cần thiết. Cô/cậu học sinh này có khuynh hướng chọn một trường có vẻ “rộng đường” kiểu như Bách khoa, Kinh tế, Ngoại thương, hoặc một ngành đang trendy. Vài năm sau, người sinh viên mới tốt nghiệp lại dựa vào một sở thích tức thời, thu nhập cao hơn mặt bằng chung, hay một vị trí nhìn fancy, và thế là làm thôi. Giỏi mà, sợ gì không làm được, mà không thích nữa thì thay đổi. Khả năng học hỏi và thích ứng tốt nó như một món quà Trời cho mà cũng là một lời nguyền. Bởi những người này tự tin có thể sống tốt với thu nhập dù là làm gì; nhưng, sự thoải mái về tài chính sẽ làm lu mờ sự thôi thúc trả lời được câu hỏi MÌNH LÀ AI VÀ MÌNH CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ LÀ NGƯỜI XUẤT SẮC NHẤT? Cuối cùng, khi đi hết 1/3 quãng đường sự nghiệp nhưng vẫn không biết mình thực sự thích cái gì, làm cái gì cũng một thời gian lại chán, và tất nhiên chưa thể ngồi vào vị trí senior leader vì không đủ khả năng và có chuyên môn đỉnh cao trong lĩnh vực nào cả.

Loại thứ hai là những người chỉ có năng lực (hoặc nghĩ như vậy) trong vài lĩnh vực cụ thể. Hình ảnh sơ khởi là các em học sinh chỉ học tốt được vài môn nào đó. Điều đó giới hạn luôn trường và ngành mà các em chọn để thi. Mà thực sự, các môn học ở trường phổ thông hiện nay có lẽ là cái lưới tệ hại nhất để làm cái việc việc sàng lọc tiềm năng của lực lượng lao động tương lai. Các bạn này sẽ khá gắn bó với một con đường được hình dung là đúng sức của mình. Hên thì nó là hợp với các bạn thật. Xui thì các bạn sẽ là một nhân sự làng nhàng cả một đời, vì 10 năm trôi qua rồi, đang có một gia đình nhỏ để nuôi, không đủ dũng khí để gạt đi hết làm lại từ đầu.

Minh họa: Unsplash

Ờ, mình dùng chữ HÊN XUI, vì rất nhiều thứ trong môi trường văn hóa, xã hội nước mình và bối cảnh thời đại khiến cho việc lựa chọn con đường sự nghiệp giống như một canh bạc vậy. Mình xin thảo luận vài yếu tố trong đó:

1/ Hoạt động hướng nghiệp quá mơ hồ

Thời mình, một học kỳ có vài tiết hướng nghiệp học dồn nguyên khối trong một hội trường khổng lồ và học cái gì mình cũng không nhớ nữa. Những tiết học mà đáng lẽ ra học sinh phải là trọng tâm thì lại rất ít tương tác. Có chăng là vài câu hỏi random kiểu học ngành này thì ra làm nghề gì, lương bao nhiêu. Mà người đứng lớp thì cũng là thầy cô trong trường chứ đâu có Guest Speaker, những người thực sự làm công việc cụ thể đó trong xã hội. Vậy thì có nghĩa lý gì?  Học sinh lẽ ra phải tìm hiểu trước để đặt các câu hỏi sâu sát, thực tiễn thì chỉ đi học một cách miễn cưỡng. Hoạt động hướng nghiệp ở bậc đại học có thể chất lượng hơn một chút nhưng cũng không có mấy ý nghĩa cụ thể. Muốn làm kinh doanh mà phải đi học phân tích văn thơ cách mạng cho giỏi. Muốn làm lập trình viên mà phải giỏi Hóa Hữu Cơ, phải vẽ được sơ đồ khúc xạ ánh sáng qua mấy lớp gương… Ủa, ủa, ủa?

2/ Áp lực từ gia đình

Năm ngoái bé em mình muốn học làm bác sĩ thú y. Vì nó là người có thể khóc khi nhìn thấy một chú chó con bị bệnh. Tất nhiên nó bị cả nhà mình “quạt” cho. Áp lực gia đình đến từ thế giới quan của bố mẹ, dù chỉ một thế hệ đi trước, nhưng có những cái gap rất lớn. Có ba tuýp bố mẹ.

Một là những người hiểu biết, làm việc ở vị trí có thể cập nhật tốt tình hình phát triển kinh tế công nghệ của thế giới để làm căn cứ đưa ra lời khuyên chính xác nhất. Hai là người có địa vị, trình độ ở phân khúc thấp trong xã hội, nên không can thiệp gì mà hết sức tôn trọng quyết định của con cái. Tuy nhiên nhóm thứ ba và cá nhân mình nghĩ cũng là bộ phận đông đảo nhất: đó là phụ huynh có những thành tựu nhất định nên vô cùng tự tin với hiểu biết của mình. Tuy nhiên, họ không ý thức được họ vẫn đang trôi đâu đó ở tầm trung, bị ảnh hưởng bởi những benchmark của thế hệ cũ, còn thế giới ngoài kia thì phát triển không ngừng. Vô hình trung, sự tự tin thái quá với hiểu biết giới hạn của họ sẽ hình thành nên các định hướng không phải là tối ưu cho con cái. Và nếu con cái có những mong cầu khác và fight back thì sẽ bị gạt đi và cho là “trứng đòi khôn hơn vịt”.

3/ Các em học sinh chưa đủ trải nghiệm để hiểu rõ bản thân

Mình nhớ hè năm lớp 11, mình đi bán shop part time trong resort Furama, nơi sang chảnh bậc nhất lúc bấy giờ. Mình bị mê hoặc bởi không gian kiến trúc, điều hòa mát lạnh, đồng phục đẹp, phong thái chuyên nghiệp đỉnh đạc của mọi nhân viên. Vậy thôi đó mà mình kết luận là mình sẽ làm hospitality. Mình nghĩ là nếu cuộc sống hàng ngày diễn ra ở một nơi mà người khác phải trả 5-6 triệu để ở một đêm thì có phải là quá tuyệt không. Lầm to. Huhuhu. Người ta trả tiền để được phục vụ. Còn mình đi làm để phục vụ người ta. Hai câu chuyện đó, dù diễn ra cùng một địa điểm, là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Khung cảnh xung quanh có luxury đến mấy cũng không bao giờ thay đổi được câu chuyện bạn là ai. Vậy đó, không trải nghiệm cũng sẽ sai lầm, mà trải nghiệm không đủ lại còn dễ sai lầm nghiêm trọng hơn.

Viết tới đây, mình muốn nói thêm vài ý. Giai đoạn hết cấp ba chuẩn bị bước vào đại học với bốn năm kiến thức chuyên sâu, bốn năm tiền của, bốn năm xa quê bôn ba nơi thành thị – thời điểm tối quan trọng để một người quyết định định hướng cho sự nghiệp – buồn thay lại là thời điểm mà các bạn có rất ít cái để bấu víu vào, để có một quyết định đúng đắn. Làm sao để thay đổi điều này, để không có những cái tiếc nuối, những trăn trở khi đã 30, là một câu hỏi lớn.

Đầu tiên, mình nghĩ có rất nhiều vị trí không cần bốn năm đại học. Nhưng vì xuất phát từ thực tế học sinh có năng lực tốt đều phải vào đại học để chứng tỏ điều đó, và nhà tuyển dụng cũng căn cứ bằng đại học để chọn ứng viên, mọi việc cứ như cái vòng luẩn quẩn làm hao tốn rất nhiều nguồn lực xã hội một cách không cần thiết. Ví dụ nghiệp vụ xuất nhập khẩu. Mình nghĩ ba tháng intensive là học xong. Không cần bốn năm học Kinh doanh Quốc tế của Đại học Ngoại thương. Thực chất kiến thức để làm vị trí đó cũng chỉ gói gọn trong hai-ba môn học ở kỳ cuối. Làm sale các thể loại cũng không cần bốn năm đại học kinh tế với toán cao cấp, xác suất thống kê, kinh tế lượng, chính sách kinh tế vĩ mô… Học một khóa tâm lý bán hàng, nghệ thuật giao tiếp, và một tháng học về sản phẩm mình bán là đủ.

Thứ hai, các bậc phụ huynh khi tiếp cận vấn đề nghề nghiệp của con cái xin hãy có một phương pháp luận tốt để giải quyết câu hỏi một cách trọn vẹn và khách quan chứ không biased. Như trường hợp của em gái mình muốn làm bác sĩ thú y, bố mẹ mình phản đối vì cho rằng đó là nghề toàn tiếp xúc với các con vật bệnh tật, đi chích heo chích gà, chữa bệnh cho chó mèo bị ghẻ hay bị ỉa chảy sẽ rất khổ sở. Hehe. Điều đó đúng với góc nhìn của bố mẹ mình vốn là những người thành công ở nghề làm báo, nghiên cứu khoa học, và giảng dạy công nghệ máy tính-điện tử viễn thông. Nhưng nếu em gái mình cho đó là bình thường và cảm thấy việc chữa bệnh cho các con vật là điều thiêng liêng và nó có thể sống hạnh phúc một đời với sứ mệnh đó thì sao? Phụ huynh không nên lấy bản thân làm căn cứ để đánh giá tốt xấu đúng sai cho quyết định của con cái. Ai cũng thương con nhưng mà làm sai nghề cả một đời là một cái khổ rất lớn, không chỉ khổ về tinh thần mà còn kiềm hãm sự phát triển. Mình nói em gái mình ghi lại các câu hỏi sau, google kiếm thông tin, tìm những người đi trước để phỏng vấn, sau đó kết nối lại để nhìn thấy bức tranh tổng thể và tự trả lời:

– Học thú y là học những gì, trong bao lâu, trường nào ở Việt Nam đào tạo, chất lượng đầu ra đến nay được đánh giá như thế nào?

– Sau khi tốt nghiệp xong thì có những lựa chọn nào. Trong từng lựa chọn thì nhu cầu của thị trường, địa điểm, cơ sở làm việc, roadmap phát triển nghề nghiệp qua các năm là như thế nào.

– Phạm vi công việc, thu nhập ở mỗi giai đoạn là bao nhiêu.

– Cuộc sống hằng ngày của một người trong các path nghề nghiệp đó diễn ra như thế nào, có những niềm vui, khó khăn thách thức gì nổi trội?

– Kế hoạch cuộc sống của chính em như thế nào? Có muốn ra nước ngoài sống không? Nếu muốn thì bằng cấp đó có đáp ứng được cuộc sống ở nước ngoài không?

Sau khi em gái mình tự tìm hiểu thì đã tự kết luận không muốn học thú y nữa mà học Biomedical Science.

Minh họa: Unsplash

Tạm kết

Trong mô hình IKIGAI của người Nhật, golden zone để chọn nghề là giao điểm của các vùng: Một, bạn có năng lực làm tốt cái gì; Hai, bạn có niềm yêu thích hay đam mê làm cái gì; Ba, xã hội có nhu cầu cần công việc gì; và Bốn, thị trường sẵn sàng trả tiền và trả nhiều tiền cho người ta làm gì. Kết quả học tập các năm phổ thông, hoạt động hướng nghiệp của nhà trường và gia đình, hiểu biết về thị trường có thể phần nào trả lời được các mục một, ba và bốn. Còn số hai là mục mà mình thấy nó như một tấm bài quyền năng có thể NULLIFY luôn các yếu tố còn lại nếu bạn trả lời sai. Mà phần lớn rất dễ trả lời sai.

Đó là bạn yêu thích cái gì, bạn có thể đam mê việc gì trong suốt 60 năm cuộc đời? Hay nói gọn lại, BẠN LÀ AI? Thôi phần sau viết tiếp nha, chứ nhiều việc quá phải đi làm cái đã. Huhuhu. Còn bạn, câu chuyện nghề nghiệp của bạn đã đi qua những thăng trầm như thế nào? Bạn nghĩ mình đang sai hay đúng? Có bài học gì để chia sẻ cho các em thế hệ sau không?