Trong thời đại số hóa hiện nay, trên máy tính, chúng ta vẽ các bản thảo và từ đó phát triển thành vô số phát minh phục vụ thế giới. Nhưng dù có quen tạo mô hình sản phẩm hay lập kế hoạch trên cái máy tính tiện lợi ấy thế nào đi nữa, chúng ta có thể quên mất rằng một công cụ vô cùng kỳ diệu để bộc lộ sức sáng tạo, đem lại nguồn lực làm nên cuộc cách mạng công nghiệp ngay từ thuở ban đầu, đó chính là những phác thảo bằng tay. Nghiên cứu cho thấy, ý tưởng có thể truyền đạt từ bàn tay qua trí óc một cách trôi chảy và ngược lại. Tư duy hình ảnh sẽ lưu lại trong đầu tự nhiên hơn là qua ngôn ngữ nhận thức.

Bạn không cần phải là Leonardo da Vinci để cầm cây viết chì hoặc bút bi mà chúng ta thường dùng để có được bản thảo chi tiết. Có một người đã phát minh ra một trong những vật dụng phổ biến nhất trên Trái đất không hề học qua lớp vẽ nào, đã chỉ dùng một cây viết chì và tờ giấy để đưa phát minh của mình đi từ khái niệm sang thị trường đại chúng. Đây là câu chuyện của anh ta.

Những năm 1930, một người bố với cô con gái nhỏ trong tiệm café tên Varsity Sweet Shop. Ông bố nhìn chủ quán đặt trước mặt cô con gái ly sữa lắc, với hai ống hút giấy. Cô bé mỉm cười sung sướng trước ly sữa lắc với lớp kem tươi đánh bông trên cùng. Nhưng phát sinh một vấn đề: Uống thế nào đây? Cái ống thì thẳng đứng cao hơn tầm với của cô bé. Bé có thể đặt hai tay lên quầy và tự nâng cơ thể nhỏ nhắn lên, nhưng tư thế đó thì không giữ được lâu. Bé có thể cầm cái ly bằng hai tay và đặt lên đùi để uống, nhưng cái ly thì nặng và cầm thì lạnh tay. Bé có thể bẻ cong ống hút xuống, nhưng như thế ống hút sẽ bịt kín không uống được, thật vô nghĩa. Bé có thể nhờ bố tìm vài cuốn danh bạ điện thoại để bé kê ngồi, nhưng sẽ có rủi ro bị té.

Phác thảo ống hút bẻ cong của Joseph B. Friedman (Joseph B. Friedman Papers, 1915–2000, Archives Center, National Museum of American History, Smithsonian Institution)
Mặt sau cái phong bì đầy những phác thảo của Joseph B. Friedman (Joseph B. Friedman Papers, 1915–2000, Archives Center, National Museum of American History, Smithsonian Institution)
Quyển sổ tay của Joseph L. Friedman (Joseph B. Friedman Papers, 1915–2000, Archives Center, National Museum of American History, Smithsonian Institution)

Ở trường kinh doanh, giáo viên sẽ gọi tình huống này là a pain point, có nghĩa đó là một vấn đề hoặc khó khăn mà người ta gặp phải và nó ngăn chặn họ thực hiện hành động, mục đích mong muốn. Nhiều người kiếm được lợi nhuận thông qua việc nhận thấy được “điểm đau” gây phiền toái cho khách hàng và tìm kiếm giải pháp mà khách hàng sẵn sàng chi tiền để giải quyết cái phiền toái ấy. Bố của cô bé ấy là Joseph B. Friedman, một nhà phát minh. Sáng chế đầu tiên là bút chì kiêm đèn pin khi ông mới 14 tuổi. Năm 22 tuổi, ông được cấp bằng đầu tiên trong tổng số chín bằng sáng chế của mình.

Sau lần ấy, trong đầu Friedman bắt đầu hình thành một ý tưởng. Theo thói quen, ông lấy cây viết chì và tờ giấy, vẽ bản nháp thiết kế về ống hút bỏ cong được ở miệng ly. Ông cũng thiết kế bản mẫu từ vài ống hút lấy từ tiệm café về. Cuối cùng, Flex-Straw ra đời: chiếc ống hút với phần xoắn bẻ cong được mà chúng ta sử dụng hằng ngày trong đời sống. Phải đến một thập kỷ sau, sáng chế của Friedman mới được sản xuất và vận chuyển đơn hàng đầu tiên. Ống hút Flex-Straw trở thành một hiện tượng trong thị trường, đặc biệt trong các bệnh viện. 20 năm sau, ông bán bản quyền phát minh cho một tập đoàn lớn và thu được một khoản tiền đáng kể. Câu chuyện về Joseph Friedman, cô con gái nhỏ và ly sữa lắc minh chứng cho trường hợp cơ hội xuất hiện khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Từ bản thảo Friedman, có thể thấy ba vai trò quan trọng của nó trong việc thúc đẩy trí tưởng tượng:

Nắm bắt ý tưởng

Ý tưởng có thể vụt thoáng qua như sao băng. Để không bị quên, Friedman ghi chép lại các ý tưởng ban đầu một cách nhanh chóng. Bộ não con người rất hạn chế để duy trì trí nhớ ngắn hạn.

Phát triển ý tưởng

Ý tưởng hình thành một khi được nhào nặn, ấp ủ đầy đủ, như chăm sóc cây vậy. Vài ý tưởng đòi hỏi sự tinh tế trong quá trình đi từ bản thảo thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Hình dung ý tưởng

Hiện thực hóa ý tưởng đem lại nhiều điều hữu ích. Nó mang lại những đánh giá có tính quyết định; xây dựng nền tảng để bàn luận trong tương lai; cung cấp công cụ nhằm thuyết phục người khác thu hút ý tưởng sáng tạo. Ví dụ, Friedman đã chứng minh cho các nhà đầu tư thấy được giải pháp cho một vấn đề rất rõ ràng. Thử tưởng tượng bạn cố hiện thực hóa ý tưởng mà chỉ đơn thuần vẫy tay mời gọi hay nói chuyện lôi cuốn thì sẽ như thế nào? Đó là kiểu của… dân bán rong, không phải của người nhìn xa trông rộng.

***

Viết và vẽ không chỉ làm nhanh tiến độ dự án mà đồng thời còn hỗ trợ cho tình trạng thể chất và tinh thần. Nhiều nghiên cứu cho thấy cử động tay liên tiếp kích thích sự sáng tạo của não bộ và mang đến lợi ích cho sức khỏe tinh thần. Tác giả David Kadavy viết 100 từ mỗi ngày ngay sau khi thức dậy, khai thác giai đoạn sáng tạo giữa thức và ngủ. Julia Cameron với cuốn sách bán chạy nhất của mình, The Artist’s Way, viết 750 từ trong cuốn nhật ký buổi sáng của bà. Hãy tập quen với brain dump – viết xuống tất cả những gì trong ngày – bằng cách ghi chép hay vẽ ra, dù ở dạng bài viết, vẽ nguệch ngoặc, phác thảo, bản đồ tư duy hay chỉ là vài câu nảy lên một cách bột phát. 

Bạn có biết ống hút lâu đời nhất trong lịch sử có từ khoảng 3000 năm trước Công Nguyên? Vào thế kỷ đó, con người làm ống hút bằng nhiều vật liệu khác nhau, từ vàng đến cỏ sậy, cho đến khi một chàng trai tên Marvin Chester Stone xuất hiện và cho ra đời phiên bản giấy được sản xuất công nghiệp vào năm 1888. Nhắc lại điều này để thấy, sự sáng tạo trên thực tiễn phải thông qua nhiều giai đoạn chỉnh sửa hơn là “cú nhảy vọt”, trở thành “bước tiến hóa” thay vì “bước đột phá”. Vấn đề là phải nắm bắt, ghi lại, và suy nghĩ về nó.