Việc một số nước châu Á, trong đó có khán giả Việt Nam, đang tẩy chay ào ạt bộ phim Mulan của Disney có khiến Hollywood phải suy nghĩ lại về tình trạng cúi đầu trước Trung Quốc mà họ, nhiều năm nay, đã chấp nhận để bằng mọi giá thâm nhập thị trường nước này?

Vụ Lưu Diệc Phi chỉ là bề mặt

Việc phát hành Mulan dự kiến vào tháng 3-2020 đã phải dời lịch ba lần do dịch Covid-19. Cuối cùng, Disney quyết định đưa lên Disney+ ngày 4-9-2020, với giá bán 29,99 USD. Sự kiện phát hành Mulan đã thổi bùng làn sóng tẩy chay, vốn từng sôi sục vào tháng 8-2019, khi diễn viên chính của phim, Lưu Diệc Phi, bày tỏ ủng hộ cảnh sát Hong Kong việc trấn áp người biểu tình Hong Kong. Hashtag “Liên minh Trà Sữa” (#MilkTeaAlliance – cách mà giới trẻ biểu tình Hong Kong, Đài Loan và Thái Lan gọi họ), và hashtag “Tẩy chay Mulan” (#BoycottMulan) xuất hiện ào ạt vài ngày qua.

Giới trẻ Hàn Quốc tẩy chay Mulan (Korea Times)

Vụ Lưu Diệc Phi chỉ là bề mặt. Vấn đề lớn hơn nhiều là tình trạng chấp nhận “đưa đầu” vào lưỡi kéo kiểm duyệt Trung Quốc của Hollywood. Tình trạng này được báo chí Mỹ nói đến nhiều. Mới đây, ngày 4-8-2020, một báo cáo công phu gần 100 trang do tổ chức Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America) thực hiện Made in Hollywood, Censored by Beijing – đã cho thấy Hollywood không chỉ cúi đầu mà còn để Trung Quốc thao túng, thậm chí tệ hại hơn, biến họ thành công cụ tuyên truyền cho Bắc Kinh. Cái gọi là “thế lực” điện ảnh Mỹ, với sức mạnh và ảnh hưởng sâu trong xã hội lẫn chính trường Mỹ, giờ đây lại ngoan ngoãn phục vụ Trung Quốc.

Vài năm gần đây, những phim như Avengers: Endgame (Marvel Studios, 2019); Spider-Man: Far from Home (Columbia Pictures, Marvel Studios, & Pascal Pictures, 2019); Fast & Furious Presents: Hobbs & Shaw (Seven Bucks Production & Chris Morgan Productions, 2019)… đều có doanh thu tại Trung Quốc nhiều hơn thị trường Mỹ. Để tiếp tục hốt bạc ở Trung Quốc, Hollywood phải chìu lòng Bắc Kinh. Đầu tiên là phải tránh cái gọi là “sai lầm 1997” – năm mà điện ảnh Mỹ tung ra ba phim “đụng chạm” Trung Quốc: Kundun (Touchstone Pictures & StudioCanal); Seven Years in Tibet (Mandalay Entertainment); và Red Corner (Metro-Goldwyn-Mayer & Avnet/Kerner Productions).

Hoàng Chi Phong kêu gọi tẩy chay Mulan (Korea Times)

Tháng 10-1998, trong chuyến kinh lý Bắc Kinh gặp Thủ tướng Chu Dung Cơ để bàn các kế hoạch làm ăn tại Trung Quốc, CEO Disney – Michael Eisner – đã nhắc lại về bộ phim Kundun với một sự “hối tiếc”. Eisner không ngượng mồm khi nói: “Điều tệ hại là bộ phim như vậy đã được sản xuất và điều hay ho là chẳng có ai xem nó cả. Tôi đến đây để muốn bày tỏ lời xin lỗi và trong tương lai chúng tôi sẽ ngăn chặn những điều như thế này”. Cần nói thêm, Disney hiện làm ăn rất mạnh tại Trung Quốc. Họ có đến 47% cổ phần trong Shanghai Disneyland Park (khánh thành năm 2016 với chi phí xây dựng 5,5 tỷ USD). Universal Studios, trong khi đó, dự kiến khánh thành Universal Beijing Resort (chi phí xây dựng 6,5 tỷ USD) vào năm 2021, với hai công viên chủ đề, sáu khách sạn, một công viên nước và một khu giải trí phức hợp. Dự án này có sự hợp tác của Beijing Shouhuan Cultural Tourism Investment.

Điều đáng nói là tình trạng cúi đầu không chỉ xảy ra với những “đại gia” công nghiệp điện ảnh Hollywood. Một số cá nhân cũng sẵn sàng “biết điều”. Brad Pitt – vốn nằm trong danh sách đen bị cấm đến Trung Quốc sau khi đóng trong Seven Years in Tibet – đã cùng (người vợ cũ) Angelina Jolie đến Trung Quốc dự chương trình quảng bá phim Maleficent của Disney vào năm 2014; và sau đó, năm 2016, lại đến Trung Quốc lần nữa để quảng bá phim Allied. Tương tự, đạo diễn Seven Years in Tibet – Jean Jacques Annaud, sau khi được chọn làm đạo diễn cho phim Wolf Totem (hợp tác Trung Quốc-Pháp), đã lên mạng Weibo phân bua rằng mình “chưa bao giờ tham gia bất kỳ tổ chức hoặc hội đoàn nào liên quan Tây Tạng”, rằng “không bao giờ ủng hộ Tây Tạng giành độc lập; chưa bao giờ có bất kỳ tiếp xúc riêng nào với Dalai Lama…”.

Jean Jacques Annaud

“Tá thuyền xuất hải”

Vấn đề không chỉ là kiểm duyệt. Trung Quốc đang thao túng Hollywood và dùng điện ảnh Mỹ để quảng bá chính trị cho mình. Nói cách khác, Bắc Kinh biến Hollywood thành một thứ “cơ quan tuyên truyền” của họ, với chiến lược gọi là “tá thuyền xuất hải” (mượn tàu đi biển – 借船出海). Hollywood không phải là con thuyền. Nó là một “hàng không mẫu hạm”. Lợi dụng con tàu văn hóa khổng lồ Hollywood để “chuyên chở” những thông điệp tuyên truyền Trung Quốc thì không có gì hiệu quả hơn.

Sự hợp tác của Hollywood với Trung Quốc đang dẫn đến một thế giới phim ảnh ngày càng mang màu sắc phục vụ tuyên truyền cho Trung Quốc (Photo by Kenneth Lu, PEN America)

Phần Hollywood, để tránh bị “phạt”, họ bây giờ phải có thêm một đội ngũ chuyên dò từng câu, từng cảnh, từng nhân vật… để đảm bảo Bắc Kinh không phiền lòng. Một dự án điện ảnh giờ đây phải có thêm phần “đi cửa sau” để thương lượng và thậm chí mua chuộc giới kiểm duyệt Trung Quốc. Năm 2013, giới điều hành Paramount Studios yêu cầu rằng đoạn đàm thoại ở một cảnh trong World War Z phải được sửa để cho thấy nguồn gốc của sự xuất hiện zombie không phải đến từ Trung Quốc, như trong nguyên bản quyển truyện của tác giả Max Brooks. Không chỉ vậy, trong các phim – 2012 của Columbia Pictures (phát hành năm 2009); Gravity của Warner Brothers (2013) và Arrival của Paramount (2016) – tất cả đều có “kết thúc đẹp” rằng người Trung Quốc xuất hiện giải cứu nhân loại khỏi thảm họa!

Hollywood còn chấp nhận một việc hiếm khi họ làm trong lịch sử mình: phân vai cho những “bình hoa di động” (“hua ping”). Một trong những ví dụ là sự xuất hiện của Trương Tịnh Sơ trong Mission: Impossible-Rogue Nation (năm 2015; bộ phim được tài trợ bởi công ty nhà nước Trung Quốc China Movie Channel và tập đoàn Alibaba). Được quảng bá như một trong những “nhân vật chính” trong phim, Trương Tịnh Sơ xuất hiện vỏn vẹn chưa đến 40 giây! Một ví dụ nữa là sự có mặt của Cảnh Điềm (Jing Tian) trong bộ phim được quay ở Việt Nam Kong: Skull Island

Màn ảnh tương lai

“Tư duy làm phim” của Hollywood đã thay đổi nhiều từ khi họ hợp tác sản xuất với Trung Quốc. Những hãng khổng lồ danh giá một thời như Paramount Pictures, DreamWorks Animation SKG và Walt Disney Co hiện đều có đối tác Trung Quốc. Tháng 9-2015, Warner Brothers tuyên bố hợp tác với China Media Capital. Hai tháng sau, nhà phân phối Trung Quốc Bona Film Group cho biết họ góp 235 triệu USD để sản xuất loạt phim của Twentieth Century Fox. Năm 2016, hãng phim Trung Quốc Perfect World Pictures góp 250 triệu USD vào Universal Pictures… Tất cả thương vụ này dĩ nhiên đều được theo dõi và bật đèn xanh từ những cơ quan văn hóa trung ương Trung Quốc.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong một đàm phán thương mại (Photo by Andrea Hanks, PEN America)

Sự đầu tư vốn của Trung Quốc đã làm thay đổi truyền thống làm phim tự do của Hollywood. Lấy ví dụ bộ phim Midway (2019, Lionsgate Studios hợp tác với Bona Film Group – “Bảo Lợi bác nạp điện ảnh phát hành hữu hạn công ty”). Midway nói về trận chiến giữa Mỹ và Nhật thời Thế chiến thứ hai nhưng lại đề cao vai trò Trung Quốc! Tờ China Daily thậm chí không thể kiềm được sự “thống khoái” khi khen rằng Midway đã “đưa mang lại sự hiện diện Trung Quốc lớn hơn trong Thế chiến thứ hai”, với những cảnh “xúc động” chẳng hạn người dân địa phương Trung Quốc bảo vệ phi công Mỹ…

Tình trạng Trung Quốc thao túng Hollywood đã khiến giới chính trị Mỹ chú ý nhiều thời gian gần đây. Tháng 4-2020, thượng nghị sĩ Ted Cruz cho biết có thể đưa ra Dự luật “Stopping Censorship, Restoring Integrity, Protecting Talkies Act” (SCRIPT Act), với nội dung cấm Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hợp tác với bất kỳ hãng phim nào liên quan việc biên tập hoặc thay đổi nội dung những sản phẩm điện ảnh chiếu ở Trung Quốc…

Việc tìm kiếm giải pháp chính trị đối với vấn đề Hollywood “bán mình” cho Trung Quốc thật sự không dễ. Cho đến giờ, biện pháp tẩy chay của khán giả vẫn là hành động hiệu quả nhất. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện đối với vài trường hợp cụ thể, từ những sự kiện cụ thể, như trường hợp Mulan. Trong một thế giới mà vấn đề kiếm tiền quan trọng hơn tất cả, việc đòi hỏi giới sản xuất không bán rẻ lương tâm là điều không dễ. Sự nguy hiểm của chiến lược “tá thuyền xuất hải” vẫn còn sờ sờ. Người mê điện ảnh giờ đây đối diện ngày càng gần hơn với một màn ảnh Hollywood ít nhiều mang màu sắc “cách mạng văn hóa” phiên bản Mao thế kỷ 21.

Không chỉ là thảm họa về kịch bản, “Mulan” cũng là tác phẩm tệ hại của đạo diễn Niki Caro (người New Zealand), trong khi đó, diễn xuất của Lưu Diệc Phi, và đặc biệt Củng Lợi, không thể tệ hơn. Không chỉ vậy, “Mulan” còn lộ hẳn việc… “nịnh” Bắc Kinh, khi từ đầu phim, cũng như rải rác trong phim, đã đề cập ngay đến việc phát triển “con đường Tơ Lụa” và chính sách “an ninh quốc phòng” bằng mọi giá bảo vệ “con đường Tơ Lụa” của triều đình trung ương – một thông điệp rất “có tính thời sự”.

“Thảm” hơn nữa, Disney, ở phần “credit” cuối phim, đã bày tỏ sự cám ơn các cơ quan-đoàn thể chính quyền khu vực Tân Cương, trong đó Cục Công an Turpan, nơi mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ cấm vận năm 2019 vì vai trò của họ trong các hoạt động trấn áp, bắt bớ, giam cầm và cai quản các trại giam người Duy Ngô Nhĩ ở Tây Bắc Tân Cương. Shawn Zhang, nhà nghiên cứu tại Canada, cho biết, thời điểm “Mulan” được sản xuất (có vài cảnh quay ở Tân Cương và khoảng 90% cảnh khác dựng ở New Zealand) cũng là lúc mà chính quyền Tân Cương gia tăng thực hiện chiến dịch bắt giam “học tập cải tạo” đối với người Duy Ngô Nhĩ. Theo Shawn Zhang, đoàn làm phim Disney hẳn có thể đã đi ngang bảy trong số trại tập trung cải tạo trên đường từ phi trường Turpan đến phim trường ở sa mạc. Cần nhắc lại, bảy năm qua, chiến dịch bắt bớ và lùa vào trại “cải tạo” của chính quyền Tân Cương đã “gom” khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số khác.

Theo nhiều cách, bộ phim (Mulan) là một lá thư tình gửi đến Trung Quốc” (“In many ways, the movie is a love letter to China”) đạo diễn Niki Caro nói với Tân Hoa Xã.

“Mulan” được bấm máy vào tháng 8-2018. Đó cũng là năm mà một phóng viên Wall Street Journal phát hiện một trại giam được bao quanh bằng tường rào cao hơn 4,5 m với kẽm gai tua tủa bên trên, cùng các tháp canh bảo vệ. Riêng tại Turpan, theo nhà nghiên cứu Shawn Zhang, nơi này có ít nhất bốn trại cải tạo, tính đến năm 2019. Ngoài Cục Công an Turpan, Disney còn “đặc biệt cám ơn” đến hơn 10 tổ chức Trung Quốc, trong đó có các cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nói về “chiêu” “nịnh”, Disney đã làm Bắc Kinh và khán giả Trung Quốc hài lòng. Xét ở khía cạnh truyền thông quảng bá sản phẩm, Disney đã tự giết họ, đặc biệt trong bối cảnh mà thế giới nói chung đang ngày càng có “thiện cảm đặc biệt” đối với Trung Quốc.

Xem thêm: Trung Quốc “bóp cổ” Hollywood như thế nào?

@theNewViet