Ở Ấn Độ tôi không thấy nhiều cầu vồng. Chúng ẩn náu trong những cơn mưa gió mùa hay vì quá sợ hãi thời tiết nóng bức ngột ngạt. Tôi cũng vậy. Tôi lo sợ phải phơi bày cái nửa kia của mình trong một đất nước không ưa người đồng tính, đặc biệt với gia đình mà tôi đang ở trọ và đã nảy sinh tình yêu mến.

“Vì sao lại là Ấn Độ?”, bạn tôi hỏi. Bọn bạn tôi biết về những luật lệ ác độc chống người đồng tính ở xứ này. Dù sao đi nữa tôi biết tôi phải đi. Tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải thấy được cuộc sống như thế nào khi xã hội gạt bỏ bạn, bóp nghẹt bạn như một chiếc sari siết chặt. Và sâu trong tiềm thức, tôi hy vọng bằng một cách nào đó tôi có thể thay đổi được những thành kiến trên. Vậy mà khi tới nơi, tôi lại sợ đề cập đến vấn đề đó, ngay cả với cậu em Tanmay 13 tuổi con trai của chủ nhà, thông minh nhưng rất ư con nít.

Chỉ có một tấm màn màu hồng mỏng dính để ngăn căn phòng ngủ của chúng tôi với hành lang, thế mà một tình bạn thân bí mật đã được bồi đắp qua những mẩu chuyện rì rầm đêm đêm. Chúng tôi hy vọng Aji và Baba không nghe chúng tôi nói gì. Khi Tanmay hỏi tôi thích cô gái nào trong chương trình, tôi nhớ lại những đêm ngủ lại nhà bạn lúc nhỏ, những trao đổi về chuyện tình yêu sao mà khủng khiếp và rối bời. Bây giờ thì tôi đáp lại thoải mái. “Sophia đẹp chứ”, tôi lịch sự trả lời, giải tỏa nỗi căng thẳng chỉ một mình tôi cảm thấy. Tôi bắt đầu hứng thú trả lời những câu hỏi khiêu khích của em, những câu trả lời mà em đã biết. Tôi chỉ cho em biết trong nền văn hóa của tôi những đề tài nào thì được cho phép thảo luận. “Đi chơi hẹn hò là sao?”, “Em bé được tạo thành như thế nào?”. Tôi thích thú thấy sự thú vị xen lẫn choáng váng của em khi tôi trả lời em một cách thẳng thừng về giới tính. “Anh thích cô gái nào chưa?”.  Những đại từ danh xưng chưa bao giờ nguy hiểm bằng lúc này, và cũng chưa bao giờ được tránh né tài tình như lúc này.

Tôi thấy thích thú vì cảm giác thỏa mãn về những hiểu biết của chính mình, vì cảm giác hồi hộp đang nắm giữ một bí mật, vì sự biến chuyển từ một kẻ hướng nội sang một người anh lần thứ hai trong đời – trung thực về mọi thứ – trừ một chuyện.

“Nó là thằng đồng tính nặng nhất trong lớp em”, Tanmay kể, cười hô hố. Tôi nắm lấy cơ hội, quyết nói ra cho dù phải phiêu du vào một vùng trời không an toàn.

“Tanmay, em không nên chọc ghẹo những người đồng tính như vậy”. Tôi nghe mình nói y như giọng điệu quảng bá cho sự bao dung một cách sến súa. “Em có biết là họ” (sự an toàn cho người thứ ba là đây!) “đâu có chọn để làm người đồng tính?”. Tanmay không đồng ý. Chúng tôi tiếp tục đùa bỡn với một cuộc đấu tranh tư tưởng có ý nghĩa thật sự lần đầu tiên trong đời tôi, và sự va chạm về văn hóa đã được sử dụng như một thứ vũ khí cùn.

Khái niệm về việc tôi có bạn đồng tính làm em sững sờ. Ý nghĩ nói cho em biết sự thật mà tôi không làm được, vì sự an toàn của bản thân, bỗng khơi dậy. Thay vào đó, tôi đánh bạo đưa mình vào cái thế có thể phải đối mặt với một sự thất vọng. “Em có biết ở nhiều nơi trên nước Mỹ, hai người đàn ông hoặc hai người đàn bà được cưới nhau không?”. Em có biết điều đó. “Vậy em nghĩ sao?”.

Tôi dự chừng là em sẽ phản đối, và chuẩn bị tinh thần để bỏ qua cho sự thiểu hiểu biết của em. Những gì em trải qua khác xa với tôi. Tôi thật may mắn được sống trong một Massachusetts đầy sắc màu. Im lặng một hồi lâu, em trả lời. “Em nghĩ vậy tốt mà, miễn sao một người đồng tính không phải cưới một người không đồng tính”.

Tôi nhớ lại cảm giác của mình lúc đó. Một nỗi hy vọng dâng trào từ căn hộ ẩm thấp tràn cả xuống con đường bên dưới. Lúc đó, và cả ngay bây giờ, tôi tin rằng mình đã làm được một phần bé nhỏ trong nhiệm vụ đi tìm công lý của thế giới, và tôi hết sức tự hào về việc này. Mà cũng có thể tiến trình này không từ hành động nào của tôi mà ra. Nhưng lời khẳng định bất ngờ của em, kèm thêm với chút hài hước ngây ngô, đã làm tôi mỉm cười sung sướng giữa cơn mưa đêm mùa hạ đang đổ xuống trên Ấn Độ. Chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ biết được thời tiết của buổi sớm mai.

Erik Fliegauf

Hopkinton, Massachusetts, USA

Ethnicity: White

Gender: Male GPA: 4.0 out of 4.0

SAT: Reading 800, Math 750, Writing 760

Subject Tests Taken: U.S. History, Mathematics Level 2, and Biology M

Extracurriculars: Drama Club member, National Honor Society president, Students Taking on Poverty president, Men’s Chorus member, UNITE Mentoring mentor

Awards: Princeton Book Award, National Merit finalist, Daughters of the American Revolution Good Citizen Award, Salutatorian, AP Scholar with Distinction

Major: Sociology