Trung Quốc “bóp cổ” Hollywood như thế nào?

Minh họa: CNN

Trung Quốc “bóp cổ” Hollywood như thế nào?

Ngày 16-07-2020 (GMT +7)

ByĐOAN THƯ

Việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào thị trường điện ảnh Mỹ trong đó có việc mua cổ phần một số hãng phim lớn không là chuyện mới nhưng vấn đề trở nên ngày đáng chú ý khi Trung Quốc dùng điện ảnh Mỹ làm công cụ gián tiếp tuyên truyền cho họ, trong khi nền công nghiệp điện ảnh khổng lồ vốn chủ trương tự do sáng tạo như Hollywood giờ đây phải cúi đầu trước Trung Quốc. Việc bộ phim phim hoạt hình Abominable của hãng Dreamworks (phát hành ở Việt Nam với tựa Everest - Người tuyết bé nhỏ) cài “đường lưỡi bò” gây ồn ào cách không đây là một ví dụ…

Sức mạnh kim tiền

Trung Quốc đang trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới, nếu không kể Mỹ. Trong năm 2015, trung bình mỗi ngày có 22 rạp mới khai trương. Chỉ riêng năm 2018, đã có 9.303 rạp mới được khánh thành, theo Los Angeles Times. Từ 2005-2019, theo Bloomberg, doanh số phòng vé Trung Quốc tăng từ 2 tỷ tệ đến hơn 60 tỷ tệ (8,9 tỷ USD). Với hơn 60.000 rạp chiếu phim ở thời điểm hiện tại (nhiều nhất thế giới), Trung Quốc có thể đứng đầu thế giới về doanh thu vé phim trong năm 2020, nếu không xảy ra vụ dịch bệnh coronavirus. Trong một số trường hợp, doanh thu Trung Quốc còn “khủng khiếp” hơn cả thị trường Mỹ. Năm 2016, World of Warcraft (kinh phí 160 triệu USD) bán được không đến 25 triệu USD vào tuần ra mắt tại Mỹ, trong khi tại Trung Quốc, phim này thu 156 triệu USD sau 5 ngày chiếu!

Cảnh trong Abominable (ảnh: Dreamworks)

Năm 2016, tập đoàn bất động sản Đại Liên Vạn Đạt (Dalian Wanda) tuyên bố mua hãng Legendary Entertainment (nơi sản xuất Jurassic World) với giá 3,5 tỷ USD; chưa kể thương vụ mua chuỗi rạp AMC Entertainment (nơi kiểm soát gần như toàn bộ thị trường rạp chiếu bóng tại Mỹ) và Odeon & UCI (chuỗi rạp lớn nhất châu Âu). Vương Kiện Lâm, ông chủ Đại Liên, cũng ký hợp đồng với Sony Pictures để hùn vốn sản xuất; đồng thời mua Dick Clark Productions (nơi sản xuất chương trình Quả Cầu Vàng và Giải âm nhạc Hoa Kỳ) với giá 1 tỷ USD. Công ty thương mại điện tử Alibaba và công ty game Tencent đầu tư vào các hãng nhỏ và họ từng hùn vốn sản xuất Mission: Impossible 6, Star Trek Beyond and Teenage Mutant Ninja Turtles: Out of the Shadows… Tháng 10-2016, Alibaba loan bố hợp tác với Steven Spielberg để sản xuất và phát hành phim. Thậm chí một đài phát thanh nhà nước ở Hồ Nam cũng rót tiền vào hãng Lionsgate (nơi sản xuất phim truyền hình nhiều tập Hunger Games)…

Chính thức khai trương tháng 4-2018 nhưng Oriental Movie Metropolis (Đông Phương Ảnh Đô - OMM) ở Thanh Đảo – phim trường lớn nhất thế giới hiện nay – đã thay thế phim trường Hollywood để trở thành nơi sản xuất nhiều tác phẩm điện ảnh Mỹ gần đây, trong đó có The Island, Crazy Alien The Wandering Earth; với tổng doanh thu 1,2 tỷ USD mà hầu hết có được từ thị trường Trung Quốc. Một trong những phim đang được sản xuất ở OMM là Fengshen Trilogy (Phong Thần tam bộ khúc) – một tác phẩm sử thi mà thậm chí nhà sản xuất The Lord of the Rings, Barrie Osborne (được mời làm cố vấn), còn cho rằng nó qua mặt cả The Lord of the Rings về mức độ hoành tráng. Trong Phong Thần tam bộ khúc, Trung Quốc đã mời cựu CEO Focus Features, James Schamus (người sản xuất Ngọa hổ tàng long), làm tư vấn kịch bản.

Không chỉ thuê phim trường, Hollywood còn phải nhận vốn đầu tư của các hãng Trung Quốc, cụ thể là Tencent Pictures (Đằng Tấn Ảnh Nghiệp). Trong số các phim mới nhất mà Tencent tham gia sản xuất là A Beautiful Day in the Neighborhood (hợp tác TriStar Pictures; công chiếu tháng 11-2019) với diễn viên Tom Hanks; Monster Hunter (cùng Sony Pictures Animation và China's Base Animation; chiếu tháng 8-2018); Terminator: Dark Fate (hợp tác Paramount Pictures; chiếu tháng 11-2019) với diễn viên Arnold Schwarzenegger; Top Gun: Maverick (Pamount Pictures; chiếu tháng 6-2020) với Tom Cruise và Jennifer Connelly.

Bằng cách hạ mình trước Trung Quốc, Hollywood đang đánh mất nhiều giá trị, đặc biệt giá trị sáng tạo tự do, mà họ đã tạo dựng từ nhiều thập niên. Bằng cách chiều lòng bộ máy kiểm duyệt Trung Quốc, Hollywood còn gián tiếp khiến những “giá trị” Trung Quốc bắt đầu thay thế giá trị Mỹ. Bằng cách để sức mạnh kim tiền Trung Quốc thao túng, Hollywood đang quảng bá cho “giá trị” Trung Quốc thay vì tiếp tục cổ xúy cho sức mạnh mềm của Mỹ.

Trong Skyfall, cảnh điệp viên James Bond giết một nhân viên bảo vệ Trung Quốc phải bị cắt (Hollywood Reporter)

“Bóp cổ” Hollywood

Thỏa mãn tâm lý thị trường để tiếp cận sâu vào Trung Quốc trở thành một trong những yếu tố quan trọng đối với giới sản xuất Hollywood. Trong The Martian (2015), cơ quan không gian Trung Quốc đã ra tay “cứu thế giới”. Trong Transformers 4 (2014), bộ phim làm “cháy” phòng vé Trung Quốc với 320 triệu USD (nhiều hơn thị trường Bắc Mỹ), không chỉ được dựng ở Hong Kong mà còn có cảnh cho thấy “đảng và nhân dân” Trung Quốc đã can đảm đối đầu bọn người máy trong khi giới chức Mỹ tỏ ra hoang mang. Vấn đề trở nên tệ hại ở chỗ, không chỉ thỏa mãn tâm lý người xem, Hollywood còn phải “thỏa mãn” bộ máy kiểm duyệt.

Hollywood giờ đây phải tránh những đề tài “nhạy cảm” chẳng hạn vấn đề chủ quyền biển Đông, tin tặc Trung Quốc hoành hành, việc đòi độc lập của Tây Tạng, chủ đề Đài Loan… Đó là lý do tại sao Doctor Strange, được dựng từ truyện tranh trong đó có nhân vật nhà sư Tây Tạng, đã phải sửa thành một… phụ nữ Celtic! Trong phim Red Dawn năm 2012, đội quân xâm chiếm người Trung Quốc, như trong kịch bản ban đầu, đã được thay bằng quân Bắc Triều Tiên. Việc “biên tập” lại này đã khiến hãng MGM tốn đến 1 triệu USD! Trong Pixels (2015), cảnh Vạn Lý Trường Thành bị nổ tung, như trong kịch bản nguyên thủy, đã  được thay bằng đền Taj Mahal.

Hollywood có vẻ ngày càng sợ Trung Quốc, chính xác hơn là sợ mất thị trường Trung Quốc, bởi những vụ việc mà Trung Quốc dằn mặt, như trường hợp phim Christopher Robin của Disney bị cấm chiếu chỉ bởi cảnh phim có chú gấu Winnie the Pooh – hình ảnh vốn bị kiểm duyệt ở Trung Quốc vì Bắc Kinh cho rằng nó chế nhạo Tập Cận Bình. Một số phim bị cấm chiếu chẳng vì lý do gì rõ ràng. Captain Phillips (2013) chẳng hạn. Phim này, nói về cuộc giải cứu con tin Mỹ khỏi tay hải tặc Somalia, đã bị cấm chiếu chỉ vì phim đề cập “một bộ máy quân sự khổng lồ của Mỹ được huy động để cứu một công dân Mỹ. Trung Quốc sẽ không bao giờ làm tương tự và không hề muốn cổ xúy ý tưởng này” – một email rò rỉ của hãng Sony cho biết.

Trong Red Dawn, đội quân xâm chiếm người Trung Quốc đã được thay bằng quân Bắc Triều Tiên (NPR)

Các sự kiện tiền lệ đã khiến dân kinh doanh văn hóa phương Tây trở nên e dè và thận trọng, với một thái độ cúi đầu. Chẳng hạn nhạc của Lady Gaga bị cấm ở Trung Quốc sau khi cô gặp Dalai Lama năm 2016. Nhạc của Katy Perry bị cấm, chỉ bởi “tội” cô vận váy hoa hướng dương – biểu tượng của độc lập và dân chủ Đài Loan (trong một chương trình biểu diễn tại Đài Bắc năm 2015). Maroon 5 không được phép đến Trung Quốc diễn bởi một thành viên nhóm này đã chúc mừng sinh nhật Dalai Lama trên Twitter. Ca sĩ Björk bị cấm vào Trung Quốc vì trong buổi diễn tại Thượng Hải năm 2008, cô “nổi hứng” hét vang “Tây Tạng, Tây Tạng!”. Elton John cũng bị cấm vào Trung Quốc vì từng tổ chức buổi ca nhạc vinh danh họa sĩ Ngãi Vị Vị năm 2012. 

Cần nhấn mạnh, trong 100 phim đạt doanh thu cao nhất toàn cầu từ 1997-2013, Trung Quốc đã hùn vốn đầu tư 12 phim. Nhưng trong 5 năm kể từ 2013 (tức tính đến năm 2018), Trung Quốc đã đồng sản xuất 41 phim hốt bạc của Hollywood. Điều đó cho thấy ảnh hưởng Trung Quốc ngày càng dữ dội. Đó là lý do Iron Man 3 (2013) quyết định miêu tả kẻ xấu “The Mandarin” (như kể trong truyện tranh) bằng một diễn viên da trắng. Đó là lý do World War Z (2013) quyết định “đổi chỗ” nguồn gốc sinh ra loại virus hoành hành thế giới xuất phát từ Trung Quốc (như được thuật trong tiểu thuyết cùng tên của Max Brooks) sang “địa điểm mới” là nước Nga. Mới đây, chiếc áo khoác của nhân vật do Tom Cruise thủ diễn trong Top Gun: Maverick (dự kiến phát hành tháng 6-2020) đã không còn hàng chữ “Far East Cruise 63-4, USS Galveston” (như trong phim Top Gun hồi năm 1986). Cờ Nhật và cờ Đài Loan trên logo cũng biến mất. Thậm chí tên chiến hạm “USS Galveston” cũng được thay bằng “United States Navy”!

Tháng 10-2019, đạo diễn Quentin Tarantino nói rằng ông nhất định không cắt sửa phim Once Upon a Time in Hollywood của mình để làm vừa lòng giới kiểm duyệt Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải ai cũng “bất cần” như Quentin Tarantino. Trong Skyfall (2012), cảnh điệp viên James Bond giết một nhân viên bảo vệ Trung Quốc phải bị cắt. Với The Karate Kid (2010), phim này dù được bấm máy với kịch bản được Trung Quốc duyệt trước cũng trầy vi tróc vảy mới lọt được vào thị trường Trung Quốc, bởi phim có cảnh kẻ xấu là người Trung Quốc (cuối cùng phim bị cắt tổng cộng 12 phút). Men in Black 3 (2012) bị buộc phải cắt cảnh ký ức người dân bị xóa vì nó “ám chỉ đến chính sách kiểm duyệt internet Trung Quốc”.

Trong một số trường hợp, thái độ nhún nhường chiều lòng Trung Quốc đã trở thành một hành vi thậm chí tệ hơn cả “khấu đầu”. Khi Disney quảng bá Maleficent (2014), diễn viên chính trong phim, Angelina Jolie, đã phát biểu về chuyện Đài Loan độc lập khỏi Trung Quốc. Disney hoảng hốt. Cuối cùng, để “sửa chữa sai lầm”, Angelina Jolie đã đưa gia đình đến Trung Quốc, cùng “chia sẻ” chiếc bánh sinh nhật với đám đông hâm mộ tại Thượng Hải và sau đó còn học làm dim sum. Trong cùng thời gian, Maleficent thu được 22 triệu USD tại các rạp chiếu bóng Trung Quốc.

Angelina Jolie trong lần đến Thượng Hải quảng bá Maleficent (Hollywood Reporter)

Những tiếng nói cảnh báo

Sự thâm nhập Trung Quốc vào Hollywood không phải không gây lo lắng. Năm 2016, 18 dân biểu Mỹ thuộc cả hai đảng, trong đó có chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, đã yêu cầu giám sát chặt hơn các vụ đầu tư vào công nghiệp điện ảnh Mỹ, trong đó có vụ Đại Liên mua hãng Legendary. “Liệu định nghĩa về an ninh quốc gia có nên mở rộng để đề cập những mối lo về tuyên truyền và kiểm soát truyền thông và các định chế quyền lực mềm”? – nhóm dân biểu hỏi, trong lá thư gửi lên Văn phòng kiểm toán chính phủ Hoa Kỳ (GAO).

Vấn đề không chỉ liên quan “những mối lo về tuyên truyền và kiểm soát truyền thông và các định chế quyền lực mềm”. Nhận thức đó sẽ không mang lại điều gì một khi Hollywood tiếp tục áp dụng chính sách tự kiểm duyệt sao cho có thể lọt vào thị trường Trung Quốc, trong khi cùng lúc họ không kiểm soát được kịch bản lồng ghép tuyên truyền, như hình ảnh đường lưỡi bò trong Abominable (Dreamworks hợp tác với hãng Pearl Studio của Trung Quốc).

Ảnh hưởng tất cả điều này không dừng lại ở đó. Nó đang giúp Trung Quốc lấn át Mỹ lẫn thế giới bằng chính công cụ văn hóa Mỹ. Điều này mới thật sự là một hiểm họa và là một tai họa cho văn hóa thế giới nói chung nếu nó không được ngăn chặn, bây giờ và vĩnh viễn.

@theNewViet

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin