“Lịch sử” tweet của “Twitter-in-chief” Donald Trump
Sau khi treo “dằn mặt” 12 tiếng vào ngày 6-1-2021, tài khoản @realDonaldTrump với khoảng 88 triệu người theo dõi đã bị Twitter khóa vĩnh viễn vào hai ngày sau. Trước khi bị khai tử vào thứ sáu 8-1-2021, @realDonaldTrump không chỉ cho thấy lịch sử 12 năm của nó (bắt đầu từ ngày 4-5-2009), ghi lại chặng đường của một nhân vật nổi lên với nghề kinh doanh bất động sản và làm truyền hình giải trí đến khi trở thành tổng thống Mỹ thứ 45, mà 56.571 tweet trên đó còn là lịch sử bát nháo và hỗn loạn của một người không bình thường. Vấn đề đang dẫn đến cuộc tranh luận gay gắt rằng Twitter và các nền tảng mạng xã hội nói chung có “phạm luật” quyền tự do ngôn luận khi hành động như vậy hay không. Câu trả lời là KHÔNG!
Xem thêm:
Ông Trump Và “Báo Chí Thổ Tả”
Cuồng Tin Giả!
“Văn hóa” tweet của Trump
Donald Trump chửi vung vít, xỉa xói bất kỳ ai, kể cả những người trước đó không lâu Trump từng bốc lên mây xanh. Website trumptwitterarchive.com – nơi lưu trữ toàn bộ tweet của Trump – ghi nhận tổng cộng có 234 tweet với chữ “loser”; 222 tweet với “dumb” hoặc “dummy”; 204 với “terrible”; 183 với “stupid”… “Yếu”, “đần”, “phát gớm”, “tởm”… là những từ phổ biến trong “kho” từ vựng nghèo nàn và thô lỗ thường xuyên lặp đi lặp lại của Trump. “Barney Frank trông phát gớm – đầu vú nhô ra – trong chiếc áo sơ mi xanh mà hắn mặc trước Quốc hội. Rất rất thiếu tôn trọng” – Trump tweet như vậy về dân biểu Dân chủ Barney Frank (“Barney Frank looked disgusting–nipples protruding–in his blue shirt before Congress. Very very disrespectful”).
Thoạt đầu, @realDonaldTrump là một tài khoản bình thường. Trump dùng Twitter để quảng cáo sách hoặc những chương trình truyền hình của mình. Từ khi bắt đầu tham gia đường đua tổng thống, Trump sử dụng Twitter như một diễn đàn tranh cử. Twitter trở thành công cụ quảng bá chính sách “America First” cũng như lan truyền thông điệp MAGA (“Make America Great Again”). Trump đi xa hơn và đi khác hơn bất kỳ chính khách Mỹ cũng như thế giới nào sử dụng mạng xã hội để xây dựng hình ảnh chính trị. Trump bắt đầu dùng mạng xã hội để chỉ trích và lăng mạ đối thủ. Ngôn ngữ Trump bắt đầu độc mồm độc miệng. Mức độ “xả láng” tăng dần, đến mức gần như không còn kiểm soát. Không có chiếc neo đạo đức nào có thể giúp giữ lại sự chừng mực trong câu chữ khi Trump tweet.
Peter Costanzo, giám đốc tiếp thị online của nhà xuất bản nơi phát hành quyển Think Like a Champion của Trump, là người đưa @realDonaldTrump trở thành “vua” trên Twitter. Trong vài tháng đầu, Costanzo giúp Trump kiểm soát gần như tất cả nội dung đăng trên @realDonaldTrump. Mỗi tweet đều được soạn nháp bởi nhà xuất bản hoặc nhân viên văn phòng Trump – thường là những đoạn trích từ sách của Trump – sau đó đưa cho Trump xem, trước khi Costanzo nhấn nút cho lên mạng. Hai năm sau, Trump nhìn ra rõ hiệu ứng xã hội mà Twitter mang lại trong việc quảng bá hình ảnh cá nhân trong khi không tốn một xu. Trump yêu cầu Sam Nunberg (cựu cố vấn lâu năm của Trump) phải gửi báo cáo hàng ngày về mức độ người theo dõi trên @realDonaldTrump. Thỉnh thoảng Trump hỏi: “Tại sao không có nhiều (follower) hơn? Tại sao (việc tăng follower) quá chậm?” (dẫn lại từ AP 8-1-2021).
Trump đã tweet những gì?
Sự nghiệp tổng thống của Trump gắn liền với Twitter. Trong cuộc phỏng vấn Financial Times sau khi vào Nhà Trắng hơn một năm, Trump khoe: “Không có tweet, tôi đã không có mặt ở đây. Tôi có hơn 100 triệu người theo dõi trên Facebook, Twitter và Instagram. Hơn 100 triệu. Tôi không cần bọn truyền thông giả” (Financial Times 2-4-2017). Vấn đề không phải là số lượng người theo dõi. Vấn đề là ảnh hưởng và tác động lẫn tác hại từ những tweet. Trong số báo 2-11-2019, New York Times cho biết họ đã khảo sát cách Trump dùng Twitter từ khi nhậm chức. Thống kê cho thấy Trump dùng Twitter để kêu gọi hành động cho vấn đề nhập cư 1.159 lần; 512 lần về vấn đề hàng rào thuế; hơn 100 lần ca ngợi các nhà độc tài; khoảng 200 lần xỉa xói và phàn nàn các quốc gia đồng minh…
Trump cũng dùng Twitter để loan báo sự ra đi của hơn 20 viên chức cấp cao mà vài người trong số đó bị Trump sa thải. Hơn ½ trong số tweet (tính đến thời điểm bài báo của New York Times, tháng 11-2019) có nội dung công kích, từ những người liên can cuộc điều tra Trump dính dáng Nga đến Quỹ dự trữ liên bang… Trump chửi các ca sĩ và diễn viên điện ảnh; mắng giám đốc điều hành những tập đoàn khổng lồ; cãi nhau với Robert DeNiro hay Barbra Streisand; dọa kiện chương trình “Saturday Night Live”; miệt thị Jeff Bezos; và đặc biệt thường xuyên dùng những từ kinh tởm để mắng chửi “bọn fake news” mà CNN là “đám khốn nạn đáng kinh tởm”. Chỉ trong hai tuần đầu của tháng 10-2019, Trump tweet hơn 500 lần. Tháng 10-2017, khi Rex W. Tillerson – Ngoại trưởng đầu tiên của Trump – đang ở Trung Quốc cùng một nhóm nhà ngoại giao bàn về việc cấm vận Kim Jong-un, Trump tweet rằng Tillerson “đang phí thời gian khi cố đàm phán với Thằng nhóc Hỏa tiễn”. Một năm sau, Trump hớn hở khoe mình và Thằng nhóc Hỏa tiễn “đang phải lòng nhau” (“We fell in love”).
Đầu tháng 9-2019 – bắt đầu của một tuần lễ mà trong đó Trump tweet đến 198 lần – Trump mở chiến dịch gây hấn khi nã phát đầu tiên vào kinh tế gia đoạt Nobel Paul Krugman bằng cách gọi ông là “thằng bỉnh bút thất bại của New York Times”, người “chẳng làm nên cơm cháo gì!”. Trong 44 phút tiếp theo, Trump bắn ra hơn 10 tweet – chê bai Richard Trumka (chủ tịch A.F.L.-C.I.O); gọi cựu giám đốc FBI James B. Comey và “đám bạn bạc nhược của nó” là đồ dối trá và phản bội; chửi Washington Post và bốn nghị sĩ da màu… Suốt tuần đó, Trump tấn công đủ thành phần: về “tên thị trưởng London bất lực”; gọi nữ diễn viên Debra Messing là “Bad ‘actress’ Debra The Mess Messing”; đề cập truyền thông cánh hữu 45 lần; mắng mỏ truyền thông dòng chính 32 lần; nói đến các thuyết âm mưu 12 lần…
Theo New York Times (nđd), một khi Trump xuất hiện ở Chái Tây (West Wing), thường là sau 10g sáng, Dan Scavino – giám đốc truyền thông xã hội của Nhà Trắng – sẽ kiểm soát tài khoản @realDonaldTrump từ điện thoại hoặc máy tính của mình. Trump hiếm khi tweet trước mặt người khác. Thay vào đó, Trump đọc tweet cho Dan Scavino, người ngồi trong căn phòng sát Phòng Bầu dục. Thông thường, Scavino in bản nháp với font chữ cực to để Trump ký duyệt (theo một người từng nhìn thấy cho biết, một trang nội dung mà Scavino in ra đã biến thành 6 trang với font chữ phóng lớn để Trump có thể đọc).
Dan Scavino thỉnh thoảng cố “hãm phanh” Trump trong những cơn “kích động tweet” mất kiểm soát. Nhiều tweet của Trump là phát đạn bắn bừa nhưng cũng có trường hợp Trump “đầu tư tư duy” để đạt “hiệu suất tối ưu” – có khi nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Trump đã “ủ mưu” nhiều ngày về Mika Brzezinski, người đồng dẫn chương trình truyền hình buổi sáng của MSNBC, trước khi đăng tweet vào một buổi sáng tháng 6-2017, khi gọi Mika Brzezinski là “con điên Mika có chỉ số IQ thấp” (“low I.Q. Crazy Mika”) và rằng Mika đã “chảy máu thấy ghê từ cái bản mặt phẫu thuật” (“bleeding badly from a face-lift”). Tháng 10-2018, Trump nói với nhóm tùy viên rằng ông sẽ “đập” Stormy Daniels – cô diễn viên khiêu dâm tố cáo Trump từng có quan hệ với mình – bằng cách sẽ gọi Stormy là “đồ mặt ngựa” (“horse face”). Nhiều người khuyên không nên làm vậy. Tuy nhiên, cuối cùng, sau khi xem bản tin Fox News cho thấy một thẩm phán đã hủy đơn kiện Stormy, Trump tweet: “Tuyệt, giờ thì tôi có thể đi theo con Mặt Ngựa và tên luật sư hạng ba của ả ở tiểu bang lớn Texas” (“Great, now I can go after Horseface and her 3rd rate lawyer in the Great State of Texas”).
Trump và Tu chính án thứ nhất
Không thể biết chính xác những người theo dõi Twitter của Trump là ai. Một số nghiên cứu cho thấy có một tỉ lệ khá cao là account giả. Một phân tích New York Times cho thấy có khoảng 22 triệu account (tính đến tháng 11-2019) không có thông tin tiểu sử cá nhân và dùng ảnh đại diện là ảnh mặc định của dịch vụ Twitter – hai dấu hiệu cho thấy tài khoản là không hoạt động hoặc hiếm khi dùng; 14% trong số đó sử dụng tên tài khoản được tạo tự động. Dữ liệu từ công ty phân tích Stirista cho biết đa số người theo dõi @realDonaldTrump là phái nam, da trắng, trung niên. Một phân tích khác của New York Times dựa vào dữ liệu từ Pew cho thấy khoảng 4% người trưởng thành Mỹ, tức chừng 11 triệu, là theo dõi Trump trên Twitter. Bất luận họ là ai, Trump vẫn xem sự tương tác của họ là dấu chỉ cho sự ủng hộ. Trump luôn “đếm like” để đánh giá hiệu ứng các tweet của mình.
Sau nhiều lần bàn bạc cùng nhóm cố vấn, Jack Dorsey – CEO Twitter – quyết định cảnh cáo Trump bằng cách cho ẩn những tweet kích động bạo lực (từ giữa năm 2020) đồng thời dán nhãn giải thích rằng tweet đó đã vi phạm chính sách sử dụng của Twitter. Đây là lần đầu tiên Twitter áp dụng hình thức cảnh cáo này đối với một “nhân vật công chúng”. Điều này đúng hay sai, xét về quyền tự do ngôn luận? Tự do ngôn luận là gì? Là việc có thể đứng giữa một buổi cầu nguyện nhà thờ văng tục bừa bãi? Là việc có thể kích động bạo lực? Là việc lan truyền tin giả?
Theo Mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp (Communications Decency Act), các công ty truyền thông xã hội được bảo vệ khỏi hầu hết trách nhiệm pháp lý đối với nội dung được đăng trên nền tảng của họ. Chính các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa từng nói rằng các công ty truyền thông xã hội đóng vai trò là nhà xuất bản chứ không đơn thuần là nhà phân phối nội dung và nên cần bị tước bỏ các biện pháp bảo vệ đó (New York Times 28-5-2020). Nói cách khác, các công ty truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải trên nền tảng của mình. |
Lee Bollinger, chủ tịch Đại học Columbia và là nhà nghiên cứu Tu chính án thứ nhất, cho biết, sự buông lỏng của các công ty truyền thông xã hội đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên mạng. Trong nhiều năm, Twitter không đụng đến Trump. Tuy nhiên, cách sử dụng “diễn đàn” của Trump ngày càng thái quá. Ngày 12-10-2020, Trump thậm chí retweet lại một “sự kiện” được tung ra bởi những kẻ cổ xúy thuyết âm mưu QAnon rằng Joe Biden và Barack Obama đã khiến lực lượng biệt hải SEAL Team 6 bị giết! Năm 2018, có hai tweet của Trump khiến Twitter phải xem xét và cân nhắc biện pháp xử lý. Trong một tweet, Trump nói về việc tấn công Bắc Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân (điều này vi phạm luật sử dụng của Twitter đối với những nội dung đe dọa bạo lực). Trong một tweet khác, Trump gọi cựu tùy viên Omarosa Manigault Newman của mình là “con chó đó” có “một cuộc sống thấp hèn khóc lóc điên dại” (“that dog”; “a crazed, crying lowlife”). Tháng 4-2020, Trump tweet “hãy giải phóng Michigan” và Trump tiếp tục tweet những lời lẽ hung hăng cực đoan về thống đốc Michigan Gretchen Whitmer kể cả sau khi một số kẻ đã bị bắt với âm mưu ám sát bà và dự tính đảo chính ở tiểu bang này.
“Enough is enough”!
Nếu không minh định rõ quyền tự do trong khuôn khổ pháp luật – với sự tự do vô chính phủ chà đạp pháp quyền bất chấp thượng tôn pháp luật, cũng như những giới hạn mặc định về mặt đạo đức của một người văn minh hiểu biết về tự do ngôn luận hơn là sự thể hiện của cảm xúc và tự ái – thì sự “ra vẻ có nhận thức” khi than thở trước “sự thao túng của Big Tech” trong chính sách “bịt miệng chẳng khác gì Trung Quốc” chỉ cho thấy một sự mỉa mai của một xã hội đang trở lại thời “tiền văn minh”. Không có tập đoàn truyền thông nào ở Trung Quốc có thể dám “khóa miệng” Tập Cận Bình nếu Tập dùng mạng xã hội. Tu chính án thứ nhất (The First Amendment to the U.S. Constitution) bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do báo chí, được thiết kế nhằm bảo vệ sự thật chứ không phải bảo vệ “quyền” được nói dối và “quyền” được kích động bạo lực. Hơn nữa, Tu chính án thứ nhất ngăn cản chính sách kiểm duyệt chính phủ chứ không áp dụng cho các doanh nghiệp tư (First Amendment prohibits government censorship and does not apply to decisions made by private businesses).
Năm 2019, ba thẩm phán của Tòa Phúc thẩm khu vực hai ở New York thậm chí đã cùng biểu quyết khi tuyên bố rằng vì tài khoản @realDonaldTrump là diễn đàn công cộng nên Trump hoàn toàn không có quyền chặn hay block những ý kiến trái chiều! “Chúng tôi kết luận rằng một khi tổng thống đã chọn một nền tảng và mở ra không gian tương tác cho hàng triệu người dùng và người tham gia, ông ấy không thể loại trừ một cách có chọn lọc những người có quan điểm mà ông ấy không đồng ý” – thẩm phán Barrington D. Parker viết. Parker nói thêm, vì Trump sử dụng @realDonaldTrump với tư cách là viên chức chính phủ nên mặc nhiên ông chịu ảnh hưởng của Tu chính án thứ nhất và do vậy ông không được phép “kiểm duyệt” ý kiến người khác và không được phép block bất kỳ người sử dụng nào – dẫn lại từ Reuters 9-7-2019 (xin đừng nhầm ông Barrington D. Parker này – được Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm – với ông Barrington D. Parker, thuộc Tòa District of Columbia được Tổng thống Richard Nixon bổ nhiệm, đã từ trần năm 1993 – MK).
Khó có thể nói Trump vô can trong sự kiện bạo động đập phá trụ sở Quốc hội ngày 6-1-2021. Ngày 19-12-2020, Trump tweet: “Biểu tình lớn ở DC ngày 6-1. Hãy có mặt. Hãy chơi tới (“Big protest in D.C. on January 6th. Be there, will be wild!”). Ngày 27-12-2020, Trump tweet: “Hẹn các bạn ở Washington DC ngày 6-1. Đừng bỏ lỡ. Sẽ có thông tin sau” (“See you in Washington, DC, on January 6th. Don’t miss it. Information to follow”. Ngày 30-12-2020, Trump tweet: “NGÀY 6 THÁNG MỘT. HẸN CÁC BẠN Ở DC!” (“JANUARY SIXTH, SEE YOU IN DC!”). Phải nói là cuộc bạo động Quốc hội là kết quả của suốt hai tháng Trump cùng các luật sư của mình liên tục kích động về cuộc “bầu cử gian trá”, từ những diễn đàn trên mạng xã hội. Twitter và Facebook đáng lý đã phải hành động sớm hơn. Nói như thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, một trong những đồng minh trung thành bền bỉ của Trump, khi ông phát biểu trong Thượng viện không lâu trước khi những kẻ quá khích đột nhập vào Quốc hội trưa ngày 6-1-2021: “Enough is enough”!
Bài đã đăng trên Saigon Nhỏ