Bài 1: Khi thể chế chính trị bị lũng đoạn

 

“Sâu” là từ quá “hiền” và “tử tế” để chỉ tham nhũng. Phải gọi nó là “quái vật” mới đúng! Con quái vật vô hình vô tướng này đang gây ra những tổn thất toàn diện tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện. Người ta đã nghe nhiều những trường hợp chẳng hạn một cậu ấm con quan to lái chiếc Ferrari Spider chở hai cô gái trong tình trạng khỏa thân đã lạc tay lái đâm đầu vào tường khiến xe gãy làm đôi và cậu ấm chết ngay tại chỗ nhưng người ta vẫn ít khi được nghe nhắc đến những gì mà bố cậu ấm cùng bọn hủ lậu tương tự đã gây nên tổn thất gì đối với đất nước đó. Để nhìn thấu bản chất tham nhũng, hơn lúc nào hết là cần phải nhận dạng những tổn hại mà tham nhũng gây ra…

Một khi chiếc ghế được mua bằng tiền

Tham nhũng, như Christian Caryl viết trên Foreign Policy (8-11-2012), đang trở thành một trong những vấn đề chính trị quyết định của thế kỷ 21. Tại sao tham nhũng vẫn tồn tại và ngày càng trở thành một vấn đề toàn cầu? Đơn giản, nó là một “thuộc tính” thuộc về bản chất con người trong đó lòng tham quyền lực vô hạn là “yếu tố chủ đạo”. Quyền lực dẫn đến quyền lợi và sự tham lam quyền lợi dẫn đến hủ hóa.

Tham nhũng do vậy đã thâm nhập và tấn công đầu tiên vào hệ thống chính trị. Nói ở chiều ngược lại, hệ thống chính trị là một trong những nạn nhân trực tiếp đầu tiên của tham nhũng.

Ngay ở chương một quyển Global Corruption: Money, Power, and Ethics in the Modern World, tác giả Laurence Cockcroft (một trong những người sáng lập tổ chức Minh bạch Quốc tế) đã đặt ra một số câu hỏi, rằng khi đảng Dân chủ Tự do ở Nhật bị mất quyền vào năm 2008 thì liệu có phải đó là do tổ chức tội phạm yakuza cuối cùng đã quyết định rằng, chỉ bằng cách ủng hộ đảng đối lập Dân chủ thì chúng mới có thể thoát được những tội ác gây ra và đang bị cánh Dân chủ Tự do đưa vào tầm ngắm? Rằng sự ủng hộ từ tập đoàn truyền thông Rupert Murdoch khi “chống lưng” cho David Cameron và đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2010 tại Anh có phải là thủ đoạn mà Murdoch sử dụng để giúp kiểm soát tuyệt đối BSkyB (hãng truyền hình vệ tinh lớn nhất nước Anh)?…

Trong cuộc bầu cử năm 2003 tại Nga, Cockcroft kể tiếp, với một động thái mà sau đó đưa mình vào tù, trùm dầu hỏa Mikhail Khodorkovsky đã chi 100 triệu USD để ủng hộ 100 trong 450 dân biểu Hạ viện. Tại Uganda, Yoweri Museveni, dù ngồi ghế tổng thống từ năm 1986, đến nay vẫn không thể “dứt ra” được khỏi “trách nhiệm nặng nề với dân với nước”.

Để củng cố chiếc ghế tổng thống cũng như giành đa số trong Quốc hội, năm 2010, đảng Phong trào kháng chiến quốc gia của Museveni đã hào phóng chi 10.000 USD cho mỗi dân biểu. Và trong cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội năm 2011, ít nhất 10 triệu cử tri Uganda cũng được “tặng” tiền mặt với tổng cộng 200 triệu USD. Tiền từ đâu mà chi, từ quỹ đen riêng của Museveni? Còn khuya! “Lấy mỡ nó rán nó”! Hai tháng sau cuộc bầu cử, Ngân hàng trung ương Uganda đã cho Chính phủ “vay” 750 triệu USD để mua 14 chiếc Sukhoi Su-30 mà thật ra giá đơn hàng chỉ là 330 triệu USD!

Một trong những dấu chỉ cho thấy sự thoái trào của nền chính trị trong sạch là sự hình thành tình trạng mua quan bán tước. Theo Laurence Cockcroft, tổ chức Minh bạch Quốc tế từng ghi nhận vào năm 2005 tại Nga rằng, một ghế thứ trưởng có thể được bán từ 8-10 triệu USD; năm 2006, ghế Quốc hội được “niêm yết” với giá 2 triệu USD…

Thị trường “mua chỗ” tại Nga thời điểm đó còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác: giá để vào những trường đại học danh tiếng là 30.000-40.000 USD; giá để tránh đi nghĩa vụ quân sự là 1.500-5.000 USD. Cái thời nhiễu nhương mà đồng tiền có thể mua được tất còn thể hiện ở một vụ vào năm 1991, khi trùm giang hồ St. Petersburg, Anatoly Vladimirov, đã chi đậm cho một viện nghiên cứu thiên văn để tên mình được đặt cho một ngôi sao (“Anvlad”)!…

Với Trung Quốc, nơi mà người dân thường “cười buồn” khi nói đến “thanh quan hậu chứng quần” (hội chứng quan thanh liêm – ám chỉ ở một nơi mà nạn tham nhũng đã trở thành đại dịch không thuốc chữa thì quan chức trong sạch trở nên hiếm đến mức có thể được xếp vào loại “bất thường”, một kiểu “hội chứng”), sự bùng nổ của thị trường “mũ chuồn, áo thụng, thẻ bài ngà” đã lan rộng đến mức không thể kiểm soát – như được kể trong quyển The Party: The Secret World of China’s Communist Rulers của nhà báo Richard McGregor (xin xem chương ba).

Một vụ điển hình: theo Epoch Times (2-7-2012), phó tỉnh trưởng tỉnh Sơn Đông, Hoàng Thắng, đã bị sa thải (vào tháng 6-2012) tội “kinh doanh” chức vụ. Với ghế cấp thị, Hoàng ra giá 500.000 tệ (79.000 USD) và với ghế một văn phòng địa phương, Hoàng “bán” với giá 100.000 tệ (15.000 USD)…

Một guồng máy được “bổ nhiệm” bằng những phi vụ mua quan bán tước sẽ vận hành như thế nào? Chắc chắn là rất không bình thường nếu các “công bộc” đó ngày đêm mất ăn mất ngủ lo cho dân cho nước! Cái vốn đầu tư ban đầu sẽ được chúng tận lực vơ vét lại, bằng cách “cần mẫn” đục khoét cái gọi là “ngân sách nhà nước” mà thật ra phải nên và cần được gọi chính xác là tiền thuế của dân. Tham nhũng bắt đầu trở thành hệ thống. Thể chế chính trị bắt đầu mất trật tự; niềm tin người dân bị xói lở; và cuối cùng, cái giá đắt nhất phải trả, như trong nhiều trường hợp, là sự sụp đổ hoàn toàn, không chỉ nền kinh tế mà cả chế độ!

Một điển hình  

Kenyi Fujimori 15 tuổi – con của (cựu) Tổng thống Peru Alberto Fujimori – đang xuất hiện trên chương trình truyền hình “Tiempo Nuevo” (Thời đại mới) chiếu vào chủ nhật. Cậu bước ra từ phòng tắm, nhìn vào ống kính mà anh Hiro mình đang quay và ngoác miệng cười. Kenyi có nhiều lý do để tự mãn và hài lòng. Thế giới này là của cậu. Trên màn hình truyền hình, con số “1996” nằm ở góc trái bên dưới.

Phải bốn năm nữa Kenyi mới nhận ra rằng đất nước Peru không phải của riêng mình. Đột nhiên, cảnh trên màn hình chuyển sang cuộc gặp giữa Tổng thống Fujimori và trùm tình báo Vladimiro Montesinos. Fujimori hỏi cậu con trai đang chĩa ống kính quay (như một thú giải trí của cậu): “Máy có ghi âm không?”. Ông lo ngại cuộc nói chuyện với Montesinos bị tiết lộ… Chuyển sang một cảnh khác. Kenyi và đám cận vệ đang leo núi. Chiếc trực thăng bay sau lưng và phía bên dưới là hàng trăm nông dân. Họ được huy động để sẵn sàng giúp một khi có sự cố.

Kenyi vác khẩu súng trường. Cậu bắt đầu rú thất thanh rồi hát. Cậu chĩa súng vào con chó cưng Tauro. Kenyi không bóp cò. Cậu ôm con chó lên, nói: “Chó ở đất nước này biết chăm lo cho lính tráng còn hơn bọn đàn bà”. Kenyi tè lên con chó, trước mặt đám nông dân… Đó là một trong nhiều buổi trên chương trình “Tiempo Nuevo”, sau khi chế độ Fujimori sụp đổ và người ta lấy những cuộn băng hình gia đình trong Dinh tổng thống thời Fujimori đem chiếu công khai.

Trong nhiều băng hình tịch thu được (và công chiếu), còn có những cuộn băng của Montesinos – sếp Cơ quan an ninh quốc gia (SIN). Một trong những đoạn video chiếu trên truyền hình là cảnh Montesinos đang chia hai triệu USD cho Eduardo Calmell del Solar (tổng biên tập tờ Expresso, theo chính kiến ủng hộ Fujimori), Vicente Silva Checa (giám đốc Đài truyền hình cáp địa phương CCN) và một tướng quân đội. Vụ hối lộ là màn đấm mõm của Montesinos nhằm dọn đường cho cuộc tái tranh cử của Fujimori. Trước khi cơn lũ “Vladivideos” xuất hiện, đoạn phim đầu tiên dùi lỗ thủng vào bức tường chính thể Fujimori là cuộn băng ghi hình cảnh Montesinos đang hối lộ dân biểu Alberto Kouri…

Khi vụ việc đổ bể, Fujimori từ chức và Montesinos trốn chạy. Trong cuộc săn lùng, cảnh sát Peru đã phát hiện chỗ trú bí mật mà Montesinos xây từ những ngày còn ngồi ghế giám đốc SIN, như thể đương sự biết thế nào cũng có lúc cần đến. Đó là một ngôi nhà bãi biển cách Lima 32 km. Những gì cảnh sát Peru phát hiện từ “hang ổ” của Montesinos có thể khiến… điệp viên James Bond 007 cũng phải xấu hổ! Trong ngôi nhà, có một hồ bơi, bao quanh bởi những cây dương xỉ giả, một điện thoại vệ tinh giá 150.000 USD, một phòng tắm hơi kiểu Đan Mạch, một bồn tắm gần đó có… bản lề mà khi được kéo lên thì hiện ra một lối thoát xuống cái hầm bên dưới…

Nơi Montesinos hiện “trú” không tối đen như cái hầm nói trên nhưng cũng chẳng “sáng sủa”. Đó là nhà tù Callao. Tương tự, Alberto Fujimori, hiện 74 tuổi, cũng đang ngồi gỡ lịch. Đương sự đã bị “hành” với bốn phiên xử khác nhau (gần nhất là tháng 9-2009). Trong báo cáo 2004, tổ chức Minh bạch Quốc tế đã xếp Fujimori đứng thứ bảy trong danh sách các chính thể tham nhũng tồi tệ nhất thế giới trong hai thập niên.

Trường hợp Fujimori và Montesinos đã cho thấy, yếu tố “hệ thống” của tham nhũng chỉ có thể hình thành từ những móc nối chính trường, tạo nên cái gọi là “nhóm lợi ích” thi nhau lũng đoạn kinh tế lẫn hệ thống chính trị. Và một chế độ hủ lậu sẽ tạo ra những sản phẩm lãnh đạo hủ lậu. Một guồng máy công quyền tồi tệ sẽ có những chính sách bất cận nhân tình. Một đất nước bị “đè đầu” bởi tham nhũng sẽ sinh ra một xã hội lao nhao bất an. Tuy nhiên, một khi sự thối nát bắt đầu trở thành khối ung cương mủ nhức nhối thì nhất định nó phải bục vỡ và chế độ phải đổ. Đó là một kết quả tất yếu, đầy “biện chứng” và khoa học!

Hai nguồn chính (những nguồn khác được ghi chú trực tiếp trong bài):

Global Corruption: Money, Power, and Ethics in the Modern World, Laurence Cockcroft, University of Pennsylvania Press, 2012

– Waging War on Corruption: Inside the Movement Fighting the Abuse of Power, Frank Vogl, Rowman & Littlefield Publishers, 2012

_____________

Bài 2: Khi đất nước nằm trong tay một nhóm thiểu số

 

Chuyện gì sẽ xảy ra khi hệ thống chính trị và bộ máy lãnh đạo quốc gia nằm trong tay một nhóm thiểu số? Lịch sử đã có câu trả lời…

“Quê hương là chùm khế ngọt”

Thời đương chức, Ferdinand Marcos (Tổng thống Philippines suốt 21 năm, từ 1965-1986) cùng vợ (Imelda) có 77 ngôi nhà (trong đó, 45 căn ở nước ngoài), 32 dinh thự nghỉ mát khắp Philippines, hai nông trại và nhiều hòn đảo riêng. Em trai Imelda – Bejo – chiếm độc quyền công nghiệp cờ bạc mà lợi nhuận (thời điểm 1982) đạt 250.000 USD/ngày. Em rể Imelda – Herminio Disini – chiếm độc quyền ngành sản xuất đầu lọc thuốc lá. Một người em khác của Imelda – Kokoy – làm chủ công ty điện lực Manila, nắm tập đoàn báo chí Manila Chronicle và cai quản Benguet (mỏ vàng lớn nhất Philippines).

Bản thân Ferdinand làm chủ công ty điện thoại PLDT, công ty viễn thông Philcomsat và hệ thống hàng không quốc gia (theo Frank Vogl trong Waging War on Corruption, Marcos đã bỏ túi từ 5-10 tỉ USD trong những năm cầm quyền). Không ít người trong bộ máy lãnh đạo của hãng bia khổng lồ San Miguel (thời gian đó) là bằng hữu của vợ chồng Marcos. Rodolfo Cuenca – một người bạn khác – nắm độc quyền trong lĩnh vực xây dựng. Antonio Floirendo cai quản ngành công nghiệp trồng trọt và chế biến chuối, kẻ được mệnh danh là “vua chuối” Mindanao… (nguồn: Imelda – A Story of The Philippines, Beatriz Romualdez Francia, Solar Publishing Corp, tái bản lần ba, 1992).

Trường hợp thứ hai là Suharto (nắm quyền Indonesia 31 năm, từ 1967-1998). Khả năng “thu vén” của gia đình Suharto phải nói là thật sự kinh khủng. Dẫn theo Cơ quan đất đai quốc gia (Indonesia) và tạp chí Properti Indonesia, báo Time cho biết Suharto và gia đình ông sở hữu khoảng 3,6 triệu hecta bất động sản tại Indonesia (lớn hơn nước Bỉ), trong đó có 100.000 m2 khu vực văn phòng tại Jakarta và gần 40% tỉnh Đông Timor. Sáu người con của ông giữ cổ phần trong ít nhất 564 công ty nội địa, chưa kể nhiều công ty nước ngoài rải rác từ Mỹ, Uzbekistan, Hà Lan, Nigeria đến Vanuatu.

Ngoài khu săn bắn trị giá bốn triệu USD ở New Zealand và chiếc du thuyền trị giá bốn triệu USD cắm ngoài khơi Darwin (Úc), cậu con trai Hutomo Mandala Putra “Tommy” còn giữ 75% trong một sân golf 18 lỗ cùng 22 căn hộ sang trọng tại Ascot (Anh). Bambang Trihatmodjo, cậu con thứ ba, có một căn nhà tám triệu USD tại Singapore và một căn nữa trị giá 12 triệu USD tại Los Angeles, cách không xa căn chín triệu USD của người anh Sigit Harjoyuanto.

Cô con gái đầu lòng Siti Hardiyanti Rukmana “Tutut” sở hữu một chiếc Boeing 747-200, cạnh những chiếc khác của gia đình (gồm một DC-10, một Boeing 737, một Challenger 601 và một BAC-111 – chiếc từng thuộc đội chuyên cơ của Nữ hoàng Anh Elizabeth II). Tổng tài sản của “đệ nhất tiểu thư” Tutut ước chừng 700 triệu USD, với một căn nhà tại Boston (Mỹ) và một căn nữa ở quảng trường Hyde Park (Anh)…

Ngày nay, mô thức gia đình trị vẫn tiếp tục “diễn biến phức tạp”. Trong bài viết gần đây, Foreign Policy (4-9-2012) đã kể ra loạt quốc gia Trung Á đang chịu ảnh hưởng bởi tình trạng này. Đầu tiên là “nhà” Islam Karimov tại Uzbekistan.

Theo các bức điện rò rỉ từ Tòa đại sứ Mỹ, “công chúa” Gulnara Karimova (con Tổng thống Karimov, nắm quyền từ 1989 đến nay) đang kiểm soát nhiều lĩnh vực kinh tế quốc gia trong đó có tập đoàn đa ngành Zeromax (nông nghiệp, dệt may, xây dựng, khoáng sản và năng lượng), chưa kể nhà máy đóng chai Coca-Cola, nhà mạng điện thoại… Em gái của Karimova, Lola Karimova-Tillyaeva, cũng là doanh nhân, với công ty Abu Sahiy Nur (chuyên nhập hàng Trung Quốc). Cả hai chị em đều có mặt trong danh sách 300 người giàu nhất Thụy Sĩ năm 2011 (do có nhiều bất động sản tại nước này). Giá trị tài sản của họ là khoảng một tỉ USD (một số nguồn khác nói rằng chỉ riêng Karimova đã có ba tỉ USD!)…

Tương tự, tại Azerbaijan, thời Heydar Aliyev ngồi ghế tổng thống (1993-2003), con trai ông, Ilham, là phó chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc gia SOCAR. Trước khi chết năm 2003, Heydar đã kịp “sắp xếp nhân sự” để Ilham thay mình tiếp tục đảm nhận “trọng trách khó khăn” lãnh đạo đất nước. Dù luật Azerbaijan cấm viên chức chính phủ, kể cả tổng thống, được sở hữu doanh nghiệp nhưng loạt điều tra gần đây cho thấy một danh sách dài công ty và bất động sản ở nước ngoài hiện được con cái Ilham đứng tên.

Cụ thể, hai con gái, Leyla và Arzu Aliyeva (27 và 23 tuổi, theo thứ tự), hiện “ngồi” trên một mỏ vàng. Năm 2007, Chính phủ cho phép Tập đoàn khai thác khoáng sản quốc tế Azerbaijan (AIMROC) giữ 70% cổ phần trong một mỏ vàng gần làng Chovdar cũng như năm địa điểm khai thác khác. Chỉ riêng mỏ Chovdar đã có trữ lượng 44 tấn vàng và 164 tấn bạc trị giá 2,5 tỉ USD. AIMROC là một liên doanh trong đó có Globex International (trụ sở tại Anh) chiếm 11% cổ phần (trị giá 200 triệu USD).

Có một điều đáng chú ý: Globex được sở hữu bởi ba công ty cổ đông nằm tại Panama mà cả ba đều do chị em Aliyeva ngồi ghế điều hành cấp cao! Ngoài ra, con cái Tổng thống Ilham còn sở hữu loạt bất động sản ở Dubai trị giá 75 triệu USD, trong đó có chín biệt thự tại khu cực sang Palm Jumeirah trị giá 44 triệu USD mà người mua có cùng tên và ngày sinh với cậu con trai… 11 tuổi của Tổng thống Ilham!

Còn tại Kazakhstan, nơi Nursultan Nazarbayev ngồi ghế tổng thống từ năm 1990 đến nay, cô con gái đầu lòng, Dariga, đã trở thành một “đại gia” khét tiếng. Cho đến năm 2010, cùng con trai mình (Nurali), Dariga chiếm đa số cổ phần trong ngân hàng Nurbank. Năm 2012, tờ Forbes xếp Dariga thứ 13 trong danh sách những người giàu nhất Kazakhstan, với 585 triệu USD (Nurali thứ 25 với 190 triệu USD).

Trong khi đó, em gái Dariga, Dinara, có mặt trong danh sách tỉ phú của Forbes năm 2011, với 1,3 tỉ USD. Forbes cho biết nguồn tài sản mà Dinara có được là từ hoạt động ngân hàng (vợ chồng Dinara chiếm đa số cổ phần trong Halyk, ngân hàng lớn thứ hai Kazakhstan). Chồng Dinara, Timur Kulibayev, hiện phủ bóng trên nhiều hoạt động kinh tế quốc gia, từ dầu khí đến hỏa xa. Điện tín rò rỉ từ Tòa đại sứ Mỹ thậm chí đánh giá cậu con rể Timur Kulibayev nắm đến… 90% nền kinh tế Kazakhstan!

Và hậu quả

Điều gì sẽ xảy ra khi những nhóm thiểu số như vậy cai trị đất nước? Từ nghèo đến mạt là câu trả lời! Trong Waging War on Corruption, Frank Vogl cho biết, chỉ với vài năm cầm quyền, Tổng thống Sani Abacha (1993-1998) đã có thể “gửi tiết kiệm” tại các ngân hàng châu Âu với 3-5 tỉ USD. Theo thời giá 2006, số tiền đó tương đương với 2,6-4,3% GDP Nigeria, hay 20,6-34,4% ngân sách chính phủ.

Trong bài viết cuối năm 1998, J. Brian Atwood (giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ-USAID) ghi nhận, “băng nhóm” Abacha đã biến Nigeria, đáng lẽ phải trở thành nước giàu nhất nhì châu Phi nhờ tài nguyên dầu, từ một quốc gia với thu nhập bình quân đầu người 800 USD vào thập niên 1980 xuống còn 300 USD.

Tương tự, “tài lãnh đạo tuyệt vời” trong 32 năm của Robert Mugabe (thủ tướng từ 1980-1987 và tổng thống từ 1987 đến nay) đã thể hiện ở những thống kê đầy “thuyết phục”: Tỉ lệ lạm phát, như được công bố chính thức, từng ở mức 231 triệu %; đội sổ thế giới về chính sách y tế; tỉ lệ trẻ chết khi sinh tăng từ 59 cuối thập niên 1990 lên 123/1.000 em năm 2004 (đến cuối tháng 11-2008, ba trong bốn bệnh viện lớn nhất Zimbabwe phải đóng cửa)… Theo bài viết của tiến sĩ kinh tế Lance Mambondiani trên New Zimbabwe (19-12-2012), hiện đất nước với hơn 12,5 triệu dân này có tỉ lệ thất nghiệp là 80%!

Điều gì sẽ xảy ra khi những nhóm thiểu số như vậy cai trị đất nước? Không chỉ là những tổn hại kinh tế mà nhiều thế hệ sau phải trả “lãi mẹ lẫn lãi con”. Mà cần phải nói đến những vết sẹo hằn lại trong hệ thống chính trị lẫn xã hội từ cái mà Frank Vogl gọi là “embedded network” (mạng gắn kết). Khi xét đến mức độ tàn phá và khả năng hủy diệt hệ thống chính trị của tham nhũng về lâu dài, phải đề cập đến yếu tố này.

Theo Frank Vogl, một thể chế tham nhũng có thể được xem như một “mô hình lý tưởng” là thể chế trong đó có một “mạng gắn kết”, khi:

“Giới chóp bu sử dụng bọn thuộc hạ để củng cố trật tự ở các cấp thấp hơn đồng thời giúp “giới tinh hoa” nắm giữ quyền lực. Đám thuộc hạ hàng đầu, để đổi lại sự phục vụ của họ, sẽ có thể dễ dàng tiếp cận ngân khố công, cũng như cơ hội đưa vợ con và bằng hữu lên những vị trí cao trong cấu trúc chính phủ hoặc khu vực tập đoàn nhà nước. Các nhóm lãnh đạo còn thiết lập những mạng tham nhũng trong các cấu trúc hành chính hình tháp khắp cơ quan công quyền và quân đội. Trong cấu trúc kiểu này, những kẻ ở thượng tầng sẽ bỏ túi những khoản tiền cao nhất trong khi bọn thấp hơn nhận những khoản trả công tương xứng vị trí của chúng.

Thông thường, hàng ngàn viên chức nhà nước, cả dân sự lẫn quân đội, sẽ có tên trong những bảng lương mờ ám, và khi số lượng tham gia ngày càng nhiều thì số tiền phải bị đánh cắp để trả cho họ càng tăng. Tất nhiên chỉ những người tham gia trong cái tháp là có lợi trong khi những người khác trong hầu hết trường hợp đều đối mặt với sự suy giảm dịch vụ công và nghèo đói”.

Trong một hệ thống như vậy, “thượng tôn pháp luật” sẽ bị “co rút” lại và chỉ còn là một khái niệm mang tính tượng trưng chủ yếu để mị dân, bởi công lý và luật pháp đã nằm trong tay nhóm cầm quyền hủ hóa. Một cách dễ hiểu, “mạng gắn kết” theo định nghĩa của Frank Vogl thật ra là một hệ thống “mafia chính trị”, thứ từng làm nước Nga trở nên tan nát và sụp đổ toàn diện giai đoạn hậu Gorbachev.

Bất luận thế nào, lịch sử cũng cho thấy dù cái tháp “tham nhũng có hệ thống” được “đổ bê tông” kiên cố như thế nào, không quyền lực nào là vĩnh viễn, không điều ác nào là không trả giá, không sự ăn cướp của nhân dân nào là được phép tồn tại. Hãy nhìn lại những trường hợp “quả báo nhãn tiền” như Marcos hay Suharto. Hãy xem lại hình ảnh thê thảm một ông già “bát tuần” như Hosni Mubarak, sau 30 năm quyền lực, phải nằm trong cái “chuồng sắt” để nghe tòa gõ búa hạch tội, hay những giây phút cuối đời kinh hoàng với cái chết “bi tráng” sau 42 năm “hét ra lửa” của Muammar Qaddafi…

___________

Bài 3: “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”

 

Tham nhũng gây tổn hại gần như toàn diện đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Chẳng lĩnh vực nào có thể “miễn trừ” đối với tham nhũng, trong đó có giáo dục…

Nuôi cái miệng còn khó…

Trong buổi nói chuyện tại Washington vào tháng 6-2007, Ngozi Okonjo-Iweala (một trong những nhà hoạt động chống tham nhũng nổi tiếng thế giới, bộ trưởng tài chính Nigeria từ năm 2011) kể về một nạn nhân tên Rose ở nước mình (sinh viên đại học 21 tuổi).

Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, Rose không thể mua giáo trình mà giảng viên bán. Chỉ mỗi “tội” đó thôi nhưng Rose đã bị “đánh” điểm thấp. Khi nghe Rose giải thích rằng bởi không có tiền và gia đình khốn khó phải chạy gạo từng bữa, tay giảng viên yêu cầu cô phải “đền” bằng những “thiện ý” khác. Rose từ chối. Hậu quả, Rose phải từ bỏ giảng đường, dập tắt mọi hy vọng mà cả gia đình trông mong hầu có thể thoát được cảnh khốn cùng bằng con đường học vấn…

Nói như Frank Vogl (Waging War on Corruption), “tội ác của tham nhũng không phải là những vấn đề trừu tượng. Cứ mỗi khi một viên chức ăn cắp tiền từ chiếc ví công thì ai đó phải chịu đau khổ. Mỗi khi một viên chức hành xử như một kẻ côn đồ thì sẽ có một nạn nhân”.

Với trường hợp Nigeria, Chính phủ nước này hoàn toàn có khả năng để “nuôi” dân nhưng Nigeria là một trong những điển hình của cái gọi là “quốc phú dân cùng” (nước thì giàu nhưng dân nghèo mạt). Theo Laurence Cockcroft (Global Corruption), từ năm 1980-2000, doanh thu dầu mỏ Nigeria đạt đến 600 tỉ USD, tức mỗi người dân có thể có được 300 USD/năm. Vậy mà từ 1975-2003, tăng trưởng GDP/đầu người/năm tại Nigeria chỉ đạt 0,5%. Hiện giờ, có đến 70% dân số nước này (khoảng 80 triệu) đang sống “dưới chuẩn” nghèo (thu nhập không đến một USD/ngày). Nuôi cái miệng còn khó, tiền đâu “nuôi” chữ?

Nigeria không là nước châu Phi duy nhất bị ảnh hưởng nặng nề của tham nhũng đối với giáo dục. Laurence Cockcroft cho biết, năm 2007, có đến 72 triệu trẻ ở độ tuổi tiểu học tại châu Phi là không thể đến trường, chỉ bởi không có tiền lo “phong bì” cho thầy cô. Năm 2009, một cuộc khảo sát bảy nước châu Phi cho thấy, 44% phụ huynh nói rằng họ phải hối lộ cho giới chức giám hiệu để con mình được nhận vào trường. Một cách chính xác, không riêng gì châu Phi, có thể nói tại bất kỳ nước nào mà tham nhũng lộng hành, giáo dục luôn bị đối xử nghiệt ngã, với vô số câu chuyện đau lòng mà “tại”, “bởi” hay “vì hoàn cảnh” là từ phổ biến nhất được dùng để giải thích.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây (26-7-2012) với đại diện văn phòng UNESCO tại Bangkok, Muriel Poisson (đặc trách viên chương trình của Viện kế hoạch giáo dục quốc tế thuộc UNESCO) đã nhấn mạnh, tình trạng tham nhũng trong giáo dục tại châu Á-Thái Bình Dương đang là “những vấn đề nóng bỏng”. Poisson tỏ ra am hiểu đặc biệt khi dẫn ra những chuyện liên quan chạy trường, hối lộ giáo viên để được nâng điểm, học sinh buộc phải học thêm nếu không muốn bị “đì”… Poisson cho biết, tại một số nước khu vực, có đến hơn 25 loại phí khác nhau mà phụ huynh bắt buộc phải đóng, chưa kể nhiều kiểu hối lộ khác mà chẳng đặng đừng phải chi.

Để được đi học ở Trung Quốc…

Người Trung Quốc có câu: “Ấu bất học, lão hà vi” (Nhỏ mà không học, già biết làm gì). Tuy nhiên, để cho con được ăn học đàng hoàng không phải là chuyện dễ và đặc biệt không dành cho người ít tiền lẫn những người không có nhiều mối quan hệ cần thiết.

Trong phóng sự đề tài này, Dan Levin (New York Times, 21-11-2012) cho biết, gần như tất cả mọi thứ liên quan sự học tại Trung Quốc đều có giá của nó, từ chuyện lấy hồ sơ đăng ký, việc “đặt chỗ” trong những “lớp điểm” thuộc “trường điểm” đến cả vị trí lãnh đạo trong tổ chức Đoàn trường. Thậm chí chỗ ngồi ở những hàng ghế đầu gần bảng hay “chức” lớp trưởng cũng phải mua! Triệu Hoa, dân tỉnh nhập cư gốc Hà Bắc, cho biết bà buộc phải “nộp cọc” số tiền tương đương 4.800 USD để đăng ký cho con gái vào một trường tiểu học ở Bắc Kinh mà sau đó giới chức nhà trường buộc bà phải ký vào biên bản với nội dung khoản phí trên là một “đóng góp tình nguyện”.

Sự bát nháo bởi tham nhũng trong hệ thống giáo dục Trung Quốc thể hiện mọi nơi, từ đại học xuống tận mẫu giáo. Ngay từ những ngày đầu năm, Nhà trẻ sạch Trung Quốc (Thanh khiết Trung Quốc Ấu nhi viện) thuộc hệ thống Đại học Thanh Hoa bắt đầu tiếp nhận hàng đống đơn đăng ký. Chính thức thì nhà trẻ này chỉ nhận con em những người làm việc tại Thanh Hoa nhưng với khoảng 150.000 tệ (24.000 USD), một giáo sư Thanh Hoa có thể được “thuyết phục” để làm “nhà bảo trợ” cho một đơn xin.

Tuy nhiên, không chỉ có tiền là giải quyết được vấn đề, còn phải quen biết, phải nắm được “đường dây”, phải chạy đúng “cửa”… Với trung học, báo chí Trung Quốc cho biết (dẫn lại từ Nytimes), giá để “chạy” vào một trung học có liên kết với Đại học Nhân Dân Bắc Kinh là 80.000-130.000 USD. Và giá để mua một điểm (bị thiếu) ở một trường trung học hàng top là 4.800 USD!

Trong Báo cáo phát triển con người châu Á-Thái Bình Dương 2008 của LHQ, nhóm tác giả ghi nhận rằng, năm 2003, một cuộc thanh tra gần 3.000 trường tiểu học và 1.500 trường trung học ở quận Giản Tây (Lạc Dương, Hà Nam) đã phát hiện 125 trường hợp thu phí bất hợp pháp với tổng cộng hai triệu USD; và khắp Trung Quốc, con số trên là hơn 20 triệu USD! Báo cáo cũng ghi nhận, có những vụ “hối lộ” để được nâng điểm bằng hình thức “hiến dâng thân mình”…

Còn nữa là chuyện mua bán văn bằng. Theo Yangtze Daily (22-10-2012), “công nghiệp” kinh doanh bằng dỏm, đặc biệt tiến sĩ, hiện trị giá từ 180 triệu tệ (26,3 triệu USD) đến 540 triệu tệ (79 triệu USD) mỗi năm. “Không khí” kinh doanh náo nhiệt đến nỗi ngày càng có nhiều website mọc ra để đáp ứng nhu cầu mua bán luận án tiến sĩ, được “luộc” lại từ những công trình nghiên cứu đăng tải trên các chuyên san khoa học thế giới.

Theo thống kê 20 trang mua bán luận án tiến sĩ phổ biến nhất tại website Taobao.com (Đào bảo võng), mức giá trung bình cho luận án tiến sĩ là 649 tệ (95 USD) – quá bèo cho một “đề tài nghiên cứu” mang lại bằng tiến sĩ có thể giúp no cơm ấm cật cả đời! Taobao đang trở thành website số một về hoạt động mua bán văn bằng. Tại các website khác, “khách hàng” còn có thể được cung cấp nhiều “dịch vụ” liên quan, từ viết luận án thuê, dịch luận án, in luận án đến tìm kiếm luận án theo yêu cầu đề tài. Ngoài ra, còn có nhan nhản văn phòng tại các thành phố lớn hoạt động gần như công khai phục vụ nhu cầu “làm luận án”.

Trong quá trình con em đi học, “thiện chí” và “tình cảm” của phụ huynh đối với giáo viên và nhà trường còn được đánh giá qua mức độ thể hiện của họ trong lễ Nhà giáo vào ngày 10-9 hàng năm. Theo Shanghai Daily (dẫn lại từ South China Morning Post 28-11-2012), đã qua rồi cái thời “hồn nhiên” khi các em tặng thầy cô bó hoa hoặc quản bút. Giá trị món quà ngày Nhà giáo bây giờ đã “nặng đô” hơn cách đây một thập niên đến 50 lần (đồng hồ, quần áo-bóp ví hàng hiệu hoặc tiền mặt). Tại Nội Mông, vài thầy cô rất “sẵn lòng” nhận thẻ tín dụng với tài khoản được “làm đầy” trong suốt một năm!…

Theo tờ Tài Kinh (15-2-2012), khảo sát của Dự án hành động giáo dục vùng quê (REAP – với sự phối hợp của Đại học Stanford, Đại học Thanh Hoa, Viện xã hội học Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh và Đại học Tây Bắc-Tây An) cho thấy, trong 62 quốc gia được xem xét, Trung Quốc là nơi có chi phí giáo dục cao nhất đối với các trường trung học vùng quê: 160 USD/học sinh/học kỳ (gần gấp ba so với nơi được xếp nhì là Indonesia)…

Tất cả những chuyện như vậy đang diễn ra ở một nước mà giáo dục được qui định miễn phí từ mẫu giáo cho đến cấp trung học cơ sở và việc chọn trường bị cấm từ năm 2005!

Với giới “tinh hoa” chóp bu ở những quốc gia nhiễu nhương bởi tham nhũng, những chuyện bát nháo đại loại hay vô vàn câu chuyện đau lòng của các trường hợp con nhà nghèo không “sắm” nổi “cái chữ” mà báo chí đề cập hàng ngày gần như chẳng tác động gì đến họ. Việc giáo dục nước nhà bị tàn phá tan nát bởi tham nhũng dường như chẳng ăn nhập gì đến họ.

Phản ứng duy nhất thường thấy trước những hồi chuông cảnh báo trong hệ thống giáo dục của giới chức là họ tiếp tục “kiên quyết lên án tham nhũng”, thề “bằng mọi giá phải làm trong sạch môi trường giáo dục”, tiếp tục khẳng định rằng “giáo dục là nền tảng của phát triển”, “thế hệ trẻ là rường cột tương lai đất nước” và “đầu tư cho giáo dục phải là quốc sách ưu tiên hàng đầu”…

Phần mình, họ đã tử tế, chu đáo và “ưu tiên hàng đầu” lo cho con em họ ăn học ở nước ngoài, bằng những đồng tiền bất minh. Thử nêu một điển hình. Vào thời mà bố Bạc Hy Lai còn “một bước lên xe xuống ngựa”, cậu ấm Bạc Qua Qua đã được đi du học từ nhỏ.

Trước khi sang Mỹ học Harvard, năm 2000, khi 12 tuổi, Bạc Qua Qua được bố (lúc đó là thị trưởng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh) cho sang Anh học tiểu học tại Trường Papplewick (học phí chừng 35.000 USD/năm). Khoảng một năm sau, Bạc Qua Qua trở thành người Hoa lục đầu tiên học trường trung học danh tiếng Harrow (nơi chỉ nhận khoảng 850 nam sinh, với học phí gần 49.000 USD/năm). Năm 2006, thời điểm Bạc Hy Lai được bổ nhiệm ghế Bộ trưởng thương mại, Bạc Qua Qua chuyển sang Oxford, nơi cậu từng tổ chức đêm dạ tiệc Con đường tơ lụa với màn trình diễn của các sư Thiếu Lâm. Tiếp đó, Bạc Qua Qua học Trường Kennedy thuộc Viện đại học Harvard (nơi có học phí khoảng 70.000 USD/năm)…

Những người như Bạc Qua Qua rõ ràng là ở một cái thế giới khác, rất riêng biệt và rất cao. Bên dưới, đa số, là những kẻ thiệt thòi thấp cổ bé họng, bị tác động nặng nề và phũ phàng bởi một hệ thống tham nhũng. Hoàn toàn bất lực, họ lố nhố nhìn lên, thấy mình “hèn hạ và thấp kém”, như những con sâu cái kiến!

_________

Bài 4: Những khoản “thuế” không tên

 

“Tham nhũng là một thứ thuế đánh vào phát triển. Khi lan rộng, nó sẽ hút cạn sinh lực các thể chế quản lý và làm hao mòn thịnh vượng lẫn ổn định…” – cựu Toàn quyền Hong Kong Christopher Patten nhận xét (trong lời bình quyển Waging War on Corruption). Nói cách khác, người dân ở những nước bị tham nhũng nghiêm trọng buộc phải gồng mình nộp thêm vô số loại “thuế” không tên, thể hiện ở những chiếc phong bì. Không hối lộ mà có thể yên thân được sao?!

“Móc túi” trong bệnh viện

Theo Bloomberg News (26-9-2012), ngày càng có nhiều vụ bạo động trong bệnh viện khắp Trung Quốc. Đầu năm 2011, một bác sĩ tại Cáp Nhĩ Tân đã bị bệnh nhân giết. Năm 2010, có hơn 17.000 vụ bạo động tại các bệnh viện và vụ việc trở nên nghiêm trọng đến mức 50 bệnh viện ở Bắc Kinh phải củng cố lại hệ thống an ninh. Vì sao như vậy? Nguyên nhân bề mặt là những sự cố gây chết người của bệnh viện nhưng sâu xa hơn vẫn là sự bùng nổ như giọt nước tràn ly từ thái độ bất mãn trước tình trạng hủ hóa của giới “lương y” cũng như sự thờ ơ của giới chức Bộ y tế.

Tổng quát và “tính trung bình”, bác sĩ Trung Quốc thường kiếm được 50% (!) từ đơn thuốc mà họ kê cho bệnh nhân. Và “để tăng lợi nhuận, bệnh viện thường điều trị quá thời hạn và xét nghiệm quá yêu cầu” – theo Nhiêu Khắc Cần, bí thư đảng ủy Hội y học Trung Quốc. Tháng 9-2012, China Daily cho biết, một vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã xảy ra tại Thâm Quyến, liên quan ít nhất 20 viên chức bệnh viện.

Như trong nhiều trường hợp, người giàu và giới chức tham nhũng không màng đến những chuyện trớ trêu xảy ra trong hệ thống y tế bởi họ chẳng bao giờ thèm đặt chân đến bệnh viện trong nước và thay vào đó là ra nước ngoài. Và như trong nhiều trường hợp, người nghèo luôn là nạn nhân trực tiếp đầu tiên và thiệt hại nặng nhất của một hệ thống tham nhũng. Phóng sự của China Daily (2-9-2009) thuật một câu chuyện…

Lúc Vấn Vấn ngủ mê man trong tay bà ngoại sau khi được truyền dịch tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, mẹ của bé, cô Trịnh, thầm cầu trời khẩn Phật cho bé chóng khỏe để về nhà và đừng bao giờ quay lại bệnh viện nữa, nơi không thuần túy là chỗ để chữa trị như chức năng của nó mà còn là một “cõi” có thể gây ra những nỗi ám ảnh rùng rợn! Trịnh đã bị “móc túi” 100 tệ (14 USD) mới “được quyền” cho bé Vấn Vấn truyền dịch.

Cuối cùng, tổng chi phí mà vợ chồng Trịnh phải trả cho đợt vào viện lần đó là 7.800 tệ (1.142 USD) – số tiền quá lớn đối với cặp vợ chồng nghèo mạt này. Không chỉ vợ chồng Trịnh, nhiều người nghèo khác cũng có hoàn cảnh và tâm trạng tương tự. Tại Trung Quốc, bệnh là thứ mà người dân sợ nhất, bởi vào đến bệnh viện là phải có tiền. Tiền khám, tiền thuốc, tiền bồi dưỡng y tá-hộ lý, tiền “bác sĩ theo yêu cầu”, tiền “mua” giường nằm cho bệnh nhân và cả tiền mua ghế ngủ cho thân nhân (chưa kể tiền ăn uống nuôi bệnh)…

Không như thời trước, khi mà việc trấn an bệnh nhân và thân nhân được xem là bổn phận mang tính đạo đức của bác sĩ, bây giờ, bác sĩ – ngoài trình độ chuyên môn – còn phải có “kỹ năng” “hù”, rằng bệnh này nhất định phải uống thuốc kia, “nặng” thế này nhất thiết cần phẫu thuật, phải điều trị cách này thì mới “đảm bảo an toàn tính mạng”… Sao lại phải “hù”? Bởi nó sẽ được qui thành tiền trong những tỉ lệ phần trăm mà bác sĩ được hưởng, không chỉ với các hãng dược (từ những móc ngoặt bí mật và tinh vi) mà cả với ban lãnh đạo bệnh viện, đặc biệt bệnh viện tư, nơi mà doanh số là “chỉ tiêu” hàng đầu! Lo lắng và bấn loạn trước bệnh tình người nhà, thân nhân họ có thể bỏ ngoài tai những lời hù dọa như vậy được không?

Cái mẫu số chung “người-nghèo-thiệt-hại-nặng-nhất” tất nhiên cũng hiện diện ở những nước tham nhũng khác. Trong báo cáo Minh bạch Quốc tế 2010 (dẫn lại từ Waging War on Corruption), mỗi ngày có đến tám thai phụ Zimbabwe tử vong khi sinh. Và trước khi nghĩ đến việc vào viện để được đỡ đẻ, thai phụ phải kiếm cho được 50 USD tiền phí – khoản tiền bằng 1/3 thu nhập của một người Zimbabwe thuộc “đối tượng trung bình” trong… một năm! Nếu không có tiền nộp, sản phụ sẽ bị nhốt lại bệnh viện và bị tính “lãi suất” cho đến khi nào họ thanh toán xong sổ nợ.

Thế cho nên đã xảy ra nhiều vụ đào thoát khỏi bệnh viện mà tình tiết của chúng ly kỳ chẳng khác gì vượt ngục! Mức độ “kinh khủng” của sự việc chưa dừng lại tại đó. Theo nguồn đã dẫn, có chuyện kể rằng y tá tại một bệnh viện địa phương ở Zimbabwe đã ra qui định rằng thai phụ sẽ bị phạt (tương đương) 5 USD mỗi lần họ la to trong khi sinh! Còn tại một số vùng quê Zambia, người dân thường nói với nhau rằng họ thà chịu bị bệnh tật hành hạ thân xác chứ không vào bệnh viện bởi đó là cách nhanh nhất để họ được đưa thẳng đến nghĩa địa trong cỗ quan tài!

Mở mắt ra là thấy tham nhũng

Còn có rất nhiều khoản “thuế không tên” khác mà người dân ở những nước tham nhũng đối mặt hàng ngày, mọi lúc mọi nơi, trở nên bình thường đến mức họ quen với việc nhẫn nhục chấp nhận như một thứ thông lệ “muốn qua sông thì phải lụy đò”… Mỗi ngày, tổng số tiền mà người dân một nước tham nhũng bị thiệt hại khi phải “cúng” cho những người “làm luật” là bao nhiêu? Một con số chắc chắn kinh khủng.

Theo Laurence Cockcroft (Global Corruption), cuộc khảo sát tại Pakistan năm 2010 của tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết, 43% người được hỏi đã nói rằng mình phải đối mặt với hối lộ khi “có việc” với viên chức hành chính địa phương, 69% với viên chức tư pháp, 84% với cảnh sát, và 48% với hệ thống y tế. Cụ thể, chi phí trung bình cho những khoản “thuế không tên” đối với người dân Pakistan là 7 USD cho dịch vụ y tế, 18 USD cho giáo dục, 69 USD cho tư pháp…

Tại Ấn Độ, một trong những chìa khóa có thể giúp mở được cánh cửa những dịch vụ dành cho người nghèo là thẻ BPL (công nhận dưới chuẩn nghèo). Trên hồ sơ chính thức, có khoảng 60 triệu hộ dân thuộc “diện chính sách” như thế này nhưng trong thực tế, gần ½ trong số đó, tức khoảng 27 triệu, là những hộ khá hơn.

Họ có được tấm thẻ BPL là nhờ “mua” từ giới chức địa phương. Thậm chí khi đi đăng ký BPL, hơn 1/3 hộ nghèo thật sự cũng phải lót tay cho giới chức tham nhũng… Và để “công lý được thực thi”, tại Ấn Độ và Sri Lanka, 100% nguyên đơn phải hối lộ quan tòa để đơn kiện mình được xử (Global Corruption)! Tại châu Phi, người dân đã quá quen với việc bị “ăn cướp” trắng trợn. Cuộc khảo sát năm 2002 tại Kenya cho biết, người dân thành thị phải nộp các loại “thuế không tên” trung bình mỗi hai tuần, làm mất 15% thu nhập của họ mỗi năm.

Và với nhiều nước tham nhũng, những kẻ hủ hóa gây ảnh hưởng và mang lại tác động tâm lý xã hội đặc biệt nghiêm trọng là giới cảnh sát. Chẳng gì tồi tệ hơn khi những người đại diện pháp luật với vai trò trực tiếp thực thi trật tự xã hội lại biến thành bọn hủ lậu. Xã hội nhiễu nhương và hỗn loạn là từ chính vấn nạn này. Niềm tin công chúng vào chế độ bị mai một là cũng từ chính vấn nạn này, khi mọi người, hàng ngày, chứng kiến cảnh người đại diện pháp luật bóp méo và nghiễm nhiên chà đạp pháp luật bằng việc ngửa tay nhận tiền đút lót và thậm chí làm nhiều việc phi pháp, một cách công khai.

Niềm tin sẽ không còn khi người ta biết những chuyện chẳng hạn chỉ riêng tại bang Anambra (Nigeria), khoảng 70 chốt cảnh sát đã thu được 4,5 triệu USD tiền hối lộ vào năm 2008 (Waging War on Corruption); hay chuyện ông quan cảnh sát Diệp Thụ Dưỡng tại Thiều Quan (Quảng Đông) bị bắt năm 2008 với tội nhận của đút lót tổng cộng 30 triệu tệ, chủ yếu từ giới nhà thổ; hay chuyện nhà báo Ngô Tương Hồ của tờ Thai Châu vãn báo (Chiết Giang) bị 50 cảnh sát đánh hội đồng (năm 2005) cho đến chết, sau khi tờ báo của ông lên án họ thu phí xe đạp điện một cách bất hợp pháp (Asia Sentinel, 10-2-2009)!

Và còn vô số chiếc bẫy vô hình khác rình rập ngày đêm

Đang đi bỗng dưng bị sập “hố đen” làm tan nát chiếc xe mới mua? Đang ngồi trên xe lửa bỗng nhiên bị lọt khỏi đường ray và gãy tay gãy cổ?… Đó chính là những chiếc bẫy vô hình luôn rình rập và đe dọa người dân tại những nước tham nhũng. Ai chịu trách nhiệm? Nhà thầu cầu đường, ông quản lý và giám sát công trình đô thị, hay ngài bộ trưởng giao thông? Xin lỗi, chẳng ai chịu cả! Tổng quát, những tai nạn tương tự đã cộng thêm vào tổn thất chung mà tham nhũng gây ra, được tính “kèm” vào “tổng chi phí” (ảnh hưởng lên nền kinh tế quốc gia) tạo ra bởi tham nhũng.

Theo Waging War on Corruption, Liên đoàn châu Phi từng đánh giá rằng tổn thất từ tham nhũng chiếm đến 25% GNP châu Phi. Theo tác giả Frank Vogl (một trong những người thành lập tổ chức Minh bạch Quốc tế), tổn thất thật sự do tham nhũng mang lại không thể chỉ tính bằng những con số cụ thể chẳng hạn 100 tỉ USD hay 1.000 tỉ USD mà “cần phải được nhìn ở góc độ đầy đủ khi xét đến những nỗi đau của con người mà nó tạo ra”, bởi “tham nhũng đã bẫy hàng trăm triệu người cực nghèo ở tận cùng đáy xã hội, (bởi) tham nhũng là tên giết người”!

Hàng chục ngàn người Haiti đã bị chết không chỉ bởi trận động đất tháng 1-2010 mà còn bởi việc bọn thầu hối lộ giới chức địa phương để xây những căn nhà không đủ chuẩn kỹ thuật an toàn; hàng trăm ngàn trẻ sơ sinh Trung Quốc bị bệnh thận và tim mạch không phải bởi bẩm sinh mà bởi sữa dỏm melamine; ít nhất 300 triệu người Trung Quốc phải nhập viện mỗi năm không phải từ những vấn đề sức khỏe cá nhân mà bởi ngộ độc thực phẩm; vô số bệnh nhân khác bị “biến chứng” nặng không phải do vấn đề thuần túy y lý mà bởi uống phải thuốc dỏm được bào chế dưới sự bảo kê của Cục trưởng Cục quản lý dược-thực phẩm Trịnh Tiêu Du (đã bị tử hình); 40 người chết và 191 người bị thương trong tai nạn hỏa xa tại Ôn Châu ngày 23-7-2011 không chỉ do sự cố kỹ thuật mà còn bởi những màn biển thủ hàng triệu đôla của ngài Bộ trưởng hỏa xa Lưu Chí Quân (đã bị sa thải)…

Phải nhìn vấn đề ở góc độ những vụ việc cụ thể như thế mới thấy rõ diện mạo khủng khiếp của tham nhũng!

___________

Bài 5: Ngọn bút đối đầu với bạo lực

 

Điều gì sẽ xảy ra với những bài viết phanh phui sự thật liên quan tham nhũng? Nhẹ thì trù dập, gây áp lực lên ban biên tập để ngưng phóng sự; nặng một chút thì hù dọa hoặc “kiếm chuyện” bỏ tù phóng viên (như trường hợp nhà báo Trung Quốc Khương Duy Bình trong vụ Bạc Hy Lai); và nặng hơn nữa thì tặng cho nạn nhân vài viên kẹo bọc chì! Những chuyện như vậy đang xảy ra khắp thế giới; và nếu phải nêu thêm một nhóm đối tượng nữa vào danh sách nạn nhân của tham nhũng thì nhà báo nhất thiết phải có mặt!

Khi sự thật bị nhuốm máu!

Gọi điện-nhắn tin nặc danh dọa dẫm, tạo ra “tai nạn giao thông”, chém “nhẹ” cảnh cáo hoặc thậm chí đâm chí tử…, nói chung là tất cả phương cách, thủ đoạn và công cụ đều có thể được bọn tham nhũng dùng để bịt miệng báo chí. Trong Waging War on Corruption, tác giả đã thuật nhiều trường hợp…

Kinh khủng hơn vụ phóng viên Lasantha Wickramatunga ở Sri Lanka (bị bắn vào đầu ngày 8-1-2009), Georgy Gongadze (Ukraine) đã bị “xử” cực kỳ tàn khốc. Tháng 9-2000, Gongadze mất tích. Hai tháng sau, thi thể dập nát của anh được tìm thấy trong một cánh rừng ngoại ô Kiev. Xét nghiệm pháp y cho biết, nạn nhân đã bị tưới dioxin và bị tra tấn tàn bạo trước khi chết.

Liều lĩnh và không bao giờ tỏ ra run sợ trước mọi đe dọa, Gongadze nổi tiếng khắp Ukraine với những bài báo phanh phui tham nhũng ở mọi cấp độ quyền lực, trong đó có cả Tổng thống Leonid Kuchma. Cái chết của Gongadze đã gây rúng động Ukraine và trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phẫn nộ dư luận và cuộc bạo động quần chúng sau đó, trong cái gọi là cuộc Cách mạng Cam, khiến chế độ Kuchma sụp đổ…

Không lâu sau vụ Gongadze, nhà báo Carlos Alberto Cardoso cũng bị giết tại Mozambique, khi đang điều tra vụ biển thủ ngân hàng nghiêm trọng nhất lịch sử nước này. Hôm đó, tháng 11-2000, khi đang lái xe, Cardoso bị hai xe hơi khác ép dồn, qua nhiều ngả đường ở thủ đô Maputo. Cuối cùng, tại một đoạn vắng, chúng chặn đầu xe anh lại. Hai tên nhảy xuống, nã AK liên tục vào nạn nhân!

Năm 2012, năm mà tổ chức Nhà báo không biên giới đánh giá là một năm “đại hạn” đối với báo chí thế giới, với số nhà báo bị giết là 67 và bị tù là 232 (số liệu của Ủy ban bảo vệ nhà báo – CPJ), cũng có không ít trường hợp nhà báo phải bỏ mạng trên con đường tìm kiếm sự thật và đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi và quyền lực trong bóng tối của bọn quan tham.

Có thể nêu vài trường hợp (dẫn lại từ trang web CPJ). Đêm 21-11-2012, khi cùng vợ về đến cổng nhà tại Campo Grande (thủ phủ bang Mato Grosso do Sul, Brazil), nhà báo Eduardo Carvalho của trang tin Última Hora News, nổi tiếng với những bài viết phanh phui tham nhũng của giới chức địa phương, đã bị một sát thủ được chở trên chiếc gắn máy vung súng bắn ít nhất ba phát khiến nạn nhân gục chết tại chỗ… Trước đó, một đồng nghiệp của anh, Mario Randolfo Marques Lopes, cũng bị giết thảm.

Thi thể Lopes được tìm thấy vào tháng 2-2012 tại thành phố Barra do Piraí thuộc bang Rio de Janeiro. Là tổng biên tập của trang tin Vassouras na Net, nơi chuyên đăng những bài điều tra tham nhũng gây bức xúc dư luận, Lopes đã bị bắt cóc ngay tại nhà riêng cùng một người bạn. Cả hai sau đó được mang ra “pháp trường” và bị bắn chết. Cần nhấn mạnh, trước đó, tháng 7-2011, một tên lạ mặt từng xông vào tòa soạn Vassouras na Net và nã năm phát vào Lopes! Nạn nhân không tử vong. Sau ba ngày hôn mê, Lopes gượng dậy làm việc, vẫn tỏ ra không hề nao núng khiếp sợ, cho đến khi sự can đảm của ông trở thành một “thử thách” vượt quá “sức chịu đựng” của bọn gian ác.

Những cái chết thảm tương tự Carvalho hay Lopes còn có thể thấy ở nhiều nơi khác, như trường hợp nhà báo Campuchia Hang Serei Odom, phóng viên điều tra tờ Virakchun Khmer Daily. Ngày 11-9-2012, thi thể với cái đầu nát ngướu của Odom được tìm thấy trong thùng chiếc xe hơi của ông tại một đồn điền trồng điều ở quận O’Chum thuộc tỉnh Ratanakiri.

Cảnh sát cho biết nạn nhân đã bị đánh vào trán và ót bằng rìu! Trước đó, ngày 9-9, Odom rời nhà, nói với gia đình rằng mình chỉ ra ngoài một ít lâu, để gặp một người tên “ông Heng”. Hôm sau, không thấy chồng về, bà Im Chanthy (đang mang thai tháng thứ bảy) gọi điện báo cảnh sát. Thi thể Odom chỉ được phát hiện khi một số dân làng ngửi thấy mùi hôi từ xác nạn nhân khóa nhốt trong thùng xe. Trước đó, Odom đã thực hiện loạt điều tra liên quan khai thác gỗ lậu dính dáng giới chức địa phương, trong đó có King Seanglay, con trai của tên chỉ huy cảnh sát-quân đội tỉnh…

Ai mới là những người thật sự “cản trở” công lý?

Ngày 3-1-2006, sau năm năm ngồi tù, nhà báo Khương Duy Bình, nguyên chánh văn phòng tờ Văn Vị báo (Hong Kong), được thả. Tháng 12-2000, nạn nhân đã bị bắt, sau loạt phóng sự tiết lộ vô số màn tham nhũng của bọn quan tham tại Liêu Ninh. Bị buộc tội “tiết lộ bí mật quốc gia”, Khương Duy Bình bị xử tám năm tù nhưng sau đó rút lại còn sáu năm trong phiên xử phúc thẩm.

Từng là phóng viên Tân Hoa Xã sau đó làm cho Văn Vị báo, Khương Duy Bình bắt đầu đăng loạt phóng sự điều tra tham nhũng trên tạp chí Tiền Tiếu (“Frontline”) ở Hong Kong vào năm 1999. “Tội” của Khương Duy Bình là đụng đến những vụ tư túi của phó thị trưởng Thẩm Dương, Mã Hướng Đông. Tiết lộ của Khương Duy Bình cho biết, họ Mã đã đốt sạch gần 30 triệu tệ (3,6 triệu USD) tại các sòng bài Macau. Khương Duy Bình cũng phanh phui vụ một phó thị trưởng Đại Khánh dùng tiền thuế của dân để mua xe và nhà cho đám bồ nhí tổng cộng đến 29 “em”! Quan trọng hơn, Khương Duy Bình còn dám “vuốt râu cọp” khi đụng đến Bạc Hy Lai (lúc đó là tỉnh trưởng Liêu Ninh)…

Không may mắn như Khương Duy Bình (vẫn còn được “tha mạng”), Lý Tường, mới 30 tuổi, phóng viên Đài truyền hình Lạc Dương, đã bị đâm đến 10 nhát khiến tử vong vào ngày 19-9-2011. Trước đó, Lý Tường thực hiện loạt phóng sự về tình trạng chế biến thực phẩm độc hại (trong đó có dầu ăn), liên quan sự bao che của giới chức địa phương. Khoảng 100 tấn dầu bẩn được cảnh sát phát hiện và 32 người đã bị bắt, từ những tiết lộ chấn động của Lý Tường.

Tuy nhiên, những kẻ còn lại, trong bóng tối, đã quyết định phải “trả thù”, phải “bịt miệng” Lý Tường vĩnh viễn!… Cái giá phải trả cho những người vì công lý và sự thật nhưng đụng chạm đến những kẻ có chức trách thực thi công lý thật sự còn thể hiện ở trường hợp nhà báo Thạch Tuấn Vinh của tờ Tây An vãn báo. Theo bản tin từ trang web Liên đoàn ký giả quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (asiapacific.ifj.org) ngày 3-7-2012, Thạch Tuấn Vinh đã buộc phải “treo bút” sau bài báo liên quan ngài bí thư huyện Đại Lệ (Thiểm Tây).

Trong bài viết, họ Thạch đặt câu hỏi rằng tiền đâu mà ông quan trên có thể hút loại thuốc có giá đến 1.000 tệ/gói (158 USD). Thạch còn “lớn mật” gọi điện hỏi thẳng ông quan (và được trả lời rằng gói thuốc như thấy trên bàn làm việc là “của một đồng chí khác”). Bốn ngày sau, Thạch bị tòa soạn yêu cầu ngưng làm việc! Còn nữa đó là vụ phóng viên Phương Huyền Xương của tờ Tài Kinh bị côn đồ dùng gậy sắt đập bầm dập suýt chết sau khi tiết lộ vụ ngũ cốc có tẩm hóa chất độc (globalissues.org/news, 11-9-2010), hay vụ nhà báo Tề Sùng Hoài bị xử tù sau khi phanh phui những màn tham nhũng của giới chức địa phương thành phố Đằng Châu thuộc Sơn Đông (New York Times, 29-7-2011)…

Lửa sẽ không thể tắt!

Tại Ấn Độ, không ai không biết Kisan Baburao Hazare (còn được gọi là Anna Hazare) – nhà hoạt động xã hội mà tên tuổi của ông đã được tờ Foreign Policy (trong số 28-11-2011) ghi nhận là một trong 100 tư tưởng gia có ảnh hưởng toàn cầu. Bằng nhiều hình thức, trong đó có tuyệt thực theo cách bất bạo động của tiền bối Mohandas Gandhi, nhiều thập niên nay, ông cụ sinh năm 1937 này đã trở thành người đi đầu cầm cờ trong cuộc chiến chống tham nhũng tại Ấn Độ với không ít lần vào tù ra khám.

Trong nhiều năm, Hazare thực hiện nhiều chiến dịch vận động quyết liệt. Gần đây, ngày 5-4-2011, Hazare bắt đầu cuộc “tuyệt thực vô thời hạn” để gây sức ép đòi Chính phủ thông qua một dự luật chống tham nhũng. Sự kiện thu hút sự chú ý dư luận, dẫn đến làn sóng biểu tình khắp Ấn Độ, trở thành sự kiện mà trong số tổng kết cuối năm 2011 tờ Time đã chọn là một trong 10 tin tức hàng đầu thế giới. Ngày 8-4, Chính phủ Ấn buộc phải nhân nhượng, thuận theo một số yêu cầu chính của Hazare. Tuy nhiên, ngày 16-8, Hazare bị bắt, bốn giờ trước khi định thực hiện cuộc tuyệt thực lần nữa, được đưa đến nhà tù Tihar. Làn sóng biểu tình dữ dội lại bùng nổ…

Nói chuyện trước hàng ngàn người ủng hộ sau khi được thả ngày 19-8-2011, ông cụ Hazare 74 tuổi nói: “Các bạn phải thắp lên ngọn đuốc chống lại tham nhũng. Đừng để nó tắt cho đến khi nào đất nước Ấn Độ hoàn toàn thoát khỏi nạn tham nhũng… Có những vụ tham nhũng liên quan đất đai mà nông dân đã bị đuổi đi để nhường chỗ cho các nhà thầu xây dựng và công ty.

Nhiều nông dân đã phải tự vẫn. Chúng ta phải chiến đấu cho họ. Hệ thống giáo dục đang trở nên hủ lậu đến mức chúng ta phải trả tiền để con em mình được nhận vào trường. Sợi xích tham nhũng cần phải được chặt đứt. Chúng ta cần phải thay đổi hệ thống”…

Thông điệp Hazare đã và tiếp tục được đón nhận khắp nơi, tiếp tục thắp sáng một niềm tin tuyệt đối – như những bài viết nhiệt huyết của những phóng viên can đảm chấp nhận đối mặt nguy hiểm tính mạng khi làm lộ ra bộ mặt ghê tởm của tham nhũng – rằng cái thiện nhất định phải thắng cái ác, rằng xã hội sẽ trong sạch hơn, cơ chế chính trị sẽ tử tế và minh bạch hơn, và thế hệ sau này sẽ có một tương lai sáng sủa hơn!