Trong bài viết mới đây trên Foreign Affairs (29-12-2020), thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti cùng đồng tác giả Nina Hachigian (phó thị trưởng Los Angeles đặc trách quốc tế vụ, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) đã viết về vai trò của các thành phố lớn trên bình diện chính sách đối ngoại. Bài viết có vài chi tiết liên quan quan hệ giữa Los Angeles và Sài Gòn nói riêng cũng như Việt Nam nói chung. Bài viết gián tiếp cho thấy một thành phố lớn như Sài Gòn hoàn toàn đủ tư cách thực hiện những chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư và song song đó là vạch ra những đường lối đối ngoại riêng phù hợp địa phương mình. theNewViet lược thuật bài viết của hai viên chức chính quyền Los Angeles với mục đích tham khảo…

Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti và Tổng thống tân cử Joe Biden (Los Angeles Times)

Lần đầu tiên trong lịch sử, phần lớn nhân loại – trong đó có 4/5 người Mỹ – sống ở các thành phố. Trên khắp thế giới, các trung tâm đô thị được liên kết với nhau, khi các nhà lãnh đạo tích cực thảo luận và hợp tác để tìm ra các giải pháp cho những thách thức cấp bách. Để đối phó chính sách đối ngoại thường xuyên phá hoại và gây chia rẽ của chính quyền Trump, trong khi có một nhận thức ngày càng tăng rằng các nguồn lực toàn cầu định hình nên sức khỏe, sự an toàn và thịnh vượng của cư dân, thị trưởng các thành phố lớn ở Mỹ đã đặt trọng tâm vào việc phát triển các chính sách đối ngoại riêng, nhấn mạnh vai trò bảo vệ hạnh phúc công dân cũng như giải quyết các thách thức toàn cầu, chẳng hạn biến đổi khí hậu.

Tháng 5-2019, thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti ký một thỏa thuận hợp tác thương mại với Việt Nam (jerde.com)

Kỷ nguyên mới của ngoại giao cấp dưới tầm quốc gia có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với các thành phố mà còn đối với toàn bộ Hoa Kỳ nói chung. Mặc dù các chính quyền địa phương không lãnh đạo quân đội hoặc có thể tham gia đàm phán các thỏa thuận thương mại ràng buộc nhưng họ vẫn làm việc với các đối tác quốc tế hàng ngày để mang lại lợi ích cho cộng đồng và thúc đẩy các giá trị và ưu tiên của Hoa Kỳ – theo cách sao cho có thể vừa định hình vừa định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ trên bình diện rộng hơn. Trong bốn năm tới, Tổng thống đắc cử Joe Biden có một cơ hội mới: đưa các thành phố và tiểu bang trở thành “đối tác” trong chính sách đối ngoại cũng như đối nội.

Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti đón một đoàn Việt Nam tại Tòa thị chính Los Angeles vào ngày 11-8-2018 (ảnh: Twitter của Eric Garcetti)

Chính sách đối ngoại cấp địa phương cần hướng đến sự tác động đến việc hoạch định chính sách toàn cầu và xây dựng các liên kết thực dụng giữa các chính quyền địa phương, cả trong và giữa các quốc gia. Chỉ trong ba năm qua, chúng tôi, Los Angeles, đã tổ chức các cuộc gặp song phương với các thủ tướng và tổng thống của Armenia, Canada, Đức, Ireland, Israel, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Việt Nam, không kể đến Đức Thánh Cha Phanxicô. Một lý do khiến các thành phố và tiểu bang phát triển những kết nối này là nhằm thúc đẩy nền kinh tế địa phương, tương tự những gì được thực hiện bởi Bộ Thương mại Hoa Kỳ và các cơ quan khác ở cấp quốc gia. Giới lãnh đạo địa phương thiết kế các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy du lịch và chuẩn bị các sự kiện như Thế vận hội Olympic và Paralympic (dự kiến tổ chức tại Los Angeles vào năm 2028).

Tại Los Angeles, chúng tôi đang làm việc với chính phủ Anh về các giải pháp xử lý những thách thức lớn liên quan giao thông đô thị. Chúng tôi thúc đẩy và quảng bá những giải pháp cách tân của nhau, giúp các công ty có trụ sở tại Los Angeles mở rộng sang các thị trường Anh (và ngược lại); và tham gia các cuộc trao đổi khởi nghiệp. Chúng tôi cũng cộng tác với Chính phủ Nhật Bản và khu vực tư nhân của nước này để triển khai công nghệ “hydro xanh” tiên tiến, trong vài năm ngắn nữa, có thể cung cấp năng lượng zero-carbon cho lưới điện Los Angeles.

Giới lãnh đạo thành phố cũng hỗ trợ xuất khẩu từ các doanh nghiệp địa phương và tài trợ cho các đoàn thương mại. Năm 2018, chúng tôi dẫn đầu một phái đoàn lãnh đạo doanh nghiệp Los Angeles đến châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong khuôn khổ thảo luận với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng tôi đã mời các hãng hàng không Việt Nam triển khai dịch vụ bay thẳng từ Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh đến Phi trường Los Angeles (LAX) – một động thái tạo ra lợi ích kinh tế cho cả hai và giúp Hoa Kỳ tăng cường quan hệ ngoại giao với một cường quốc quan trọng trong khu vực. Đồng thời, vì chúng tôi luôn mang theo các giá trị Hoa Kỳ, nên chúng tôi cũng nâng cao tầm quan trọng các vấn đề nhân quyền.

 Trung tâm thành phố Los Angeles (file photo)

Trong nhiều trường hợp, các mối quan hệ do chính quyền thành phố vun đắp là với những đối tác nước ngoài cụ thể vốn có vai trò quan trọng trong các vấn đề địa phương. Chẳng hạn, bất luận mối quan hệ gây tranh cãi của chính quyền Trump với Mexico, Los Angeles vẫn làm việc với Bộ Ngoại giao Mexico để thành lập MEXLA, một ủy ban dành cho công dân song tịch đầu tiên trước nay chưa từng có, với nhiệm vụ làm đậm hơn các kết nối xuyên biên giới, liên quan những vấn đề hợp tác khoa học, năng lượng sạch, văn hóa, thể thao… Vài tháng sau, Mexico cũng triệu tập một cuộc họp gồm các thị trưởng Mexico và Hoa Kỳ nhằm xây dựng sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với thỏa thuận thương mại trong khuôn khổ Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada. Gần đây hơn, khi chiến tranh nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan, chính quyền thành phố Los Angeles đã cùng các thị trưởng Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Trump can thiệp để ngăn chặn đổ máu.

Một số quan hệ giữa thành phố với thành phố còn có yếu tố đa phương. Los Angeles là thành viên sáng lập Urban 20 (U20), tổ chức thúc đẩy các nhà lãnh đạo G-20 triển khai các ưu tiên tiến bộ như phục hồi môi trường xanh và hồi phục sau đại dịch COVID-19. Năm 2018, tại cuộc họp U20 đầu tiên, các nhà lãnh đạo Los Angeles đã nói với các quan chức từ Buenos Aires, Paris, Seoul, Tokyo và nhiều thành phố khác rằng, bất chấp những gì họ đã nghe từ Nhà Trắng, các thành phố của Mỹ vẫn cởi mở với thế giới, trọng thị các đối tác nước người, và tôn vinh những ý tưởng dân chủ. Tháng 11-2020, Los Angeles – cùng Barcelona, ​​Freetown, London, Mexico City và Tokyo – đã ra mắt mạng lưới thành phố quốc tế đầu tiên nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, khi mà các thị trưởng có quyền lực đáng kể trong việc cải thiện đời sống phụ nữ và trẻ gái, cũng như các vấn đề an toàn công cộng, giáo dục, tuyển dụng và thiết kế hệ thống giao thông công cộng. Cuối cùng, Los Angeles hợp tác chặt chẽ với hơn 20 thành phố quốc tế để thúc đẩy hành động địa phương đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc.

Sự phát triển của ngoại giao địa phương nhấn mạnh tính không thể tách rời của chính sách đối ngoại và đối nội. Trong thời đại tiềm ẩn các mối đe dọa xuyên quốc gia, các thành phố của Mỹ tự thân là những nhân tố tuyến đầu trong an ninh quốc gia – đặc biệt khi chính phủ liên bang không thể đối phó hiệu quả các mối đe dọa không thể tránh. Đại dịch đã đưa ra một ví dụ rõ ràng về điều này… Khi hành động (liên quan xử lý dịch bệnh), Los Angeles đã trao đổi kinh nghiệm với các thành phố khác trên thế giới. Chúng tôi tổ chức các cuộc gọi thường xuyên với hàng chục thị trưởng cùng một lúc, từ Mexico City đến Milan, và chia sẻ thông tin chi tiết về mọi thứ, từ cách kiểm tra COVID-19 tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi đến các tiêu chí thích hợp để mở cửa lại nền kinh tế.

Biến đổi khí hậu là một thách thức an ninh quốc gia nữa mà thị trưởng và các nhà lãnh đạo địa phương khác phải đối mặt hàng ngày. Chính quyền thành phố có nhiệm vụ bảo vệ người dân khỏi thời tiết khắc nghiệt và thực hiện các bước để giảm thiểu tác động của một hành tinh đang nóng lên. Mặc dù các đô thị tiêu thụ hơn 75% năng lượng thế giới và thải ra 70% lượng carbon liên quan đến năng lượng, nhưng họ cũng giám sát một số đòn bẩy quan trọng để giảm khí thải: bằng cách đưa ra những quy chuẩn xây dựng, hệ thống giao thông, tiện ích, cảng, hệ thống nước và chất thải.

LAX – một trong những phi trường nhộn nhịp nhất thế giới (trước đại dịch Covid-19), nơi gần như bất cứ ngày nào cũng có người Việt đến hoặc đi

Los Angeles có chương trình Green New Deal riêng, dựa trên cam kết “5 không”: đến năm 2050 hoặc sớm hơn, Los Angeles sẽ có lưới điện, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng xây dựng – tất cả đều zero-carbon; không đưa chất thải vào các bãi chôn lấp; và không lãng phí nước. Cam kết đó đi kèm các khoản đầu tư vào công nghệ xanh, giúp tạo ra hàng chục nghìn việc làm bền vững trong 5 năm qua… Los Angeles không làm việc này một mình, mà hợp tác với gần 100 thành phố khác thông qua C40, mạng lưới các thành phố trong đó thành viên buộc phải chịu trách nhiệm những chương trình zero-carbon mà tất cả cùng cam kết.

Dưới thời Trump, nhiều người Mỹ tự hỏi quốc gia của họ bây giờ đại diện cho điều gì và đất nước họ sẽ đi về đâu. Nhiều người khác trên thế giới cũng tự hỏi như vậy. Nhưng bằng cách nhìn vào các thành phố trên khắp nước Mỹ, những giá trị truyền thống của nước Mỹ vẫn hiển hiện rõ ràng. Các thành phố đã đứng lên hành động trước những vấn đề liên quan khí hậu, bình đẳng giới, công bằng chủng tộc… Đã đến lúc chính phủ liên bang phải công nhận và xây dựng sức mạnh đó. Để xây dựng lại sự đồng thuận về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo cần phải làm sao cho chính sách ngoại giao và can dự quốc tế phù hợp hơn với những thách thức hàng ngày mà người Mỹ đối mặt. Các thành phố, với tư cách cầu nối giữa địa phương và toàn cầu, là nơi thích hợp để bắt đầu. Chúng tôi, ở Los Angeles cũng như giới lãnh đạo trên các thành phố toàn cầu khác, luôn sẵn sàng và sẵn lòng hợp tác với Chính quyền Biden để đoàn kết đất nước theo chính sách đối ngoại phù hợp với người Mỹ và thế giới nói chung.

Bài đã đăng trên Saigon Nhỏ