Cuốn hồi ký Nhất Linh, cha tôi của Nguyễn Tường Thiết cung cấp một cái nhìn gần nhất về cái chết của Nhất Linh. Vừa gần nhưng cũng vừa xa.

Vì tác giả chỉ gần gũi với Nhất Linh khoảng 13 năm cuối đời của ông, từ cuối 1950 đến 1963. Giai đoạn này Nhất Linh đã tuyên bố từ bỏ chính trường. Do đó, để mong hiểu rõ con người của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, không thể chỉ đọc một cuốn này. Về Nhất Linh, con người văn nghệ, cách tốt nhất để hiểu rõ ông là đọc lại những tác phẩm của Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn. Về Nguyễn Tường Tam, con người cách mạng, thì phức tạp hơn.

Nhưng ta có thể bắt đầu bằng hồi ký Việt Nam một thế kỷ qua của bác sĩ Nguyễn Tường Bách, em út của Nhất Linh. Cuốn Nguyễn Tường Bách là tác phẩm cuối cùng của thế hệ trước, của những Thụy Cẩm Tam Long Vinh Thế Bách. Đọc hồi ký này người ta hiểu rõ phần nào lịch sử hoạt động chính trị của anh em nhà Nguyễn Tường những năm 1930-1940. Còn cuốn Nguyễn Tường Thiết là hồi ký cuối cùng của thế hệ sau, sau Người Bác của Thế Uyên. Đọc cuốn này người ta nhìn thấy một phác họa Nhất Linh, được tỉa tót công phu, lúc thật rõ nét, lúc lại mờ ảo ẩn hiện từ những hồi tưởng, ký ức vụn về những kỷ niệm của người con trai với người cha.

Nguyễn Tường Thiết đã chờ đến hơn 50 năm để ra mắt cuốn sách viết về người cha, cũng như Nguyễn Tường Bách chờ đến hơn 70 tuổi để xuất bản cuốn hồi ký vén màn một giai đoạn sôi động và phức tạp nhất của lịch sử Việt Nam. Trong cuốn Nhất Linh, cha tôi, Nguyễn Tường Thiết muốn tiếp cận một cách cẩn trọng, vừa phải. Ông chỉ viết về người cha của mình thật kỹ trong một, hai bài viết, từ những kỷ niệm trực tiếp với Nhất Linh. Xem ra, Nguyễn Tường Thiết đã tuyệt đối tuân thủ đường lối của Nhất Linh: “Đời tôi để lịch sử xử.” Do đó, ông Thiết đã không hề kể về cuộc đời của người cha như một sử gia. Ông đã hơn một lần xác định rõ đó là việc của những nhà nghiên cứu. Ông không phải là nhà nghiên cứu. Rõ ràng, nếu ông Thiết viết về người cha của mình theo cách đó, tư thế người viết bắt buộc ông phải đưa ra nhận định cá nhân. Đó là việc của quan tòa lịch sử.

Nguyễn Tường Thiết chỉ đóng vai trò người trong cuộc, kể ra diễn biến, tránh đưa ra ý kiến. Với tiêu chí đó, tác giả đã khéo léo lồng ghép những câu chuyện về gia đình Nguyễn Tường chung quanh “cha tôi”. Từ dòng suối Đa Mê đến trại Cẩm Giàng, đến Sài Gòn những ngày biến động ra đến Hà Nội thời mở cửa, từ cái bàn viết ở căn hộ trên đường Phan Thanh Giản đối diện nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi xưa đến bản dịch dang dở của Đỉnh Gió Hú ở căn villa đường Đặng Thái Thân-Đà Lạt, từ những Nguyễn Gia Trí, Võ Phiến, Huy Cận, đến những bà Cẩm Lợi, chị Thoa, chị Thư. Tất cả được kể lại nhẹ nhàng và đẹp đẽ, hết sức tự nhiên nhưng đầy cảm động. Tất cả đều lấy “cha tôi” làm trung tâm. Khi nói về gia tộc Nguyễn Tường cũng chính là nói về Nhất Linh, về Tự Lực Văn Đoàn, về đảng Đại Việt Dân Chính, về báo Phong Hóa, báo Ngày Nay, rồi báo Văn Hóa Ngày Nay, nhà xuất bản Đời Nay, nhà xuất bản Phượng Giang. Tất cả đều đã trở thành một phần của lịch sử.

***

Nói thêm một chút. Khi Nhất Linh uống thuốc độc tử tự, và để lại di chúc có câu “Đời tôi để lịch sử xử”, người ta nghĩ ông muốn lấy cái chết để đối nghịch với sự đàn áp và độc tài của nền Đệ Nhất Cộng Hòa của Ngô Đình Diệm. Đúng là việc làm báo của Nhất Linh những năm cuối thập niên 1950 đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm làm khó dễ rất nhiều. Sau biến cố tháng 11-1960, gia đình ông bị mật thám theo sát. Nhưng sự thật Nhất Linh không tỏ ra công khai phản đối Ngô Đình Diệm. Đã có lúc ông cho biết ủng hộ cách xử lý của ông Diệm với Bình Xuyên. Hãy xem nguyên văn di chúc gồm 71 chữ của ông:

Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do.

7 tháng 7, 1963

Nhất Linh Nguyễn Tường Tam

Như vậy, có thể nói rằng Nhất Linh chống Ngô Đình Diệm để chống Cộng sản. Hơn ai hết, Nhất Linh hiểu rõ những người Cộng sản vì ông đã từng làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp. Sau khi quân Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch rút khỏi Bắc Kỳ thì tình hình hợp tác giả hiệu trước đó giữa phe Cộng sản và Quốc gia chính thức chấm dứt. Chính phủ Liên hiệp coi như tan rã khi Hiệp định Sơ bộ được ký ngày 6-3-1946. Sau đó một vài tháng phe Cộng sản chính thức bố ráp các đảng phái phi Cộng khiến những người như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam phải chạy sang Trung Quốc. Trước đó, phe Đệ Tứ (Troykist) đã bị thủ tiêu dã man. Nhưng những người Quốc Dân Đảng vẫn chấp nhận hợp tác với phe Cộng sản núp dưới tên gọi Việt Minh, do yếu thế và thiếu tổ chức. Chỗ này Nguyễn Tường Bách kể khá chi tiết trong hồi ký.

Nhà văn Nhất Linh (giữa) đi dạo với các cháu ẢNH: TƯ LIỆU CỦA BÀ TRƯƠNG KIM ANH

Về Hiệp định Sơ bộ, hiệp định này chính thức cho phép Pháp mang quân vào Bắc Kỳ sau khi quân Tưởng rút đi. Phía cộng sản sau này thường tuyên truyền đây là một nước cờ hoãn binh khôn khéo của ông Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ông Bách cho biết đối với những người phe Quốc gia trong Chính phủ Liên hiệp lúc đó, hiệp định này là một sự nhượng bộ không thể chấp nhận được. Trước đó, quân Pháp không hề có mặt ở Bắc Kỳ. Sau hiệp định này, Pháp được cho phép mang quân vào. Bù lại, Việt Nam được công nhận như một nước tự do trong Liên bang Đông Dương. Phe cộng sản thường bào chữa đây là một bước đi quan trọng vì lần đầu tiên chính phủ mới được công nhận trên bình diện quốc tế. Tuy vậy, chưa đến ba tháng sau, hiệp định này xem như bị phá vỡ vì Pháp chính thức chiếm Nam Kỳ như một nước riêng.

Con người chính trị của Nhất Linh có thể được thấy một chút ở đây. Trong cuốn Nguyễn Tường Thiết, bức thư từ chức Bộ trưởng của Nhất Linh gửi Hồ Chí Minh đề ngày 5-3-1946, tức một ngày trước khi Hiệp định Sơ bộ được ký với Pháp. Tác giả cho biết không rõ lá thư có được gửi đi hay không, vì sau đó Nhất Linh vẫn xuất hiện trong đoàn của Chính phủ Liên hiệp trong các phiên thương thảo khác với Pháp. Ông Bách cho biết, lúc hiệp định này được ký, tất cả phe Quốc gia đều phản đối. Nhưng không hiểu sao Việt Minh vẫn thuyết phục được Vũ Hồng Khanh, một lãnh đạo Quốc Dân Đảng, ký vào hiệp định, bên cạnh chữ ký của Hồ Chí Minh và Sainteny, đại diện phía Pháp. Như vậy, vào lúc đó, việc ký hiệp định là một sự sỉ nhục với phe Quốc gia, nó có thể ảnh hưởng uy tín của những ai ủng hộ việc này, tức ủng hộ phe Cộng sản. Tại sao Nguyễn Tường Tam viết thư từ chức trước đó một ngày? Có phải ông lo sợ việc đứng chung trong một chính phủ chính thức ký hiệp định cho Pháp đem quân vào thì hành động đó sẽ bị lịch sử phán xét về sau? Nhất Linh là người rất khéo léo và “chính trị”?

Thế Uyên viết trong hồi ký Bác Tôi như sau:

Nhận xét bí mật này của mẹ tôi làm hai anh em nghi ngờ ‘sự loạn trí của Nhất Linh’. Nhất là tôi, vì được mẹ tôi kể lại những thủ đoạn chống Pháp của ông thời trước: hóa trang làm ăn mày, ông già, người say rượu, mê thổi kèn để che dấu hoạt động cách mạng. Hoàng Đạo còn bị bắt giam, chứ Nhất Linh, suốt đời không bao giờ để bị bắt

Nếu đọc Nguyễn Tường Bách, ta sẽ thấy Nhất Linh hơn một lần thoát được sự bố ráp của Việt Minh một cách may mắn như thế nào. Đó có phải là may mắn không, hay ông thực sự khéo léo như nhận định của người cháu? Rất khó để trả lời.