Chúng ta sống trong thời đại mà bất kỳ ai cũng có thể kết nối với thế giới qua màn hình thiết bị di động. Internet và mạng xã hội mang lại muôn vàn lợi ích và tạo ra vô số cơ hội tưởng chừng viễn vông nếu đặt vào hoàn cảnh của vài chục năm trước; nhưng đồng thời cũng có những mặt trái…

Hiệu ứng (sống) ảo và tác hại thật

Sự bùng nổ mạng xã hội kéo theo xu hướng tất yếu là mỗi người có hai “hồ sơ”: một ở công sở/trường học và một trên mạng xã hội. Tại Việt Nam, mạng xã hội Facebook và YouTube phổ biến hơn so với Twitter. Tại bất kỳ tiệm café hay nhà hàng nào, hình ảnh một nhóm ngồi với nhau nhưng mỗi người cắm cúi trên chiếc điện thoại không còn là điều xa lạ. Họ chụp ảnh món ăn, tự chụp mình, chụp nhau, rồi đăng lên Facebook. Thói quen này phổ biến hơn đối với phụ nữ – vốn là những người có nhu cầu cao về tâm sự, chia sẻ.

Không chỉ là cuộc cạnh tranh ác liệt về nhan sắc, thói quen phô bày những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống cá nhân cũng tạo nên một cuộc chạy đua ngầm về sự “tự hào bản thân” giữa chị em phụ nữ. Trên thực tế, đôi khi sự thỏa mãn trên mạng xã hội chỉ là bề nổi để thỏa mãn nhu cầu được tôn vinh, hoặc thậm chí là ngụy tạo để khỏa lấp những mặt trái trong cuộc sống riêng. Một bài đăng về nạn đói ở Châu Phi hay kêu gọi bảo vệ môi trường chưa chắc đã xuất phát từ tâm tư đối với thiên nhiên, mà chỉ vì nhu cầu được chú ý.

Một yếu tố “kích thích” là các trang báo lá cải mọc lên như nấm sau mưa. Một cô diễn viên mặc áo gợi cảm, một cô ca sĩ có bạn trai giàu có, gia đình nổi tiếng nọ khoe chuyến đi du thuyền triệu đô… đều có thể trở thành “bài báo.” Cái “chuẩn” xuất hiện nhan nhản trên báo lá cải là thân hình nóng bỏng khoe tối đa trong những bộ trang phục đắt đỏ, là cuộc sống với siêu xe và biệt thự… Gần đây, báo mạng lại xuất hiện nhiều thông tin ca sĩ này, diễn viên kia chi gần nửa tỷ đồng hàng năm cho con học trường quốc tế, và tự hào khoe con được chăm sóc nâng niu, nói hai, ba thứ tiếng. Người ta quên rằng môi trường giáo dục trong gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng, quên rằng những đứa trẻ cần nhất là sự có mặt của cha mẹ. Thiết nghĩ, nếu những người nổi tiếng ấy có lòng yêu thương con trẻ và sống vì cộng đồng như những bài đăng đầy cảm xúc của họ trên mạng xã hội thì nên chăng đừng để báo chí đến chụp ảnh gia đình mình dắt nhau đi học trường đắt tiền. Những công nhân vất vả cũng có con và yêu con không thua bất kỳ người giàu có nào. Cớ gì phải đè lên vai họ thêm một mối băn khoăn, một sự so sánh không tránh khỏi?

Một vấn nạn phổ biến

“Di sản” thời sau 1975 với đội ngũ y bác sĩ cau có, trịch thượng và năng lực kém tạo nên tâm lý sợ gặp bác sĩ và nghi ngại năng lực của bác sĩ. Thói quen tầm soát ung thư hay kiểm tra sức khỏe mỗi sáu tháng vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Nhiều người vẫn mang nặng tâm lý “đi khám sợ ra bệnh”. Thay vào đó, họ tự tìm thông tin. Tiếc thay, những lời rao giảng trên mạng lại dễ dàng mê hoặc người đọc.

PGS. TS. Nguyễn Đức An, Đại học Bournemouth (UK), viết: “… Thông tin đánh vào các tình cảm tiêu cực – như lo âu, sợ hãi – dễ lan truyền theo cấp số nhân. Như cái vòng luẩn quẩn: càng sợ, càng đi tìm “câu trả lời”; càng tìm ra, càng rối, càng sợ, càng hoảng. Đến lúc nào đó, đúng sai, thật giả không còn là tiêu chí tiếp nhận đầu tiên: người ta chỉ muốn nghe những gì họ muốn nghe để củng cố niềm tin và định kiến sẵn có, hơn là cái thật, cái đúng”. [1]  

Nhận xét trên của PGS. TS. Nguyễn Đức An xuất hiện khi dịch COVID-19 bùng phát lần đầu trên toàn cầu. Thời điểm đó, thông tin không chính thống lan tràn, dân chúng hoảng loạn khiến việc phòng chống dịch trở nên khó khăn. Tuy nhiên, nhận định của ông vẫn đúng ở mức độ phổ quát: con người có xu hướng muốn nghe những gì dễ chịu đối với bản thân. Không ai thích nghe lời chỉ trích, chỉnh sửa, cũng như rất sợ nghe bác sĩ kết luận mình bị bệnh và phải chữa trị.

Một trường hợp “bác sĩ mạng” khác là những người rất nhiệt tình cho người khác lời khuyên theo kinh nghiệm cá nhân hay “lời đồn”. Tình huống này đa số rơi vào nhóm các bà mẹ nuôi con nhỏ. Vô số lời khuyên và giải pháp sẽ được đưa ra: ra tiệm thuốc mua thuốc X, bôi thuốc này, tìm thầy lang kia, tắm lá nọ… Có một thời điểm, “bác sĩ mạng” khuyên nhỏ sữa mẹ vào mắt để trị đau mắt cho con, khiến đứa trẻ nhiễm trùng suýt mù mắt. Hiện tượng “chia phe” trên mạng cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến các bà mẹ nuôi con nhỏ. Một phía thần thánh hóa sữa mẹ và tích cực bài bác thuốc tây, thậm chí từ chối cả vaccine. Phía bên kia, ngược lại, con ốm sốt một chút đã tất tả ra hiệu thuốc khai triệu chứng rồi đem về một bọc kháng sinh cho con. Khoảng năm 2018-2019, dịch sởi bùng phát ở Việt Nam do phong trào tẩy chay vaccine. Hậu quả là nhiều trẻ em chết oan uổng vì một căn bệnh vốn đã được kiểm soát, đặc biệt là nhóm trẻ sơ sinh chưa đến tuổi tiêm ngừa vaccine phòng sởi. Không hiểu tường tận về vaccine và sự sùng bái phương Tây quá mức đã dẫn tới trào lưu nguy hiểm này.

Thậm chí, ngay cả khi con khỏe, các bà mẹ trẻ vẫn không yên tâm. Họ bị ám ảnh bởi việc con mình thiếu cân, thiếu chiều cao. Một phần nguyên do là từ những bức ảnh “con nhà người ta” cao lớn vượt trội, hoạt bát, thông minh. Chưa có thời đại nào mà người ta lạm dụng từ “vượt trội” như bây giờ. Ngoài mặt, người ta vẫn nói để con phát triển tự nhiên, không ép con làm bất kỳ điều gì; nhưng tận trong lòng lại là mong muốn cái sự “phát triển tự nhiên” của con mình sẽ trội hơn những đứa trẻ khác.

Tạo “bộ lọc” riêng

Thông tin trên không gian mạng vàng thau lẫn lộn. Khả năng chắt lọc thông tin số đông người Việt là chưa cao. Học sinh thế hệ hiện tại dù sành sỏi về công nghệ nhưng cũng là những người cần nhận được sự tư vấn, gần gũi từ cha mẹ nhiều nhất. Các em như những miếng bọt biển (sponge) sẵn sàng hấp thu mọi thông tin mà không cần phải đến thư viện tìm từng quyển sách. Đây là thời đại những ông bố, bà mẹ 8X–9X cần rũ bỏ cách giáo dục của thế hệ trước – “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” – để tập làm bạn với con.

Tôi có một đứa con gái mới 3 tuổi. Tuy ở lứa tuổi mầm non còn rất ngây thơ, nhưng con bé đã biết phản kháng và nổi giận khi nó không đủ khả năng biểu đạt ý kiến hoặc có việc không vừa ý. Những lần nổi giận đầu tiên giữa mẹ với con đã không giải quyết được vấn đề, mà kết quả là con khóc ấm ức, mẹ bực bội, bỏ lại một ông bố hết dỗ con rồi đến dỗ vợ. Tôi quyết định tìm đến bác sĩ nhi khoa “kể tội” con bé để rồi nhận về những bài học về cách cư xử với trẻ nhỏ. Tôi cũng được làm trắc nghiệm tìm hiểu tính cách trẻ.

Sau hôm ấy, khi con bé nổi giận hay yêu sách vô lý, tôi ngồi xuống ngang tầm mắt con bé, cầm tay nó và yêu cầu nó bình tĩnh, cho con bé hai lựa chọn để nó tự quyết định. Kết quả, con bé nín khóc và còn biết xin lỗi mẹ. Cho đến nay, chiến lược đối thoại, làm bạn với con vẫn tỏ ra rất hiệu quả trong gia đình tôi. Việc hiểu rõ tính cách của trẻ cũng giúp bác sĩ nhi khoa của con bé và tôi dễ dàng đưa ra giải pháp giúp con bé trưởng thành hơn và tốn ít nước mắt hơn. Con bé bắt đầu kể cho ba mẹ nghe những gì nó thích ở trường mầm non, và hát suốt ngày. Tôi vô cùng vui vì đã trở thành bạn của con.

Bên cạnh vai trò bảo vệ con, chính bản thân cha mẹ cũng cần tạo cho não một bộ lọc để tránh bị nhiễu loạn. PGS. TS. Nguyễn Đức An khuyên người tiếp nhận thông tin phải biết “hoài nghi tích cực”: “Khi đối đầu với một nguy cơ như dịch bệnh, hãy bình tĩnh mở lòng và vận trí mình để tiếp nhận những thông tin và dữ kiện có thẩm quyền, ngay cả khi nó trái ý hay ngoài mong đợi. Thông tin này từ đâu, đăng khi nào? Nếu có nguồn rõ ràng thì nguồn đó là gì, có độ tin cậy đến mức nào? Ai được trích dẫn trong mẩu tin và người đó có thẩm quyền hay tư cách để nói về vấn đề liên quan không? Có gì không hợp lý hay không nhất quán giữa các chi tiết không? Thậm chí, mình có nên thích thông tin kiểu này không?”.

Cốt lõi và nền tảng vẫn là giáo dục. Giáo dục không chỉ là việc chọn trường tốt cho con trẻ, mà cần bắt đầu từ chính cha mẹ. Người cha, người mẹ sẽ in dấu trong tiềm thức con trẻ về thái độ, cách hành xử, thói quen, những gì mà họ trân trọng, học hỏi. Bằng cách chủ động tạo bộ lọc cho bản thân, cha mẹ cũng đang giúp đứa con tự hình thành nên bộ lọc cho chính nó khi lớn lên và tiếp xúc với môi trường mạng vừa nhiều tri thức vừa đầy cạm bẫy.

Minh họa: Unsplash