Sự nghiệp trải dài hơn nửa thế kỷ, Richard Avedon đã để lại dấu ấn đặc biệt trong làng nhiếp ảnh thế giới. Trước khi nhắm mắt ngày 1-10-2004, Richard Avedon đã hoàn thành bộ ảnh Democracy về chính trị nước Mỹ cho tờ New Yorker. Ông được xem là huyền thoại, một trong những bậc thầy về nghệ thuật nhiếp ảnh với tính cách mạnh mẽ và kỹ thuật đột phá mang phong cách nổi loạn…

Chụp chân dung như một sự chất vấn

Với nhiếp ảnh thế giới, Richard Avedon là huyền thoại. Ông là nghệ sĩ và cũng là nhà báo. Ông đã thay đổi quan niệm về ảnh thời trang và đưa nó lên hàng nghệ thuật. Pablo Picasso, Andy Warhol, Frank Lloyd Wright, Marilyn Monroe…, tất cả đều bị Richard Avedon “dán” lên khung hình như những con bướm khô. Ông không chỉ hoàn toàn làm chủ ống kính mà còn điều khiển được đối tượng chụp. Chân dung là sở trường đưa tên tuổi Richard Avedon lên tượng đài. Và không chỉ gói gọn thế giới ảnh của mình trong studio, Richard Avedon còn bước ra thế giới bên ngoài với nhiều bộ phóng sự xã hội độc đáo. Ông đã mất 5 năm cho bộ ảnh In the American West với chân dung những người dân lao động bình dân thời Reagan. Và không như Henri Cartier-Bresson từ giã ống kính (chuyển sang hội họa) vào những năm cuối đời, Avedon tiếp tục cầm máy cho đến những ngày cuối cùng của mình.

Richard Avedon nổi đình đám trong làng nhiếp ảnh thời trang với các trang ảnh độc đáo từng xuất hiện trên Harper’s Bazaar Vogue từ giữa thập niên 1940 đến thập niên 1980. Trong nhiều thập niên, ông đã chụp (và giúp họ nổi tiếng nhờ ảnh mình) vô số người mẫu, từ Dorian Leigh, Dorothy Horan, Suzy Parker, Lauren Hutton, Twiggy đến Brooke Shields. Những người mẫu của ông đã rúc vào giữa bầy voi, xòe váy trước Điện Champs-Elysee tại Paris và nhảy lên không trung như vận động viên thể dục trong studio của ông tại New York City. Không chỉ là bậc thầy về nhiếp ảnh thời trang, Richard Avedon còn nổi tiếng với các chân dung nhân vật lừng danh cũng như đời thường. “Avedon đã đem lại sự nghiên cứu một cách đẽo gọt về người nổi tiếng và cả sự lột tả về nhân tính họ” – phát biểu của Arthur Ollman, giám đốc Viện bảo tàng nghệ thuật nhiếp ảnh San Diego, trong cuộc phỏng vấn tờ Los Angeles Times.

Ảnh chân dung Richard Avedon trông như một sự chất vấn, đánh dấu hỏi trước sự chiêm ngưỡng người xem. Nghệ sĩ, tổng thống, nhà văn, người hoat động xã hội…, tất cả đều đứng trước tấm phông trắng như thể Richard Avedon dán họ vào tường, làm như họ chỉ là mẫu vật nghiên cứu khoa học – Arthur Ollman nói tiếp về phong cách Richard Avedon. Minh tinh Marilyn Monroe trông hơi hoảng hốt và sợ hãi trước ống kính Avedon. Tổng thống Gerald Ford cũng mang vẻ mặt âu lo trong bức chân dung Richard Avedon chụp năm 1976. Và kịch tác gia Samuel Beckett nhìn trừng trừng vào ống kính như kẻ mang mặc cảm phản bội. “Con người – chạy trốn sự bất hạnh và giấu mình trong lớp vỏ quyền lực – đều bị khóa trong sự nổi tiếng, tham vọng và niềm tin của mình” – Richard Avedon viết trong An Autobiography, Richard Avedon (1993) về bộ ảnh chân dung chụp gia đình Tổng thống John F. Kennedy, nhà văn Truman Capote và họa sĩ Oscar Levant.

Các bức hình khác trong hồi ký này – về nạn nhân chiến tranh và bệnh nhân tâm thần – lại được trình bày theo cách khác. “Con người – không được bảo vệ – đã bị cô đơn trong vẻ đẹp, tri thức, bệnh tật và hoảng loạn” – ông viết. Theo cây bút bình luận Mary Rourke của tờ Los Angeles Times, Richard Avedon mê phong cách nổi loạn và thích thực hiện chân dung những người nổi loạn. Nhà nghiên cứu Mia Fineman thuộc Viện bảo tàng nghệ thuật Metropolitan New York nói: “Ông ấy đã tạo ra một bộ bách khoa toàn thư với đủ nhân vật tiêu biểu nhất trong phong trào phản xã hội, trong văn hóa tri thức, trong chính trị và trong nghệ thuật”. Và ông còn là tay tổ về nghệ thuật nhiếp ảnh đường phố.  

“Trong một lĩnh vực mà cái gì đó mới mẻ và hào nhoáng luôn cần thiết cho mỗi mùa thời trang, Richard Avedon là người đứng đầu trong hơn 40 năm. Cách chúng ta nhìn thời trang và đặc biệt cách chúng ta chụp phụ nữ đã được Richard Avedon thay đổi hoàn toàn và đó là 40 năm mà trong đó trào lưu nữ quyền bước vào nhận thức công chúng” – Arthur Ollman, giám đốc Viện bảo tàng nghệ thuật nhiếp ảnh (San Diego). 

Nổi loạn và táo bạo

Richard Avedon sinh ngày 15-5-1923 tại New York. Bố ông (Jacob Israel Avedon) – dân Do Thái di cư từ Nga – trưởng thành trong một viện mồ côi tại New York và lập nghiệp thành công với cửa hàng quần áo phụ nữ tại Manhattan. Từ nhỏ, Avedon đã mê nhiếp ảnh. Nghỉ trung học năm 17 tuổi, Avedon xin làm việc vặt cho một hiệu ảnh nhỏ ở New York (có tài liệu lại viết Avedon học hết năm thứ nhất đại học). Sau đó, ông làm tại công ty Merchant Marine năm 1942. Với chiếc máy ảnh Rolleiflex mà bố tặng như một món quà chia tay, Avedon đã bắt đầu hành nghề nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Người thầy đầu tiên về phong cách nghệ thuật chính là mẹ ông (Anna). Hồi trung học, Richard Avedon mê sưu tập ảnh diễn viên, nhạc sĩ và người hoạt động lĩnh vực giải trí nói chung – bởi, “tôi muốn là một trong những bọn họ”, ông phát biểu trong chương trình đặc biệt Richard Avedon, Darkness and Light do Đài PBS thực hiện năm 1995. Sau trung học, Avedon tham gia tàu buôn và chỉ chụp ảnh thẻ (giấy tờ) trong hai năm – thời gian đem lại nhiều kinh nghiệm cho nghệ thuật chụp ảnh chân dung sau này. Sau đó, ông tham gia chương trình thiết kế tại Trường nghiên cứu xã hội tại New York City.

Marilyn Monroe và Arthur Miller (Richard Avedon)
Sophia Loren (Richard Avedon)
(Người mẫu Đức) Veruschka (Richard Avedon)
Barbra Streisand (Richard Avedon)

Rời Merchant Marine năm 1944, ông làm việc cho Bonwit Teller – một trong những cửa hàng thời trang bậc nhất New York. Với sự giúp đỡ của thầy Alexey Brodovitch (giám đốc phụ trách nghệ thuật tờ báo thời trang Harper’s Bazaar), Avedon trở thành phóng viên ảnh cho tờ báo vào năm 1945. Chính tại tờ báo này, Richard Avedon đã làm thay đổi cái nhìn về nhiếp ảnh thời trang. Ông đưa người mẫu ra khỏi studio, mang họ đến bãi biển, sở thú, rạp xiếc, bến tàu… và buộc họ phải thể hiện sự tự nhiên, hơn là vẻ mặt bất động vô hồn như xác chết. Từ đó, Richard Avedon nổi như cồn, đặc biệt ảnh chân dung. Hơn 80 ảnh chân dung – trong đó có Mae West, Bert Lahr, Marian Anderson, Louis Armstrong và Charlie Chaplin – đã xuất hiện trong tập Observations (1959) với lời bình của văn sĩ Truman Capote. Đến giữa thập niên 1960, Richard Avedon đã trở thành một trong những nhà nhiếp ảnh hàng đầu Mỹ. Revlon, DuPont, Pabst, Maidenform, Cartier và Douglas Aircraft… đều mời ông. Một trong những cá tính nổi tiếng của Richard Avedon là sự thể hiện ảnh chân dung phá luật truyền thống. Ảnh chân dung của ông ít có các khuôn mặt cười rạng rỡ như hoa. Có lần, (nguyên) ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã năn nỉ Richard Avedon “làm ơn đàng hoàng với tôi một chút” nhưng bức ảnh Kissinger sau đó vẫn chứa nét châm biếm hài hước…

Trước khi rời Harper’s Bazaar sang tờ Vogue, Avedon đã giàu có và tên tuổi ông không chỉ giới hạn trong làng thời trang. Richard Avedon được mời chụp vô số chân dung, từ Tổng thống Eisenhower đến danh hài Groucho Marx. Chưa dừng lại, Avedon bắt đầu mổ xẻ xã hội – như một nhà báo – với nhiều tác phẩm bình luận bằng ảnh. Từ cuối thập niên 1970, Richard Avedon bỏ ra năm mùa hè, vác máy ảnh ngược xuôi khắp 17 bang để chụp hơn 700 người mà theo ông là đại diện cho bức tranh Viễn Tây Hoa Kỳ. Sau đó, tập In the American West ra đời, với 120 chân dung. Miền Viễn Tây trong ống kính Richard Avedon không có John Wayne lẫn Gary Cooper mà chỉ là những người dân lao động bình thường.

Bộ In the American West
Bộ Democracy chụp trước khi từ trần

Hè 1970, Viện nghệ thuật Minneapolis tổ chức cuộc triển lãm qui mô về ảnh Richard Avedon (cuộc triển lãm lớn nhất tính đến thời điểm đó dành cho một nhiếp ảnh gia). Những năm sau này, ông tiếp tục khai thác chiều sâu thể loại ảnh chân dung (trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng như Hillary Rodham Clinton, Toni Morrison, Derek Walcott, John Kerry…). Thập niên 1980, Avedon chụp nhiều bức ảnh gây sốc, chẳng hạn bức chụp minh tinh Brooke Shields (lúc đó 15 tuổi) với cái quần jeans bó cứng (cho chiến dịch quảng cáo của hãng Calvin Klein). Sau đó, ông chụp cô đào Nastassja Kinski nằm khỏa thân trên sàn nhà với con mãng xà vắt từ chân lên cằm (bức ảnh xuất hiện trên Vogue sau đó được sản xuất thành poster và bán được 2 triệu bản). Đầu thập niên 1990, ông làm việc cho tờ New Yorker, tiếp tục được thỉnh giảng về nghệ thuật nhiếp ảnh tại châu Âu và dạy tại Trung tâm nhiếp ảnh quốc tế ở New York City. Ảnh của Richard Avedon hiện có khắp viện bảo tàng và trung tâm nghệ thuật Mỹ cũng như thế giới. Trong vô số giải thưởng, Avedon được trao giải Thành tựu suốt đời của Hội đồng thiết kế thời trang Hoa Kỳ (1989) và của Đại học báo chí Colombia (2000). Năm 2001, ông được vinh danh tại Viện bảo tàng nghệ thuật-khoa học Hoa Kỳ…