Khi được chế độ chuyên chế cầm quyền bởi quân đội Myanmar trả tự do năm 2010, Aung San Suu Kyi đã là tù nhân chính trị nổi tiếng nhất thế giới suốt gần hai thập niên. Vài tuần sau khi được thả, bà nhận được điện thoại chúc mừng từ một cựu tù nhân chính trị khác – Václav Havel, nhà viết kịch bất đồng chính kiến ​​người Czech, người sau này trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên thời hậu Cộng sản của đất nước ông vào năm 1989. Đó là cuộc điện thoại mà họ nói chuyện trực tiếp đầu tiên nhưng mối quan hệ chính trị của họ đã kéo dài gần như suốt thời gian Aung San Suu Kyi bị giam cầm. Năm 1991, hai năm sau nhiệm kỳ Tổng thống Czechoslovakia, Havel đã vận động thành công Ủy ban Nobel Hòa bình trao giải cho Suu Kyi để nhìn nhận vai trò lãnh đạo của bà trong phong trào ủng hộ dân chủ Myanmar. Khi quyển sách tập hợp những bài viết của Aung San Suu Kyi được xuất bản không lâu sau, người ta thấy phần giới thiệu của Havel. Ông viết rằng “bà ấy nói cho tất cả chúng ta, những người tìm kiếm công lý”.

XEM THÊM: Myanmar: Theo Mỹ Hay “Theo Tàu”?

______________________________________________________________________________

Từ bóng tối bước ra một môi trường chưa đủ sáng

Havel và Suu Kyi là vài trong số nhà bất đồng chính kiến ​​trên khắp thế giới, từ giữa những năm 1980 đến đầu thập niên 1990, nổi lên như những biểu tượng tự do, can đảm chống lại các chế độ độc tài, từ Nelson Mandela ở Nam Phi đến Lech Walesa ở Ba Lan… Các phong trào dân chủ không phải lúc nào cũng thành công – vụ thảm sát Thiên An Môn là ví dụ tồi tệ nhất – nhưng ba thập niên cuối của thế kỷ 20, số nền dân chủ được hình thành trên thế giới đã tăng từ 31 lên 81. Nhiều số phận khác nhau chờ đợi những nhà cải cách này. Havel và Mandela đã vượt qua những thỏa hiệp không thể tránh khỏi mà danh tiếng của họ vẫn nguyên vẹn, trong khi Walesa, với tư cách Tổng thống Ba Lan, lại bị chỉ trích với sự lãnh đạo thất thường và không đáng tin. Nhưng không ai trong số họ trải qua kiểu thay đổi bất ngờ như Aung San Suu Kyi. Sự trong sáng về đạo đức và hình ảnh thanh nhã xây dựng nên hình ảnh một biểu tượng mạnh mẽ của nhân quyền và bất bạo động đã dần lộ ra nhiều khiếm khuyết. Kể từ khi Aung San Suu Kyi trở thành nhà lãnh đạo vào năm 2016, bà ấy vẫn thản nhiên đối mặt với loạt vi phạm nhân quyền, điển hình nhất là sự đàn áp tàn bạo người Rohingya, sắc dân thiểu số theo đạo Hồi ở phía Tây Myanmar, gần biên giới Bangladesh.

Aung San Suu Kyi chào đám đông ủng hộ vào ngày được trả tự do cách đây 10 năm (European Pressphoto Agency)
Một cuộc biểu tình bên ngoài Tòa đại sứ Myanmar ở Bangkok phản đối việc Quân đội Myanmar bắt bà Aung San Suu Kyi (New York Times)
Những người ủng hộ Quân đội Myanmar bắt bà Aung San Suu Kyi (New York Times)

Myanmar là một tập hợp của 135 sắc tộc được chính thức công nhận, thống trị bởi người Bamar chiếm 68% dân số. Xung đột vũ trang đã diễn ra nhiều thập niên giữa nhiều nhóm sắc tộc và chính phủ do người Bamar lãnh đạo. Năm 1947, cha của Suu Kyi, Aung San, một vị tướng Bamar được xem là người sáng lập nước Myanmar hiện đại, đã thuyết phục một số nhóm gạt bỏ những khác biệt vì lợi ích quốc gia. Ông bị ám sát ngay trước khi nền độc lập có hiệu lực vào tháng 1-1948, và các cuộc xung đột giữa các bộ tộc vẫn tiếp tục làm hao mòn sinh lực quốc gia non trẻ. Những cuộc nội chiến liên miên tạo cho quân đội cái cớ để nắm quyền. Họ đã thực hiện điều này vào năm 1962. Chính phủ quân đội cai trị bằng bàn tay sắt khi đàn áp đẫm máu những người đối lập trong gần 50 năm. Năm 2015, khi bầu cử tự do lần đầu tiên được phép tổ chức, sự nổi tiếng của bà Suu Kyi đã đưa đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), giành chiến thắng vang dội. NLD và Quân đội đã thỏa thuận chia sẻ quyền lực; và vào năm 2016, một chính phủ do dân sự lãnh đạo ra đời, dù quân đội vẫn kiểm soát gần như mọi thứ.

Khi nhậm chức, Suu Kyi đi theo con đường của cha mình khi tuyên bố thực hiện đàm phán để giải quyết vấn đề mâu thuẫn sắc tộc. Bà nói: “Đất nước chúng ta đang khát khao hòa bình”. Tuy nhiên, xung đột sắc tộc vẫn tăng. Quân đội phá vỡ các thỏa thuận ngừng bắn. Giới báo chí và hoạt động dân chủ chỉ trích chính phủ bị bỏ tù. Đáng chú ý hơn cả là các cuộc thảm sát người Rohingya. Người Rohingya tấn công lại quân đội. Nội chiến bùng nổ. Nhiều vụ hãm hiếp được ghi nhận. Ảnh vệ tinh cho thấy hơn hai trăm ngôi làng Rohingya bị thiêu rụi, tính đến năm 2017.

Myanmar và vấn đề Rohingya

Ở Myanmar, người Rohingya bị coi thường bởi hầu hết sắc tộc khác. Gần 90% đất nước theo đạo Phật, và hầu hết đều xem người Rohingya theo đạo Hồi là những kẻ nhập cư bất hợp pháp. Người Rohingya thậm chí không hiện diện trong bảng thống kê chính thức về sắc tộc của Myanmar. Suu Kyi đã không làm gì để chống lại điều đó. Chính phủ của bà từ chối cấp thị thực cho một nhóm nhân quyền Liên Hiệp Quốc đến điều tra cuộc khủng hoảng; và các tổ chức quốc tế cũng bị ngăn cản cung cấp viện trợ. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc gọi cuộc đàn áp Rohingya là “một ví dụ kinh điển về thanh lọc sắc tộc”. Một số người từng đoạt Nobel Hòa bình, trong đó có Desmond Tutu và Malala Yousafzai, đã kêu gọi bà lên án bạo lực. Thay vào đó, bà mô tả quân nổi dậy Rohingya là “những kẻ khủng bố” và bác bỏ sự lên án trên toàn thế giới, nói rằng các cơ quan truyền thông quốc tế đã tạo ra “một tảng băng lớn về thông tin sai lệch”…

Bà Aung San Suu Kyi bảo vệ Quân đội Myanmar trước cuộc thảm sát người Rohingya tại Tòa án Công lý Quốc tế vào tháng 12-2019 (Getty Images)
Một poster ủng hộ bà Aung San Suu Kyi khi bà có mặt ở Tòa án Công lý Quốc tế (Reuters)

Ngày 19-7-1947, khi Aung San Suu Kyi mới hai tuổi, một toán vũ trang xông vào cuộc họp được triệu tập để giám sát quá trình chuyển đổi sang độc lập của Myanmar. Họ giết chết cha bà cùng tám người khác. Lớn lên trong “cái bóng huyền thoại” của cha, Aung San Suu Kyi thời niên thiếu chỉ lo nghĩ việc học. Sao Haymar Thaike, một người bạn thời thơ ấu và là con gái của Tổng thống đầu tiên giai đoạn hậu độc lập của Myanmar, kể rằng Suu Kyi là cô gái đứng đắn, yêu sách, được nuôi dưỡng bởi người mẹ “rất mạnh mẽ, tốt bụng” (bà Khin Kyi). Năm 1960, Khin Kyi được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Ấn Độ và dẫn theo con gái. Hai năm sau, cuộc đảo chính thiết lập một chế độ quân sự theo mô hình xã hội chủ nghĩa.

Aung San Suu Kyi rời Myanmar năm 15 tuổi, và bà không trở lại, trừ vài lần đơn lẻ, trong suốt 28 năm. Sau thời gian học ở New Delhi, bà đến Oxford và học triết học, chính trị và kinh tế. Bà là một sinh viên không có gì nổi bật. Sau đó, bà làm việc một thời gian ngắn cho Liên Hiệp Quốc ở New York. Năm 1972, bà kết hôn với Michael Aris, một học giả trẻ người Anh, chuyên gia về Phật giáo Tây Tạng. Họ có hai con trai và định cư ở Oxford, nơi Suu Kyi chỉ làm công việc nội trợ, đạp xe đi chợ và may bảng tên trên áo cho hai đứa con. Nhưng di sản của người cha đã truyền cho Aung San Suu Kyi ý thức về số phận. Bà nghiên cứu cuộc đời của ông và xuất bản một cuốn tiểu sử ngắn. Trước khi kết hôn với Aris, bà gửi cho người chồng tương lai một lá thư, nói rằng đất nước của bà là mối quan tâm đầu tiên. “Em chỉ yêu cầu một điều, rằng nếu người dân (Miến Điện) cần em, anh sẽ giúp em thực hiện nghĩa vụ của mình, vì họ” – bà viết – “Anh có phiền không nếu một tình huống như vậy xảy ra? Điều đó đến như thế nào thì em không biết nhưng chắc sẽ có”.

“Huyền thoại” đổ sụm

Điều đó đã đến vào năm 1988. Tháng 3, mẹ của Suu Kyi bị đột quỵ. Suu Kyi vội vã trở về Miến Điện. Những năm tháng thống trị của Quân đội đã gây ra sự suy tàn trên khắp đất nước. Một quốc gia từng có hệ thống giáo dục mạnh mẽ, nơi từng có những cánh đồng bát ngát phì nhiêu nhất châu Á, giờ trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, bởi chế độ quốc hữu hóa thảm hại. Đó cũng là thời điểm mà các cuộc biểu tình của sinh viên chống chính quyền bùng lên. Binh lính nã súng vào đám đông, và hàng trăm người bị giết, chỉ trong vài tháng. Một nhóm sĩ quan quân đội, luật sư, sinh viên và nhà văn bất mãn kêu gọi Suu Kyi trở thành lãnh đạo của đảng chính trị mới, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD).

Suu Kyi đã ở nước ngoài ba thập niên và không có kinh nghiệm chính trị. Nhưng những người sáng lập NLD muốn có một thành viên trong gia đình Aung San để “thánh hóa” sứ mệnh của họ. Bà có bài phát biểu quan trọng đầu tiên vào ngày 26-8, tại chùa Shwedagon, địa điểm Phật giáo linh thiêng nhất của Miến Điện. Bằng một giọng rõ ràng, tự tin, bà nhắc lại cha mình và gọi cuộc nổi dậy chống quân đội là “cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc lần thứ hai”. Tháng 5-1989, nhượng bộ trước áp lực dư luận, chính quyền tuyên bố tổng tuyển cử được tổ chức vào năm sau. Nhưng ngay sau đó, Suu Kyi bị quản thúc tại gia, không xét xử, vì “gây nguy hiểm cho nhà nước”. Hầu hết ban lãnh đạo NLD bị bỏ tù. Dù vậy, NLD vẫn giành được đa số phiếu. Tuy nhiên, chế độ từ chối bàn giao quyền lực. Suu Kyi trải qua 15 năm trong 21 năm tiếp theo trong tình trạng bị giam hãm trong căn biệt thự ven hồ của gia đình ở Yangon. Quân đội thả bà hai lần rồi lại giam. Họ vô tình biến bà thành biểu tượng của cuộc đấu tranh chống lại họ.

Aung San Suu Kyi được trao Huân chương Vàng Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington năm 2012 (Getty Images)

Năm 1999, Suu Kyi đối mặt với một quyết định đau đớn. Chồng bà bị chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối và xin phép chính quyền quân đội cho ông về thăm bà. Nhiều lần yêu cầu như vậy luôn bị từ chối. Quân đội muốn trả tự do cho Suu Kyi để bà sang Anh thăm chồng. Bà và Aris biết rằng, nếu rời khỏi đất nước, bà sẽ không bao giờ được phép trở lại. Bà đã chọn ở lại Myanmar và không bao giờ gặp lại chồng. Tháng 1-2012, hơn một năm kể từ lần cuối cùng Aung San Suu Kyi được thả, một nữ tù nhân lương tâm khác được trả tự do. Bà ấy là Wai Wai Nu, cũng xuất thân từ một gia đình chính trị. Cha Wai Wai Nu, một cựu hiệu trưởng, từng giành được một ghế trong Quốc hội trong cuộc bầu cử năm 1990. Năm 2005, khi là sinh viên luật 18 tuổi, Wai Wai Nu bị kết án với nhiều tội danh và bị tuyên 17 năm tù. Cùng với chị gái, anh trai, mẹ và cha, Wai Wai Nu bị giam trong nhà tù Insein khét tiếng Yangon. Có một điều khác biệt giữa Aung San Suu Kyi và Wai Wai Nu: Suu Kyi là người Bamar, Wai Wai Nu là người Rohingya.

Bằng chứng về sự hiện diện của người Rohingya ở bang Rakhine – và cộng đồng Hồi giáo nói chung – trải dài hàng thế kỷ. Tuy nhiên, các nhóm sắc tộc khác ở Myanmar coi họ như một dấu tích của thời kỳ thuộc địa, khi đất nước được sáp nhập vào Ấn Độ thuộc Anh và người Anh đưa những người không theo đạo Phật từ nơi khác đến để làm việc tại Miến Điện. Chính phủ Myanmar cấm sử dụng tên Rohingya và hầu hết mọi người gọi họ là Bengali.

Vào thời điểm độc lập, năm 1948, người Rohingya nói chung vẫn coi họ là một trong nhiều sắc tộc có thể tranh giành để tìm một vị trí trong quốc gia non trẻ. Rohingya có mặt trong Quốc hội, và sắc tộc họ cũng được đưa vào một cuộc điều tra dân số năm 1961. Dù vậy, chính quyền quân đội ủng hộ tư tưởng bài Rohingya trong khi tôn vinh người Bamar. Trong nhiều thập niên tiếp theo, người Rohingya bị “ma quỷ hóa” một cách có hệ thống. Năm 1982, luật quốc tịch mới phân loại họ là “người Bengali”. Dù các chính trị gia Rohingya như cha của Wai Wai Nu vẫn có thể tranh cử Quốc hội nhưng sự phân biệt đối xử mang tính thể chế và có tính hệ thống trở nên công khai hơn. Người Rohingya không còn được theo học tại các trường tốt nhất. Những ai không hối lộ cho quan chức địa phương sẽ bị hạn chế quyền tự do đi lại. Tuyệt vọng vì không tìm được việc làm và thân phận bị ruồng rẫy, người Rohingya tìm kiếm những kẻ buôn người để giúp đưa họ ra khỏi đất nước. Họ vượt biên đến Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Hàng trăm người chết trên đường đi.

Chặng cuối một sự nghiệp chính trị được dệt nên chỉ bởi kỳ vọng

Kenneth Roth, giám đốc điều hành Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết, từ năm 2012, Aung San Suu Kyi đã tránh gặp ông, dù tổ chức của ông đã hỗ trợ nhiều thập niên cho sự nghiệp của bà. “Chúng tôi bắt đầu chỉ trích bà ấy về vấn đề Rohingya” – ông nói. Roth coi việc Suu Kyi từ chối lên tiếng phản đối việc thanh lọc sắc tộc của người Rohingya là một toan tính chính trị. “Bà ấy đang nghĩ, Điều đó không đáng, những người này chẳng đáng gì để tôi bận tâm bảo vệ” – Roth nói với tờ New Yorker.

Một nhà sư cầm ảnh luật sư (bị ám sát) Ko Ni (AP)
Những người tỵ nạn Rohingya tràn vào Bangladesh năm 2017 (New York Times)

Ngày 29-1-2017, luật sư nổi tiếng Ko Ni, 63 tuổi, bị ám sát tại Phi trường Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar. Ông vừa trở về từ một hội nghị dân chủ ở Indonesia và đang đợi taxi trên lề đường, tay ôm đứa cháu trai nhỏ. Một tay súng bất ngờ xuất hiện nã đạn vào đầu Ko Ni ở cự ly gần. Nay Win, tài xế taxi cố gắng đuổi theo tên sát thủ, cũng bị bắn chết. Vụ ám sát chấn động Myanmar. Là cố vấn pháp lý cấp cao của NLD, đảng của bà Aung San Suu Kyi, Ko Ni kêu gọi sửa đổi, hoặc thậm chí viết lại Hiến pháp Myanmar, để giảm bớt sức mạnh của Quân đội. Ông cũng là một tín đồ Hồi giáo, tín ngưỡng chiếm chưa đến 5% dân số ở Myanmar. Ko Ni đã bị dọa giết nhiều lần. Một tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống Myanmar cho biết kẻ ám sát là Kyi Lin, một cựu tù nhân được ba cựu sĩ quan quân đội trả gần 6.000 USD để thực hiện vụ giết người. Ngày 25-2-2017, Bộ trưởng Nội vụ Myanmar, Trung tướng Kyaw Swe, nói rằng “lòng yêu nước quá khích” đã thúc đẩy những kẻ chủ mưu. Câu chuyện dần chìm nghỉm. Tuy nhiên, người ta nhận thấy một chi tiết “nhỏ”: dù Koni là người thân tín nhưng Aung San Suu Kyi đã không dự đám tang. Bà cũng không gửi hoa hay chia buồn đến gia đình ông, và suốt một tháng, bà không đưa ra ý kiến gì.

Jody Williams, người đoạt Nobel Hòa bình (1997) đầu tiên được phép đến thăm bà Suu Kyi, nhận xét rằng Suu Kyi có cái nhìn “thực dụng” về Quân đội. Aung San Suu Kyi nói với bà rằng “nếu Quân đội có những tài khoản ngân hàng to thì tôi thấy cũng chẳng có vấn đề gì”. Trong cuộc gặp với Jody Williams, Aung San Suu Kyi cũng không bao giờ đề cập các vấn đề liên quan nhân quyền. Williams còn bất ngờ hơn với lần Aung San Suu Kyi đến New York năm 2012 để gặp một tổ chức phi chính phủ mà Williams đồng sáng lập. “Bà ấy tỏ ra cực kỳ khó chịu trước bất kỳ câu hỏi nào về nhân quyền ở đất nước bà ấy” – Williams kể. Một nhà hoạt động trẻ người Miến Điện – “thất thần” sau khi chứng kiến cảnh Suu Kyi giận dữ lao ra khỏi cuộc họp – đã phải thốt lên: “Tôi không thể tin được điều này, tôi không thể tin được điều này, đó là Aung San Suu Kyi sao?”…

Nguồn: What Happened to Myanmar’s Human-Rights Icon?, Hannah Beech, The New Yorker

Bài đã đăng trên Saigon Nhỏ