Các quốc gia độc tài xào nấu dữ liệu kinh tế như thế nào?
Chẳng ai lạ gì kỹ thuật dối trá của các chế độ độc tài chuyên chế, từ Trung Quốc đến Việt Nam, từ Cuba đến Bắc Triều Tiên. Trong suốt chiều dài lịch sử, họ có “biệt tài” xào nấu các con số và chế biến dữ liệu sao cho phục vụ lợi ích chính trị của họ một cách tối ưu nhất…
Bịp là “nghề của chàng”
Trong tiểu thuyết kinh điển 1984 của George Orwell, nhân vật Winston Smith đã dành cả ngày với tư cách nhân viên Bộ Sự thật (Ministry of Truth) để điều chỉnh các tài liệu cho phù hợp với nhu cầu chính trị luôn biến động của chế độ Anh Lớn (Big Brother). “Ai kiểm soát quá khứ sẽ kiểm soát tương lai, ai kiểm soát hiện tại sẽ kiểm soát quá khứ,” Orwell viết, cho thấy mối liên hệ giữa khả năng của chính phủ trong việc tác động đến những gì công chúng coi là sự thật và sự tồn tại chính trị của chính phủ đó.
Các tay tổ cộng sản và độc tài luôn biến báo ma quỉ trong kỹ thuật vừa xào luộc vừa bưng bít thông tin. Ngay từ đầu những năm cai trị Liên Xô, Joseph Stalin đã can thiệp rất sâu vào những cơ quan liên quan thống kê. Ông ta từng bắt giam các quan chức phụ trách cuộc điều tra dân số năm 1937 sau khi những phát hiện của họ khiến ông không hài lòng; với kết quả ban đầu cho thấy dân số Liên Xô không tăng nhiều như mong đợi, mà nguyên nhân chủ yếu là do nạn đói 1932-1933 bởi quá trình tập thể hóa nông nghiệp của Stalin gây ra.
Sự “bận tâm” những số liệu thống kê gần như luôn tồn tại với nhiều chính phủ, đặc biệt các thể chế độc tài. Xào nấu sổ sách là chuyện “bình thường” của họ. Trong một phát biểu vào Tháng Mười Hai 2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng GDP Trung Quốc dự kiến sẽ vượt quá 120 nghìn tỷ nhân dân tệ (17 nghìn tỷ USD, thấp hơn khoảng 6 nghìn tỷ USD so với Hoa Kỳ) trong năm nay.
Nếu đúng, con số này cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng năm của kinh tế Trung Quốc là khoảng 4.4% – cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 3.3% mà các nhà dự báo độc lập dự đoán. Nó cũng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang trên đường sánh ngang nền kinh tế Mỹ, và có thể vượt mặt Mỹ trong vòng một thập niên. Một kỳ tích như vậy sẽ là đỉnh cao của hình ảnh Trung Quốc và chắc chắn giúp làm tăng thêm sức mạnh địa chính trị nước này. Tuy nhiên, với giới nghiên cứu, có không ít lý do chính đáng và bằng chứng để nghi ngờ cái gọi là “thành tựu kinh tế” của Bắc Kinh. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc không cao như giới lãnh đạo chóp bu của họ nhấn mạnh, và nước này cũng chưa gần bắt kịp Mỹ như thiên hạ đồn đoán.
Trùm láo Trung Quốc
Số liệu thống kê của Trung Quốc từ lâu luôn gây ra nghi ngờ, từ chỉ số ô nhiễm không khí, mức độ an toàn nơi làm việc đến các số liệu phát triển sản xuất. Cho đến nay, chẳng ai biết chính xác có bao nhiêu người chết bởi COVID-19 tại Trung Quốc. Với Trung Quốc, khi nói đến số liệu GDP, từ các chính quyền địa phương đến chính phủ trung ương đều bịp. Sự không đáng tin của nhiều số liệu thống kê kinh tế chính thức của Trung Quốc dường như là một “bí mật mở” giữa các quan chức cấp cao. Bằng chứng là (cựu) Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận vào năm 2007 rằng khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt, sản lượng tiêu thụ điện và mức độ giải ngân các khoản vay mới thật sự là những thước đo kinh tế đáng tin cậy, chứ không phải các số liệu GDP được báo cáo.
Một cách chính xác, nhiều chính phủ cũng xạo láo khi công bố dữ liệu kinh tế, cốt để vẽ nên bức tranh màu hồng cho chính quyền của họ. Điều này xảy ra phổ biến ở các nước Mỹ Latin. Tại Colombia, người đứng đầu Cơ quan Thống kê Quốc gia đã từ chức vào năm 2004 trong bối cảnh có những cáo buộc rằng ông bị chính phủ của Tổng thống (lúc đó) Alvaro Uribe gây sức ép để không công bố kết quả một cuộc khảo sát về nhận thức liên quan các vấn đề an ninh xã hội, vốn là chủ đề nhạy cảm ở đất nước này.
Tuy nhiên, có một số khác biệt quan trọng giữa những bóp méo dữ liệu xảy ra trong các nền dân chủ và những xào nấu dữ liệu trong các chế độ chuyên quyền. Tại các nước dân chủ, dù sao, báo chí và đảng phái đối lập vẫn có thể lên tiếng tố cáo và vạch trần những màn dối trá. Môi trường thể chế dân chủ vẫn tạo điều kiện cho việc kiểm tra và đòi hỏi trách nhiệm giải trình. Điều này hầu như không có trong các chế độ độc tài.
Trong nghiên cứu được công bố gần đây, Luis R. Martínez – giáo sư trợ giảng Trường Chính sách công Harris (Harris School of Public Policy) thuộc Đại học Chicago – đã kiểm tra xem, liệu các chế độ chuyên quyền có dễ phóng đại tăng trưởng kinh tế hơn các nền dân chủ hay không, bằng cách phân tích số liệu GDP chính thức và mức độ sử dụng đèn điện ban đêm do vệ tinh ghi lại. Nhiều năm qua, giới nghiên cứu bắt đầu sử dụng nguồn ánh sáng này như một “chỉ số” đại diện cho hoạt động kinh tế. Sự mở rộng kinh tế luôn dẫn đến sự gia tăng cơ sở hạ tầng tư nhân và công cộng (nhiều nhà hơn, nhiều nhà máy hơn, nhiều đường hơn) và tiêu thụ điện cao hơn.
Mức độ “ăn gian” trung bình là bao nhiêu?
Tất cả yếu tố trên dẫn đến việc tạo ra nhiều ánh sáng hơn trong đêm, mà chương trình vệ tinh khí tượng quốc phòng của Không Lực Hoa Kỳ có thể đo lường ở mức độ chi tiết cao và cung cấp trong các bộ dữ liệu có sẵn công khai. Dạng dữ liệu này có một số lợi thế đối với nghiên cứu hoạt động kinh tế: Nó bao phủ phần lớn thế giới, cho phép dễ dàng so sánh giữa các địa điểm; và theo thời gian, nó có thể được tổng hợp thành các đơn vị quan sát khác nhau, chẳng hạn như làng, tỉnh, và toàn bộ quốc gia. Quan trọng nhất, không giống như số liệu thống kê chính thức về tăng trưởng GDP, người ta không thể “thao túng” ánh sáng ban đêm.
Luis R. Martínez đã phân tích dữ liệu ánh sáng ban đêm ở 184 quốc gia từ năm 1992 đến năm 2013, so sánh những thay đổi về độ sáng tương đối của một quốc gia với dữ liệu GDP được báo cáo của quốc gia đó. Điều rút ra từ quan sát này là, với cùng mức độ sáng, các chế độ độc tài lại báo cáo tăng trưởng GDP cao hơn (so với các quốc gia dân chủ), với hệ số là 1.35. Điều này có nghĩa, khi tốc độ tăng trưởng thực sự là 1.0%, chính phủ độc tài sẽ báo cáo là 1.35%; hoặc khi tốc độ tăng trưởng thực tế là 10% thì họ báo cáo là 13.5%. Nói tóm lại, mức độ “ăn gian” trung bình của họ là 1.35!
Luis R. Martínez còn thấy rằng, những phóng đại về tăng trưởng GDP tại các nước độc tài không cố định theo thời gian hoặc không gian. Chẳng hạn, sự khác biệt giữa ánh sáng ban đêm và GDP không rõ ràng ở các nước đang phát triển trong những năm họ được hưởng lợi từ các khoản vay ưu đãi và trợ cấp từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (International Development Association) của Ngân hàng Thế giới. Nhưng một khi tổng thu nhập quốc gia của họ tăng vượt quá mức mà họ đủ điều kiện tham gia các chương trình này, họ bắt đầu thổi phồng số liệu thống kê. Nhìn chung, tiểu xảo láu cá phổ biến nhất là phóng đại tốc độ tăng trưởng GDP ở mức độ lớn hơn, khi nền kinh tế bắt đầu suy giảm và thậm chí hoạt động kém hơn so với phần còn lại của thế giới.
Điển hình nhất là Trung Quốc. Nhìn chung, năm ngoái là một năm khó khăn đối với kinh tế Trung Quốc, sau ba năm áp dụng chính sách hạn chế nghiêm ngặt liên quan đại dịch. Thật “ngẫu nhiên” làm sao, khi giới chóp bu chính trị Trung Quốc tề tựu về Bắc Kinh dự Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Cơ quan Thống kê Quốc gia lại thông báo về sự chậm trễ rất bất thường trong việc công bố số liệu GDP chính thức. Cuối cùng, trong bài phát biểu vào Tháng Mười Hai 2022, Tập mới “tiết lộ” con số ấn tượng về tăng trưởng GDP là 4.4%. Nếu con số đó giảm đi theo hệ số 1.35, như trong nghiên cứu của Luis R. Martínez, thì tốc độ tăng trưởng thực tế của Trung Quốc chỉ ở mức 3.3% – tốc độ được dự đoán bởi các nhà phân tích độc lập.
Chừng nào Trung Quốc qua mặt Mỹ?
Dựa trên những số liệu chính thức, các chế độ chuyên chế luôn có xu hướng tăng trưởng với tốc độ cao hơn so với những thể chế dân chủ. Từ năm 1992 đến 2013, các quốc gia được Freedom House phân loại là “không tự do” đã tăng trưởng “đẹp” với tốc độ tổng hợp trung bình là 85%, trong khi các quốc gia được phân loại là “tự do” chỉ tăng trưởng với tốc độ tổng hợp trung bình là 61%. Chín trong 14 quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao nhất trong giai đoạn này là “không tự do”.
Tuy nhiên, những con số dài hạn này thay đổi khi chúng được điều chỉnh dựa trên ước tính rút ra từ những nghiên cứu về ánh sáng ban đêm: Các quốc gia “không tự do” tăng trưởng với tốc độ tổng thể là 55% trong khoảng thời gian được đề cập, trong khi các quốc gia “tự do” tăng trưởng với tốc độ 56%. Những con số này cho thấy xu hướng phóng đại tốc độ tăng trưởng GDP của chế độ độc tài – chứ không phải hiệu quả kinh tế thực tế – là nguyên nhân của phần lớn khác biệt về tốc độ tăng trưởng chính thức giữa các chế độ dân chủ và chế độ chuyên chế trong những thập niên gần đây.
Những phát hiện này cũng làm sáng tỏ một câu hỏi khiến nhiều người đau đầu: Khi nào GDP Trung Quốc vượt Mỹ và đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới? Các ước tính gần đây cho thấy Trung Quốc có thể đạt được cột mốc này sau năm 2035. Tuy nhiên, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy của đất nước này trong 40 năm qua, nghiên cứu của Luis R. Martínez cho thấy nhiều ước tính hiện tại có thể lạc quan thái quá, đơn giản, vì người ta không tính đến… thói quen và “truyền thống” phóng đại quá mức của giới lãnh đạo Bắc Kinh.