320 năm một tiếng dương cầm
Không ai biết đích xác dương cầm ra đời từ lúc nào nhưng theo Viện nghiên cứu Smithsonian (Mỹ) thì có lẽ dương cầm có mặt vào khoảng năm 1700. Theo đó, cây đàn quí tộc piano đã có lịch sử 320 năm…
Cuộc hành trình của dương cầm là câu chuyện về sự chinh phục của con người trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, ở đây là âm nhạc. Cây dương cầm đầu tiên được khai sinh từ tay nhạc sĩ Ý Bartolomeo Cristofori vào khoảng năm 1698. Ðó là đứa con đầu lòng xấu xí mà chính người khai sinh không dám chắc mạng sống èo uột của nó kéo dài bao lâu. Sau đó, Cristofori còn sinh thêm vài “quái vật” nữa, trong đó có một piano chào đời năm 1720 (có tài liệu ghi 1722) mà hiện vẫn còn trưng bày tại Viện bảo tàng Metropolitan New York và một cây khác ra đời năm 1726 hiện trưng bày tại một Viện bảo tàng ở Leipzig (Ðức). Nỗi đam mê dương cầm của Cristofori không lan truyền xa, trên một đất nước người ta chỉ tôn vinh một loại hình nghệ thuật duy nhất: opera.
Chính người Ðức mới có công phát triển dương cầm. Nhà sản xuất nhạc cụ Ðức Gottfried Silbermann sau khi xem bản miêu tả cây đàn “quái đản” của Cristofori đã lập tức bị hớp hồn. Tuy nhiên, Johann Sebastian Bach – lúc đó còn là anh nhạc sĩ quèn – đã nhận xét rằng piano chẳng làm nên tích sự gì. Cuối cùng, nhà sản xuất nhạc cụ Johann Andreas Stein ở Augsburg (Ðức) đã cải tiến nhiều phần kỹ thuật để tạo nên nền tảng cho loại “dương cầm thành Vienne” từng được tán tụng hết lời từ Wolfgang Amadeus Mozart và nhiều nghệ sĩ Ðức khác. Khoảng năm 1760, 12 nhạc sĩ Ðức sang Luân Ðôn, lập nên trường phái Ănglê (English school), dưới sự điều khiển của John Broadwood, để rồi cuối cùng biến cây dương cầm thành một nhạc cụ quí tộc cho đến tận nay…
Cây Steinway Alma Tadema – một trong những cây dương cầm đắt nhất thế giới. Năm 1997, nó được bán đấu giá tại nhà Christie’s ở London với giá 1,2 triệu USD. Cây đàn này được thiết kế bởi họa sĩ Lawrence Alma-Tadema và được đóng từ năm 1883 đến 1887
Cây Baby Grand của cô đào Marilyn Monroe. Sau nhiều lần đổi chủ, Baby Grand được ca sĩ Mariah Carey mua lại với giá 662.500 USD
Cây Crystal của nhà Heintzman – công ty chuyên sản xuất piano lừng danh thế giới (đặt theo tên ông Theodor August Heintzman, người Đức di cư đến Canada năm 1860). Cây này (làm hoàn toàn bằng pha lê) được một người giấu tên mua đấu giá với 3,22 triệu USD
Tiếng dương cầm bắt đầu lan khắp châu Âu và tại Pháp, đứa con của Cristofori mới bắt đầu học đi và chạy, với những cải đổi của nhà sản xuất Sebastien Erard. Cây piano của hãng Erard chiếm lĩnh gần như hoàn toàn thị trường châu Âu, cho đến khi xuất hiện Karl Bechstein ở Ðức và sau đó là hàng loạt hãng khác ở Mỹ như Baldwin, Mason & Hamlin, Chickering và nhất là Steinway. Quả là một cuộc đời lắm thăng trầm cho dương cầm: khai sinh ở Ý, lớn lên ở Pháp và Ðức và trở thành cao đạo ở Nhật. Chưa hết, cuộc đời dương cầm còn dính dáng đến nhiều mối quan hệ phức tạp. Chính cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thế kỷ 19 (phát triển ngành công nghiệp sắt-thép) đã tạo cho piano một cơ thể cường tráng (nhờ những khung kim loại). Piano cũng mang can dự đến những vụ buôn lậu ngà voi từ châu Phi (phím đàn làm bằng ngà voi). Tuy thế, nhờ vậy mà piano phát triển nhanh.
Ðến giữa thế kỷ 19, dương cầm không còn là sở hữu của dân nhà giàu. Khắp châu Âu, từ nhà giáo viên đến viên chức kế toán hạng xoàng, đâu người ta cũng nghe âm vang thánh thót tiếng dương cầm. Khoảng thập niên 1790, người Anh chở dương cầm sang Ấn và piano bắt đầu cuộc hành trình mới ở châu Á. Theo một số tài liệu, một cây dương cầm xuất hiện ở Nhật vào thập niên 1820 và năm 1878, một piano do chính tay người Nhật làm đã được mang dự một cuộc triển lãm thương mại ở châu Âu. Ðến đầu thế kỷ 20, các quán rượu đầy ngập dân cao bồi ở Mỹ đều có màn hát xướng dưới tiếng đệm dương cầm…
Khi piano phát triển vào thế kỷ 18-19, nhiều nhạc sĩ đã trở thành nghệ sĩ solo (pianist) mà hàng trăm năm qua người ta không thể nào quên. Ðó là những Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Frédéric Chopin, Franz Liszt… Cuối thế kỷ 19, tiếng dương cầm lại vang dội dưới bàn tay những nghệ sĩ Nga mà nổi bật nhất trong số đó là Anton Rubinstein. Ðầu thế kỷ 20 đã chứng kiến sự xuất hiện của những danh cầm châu Âu: Ignace Paderewski (Ba Lan), Sergey Rachmaninoff (người Mỹ gốc Nga), Artur Schnabel (Mỹ gốc Áo), Myra Hess (Anh), Walter Gieseking (Ðức) và cả Guiomar Novaes (Brazil)…
Tại Mỹ, piano có chỗ đứng rất đường hoàng trong lịch sử nền âm nhạc hiện đại nước này. Nhạc blues, với giai điệu buồn rũ rượi có cội nguồn từ các ca khúc nô lệ Mỹ da đen, đã phát triển mạnh ở miền Nam Mỹ, theo phong cách “blues piano”. Ðến những năm 1920, khu Harlem (New York) đã phát triển rực rỡ phong cách “jazz piano” với bậc thầy đại diện là James P. Johnson. Cũng tại Harlem, còn có một phong cách nữa, gọi là boogie-woogie (loại blues chơi trên dương cầm bằng cách tay trái gõ liên tục một số nốt bass và tay phải đánh tự do theo ngẫu hứng). Một trong những vị tiền bối đáng kính nể nhất thời này là Nat King Cole (1919-1965), với phong cách jazz lừng danh. Tuy nhiên, loại nhạc trí tuệ này đến nay không mấy ai còn nghe và chỉ phổ biến loại rock piano và pop piano mà vài đại diện tiêu biểu là Elton John, Little Richard, Stevie Wonder…
320 năm, dương cầm và chỗ đứng của nó trong làng âm nhạc thế giới đã định hình và phát triển mạnh đến độ không thể tưởng tượng được nền âm nhạc hiện đại ngày nào đó không còn có mặt cây dương cầm. Nếu không kể violin, dương cầm có lẽ là nhạc cụ duy nhất có tầm quan trọng và vị thế đường bệ trong cả làng nhạc cổ điển lẫn làng nhạc hiện đại.