Nhà phê bình âm nhạc của tờ New York Times, Anthony Tommasini, vào năm 2011, đã đánh giá J. S. Bach là nhạc sĩ lỗi lạc nhất [1]. Trong thế giới âm nhạc, đánh giá một tác phẩm là “hay” hoặc xếp thứ hạng cho tác phẩm nào đó thường chỉ mang tính tương đối. Sự xếp hạng có thể thay đổi qua nhiều thời kỳ, tùy thuộc vào hệ thống đánh giá, phê bình cũng như chính cảm nhận của người phê bình. Tuy vậy, khó có thể phủ nhận thực tế rằng âm nhạc của J. S. Bach là một tượng đài trường tồn, và cho đến nay vẫn là “tiêu chuẩn vàng” cho âm nhạc.[2]

Ngày nay, giới học thuật và những người hoạt động âm nhạc luôn nhắc đến Bach với sự kính trọng to lớn; nhưng ông lại không được trân trọng đúng mức vào thời của mình và trải qua nhiều điều không may trong cuộc sống riêng. Là thiên tài, nhưng Bach vẫn phải trải qua những lúc đi xin việc bị từ chối, kiệt tác không được xem trọng. Bach sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, nhưng không may mồ côi mẹ vào năm 9 tuổi và lên 10 tuổi thì cha cũng qua đời. Bach được anh cả nuôi, cho đi học trường dòng, hát hợp xướng và được anh cả dạy cho những bài học âm nhạc đầu tiên. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn, anh cả không thể tiếp tục chu cấp, Bach bắt đầu sống tự lập từ năm 15 tuổi. Kể từ đó, Bach bắt đầu bươn chải bằng tài năng âm nhạc của mình.

Với tài năng âm nhạc thiên bẩm cộng với tinh thần ham học hỏi, Bach chăm chỉ nghe các nhạc sĩ khác biểu diễn, tiếp cận nhiều phong cách nhạc từ Pháp và Hà Lan, nhạc nhà thờ và tiến tới sáng tác. Nhờ đó, các tác phẩm của Bach thổi luồng gió tươi mới và tự nhiên. Tài năng xuất chúng, làm việc chăm chỉ, nhưng Bach lại trở thành nạn nhân của những mối quan hệ chính trị xung khắc. Trong thời gian chuyển đến Weimar sinh sống, hai vị công tước lãnh đạo tại đây có xung đột, và vì cả hai đều có mối quan hệ với Bach, một trong hai công tước cấm Bach làm việc cho người còn lại. Xung đột xảy ra, Bach bị tống giam một tháng…

Sau đó, Bach được một hoàng thân trẻ yêu âm nhạc xứ Kothen bảo trợ và sau đó trở thành Giám đốc âm nhạc hưởng lương cao tại đây. Trong thời gian này, Bach sáng tác với tinh thần thoải mái tự do hơn trước, trong đó có bộ sáu tác phẩm Concerto thành Brandenburg trứ danh (sau đây một trong số đó sẽ được giới thiệu). Tháng 7-1720, vợ Bach qua đời, và một năm sau Bach cưới một người khác. Vì con cái và tác động của vợ mới, đồng thời Bach muốn tiếp tục viết nhạc cho nhà thờ, nên ông đi xin việc ở các thành phố lớn. Tuy vậy, ông vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với vị hoàng thân đã bảo trợ mình cho đến khi hoàng thân qua đời.

Trong giai đoạn từ năm 1723 đến 1729, khi Bach chuyển đến sống ở Leipzig, ông viết nhạc cho nhà thờ và theo yêu cầu, ông phải viết các bản đại hợp xướng (cantata) cho tất cả các buổi lễ trong năm, tổng cộng khoảng 59 bản mỗi năm – một bản cho lễ hàng tuần và các dịp lễ khác. Mặc dù Bach phải thực hiện khối lượng công việc khổng lồ đòi hỏi năng lực sáng tác không tưởng đó trong suốt 5 năm, nhiều tác phẩm của ông vẫn thể hiện được sức sáng tạo phi thường và trở thành kiệt tác cho đến ngày nay.

Bach qua đời ngày 28-7-1750, để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ hơn 1.000 tác phẩm lớn nhỏ. Bốn trong số bảy người con trai sống sót của Bach đều theo nghề âm nhạc, và có đến ba người trở thành nhạc sĩ tên tuổi (Bach có 20 người con với hai vợ, nhưng nhiều người qua đời sớm). Bach và các con đặt nền tảng quan trọng trong việc xây dựng âm nhạc thời kỳ Cổ điển (Classical), ảnh hưởng đến các nhạc sĩ danh tiếng sau này như Mozart, Haydn, Beethoven. Vào thời của Bach, âm nhạc Cổ điển bắt đầu nhen nhóm và do đó, tài năng của Bach không được chú ý và công nhận rộng rãi. Mãi cho đến thời kỳ Lãng mạn (Romantic), người ta mới bắt đầu nghiên cứu, học hỏi, và ca ngợi tài năng của ông.

Các tác phẩm của Bach luôn có tiêu đề gắn liền với chữ “BWV” và một con số phía sau. BWV là cụm viết tắt của “Bach-Werke-Verzeichnis” (Bach Works Catalogue – tạm dịch: Danh mục tác phẩm của Bach). Vì vậy, “BWV 1048” nghĩa là “tác phẩm thứ 1048 của Bach”. Danh mục này do nhà nghiên cứu âm nhạc người Đức Wolfgang Schmieder công bố năm 1950, trong đó ông tập hợp và phân loại các tác phẩm của Bach. Hệ thống đánh số BWV hiện đã gần như là một chuẩn được sử dụng toàn cầu.

? Tác phẩm Brandenburg Concerto số 3 cung Sol trưởng (Brandenburg Concerto No. 3 in G Major, BWV 1048)

Đây là tác phẩm thứ ba trong bộ sáu tác phẩm Concerto Brandenburg. Bộ sáu tác phẩm này ban đầu có một cái tên hết sức đơn giản là “Six concerts à plusieurs instruments”, nghĩa là “Sáu bản concerto cho một vài nhạc cụ”. Trước khi nhận việc ở nhà thờ năm 1723, trong thời gian đi xin việc, Bach từng đề tặng bộ sáu bản Concerto này cho Bá tước (Margrave) Christian Ludwig xứ Brandenburg nhằm ứng tuyển vị trí nhạc sĩ. Bach không hề nhận được phản hồi của Bá tước, và có vẻ Bá tước cũng không hề có ý định nghe qua các tác phẩm này [3].

Giá mà Bá tước xứ Brandenburg biết rằng từ thế kỷ 19 trở đi, người ta trân trọng bộ tác phẩm ấy đến thế nào. Trong phạm vi bài này, người viết chọn bản concerto thứ ba trong số sáu bản để giới thiệu cho quý vị độc giả.

Concerto là tác phẩm thường có ba chương với nhiều nhịp nhanh chậm khác nhau, trong đó có một loại nhạc cụ làm “ngôi sao” và được một dàn nhạc đệm theo, làm nổi bật tiếng đàn của loại nhạc cụ chủ đạo trong bản concerto cũng như kỹ thuật biểu diễn của người nghệ sĩ. Trong đa số các bản concerto cổ điển, thông thường có một đàn piano, violin, cello, sáo, kèn… độc tấu (solo) cùng dàn nhạc. Bộ sáu tác phẩm Concerto Brandenburg của Bach có một chút khác biệt, đó là nhiều chiếc đàn dây – violin, viola, cello cùng có cơ hội phô diễn phần của mình. Concerto Brandenburg số 3 được biên soạn cho ba violin, ba viola, ba cello biểu diễn trên nền bè trầm của một double bass và một đàn harpsichord (đàn phím tương tự piano, cỡ nhỏ có hai tầng, sau ít được sử dụng hơn vì sự thịnh hành của piano).

Với nhịp điệu nhanh và được viết ở cung trưởng, tác phẩm mang màu sắc sáng sủa, tươi vui và không kém phần sang trọng với phần âm trầm ấn tượng của cây double bass và dàn cello. Xin chọn giới thiệu tác phẩm này qua phần trình diễn của nhóm Voices of Music. Tác phẩm thường được biểu diễn kéo dài hơn 10 phút, trong đó gần sáu phút dành cho chương một, chỉ 10 giây dành cho chương hai chậm rãi và rất ngắn, làm vai trò cầu nối sang chương ba.

Mở đầu tác phẩm, 11 nhạc cụ đồng loạt trổi lên những âm thanh trầm hùng, uy nghi. Rất nhanh sau đó là màn tung hứng, “đối đáp” ăn ý, vui tươi giữa các nhóm nhạc cụ. Với độ phức tạp cao, hầu hết tác phẩm của Bach đòi hỏi người nghệ sĩ biểu diễn phải có kỹ thuật điêu luyện. Bach đã vô cùng khéo léo khi đan xen nhiều khúc nhạc để các nhạc công có cơ hội phô diễn trình độ biểu diễn của mình. Nếu để tâm vào bản nhạc, nổi lên giữa chuỗi âm thanh lướt qua là những đoạn chiếc violin có cơ hội phô diễn một đoạn nhạc réo rắt vút cao, những đoạn được viết để chiếc viola tấu lên một đoạn nhạc đẹp đẽ với tông trầm hơn. Lắng nghe tác phẩm này của Bach, người ta dễ dàng bị cuốn theo chuỗi âm thanh lúc lên bổng, lúc xuống trầm mượt như nhung, không một chút gượng gạo khi các nhạc cụ đan xen nhau tấu lên phần của mình.

Ba người nghệ sĩ chơi cello không có cơ hội solo riêng như các nghệ sĩ violin và viola, nhưng xuyên suốt tác phẩm, âm thanh ấm áp và trầm hùng từ ba chiếc cello phối hợp hoàn toàn không hề mờ nhạt, mà trái lại, còn nổi bật và đóng vai trò lớn cho sắc thái sang trọng, uy nghi của bản nhạc. Về gần cuối chương một, sau hơn bốn phút đối đáp, tung hứng, phối hợp của các nhóm nhạc cụ, tác phẩm đi qua một đoạn ngắn với âm thanh được hạ nhỏ xuống với một đoạn độc tấu của violin trên nền của các nhạc cụ còn lại, rồi dần tăng âm lượng trên chuỗi âm trầm mạnh mẽ của dàn cello. Trong hầu hết tiết mục biểu diễn tác phẩm này, đây là phân đoạn mà các nghệ sĩ cello dường như “phiêu” nhất. Và rồi sau đó bằng một chuỗi nốt nhạc đan xen, Bach khéo léo đưa tác phẩm về giai điệu lúc mở đầu để kết thúc chương một.

“Chương hai” là một đoạn nhạc rất ngắn với nhịp điệu khoan thai (Adagio) và chuyển sang cung Mi thứ tạo điểm nhấn trầm và dịu cho tác phẩm trong phút chốc, làm vai trò bắc cầu sang chương ba. Chương ba, cũng là chương cuối, trở lại với cung Sol trưởng, mở đầu bằng hòa âm cao hơn và nhanh hơn so với chương một. Nhịp điệu của chương này dễ dàng khiến người nghe liên tưởng đến những ngón tay người nghệ sĩ phải liên tục lướt trên dây đàn và phím đàn với tốc độ cực nhanh. Nếu chương một mang sắc thái sang trọng, uy nghi thì chương ba khơi gợi màu sắc vui tươi, phóng khoáng hơn. Những chuỗi nốt nhạc “chạy” liên tiếp lên cao rồi lại xuống thấp không ngơi nghỉ làm nổi bật năng lực biểu diễn của các nghệ sĩ. Dàn đàn cello tiếp tục vang lên chuỗi âm thanh trầm ấm “cân bằng” với dàn violin và viola với chuỗi âm thanh có âm vực cao hơn, tạo thành tổng thể đối xứng hài hòa tuyệt đẹp. Rồi, bằng một nốt cuối dứt khoát như cách tác phẩm bắt đầu, 11 nhạc cụ đồng loạt kết thúc tác phẩm và trả người nghe lại với thế giới thực tại, mà suốt hơn 10 phút vừa qua họ đã tạm quên để chìm vào bản nhạc.

?????

Lời kết

Các tác phẩm của J. S. Bach và bản Concerto Brandenburg nói riêng đều là những bản “càng nghe càng thấm, càng nghe càng hay”. Chú tâm đến âm thanh từng nhạc cụ, để ý đến từng đoạn nhạc, để cảm nhận cái đẹp của chúng và làm phong phú kho nhạc của mình với nhiều tác phẩm cổ điển giá trị. Nếu quý độc giả cảm thấy tác phẩm này không hay, không chạm vào cảm xúc của mình được, đó cũng không phải là vấn đề. Âm nhạc là thứ ngôn ngữ riêng và mỗi người đều có cách cảm nhận riêng. Người viết mong sẽ giới thiệu được thêm nhiều tác phẩm giúp độc giả thích thú, và trong trường hợp không đạt được mục đích đó, thì cũng có thể phần nào làm phong phú thêm thế giới âm nhạc của quý vị.