Nhạc cổ điển thường được đánh giá là loại khó thưởng thức, thậm chí “gây buồn ngủ” vì không có lời hát, mà chỉ là một chuỗi âm thanh phức tạp bất tận từ nhạc cụ, khiến người nghe không hiểu tác phẩm muốn nói gì. Định kiến này có đúng không? Dưới cái nhìn của người viết bài này, đó là một định kiến rất oan cho nhạc cổ điển. Cũng vì lý do đó, loạt bài với mục đích “gỡ bỏ” định kiến trên sẽ ra đời.

? Bạn nghe mỗi ngày mà không biết

Trước tiên, cần phải loại bỏ suy nghĩ “nhạc cổ điển là thứ nhạc khó thưởng thức”. Các tác phẩm cổ điển là những công trình sáng tạo phi thường, với khả năng khuấy động cảm xúc cực kỳ mạnh mẽ. Tuy nhiên, về cốt lõi, âm nhạc đơn giản là âm nhạc, là thứ cần được ôm ấp và tiếp nhận bằng tâm hồn không thành kiến. Âm nhạc là một chuỗi âm thanh tạo nên từ một hay nhiều loại nhạc cụ hòa vào nhau để chạm đến tâm hồn người nghe. Mở rộng tâm hồn và trí óc để chuỗi âm thanh ấy chạm đến và khuấy động cảm xúc một cách tự nhiên nhất. Và như vậy, như một viên đá quý, nhạc cổ điển sẽ mang đến nhiều cảm xúc đẹp đẽ, lấp lánh không ngờ.

Các bản nhạc cổ điển có thể đòi hỏi kỹ thuật biểu diễn phức tạp, sự kết hợp của nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Tuy nhiên, nhạc cổ điển không vì sự phức tạp đó mà mất đi chất thơ, chất nghệ thuật trong nó; trái lại, đó chính là yếu tố đưa người nghe vào cánh đồng âm nhạc để đắm chìm trong cái thơ, cái hồn của tác phẩm. Tuy nhiên, dù có say mê nhạc cổ điển, người ta vẫn sẽ cảm thấy mình “không hợp” với một số tác phẩm nhất định. Đơn giản có lẽ vì tâm tư của nhà soạn nhạc không đồng điệu với tâm hồn người thưởng thức. Điều đó là hết sức bình thường. Ta không nhất thiết phải tỏ ra mình am hiểu và đam mê tất cả tác phẩm được ca ngợi là đỉnh cao. Thế giới âm nhạc cổ điển bao la có chỗ cho tất cả mọi người, mọi cá tính.

Với ao ước “chứng minh” nhạc cổ điển không hề là thứ nhạc khó thưởng thức và mong muốn giới thiệu đến quý độc giả nhiều tác phẩm âm nhạc cổ điển nổi bật. Loạt bài giới thiệu các tác phẩm âm nhạc cổ điển sẽ lần lượt ra mắt quý độc giả với ngôn ngữ bình dị, tập trung vào nét đẹp của tác phẩm, đồng thời tránh đi sâu vào từ ngữ sâu về chuyên môn, để từ đó, âm nhạc cổ điển sẽ trở nên gần gũi hơn và được yêu thích rộng rãi hơn. Loạt bài viết sẽ tập trung giới thiệu các tác phẩm ra đời trong các thời kỳ Baroque, Cổ điển, và Lãng mạn.

? “Nhạc cổ điển” và “âm nhạc phương Tây giai đoạn Cổ điển”

Cụm từ “nhạc cổ điển” (classical music) thường được dùng để chỉ thể loại âm nhạc xuất phát từ châu Âu từ sau thế kỷ thứ 9, và đặc biệt là từ thế kỷ 16 trở đi. Đây là loại nhạc được biên soạn và biểu diễn sử dụng nhiều kỹ thuật phức tạp và sắc thái vô cùng đa dạng. Trong suốt chiều dài dòng chảy âm nhạc cổ điển, thời gian từ khoảng năm 1730 đến 1820 là giai đoạn được phân loại là “âm nhạc giai đoạn Cổ điển” (ở đây viết hoa chữ “C” để phân biệt với nhạc cổ điển nói chung). Đây là giai đoạn nằm giữa thời kỳ Baroque và thời kỳ Lãng mạn (Romantic).

Mỗi giai đoạn của dòng chảy âm nhạc cổ điển lại có đặc trưng riêng, lột tả những đặc trưng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, ước mơ của con người thời đại đó. Dù là nhạc biên soạn cho hoàng gia, cho nhà thờ, hay đơn giản chỉ là bản nhạc tác giả ngẫu hứng sáng tác, thì mỗi tác phẩm đều ẩn chứa một thông điệp, tâm tư tình cảm đặc biệt rất đáng để hậu thế thưởng thức và khám phá.

? Các thời kỳ chính của nhạc cổ điển

Các thời kỳ trong dòng chảy âm nhạc cổ điển không chia rạch ròi hẳn mà có những giai đoạn giao thoa giữa cuối thời kỳ này với thời kỳ tiếp theo. Một cách đơn giản nhất, có thể hình dung nhạc cổ điển có các thời kỳ như bên dưới. Bên cạnh đó, mỗi giai đoạn có thể được phân nhỏ ra theo một số tiêu chí khác nữa. Các tác phẩm âm nhạc ra đời trong thế kỷ XX về sau được sáng tác theo phong cách cổ điển trước đây thường được gọi là tác phẩm “tân cổ điển.”

Thời kỳ Trung cổ (Medieval/Gothic): khoảng năm 800 đến năm 1400

Thời kỳ Phục hưng (Renaissance): khoảng năm 1400 đến năm 1600

Thời kỳ Baroque: khoảng năm 1600 đến năm 1750

Thời kỳ Cổ điển (Classical): khoảng năm 1750 đến năm 1820 (xin lưu ý phân biệt giữa nhạc cổ điển và thời kỳ âm nhạc Cổ điển này)

Thời kỳ Lãng mạn (Romantic): khoảng năm 1820 đến năm 1910

Thời kỳ Hiện đại (Modern): khoảng năm 1910 đến nay

Minh họa: Unsplash

??? 

Trong phạm vi bài này, người viết không thể liệt kê toàn bộ nhạc sĩ của các thời kỳ. Do đó, người viết sẽ chỉ đề cập đến một số rất ít những nhà soạn nhạc và tác phẩm quen thuộc hàng đầu đối với đa số người nghe – tác giả của những bản nhạc hoặc trích đoạn chúng ta đã nghe qua hàng chục lần. Cho dù đã nghe qua các tác phẩm này hay chưa, hẳn những cái tên sau đây sẽ khiến chúng ta cảm nhạc cổ điển thân thuộc hơn chúng ta từng nghĩ.

Thời kỳ Baroque:

Johann Pachelbel: tác giả của bản “Canon in D” thân quen

Antonio Vivaldi: tác giả của bản “Bốn mùa” (Four seasons) thường được trích làm nhạc hiệu nhiều chương trình truyền hình

Johann Sebastian Bach: cây cổ thụ của nhạc cổ điển, tác giả bản “Air on a G String” thường ngân lên du dương trong những buổi tiệc cưới trang trọng

George Friderich Handel: tác giả của tác phẩm “Messiah” danh tiếng, trong đó “Hallelujah Chorus” thường xuyên được trình diễn, đặc biệt trong dịp Giáng Sinh.

Thời kỳ Cổ điển (Classical):

Wolfgang Amadeus Mozart: một cái tên hẳn không ai không biết đến. Ông sáng tác Giao hưởng số 40 và “Rondo alla Turka” – cái tên có thể không mấy quen thuộc, nhưng nếu tìm trên YouTube, quý vị có thể ngay lập tức nhận ra “mình biết giai điệu này”. Nhiều người tin rằng nhạc của Mozart giúp trẻ em phát triển trí não. Họ đơn giản hóa các tác phẩm của ông và tạo những album nhạc nhẹ cho em bé nghe nhằm giúp chúng thông minh hơn.

Ludwig van Beethoven: nhà soạn nhạc điếc nổi tiếng với “Moonlight Sonata”, “Giao hưởng số 5” và “Thư gửi Elise”. Các tác phẩm nổi tiếng của ông dường như mang sắc thái trầm buồn hoặc dữ dội. Thực tế, Beethoven cũng sáng tác nhiều tác phẩm vui tươi, hoành tráng. Loạt bài sẽ giới thiệu trong tương lai gần.

Thời kỳ Lãng mạn (Romantic):

Franz Schubert: tác giả của bản “Senerade” (Khúc nhạc chiều) và “Ave Maria” nổi tiếng – tên thường gọi của tác phẩm “Ellens dritter Gesang” (Bài hát thứ ba của Ellen).

Johann Strauss II: tác giả của nhiều bản waltz tráng lệ, trong đó có “The blue Danube.” Đây là bản nhạc trứ danh từng được phổ lời tiếng Việt dưới tên “Dòng sông xanh”.

Felix Mendelssohn: tác giả viết bộ nhạc nền cho vở nhạc kịch “Giấc mộng đêm hè” dựa trên tác phẩm của Shakespeare, trong đó, “Wedding March” (Hành khúc hôn lễ) thường được trích để sử dụng trong các lễ cưới nhiều đến mức nó dường như đã trở thành khúc nhạc không thể thiếu trong mọi hôn lễ.

Frédéric Chopin: tác giả của nhiều tác phẩm biên soạn cho piano độc tấu trứ danh với giai điệu dễ cảm, dễ nghe nhưng đòi hỏi kỹ thuật trình diễn phức tạp. Loạt tác phẩm “Nocturne” đầy lãng mạn, đậm chất thơ của Chopin thường được “tận dụng” làm nhạc chuông chờ điện thoại của nhiều người, đặc biệt là bản “Nocturne Op. 9 No. 2” (Dạ khúc thứ 2 thuộc tập tác phẩm thứ 9).

Richard Wagner: tác giả vở opera Lohengrin mà trong đó có khúc nhạc bất hủ “Bridal March – Here comes the bride” (Kìa, cô dâu đến). Nếu “Wedding March” của Felix Mendelssohn tấu lên khi cặp đôi mới cưới nắm tay nhau ra khỏi lễ đường, thì “Bridal March” ngân lên dịu dàng khi cô dâu bước vào lễ đường, đặc biệt ở các nước phương Tây.

Pyotr Ilyich Tchaikovsky: tác giả của vở ballet huyền thoại “Swan Lake” (Hồ Thiên Nga) mà hẳn ai cũng đã vô tình hay chủ ý nghe qua một vài trích đoạn.

Trong thế giới âm nhạc, đánh giá một tác phẩm là “hay” hoặc xếp thứ hạng cho nó là điều chỉ mang tính tương đối. Tuy vậy, với lịch sử hình thành và phát triển dài hơn bất kỳ triều đại nào, rất nhiều tác phẩm cổ điển đã chứng minh được giá trị của nó đối với văn minh loài người và xứng đáng được gọi là tinh hoa nghệ thuật của nhân loại. Dù cho thể loại âm nhạc bạn yêu thích nhất là gì đi nữa, thì hãy dành một chút thời gian khám phá, cảm nhận và thêm màu sắc vào cuộc sống của mình bằng một “playlist” những tác phẩm cổ điển khiến bạn rung động nhiều nhất.