Những giai điệu trong trẻo và đầy hy vọng phá vỡ màn đêm tĩnh mịch. Tôi hình dung ông tôi đang thổi chiếc sáo trúc thô sơ giữa những bạn tù buồn bã ủ dột. Chưa bao giờ hết hy vọng, hàng đêm ông thổi sáo để quên đi những hình ảnh chết chóc và nhớ về gia đình thân yêu. Khi ông diễn tả lại những ngày tháng kinh hoàng trong trại lao động cải tạo thời Cách mạng Văn hóa, tôi phải ráng chắp chỗ này, nối chỗ kia mới hiểu được những tháng ngày lăn lộn của ông.

Tôi bơi lạng quạng trong một vịnh nước văn hóa khác biệt giữa ông và tôi. Hồi còn bé, mỗi mùa hè về thăm Trung Quốc là những lúc tôi vừa sung sướng vui mừng, vừa thất vọng chán ghét. Chạy về phía ông, tôi ráng nặn óc ra câu chào được nhét vào đầu trong những lớp học tiếng Hoa sáng thứ bảy. Ngoài câu xã giao “Chào ông”, khổ sở lắm tôi mới rặn ra được thêm vài câu suôn sẻ. Rồi chừng như chưa thỏa mãn, tôi chạy vụt đi tìm cây sáo trúc cũ, bằng ánh mắt khẩn khoản, tôi năn nỉ ông thổi sáo.

Phải rất khó khăn tôi và ông mới hiểu nhau bằng ngôn ngữ, nhưng những giây phút ấy chúng tôi chẳng cần nói với nhau lời nào. Tôi rất yêu mến sợi dây vô hình này giữa ông và tôi, mối liên kết được tạo nên từ những giai điệu ngân nga hơn là những lời thoại đứt đoạn. Sau mỗi màn trình diễn tùy hứng, ông dạy tôi bấm tay lên thân sáo nhẵn thín, vỗ tay khích lệ khi tôi thổi kêu được những nốt ướm thử đầu tiên. Lúc đó tôi không nhận ra được rằng, qua chia sẻ âm nhạc, chúng tôi tạo nên được ngôn ngữ của cảm xúc, thứ ngôn ngữ bắt cầu nối kết cho vịnh nước đầy những dị biệt văn hóa giữa chúng tôi. Qua những bài học đó, tôi khám phá ra thiên hướng âm nhạc cố hữu của mình, và trong tôi dậy lên niềm thôi thúc tìm hiểu loại ngôn ngữ đại đồng này.

Nhiều năm sau này, lúc chăm chăm nhìn vào bản nhạc trước mặt sau buổi tập dài lê thê, tôi chỉ thấy một bầy chấm đen nhảy múa loạn xạ. Sau khi chơi bản An American Elegy (“Bi ca nước Mỹ”) mấy lần vẫn không thể truyền được cảm xúc vào giai điệu trang nghiêm tưởng niệm những mạng sống bị cướp mất ở Columbine, tiến sĩ Nicholson – nhạc trưởng nhóm All-State Band của chúng tôi – ra hiệu tất cả dừng lại. Thầy hướng dẫn chúng tôi tập trung vào cao trào của bản nhạc, đoạn Columbine Alma Mater. Thầy khuyến khích chúng tôi nghĩ về gia đình, về niềm hy vọng, về ý nghĩa của việc bản thân là một công dân Mỹ, và dùng chính cảm xúc đó thổi vào từng khuôn nhạc. Chúng tôi chơi lại bản nhạc. Lần này thấm đẫm hồi ức của những lúc cần hy vọng, An American Elegy không chỉ là những nốt nhạc trên tờ giấy. Nó trở thành một tấm thảm được dệt nên bởi những câu chuyện đời.

Đêm hòa nhạc, giữa cao trào của những âm hưởng trữ tình, tôi thấy hình ảnh ông tôi, mệt lả sau ngày dài lao động khổ sai, vẫn truyền hy vọng cho người khác bằng cây sáo trúc. Ông thổi khúc “bi ca” để tưởng nhớ những người đã khuất. Tối đó về nhà, không cần nói lời nào với nhau, tôi chơi đoạn alma mater cho ông nghe qua cuộc gọi video. Tôi thấy ông chùi nước mắt. Mỉm cười nhẹ nhõm, tôi chợt nhận ra, cuối cùng nhờ âm nhạc, tôi đã diễn đạt được những gì trước kia mình không thể. Nhớ lại những đêm hè ấm áp, nhưng lần này thì ngược lại, tôi nhận ra rằng, chính rào cản ngôn ngữ tưởng như điều dở mà hóa ra lại hay. Nó cho phép chúng ta khám phá ngôn ngữ của chính mình.

Âm nhạc đã trở thành chiếc cầu, nối liền vịnh nước giữa ông và tôi. Nó dạy tôi rằng việc chúng ta thấu hiểu nhau có thể vượt xa hơn tiếng nói. Qua mối liên hệ giữa ông cháu tôi, tôi học được rằng, để hiểu được ai đó, không chỉ cần nghe lời họ nói mà còn phải thông cảm và cảm nhận những gì họ làm. Với nhận thức này, tôi bắt đầu tìm kiếm những phương pháp kết nối thông tin không chỉ qua trao đổi nói chuyện mà còn qua những gì cùng chia sẻ – có thể là việc cùng tạo nên âm nhạc, cùng nhiệt tình thi thố, hay đơn giản là vui cười cùng nhau, để nuôi dưỡng những mối quan hệ mạnh mẽ và tròn đầy hơn. Với suy nghĩ này, tôi cố gắng trở thành một người bạn, một sinh viên, một đứa cháu có nhiều cảm thông với người khác, bởi vì việc tìm ra một ngôn ngữ chung đối với tôi là một thử thách, một lời mời gọi để khám phá những mối liên kết sâu đậm hơn.

*****

Raylin Xu

Hometown: Glen Mills, Pennsylvania, USA

High School: Private school, 120 students in graduating class

Ethnicity: Asian

Gender: Female

GPA: 3.91 out of 4.0

SAT: Reading 800, Math 780, Writing 800

Subject Tests Taken: Mathematics Level 2, Biology M, Chemistry, Spanish

Extracurriculars: Varsity tennis captain, varsity swimming captain, Mock Trial captain, Student Council Officer, A.I. duPont Hospital Volunteer Awards: Diamond Challenge Grand Prize Winner, Lincoln Scholarship Essay, National Merit finalist, National Honor Society scholarship finalist, Pennsylvania Governors School for the Sciences Scholarship

Major: Human Developmental and Regenerative Biology