Chiến dịch “đi tìm công lý” của Tổng thống Trump vẫn nóng hực. Những người ủng hộ ông Joe Biden nhiều lần từng tưởng ông Trump đã “hết đạn” nhưng tiếng súng pháp lý vẫn nổ ì ầm mà mới đây nhất (7-12-2020) là quả đại pháo bắn từ Texas, khi tổng chưởng lý Texas, Ken Paxton, nộp đơn lên Tối Cao Pháp Viện (TCPV) yêu cầu hoãn xác nhận kết quả phiếu đại cử tri tại bốn bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin; đồng thời cho phép điều tra những “nghi vấn” liên quan tiến trình kiểm phiếu nói chung…

Ảnh: NYTimes

Hai ngày sau đơn kiện gửi lên TCPV của Texas, tổng chưởng lý 17 tiểu bang khác cũng ký vào đơn tham gia (amicus brief). Tổng chưởng lý Missouri, Eric Schmitt, là người đứng đầu trong nỗ lực này. 16 tiểu bang ủng hộ Texas gồm Alabama, Arkansas, Florida, Indiana, Kansas, Louisiana, Mississippi, Montana, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Utah và West Virginia. Riêng tiểu bang Arizona thì chỉ tham gia nhóm 17 bang với tư cách “tôn trọng” ý kiến Texas chứ không phải ủng hộ ông Trump như nhiều người nhầm lẫn.

Ông Trump gọi đơn Texas gửi lên TCPV là “một vụ khủng” (“the big one”). Tuy nhiên, giới luật gia và nghiên cứu pháp lý, đặc biệt về Hiến pháp lẫn TCPV, thì cho rằng vụ này “khủng” theo một kiểu khác với một ý nghĩa khác. Đơn giản là nó vi hiến, bởi Texas không có quyền pháp lý để cáo buộc giới chức các tiểu bang khác không tuân thủ luật bầu cử được đặt ra bởi hệ thống lập pháp riêng của tiểu bang họ. Cần nhấn mạnh, nước Mỹ không có một cuộc bầu cử toàn quốc cho ghế tổng thống mà là một loạt bầu cử tiểu bang; và một tiểu bang không có tư cách pháp lý để tranh tụng và kiện cáo việc một tiểu bang khác thực thi tiến trình bầu cử của họ như thế nào, cũng như không thể đặt ra nghi vấn tại sao bang đó không áp dụng tiến trình bầu cử và kiểm soát phiếu bầu tương tự bang mình. Cụ thể, Texas không thể thách thức pháp lý và kiện cáo tiến trình bầu thượng nghị sĩ của Georgia chẳng hạn.

Tổng chưởng lý Missouri, Eric Schmitt, người đứng đầu trong nỗ lực kêu gọi 17 bang đệ đơn lên Tối Cao Pháp Viện bác bỏ kết quả bầu cử (themissouritimes.com)

Hiến pháp trao cho TCPV “quyền tài phán ban đầu” (“original jurisdiction”) để xét các tranh chấp giữa các bang. Trong những trường hợp như vậy, TCPV hành xử như một tòa xét xử và chỉ định một viên chức đặc biệt (special master) xét chứng cứ và đưa ra khuyến nghị. Tuy nhiên, TCPV cũng có toàn quyền bác đơn. Năm 2016, TCPV đã bác đơn yêu cầu của Nebraska và Oklahoma trong việc “tố” tiểu bang Colorado hợp pháp hóa marijuana. Hai bang này lập luận rằng việc làm trên của Colorado sẽ tạo “hiệu ứng tràn”, ảnh hưởng hệ thống pháp lý lẫn tình hình tội phạm các tiểu bang lân cận và cuối cùng làm ảnh hưởng sức khỏe cư dân Nebraska và Oklahoma.

Cần nói thêm, TCPV sẽ là pháp đình cần đến gõ cửa khi một tiểu bang muốn kiện một tiểu bang khác nhưng tiến trình này cần được cho phép từ TCPV trước (phải được ít nhất 4/9 thẩm phán chấp nhận thụ lý) và đơn kiện phải cho thấy rõ rằng chẳng còn nơi nào khác có thể cứu xét vấn đề. Trong khi đó, đơn của Texas là một tổng hợp các tranh cãi và cáo buộc pháp lý vốn đã được xử xong ở các tòa cấp thấp. Ngoài ra, việc yêu cầu TCPV đưa ra một án lệnh phủ nhận giá trị của khoảng 20 triệu phiếu bầu là một ý tưởng… “rất quái”. Đó là chưa kể một chi tiết nhỏ trong cái đơn kiện to này, gián tiếp khiến nó trở thành một sự “rất quái” khác: đơn kiện nói rằng bốn tiểu bang mà Texas muốn kiện có tổng số phiếu đại cử tri là 72; trong khi thực tế chỉ có 62.

Nói về đơn kiện của Texas, tổng chưởng lý tiểu bang Georgia, Chris Carr (Cộng hòa) nhận xét rằng, nó “sai về Hiến pháp, về pháp lý và về thực tế”. “Những nỗ lực tầm thường này nhằm bác bỏ ý nguyện người dân tại ba tiểu bang của chúng tôi đã đánh lừa công chúng và xé toạc cấu trúc Hiến pháp của chúng ta” – tuyên bố chung vào ngày 8-12-2020 của ba tổng chưởng lý (Josh Shapiro-Pennsylvania; Josh Kaul-Wisconsin và Dana Nessel-Michigan). Ngay cả thượng nghị sĩ John Cornyn (Cộng hòa, Texas), vốn là cựu tổng chưởng lý của tiểu bang, cũng nói rằng vụ này “kỳ lạ” và “chưa từng có tiền lệ”.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz (Texas), người đang có tham vọng tranh cử tổng thống năm 2024 (Getty Images)

Vấn đề là tại sao các ông nghị Cộng hòa và một số tiểu bang Cộng hòa vẫn cho thấy họ như thể đang “chiến đến cùng”, trong khi đối tượng chính xác được nhắm đến bây giờ không phải là Joe Biden, không phải Dân chủ, không phải hệ thống bầu cử, mà là Tối Cao Pháp Viện! Sự thành bại bây giờ không phải là “đánh” cho Joe Biden “lên bờ xuống ruộng” mà là “chiến thắng” được TCPV khi có thể thuyết phục được TCPV đi theo họ. Liệu một cú lật “upside down” toàn bộ hệ thống dân chủ Mỹ như thế có thể xảy ra? Dù vậy, một số ông nghị Cộng hòa vẫn “theo Trump”. Thật ra đó không phải là một sự “ủng hộ” hoặc “mù quáng” trong nhìn nhận vấn đề. Nó là một sự tính toán chính trị cho số phận tương lai.

Cuối ngày thứ Ba 8-12-2020, một nguồn tin cho New York Times biết ông Trump đã hỏi thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz (Texas) có sẵn lòng “chiến” không và Cruz trả lời đồng ý. Tương tự nhiều chính khách Cộng hòa khác đang ấp ủ tham vọng, Ted Cruz có thể chỉ xem ông Trump như một chiếc vé ngoại hạng cho chuyến tàu chính trị xa hơn của mình. Ghế tổng thống 2024 là đích đến của chuyến tàu như vậy. Việc ông Trump giành được hơn 70 triệu phiếu phổ thông cho thấy giá trị đáng “đồng tiền bát gạo” của hình ảnh ông Trump như thế nào một khi biết tận dụng khai thác. Một thượng nghị sĩ Cộng hòa khác, Josh Hawley (Missouri), đang rất “máu” hô hào ủng hộ ông Trump, cũng là ứng cử viên tiềm năng cho mùa tranh cử 2024. Sau khi tổng chưởng lý Missouri, Eric Schmitt, tweet rằng “Missouri đang chiến” (“Missouri is in the fight”), Josh Hawley đã phản hồi bằng câu “Xử đẹp” (“Good work”).

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley của Missouri (phải) cũng là ứng cử viên tiềm năng cho mùa tranh cử 2024 (AP)

Nói cách khác, với những người như Ted Cruz hoặc Josh Hawley, việc xắn tay áo lên và đứng sau lưng Trump thực chất cho thấy đằng sau “cái lưng ông Trump” là tham vọng và sự tồn tại chính trị của họ trong những ngày sắp tới, hơn là họ thật sự muốn “cứu” ông Trump. Đơn cử Ken Paxton, tổng chưởng lý Texas. Paxton đang nhắm đến chiến dịch tranh cử ghế thống đốc. Một thượng nghị sĩ Cộng hòa nữa cũng nhiệt tình “ủng hộ Trump” là Kelly Loeffler, người đang lao vào chiến dịch tranh cử với ứng cử viên Dân chủ Raphael Warnock tại tiểu bang Georgia mà ngày 5-1-2021 tới đây sẽ có kết quả chung cuộc.

Bài đã đăng trên Saigon Nhỏ