“Nhà nước chưa thể trở thành tự do và khai sáng thật sự chừng nào nó chưa công nhận công dân là những chủ thể độc lập với nhà nước và cao hơn nhà nước; quyền lực và sức mạnh của nhà nước là từ nhân dân mà ra và phải đối xử với công dân một cách tương xứng”.

Trong tiểu luận Bất tuân dân sự (Civil Disobedience) nổi tiếng của triết gia thực hành Henry David Thoreau được viết 1849, ông đã thể hiện rõ quyền công dân với Chính phủ Hoa Kỳ, bằng quyền từ chối đóng phạt vì quyết định sai khi yêu cầu ông đóng tiền ủng hộ nhà thờ. Một quyết định bất tuân, mang ý chí mạnh mẽ của cá nhân Thoreau với nhà nước. Tiểu luận bắt đầu với sự việc tóm tắt như sau: ở nước Mỹ năm 1849, H. D. Thoreau bị giam tù một đêm vì tội khước từ đóng thuế. Lý do là nhà nước thay mặt nhà thờ đến gặp ông và yêu cầu ông đóng thuế ủng hộ tu sĩ mà bố ông từng nghe giảng, còn ông chưa nghe bao giờ những bài giảng từ nhà thờ. Ông đã từ chối đóng thuế và chấp nhận bị tạm giam một đêm trong tù.

Trong tù, ông đặt vấn đề “tôi không hiểu vì sao thầy giáo phải đóng thuế để nuôi tu sĩ, chứ không phải là tu sĩ phải nuôi thầy giáo, vì tôi không được nhà nước nuôi, các học trò tự nguyện tới (tôi) học (và) nuôi tôi. Tôi không hiểu vì sao trường học không nhờ nhà nước thu thuế để bảo trợ cho mình, tương tự như nhà thờ vậy?”. Sau đó, ông dùng nhiều bằng chứng để thể hiện mình không tham gia các hoạt động của nhà thờ. Ông đã nộp bản tuyên bố cho nhà chức trách, rằng ông không thuộc thành viên nhà thờ đó.

Trong tác phẩm Bất tuân dân sự, chưa đầy 100 trang A5, Thoreau đã trình bày suy nghĩ của ông về mối quan hệ giữa công dân và nhà nước Mỹ giữa thế kỷ 19, có thể tham khảo như một mô hình cho các nhà lãnh đạo công quyền. Khi bộ máy nhà nước trục trặc gây ra nhiều xáo trộn trong xã hội, ông nói: “Mỗi người dân không phải chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy của xã hội. Họ chỉ có thể chịu trách nhiệm trước lương tâm và trước lịch sử”.

Quan điểm về chính phủ dưới cái nhìn của triết gia theo thuyết tiên nghiệm này là “Chính phủ tốt nhất chỉ nên là một phương tiện. Chính phủ tự nó là một hình thức để nhân dân thực hiện ý chí của mình… Chính phủ là phương tiện hữu hiệu nhất nếu những người dân ít bị nó (chính phủ) làm phiền nhất”. Từ giữa thế kỷ 19, tại Mỹ, chúng ta đã thấy một mô hình được Thoreau đưa ra rất giống mô hình các quốc gia tiên tiến hiện nay, một mô hình mà chính phủ là công cụ của người dân và mang lại cho cơ hội thể hiện ý chí của mình.

Một đêm trong tù, khi quan sát bạn tù, Thoreau nhận ra các bạn tù không có tinh thần đấu tranh. Họ hài lòng với các phán quyết và chờ đợi phiên tòa như một sự hiển nhiên đúng, dù anh ta bị oan. Trong đêm ấy, ông đã đọc hết sổ sách mà ai đó để trong nhà lao, còn những người tù thì nhìn ra phía cửa sổ… Thoreau nhận ra rằng, nhiều cá nhân đã tự đánh mất quyền của chính mình. “Tôi nghĩ rằng, trước hết chúng ta phải là một con người, rồi sau mới là một công dân. Không cần (ai) giáo dục tinh thần tôn trọng pháp luật bằng tinh thần tôn trọng lẽ phải” – ông nói – “Tất nhiên người ta không có trách nhiệm cống hiến đời mình cho việc loại trừ cái ác, dù đó là cái ác lớn nhất, nhưng ít nhất anh ta cũng phải có trách nhiệm tránh xa điều ác. Anh ta không được ủng hộ nó”.

Tuy tuyên bố một cuộc chiến thầm lặng với chính phủ nhưng Thoreau thể hiện một quan điểm hết sức rõ ràng về trật tự xã hội loài người: “Tôi đến thế giới này không phải đơn giản là để tạo ra một chỗ sống tốt mà còn phải sống trong đó, dù nó tốt hay xấu. Không ai phải làm tất cả mọi việc, nhưng ai cũng phải làm một số việc, và bởi người ta không thể làm mọi việc nên không được làm những việc sai quấy”. Rất nhiều người có quan điểm trái chiều với chính quyền, thể hiện sự bất hợp tác nhưng nhiều khi là “vô lý và vô cớ”, ngược lại, Thoreau một mặt bất tuân những sai trái của chính quyền, đồng thời không phủ nhận việc cá nhân cần phải góp phần xây dựng cộng động tốt đẹp hơn, bằng việc “không được làm việc sai trái”.

Trước tâm lý lo lắng của nhiều người nếu đối đầu trực diện với chính phủ và xem việc bị bỏ tù là một nỗi ô nhục cũng như giảm/mất sự phản kháng, Thoreau có cái nhìn khác: “Khi chính phủ bỏ tù người ta một cách bất công thì nhà tù chính là chỗ cho người công chính”. Cuối cùng, Thoreau cho rằng khi không ông chịu đóng thuế và bị phạt đi tù thì “hình phạt mà tôi phải chịu do không tuân phục còn rẻ hơn là tuân phục. Nếu một người biết tự do tư tưởng thì nhà cầm quyền không thể cản trở được tư tưởng của anh ta”.