Hoàn hảo có thể là thứ đang cản trở bạn trên con đường đến thành công!

Tôi là một người có tiêu chuẩn cao ở mọi thứ trong cuộc sống. Chén bát trong nhà bếp phải được xếp một cách nhất định và khăn trong nhà tắm luôn phải được treo lên ở một nơi nhất định. Nhưng tôi ngày càng nhận ra rằng “tiêu chuẩn cao” khác với “hoàn hảo”. Cầu toàn không có nghĩa là bạn có tiêu chuẩn cao. Cầu toàn thái quá là sự sợ hãi. Sợ thất bại. Sợ bạn sẽ bị đánh giá. Sợ bạn sẽ nhìn thiếu thông minh trong mắt người khác.

Cô bạn Ann của tôi vừa thử học tiếng Tây Ban Nha. “Tôi cảm thấy mình học được một ít cách đọc nhưng tôi hoàn toàn không hiểu gì khi nghe. Tôi cảm thấy thật vô dụng”- cô tâm sự với tôi trong một buổi cafe gần đây. Giải pháp của Ann là gì? Cô bỏ học. Ann có hai lựa chọn: Tiếp tục sống với ý nghĩ “Một ngày nào đó tôi sẽ học được tiếng Tây Ban Nha” hoặc đối mặt với sự thật, dừng cầu toàn và đặt ra những mục tiêu nhỏ để đạt được thành công. Ann là một ví dụ điển hình của kiểu người cầu toàn và không bao giờ đạt được mục tiêu.

Hãy nỗ lực nhưng đừng ráng cầu toàn

Chúng ta thường xuyên không làm được bất kỳ chuyện gì mới vì ta muốn mọi thứ phải suôn sẻ. Chúng ta muốn chứng minh với thế giới rằng chúng ta đang và sẽ thành công. Chúng ta ghét là người mới bắt đầu. Cầu toàn không phải là một tính cách mà nó là một cách suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Người cầu toàn khi thất bại không chỉ thất vọng về những việc mà họ đã làm, họ thất vọng cả bản thân họ. Từ năm 2003 tới năm 2006, các nhà nghiên cứu tâm lý đã phỏng vấn bạn bè và gia đình của những người đã tự sát trong thời gian này. Một điều đặc biệt mà họ tìm hiểu được đó chính là hơn hai phần ba những người được phỏng vấn đã diễn tả người thân của họ dùng từ “cầu toàn”. Một nghiên cứu khác của giáo sư Paul Hewitt ra đời vào năm 2013 còn cho thấy tính cách cầu toàn thường dẫn đến nhiều bệnh lý tâm thần nghiêm trọng. Hoàn hảo có sức tàn phá khủng khiếp tới sức khoẻ, hạnh phúc và hiệu suất làm việc của bạn. Không có bất kỳ điều gì về hoàn hảo là tốt cả.

Và tránh xa kỳ vọng

Mỗi một kỳ vọng luôn gieo mầm cho sự thất vọng. Kỳ vọng càng cao thì thất vọng càng lớn. Kỳ vọng biến bạn thành một đứa trẻ ngồi sau xe và luôn hỏi ba mẹ rằng “Mình có gần tới nơi chưa?” và câu trả lời mà đứa trẻ thường xuyên nhận được là “Chưa tới đâu”. Kỳ vọng khác với hy vọng. Kỳ vọng là luôn tập trung vào đích đến thay vì tận hưởng hành trình trước mắt. Hy vọng là một cách tự nhắc nhở bản thân về những điều tốt đẹp sẽ diễn ra. Hãy giữ hy vọng, nhưng tránh xa kỳ vọng.

Hãy tập trung vào từng bước đi nhỏ trước mắt

Trở lại với câu chuyện về cô Ann. Thay vì kỳ vọng rằng ngày nào đó mình sẽ thức dậy và nói được tiếng Tây Ban Nha thành thạo, cô có thể đặt những mục tiêu nhỏ cho bản thân. Ví dụ: học mười từ vựng mới một ngày, trong vòng một tháng cô sẽ biết được ba trăm từ mới. Không chỉ đặt mục tiêu nhỏ giúp việc đến đích dễ dàng hơn rất nhiều, những thành công nhỏ còn tạo thêm động lực mà bạn cần để tiếp tục trên con đường đến ước mơ của bản thân. Hãy xem những bước đi nhỏ trước mắt như những bậc thang bạn cần bước đến. Sẽ có nhiều lúc bạn sẽ trượt chân, mọi việc sẽ không hoàn hảo, nhưng điều quan trọng nhất là bạn vẫn đang tiến bộ từng ngày.

Thành công không bao giờ hoàn hảo. Hãy bước từng bước một, hãy giữ hy vọng, tránh xa kỳ vọng và đứng dậy sau khi vấp ngã.

Nguồn:

– Medium: The Two Types of Toughness Required for Success by Ros Ellenhorn

– Book: Everything is Figureoutable by Marie Forleo