Tenet – Một góc nhìn khác…
Trong bộ phim bom tấn vừa công chiếu trên phạm vi toàn cầu của mình, “bậc thầy thao túng tâm trí” Christopher Nolan – như cách tôn vinh của giới phê bình điện ảnh – không chỉ muốn thử thách trí thông minh của khán giả mà còn tinh tế lồng vào đó triết lý và thông điệp sâu sắc về những vấn đề lớn mà thế giới hiện tại đang phải đối mặt.
Những phản hồi đa chiều
Tenet (ra mắt khán giả Việt Nam vào ngày 28-8) đã tạo nên một cơn địa chấn phòng vé không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, chỉ trong vỏn vẹn ba ngày từ 28 đến 30-8, bộ phim đã nhanh chóng kéo được hơn 100.000 lượt người xem đến rạp. Tại thị trường quốc tế, sau khi chính thức được công chiếu tại quê nhà Bắc Mỹ và đất nước tỷ dân Trung Quốc ngày 4-9 vừa qua, doanh thu của Tenet đã gần đạt đến ngưỡng 150 triệu đô toàn cầu (theo Hollywood Reporter). Không chỉ bởi sức nóng tiềm ẩn trong mỗi tác phẩm mới dán nhãn “C. Nolan” mà còn bởi chưa bao giờ, trong lịch sử hàng trăm năm phát triển của mình, các rạp chiếu bóng lại chịu cảnh đóng cửa tắt đèn lâu đến thế vì đại dịch Covid -19.
Ra rạp sau ba lần buộc phải dời lịch vì đại dịch, hiếm siêu phẩm điện ảnh nào khiến cánh nhà báo tốn nhiều giấy mực và người hâm mộ thì đứng ngồi không yên như Tenet. Được chính đạo diễn gửi gắm như “bộ phim tham vọng nhất và được đầu tư kinh phí lớn nhất” trong sự nghiệp của mình, nó còn gánh vác trọng trách lớn lao là vực dậy nền công nghiệp điện ảnh và kéo khán giả trở lại phòng chiếu sau những tháng ngày khó khăn, ảm đạm vừa qua. Trong dòng người đông đảo ùn ùn tới rạp thưởng thức Tenet mấy ngày qua, người khen hết lời nhưng người chê bai cũng không ít. Số đông, sau khi bước ra khỏi rạp đều có chung nhận định, rằng đây là một trong những tác phẩm mãn nhãn về mặt thị giác đi cùng với cốt truyện hết sức phức tạp và “hại não” với giả thuyết về đảo nghịch thời gian, nhưng lại thiếu hụt về mặt cảm xúc và nội dung so với các tác phẩm trước đó từng khai thác chủ đề này rất tốt như Inception hay Interstellar. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng đây là một bộ phim rất đáng xem vì bên cạnh sự mãn nhãn, một kịch bản đầy tham vọng là những triết lý ý nghĩa và thông điệp sâu sắc – những dấu son ấn tượng làm nên tên tuổi Christopher Nolan.
Tạm gác qua giả thuyết đảo nghịch thời gian thông qua đảo ngược “entropy” (đơn vị đo nhiệt năng phát tán) dựa trên định luật thứ hai về Nhiệt động lực học, vì Nolan rõ ràng không muốn khán giả quá tập trung vào điều này. Như câu thoại của nhà khoa học nữ Barbara (Clémemce Poésy đóng), đạo diễn có lẽ muốn nhắn nhủ đến số đông người hâm mộ rằng “đừng cố hiểu, hãy cảm nhận nó”. Vì vậy, những phân đoạn giải thích về thuyết nghịch đảo thời gian xuyên suốt bộ phim là vô nghĩa, vì ông vốn không chủ đích muốn hướng khán giả tiếp nhận theo hướng này. Thử mổ xẻ kỹ lưỡng, sau hai lần xem phim, tôi nghĩ thông điệp chính mà Nolan muốn truyền tải là một tầng ngữ nghĩa hoàn toàn khác ẩn sau lớp vỏ bọc giả thuyết phức tạp và đánh đố não bộ đó.
Cảnh báo về hiểm họa hạt nhân
Mặc dù không đề cập trực tiếp nhưng có thể thấy rằng suốt hai tiếng rưỡi bộ phim, Nolan đều cài những chi tiết cho thấy mối nguy hiểm của vũ khí hạt nhân với vận mệnh và tương lai của nhân loại. Từ việc Protagonist (tạm dịch nhân vật chính) nói với người cộng sự của mình, Neil (do Robert Pattinson thủ vai), rằng hãy mang găng tay bọc chì khi thực hiện nhiệm vụ, Neil nhận ra ngay, “là hạt nhân”. Không phải ngẫu nhiên mà chín thành phần của thuật toán lại được cất giữ tại các kho chứa vũ khí hạt nhân của chín quốc gia duy nhất hiện đang sở hữu thứ vũ khí này. Nó ám chỉ thứ vũ khí hủy diệt này (thuật toán trong phim) sẽ dẫn đến kết cục ngày tàn của thế giới. Càng không phải ngẫu nhiên khi cơ quan đầu não và kẻ phản diện Andrei Sator đều là người Nga – một cường quốc hạt nhân trong đời thực.
Trong phim thông qua lời kể của nhân vật Priya (Dimple Kapadia thủ vai), ta biết được người chế tạo ra thứ công nghệ đảo nghịch thời gian là một nhà khoa học nữ được gọi là “Oppenheimer tương lai”. Chi tiết này càng làm rõ sự liên quan giữa công nghệ này với vũ khí hạt nhân, vì trong quá khứ, nhà khoa học người Do Thái J. Robert Oppenheimer chính là cha đẻ của thứ vũ khí này. Điều này liên hệ trực tiếp với Dự án Manhattan – một dự án nghiên cứu và phát triển đã chế tạo ra những quả bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến II do Oppenheimer làm Giám đốc Khoa học. Cả thế giới đã chứng kiến sức mạnh hủy diệt của công nghệ mới này khi chỉ với hai quả bom hạt nhân, Mỹ đã biến hai thành phố của Nhật Bản là Hiroshiama và Nagasaki thành bình địa. Quả bom đầu tiên mang mật mã “Little Boy” được thả xuống Hiroshima làm 140.000 người thiệt mạng, có sức công phá gấp 2.000 lần so với quả bom lớn nhất từng được sử dụng trước đó. Ba ngày sau, Mỹ lại dội quả bom nguyên tử thứ hai mang tên “Fat Man” xuống Nagasaki và lấy đi sinh mạng của 74.000 người.
Mặc dù Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đã được 122 nước thành viên thuộc Liên Hiệp Quốc ký, chín cường quốc hạt nhân cũng tuyên bố từng bước giải trừ vũ khí hạt nhân nhưng thực tế thì không phải vậy, kho vũ khí nguy hiểm này vẫn đang được nâng cấp và làm mới khiến số lượng đầu đạn tuy giảm nhưng hiện đại và nguy hiểm hơn nhiều so với trước đây. Hiện Nga đã chế tạo thành công quả bom hạt nhân mạnh nhất mà con người từng biết đến. Tsar Bomba hay “Bom Sa Hoàng” có đương lượng nổ tương đương 100 triệu tấn TNT, mạnh gấp ba nghìn lần quả “Little Boy” từng hủy diệt Hiroshima năm nào.
Như một câu dẫn trong trường đoạn cuối của Tenet, “chúng ta không quan tâm đến quả bom chưa phát nổ mà chỉ quan tâm đến quả bom đã nổ thôi”, có thể nhận thấy trăn trở của Nolan thông qua lời của Protagonist, “nguyên nhân phải đến trước kết quả chứ”. Không phải lúc nào cũng vậy, Neil phản đối. Dường như chỉ khi đã thấy kết quả rồi người ta mới lo sợ, rồi vì thế mới chịu nhìn lại, mổ xẻ nguyên nhân mà thôi. Lời nhắn nhủ của Nolan dành cho toàn thể nhân loại cũng xuất hiện trong phân cảnh cuối phim “Quả bom không phát nổ mới là quả bom có sức mạnh thay đổi thế giới”. Thông điệp tương tự cũng từng xuất hiện trong bộ phim Dr Strangelove (1964) theo thể loại hài kịch đen (black comedy) với góc nhìn châm biếm về Chiến tranh lạnh và gửi gắm nỗi lo ngại về xung đột hạt nhân giữa Liên Xô và Hoa Kỳ của đạo diễn huyền thoại Stanley Kubrick, người mà Nolan vô cùng ngưỡng mộ từ khi còn là một cậu bé.
Thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu hậu quả
Trong phim có cuộc đối thoại giữa Protagonist và nhân viện phản diện Andrei Sator, nội dung đề cập lý do tại sao con người ở tương lai lại muốn hủy diệt chúng ta – những tổ tiên của họ ở hiện tại. Điều này đi ngược lại “nghịch lý ông nội” – khi quay trở lại quá khứ và giết chính ông nội mình thì rõ ràng chúng ta không được sinh ra để làm điều đó. Sator trả lời: “Vì họ khiến đại dương dâng cao còn sông ngòi thì cạn kiệt”, điều này liên hệ trực tiếp với vấn nạn đau đầu nhất mà nhân loại đang phải đối mặt hiện nay, khi mà hiệu ứng nhà kính làm cho Trái đất nóng lên và làm tan băng ở hai cực, khiến mực nước biển ngày một dâng cao. Con người ngày càng có xu hướng khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và dần làm cạn kiệt nguồn tài nguyên sống vốn rất hữu hạn.
Sự phát triển con người đang đi đôi với sự hủy diệt môi trường sống của chính mình và các sinh vật khác. Trong nhiều năm qua, con người đã tiêu diệt hàng trăm chủng loài động thực vật và đẩy nhiểu chủng loài khác đến bờ diệt vong do săn bắn, gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường… Trong lịch sử, Trái đất đã trải qua năm dấu mốc đại tuyệt chủng hàng loạt. Năm lần trước đây đều là do các thảm họa tự nhiên như thiên thạch đâm vào Trái đất, núi lửa phun trào…, nhưng trách nhiệm của lần thứ sáu hoàn toàn thuộc về con người. Những năm qua tỉ lệ cháy rừng ngày một tăng cao, chất lượng không khí ngày một thuyên giảm, thời tiết ngày càng có xu hướng “cực đoan”… Dường như Mẹ thiên nhiên đang thực sự nổi giận. Thời điểm ra mắt Tenet vào đúng khoảng thời gian rất khó khăn với toàn thế giới. Và sau cùng, như motif chung của những phim có yếu tố người hùng khác, một cá nhân xuất chúng sẽ luôn cứu được thế giới, chỉ cần anh ta có hy vọng và đặt trọn niềm tin vào tương lai tươi sáng của nhân loại. Suy cho cùng, tương lai dù thế nào cũng là do con người tự định đoạt. Và chúng ta, dĩ nhiên không thể đảo ngược thời gian để có cơ hội sửa chữa những lỗi lầm trong quá khứ.