Chuyên san The Harvard Crimson (thuộc Đại học Harvard) đã đăng 10 bài tiểu luận xuất sắc năm 2019 của các em học sinh trung học thế giới khi nộp đơn xin vào Harvard, giúp tham khảo và học được cách viết một bài tiểu luận thành công nhằm có thể lọt vào cánh cửa cực khó của trường đại học danh tiếng này. Đọc những tiểu luận này giúp học thêm được kỹ năng tư duy cũng như “kỹ thuật” chọn vị trí để quan sát và diễn giải vấn đề sao cho đạt được sự thuyết phục cao nhất. TheNewViet xin giới thiệu bài thứ ba…

Harvard Essay: Kevin

Tôi đứng sững trước hàng rau trái trong chợ Shoprite, không biết trong năm loại cam mình phải chọn thứ nào. Valencia, cam đỏ, organic, Florida navel — chúng khác nhau ra sao? Khi tôi hỏi Mẹ muốn loại nào, bà trả lời gọn bâng, “Chọn cái nào cũng được, tuỳ con.” Kẹt một nỗi, tôi chẳng biết mình muốn gì.

Đối với cha mẹ tôi thì sự tự do lựa chọn — dù chỉ tại quầy bán cam — là một cái gì rất đặc thù của nước Mỹ. Những lựa chọn trong cuộc sống của hai ông bà đã được định đoạt bởi các chính sách từ thời Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc vào thập niên 1970; lớn lên trong nghèo khó, họ chỉ biết nghĩ đến việc kiếm miếng ăn cho gia đình. Do không có lợi thế về kinh tế, ưu tiên hàng đầu của hai người là phải học lên cao. Cha tôi nói, “Nếu Ba không vào được đại học thì Ba sẽ kẹt trong cái làng quê khốn khổ ấy cả đời.” (Tại trường trung học của ông, chỉ một trong mười học sinh lên được đại học.) Cha mẹ tôi không có lựa chọn nào khác: mẹ tôi lớn lên chỉ biết học và học, cha tôi thì giỏi nhờ bị đòn suốt. Thể thao, âm nhạc hay giải trí là những chuyện không tưởng — hai người chỉ biết làm việc cật lực và mơ đến sự lựa chọn ở một nước Mỹ xa xôi.

Nhưng điều mầu nhiệm nhất là cha mẹ tôi, dù trong gần hai mươi năm ròng không có nhiều chọn lựa cho bản thân, lại có viễn kiến cho phép tôi làm chuyện đó ở Mỹ. Nhưng tiếc thay việc này, ngay cả tại đất nước của muôn vàn cơ hội, vẫn khá hiếm. Tôi chỉ cần nói chuyện với đám bạn thân thời thơ ấu – cùng là con cái các gia đình di dân Á Châu khác, để thấy những bức tường kính của sự kỳ vọng từ gia đình và văn hoá đã được dựng lên chung quanh bạn mình. Với nhiều đứa, đàn piano là đòi hỏi bắt buộc chứ không là thú tiêu khiển, và trường Y là nghiệp lộ duy nhất.

Và cũng thật lạ lùng, hồi nhỏ tôi thường có mặc cảm người ngoại cuộc — cớ sao Ba Mẹ không ghi danh cho tôi dự cuộc thi Toán Toàn Quốc hay tham gia mấy chương trình nghiên cứu khoa học những mùa Hè ở cấp Hai như cha mẹ đám bạn mình làm? Nhưng dần dà tôi nghiệm ra, được phép chọn những gì mình thật sự yêu thích mang đến cho tôi một niềm hứng thú mà tôi có thể theo đuổi với tất cả lòng đam mê. Những thú vui của tôi — như đá banh sau nhà với trẻ con hàng xóm, cò cưa vài bản Mendelssohn trên cây vĩ cầm, thậm chí bàn bạc với bè bạn về cổ phiếu chúng tôi vừa mua hay bán — đều là của riêng tôi, và tôi sẽ mang ơn cha mẹ mình suốt đời vì chuyện đó.

Sự tương phản giữa cuộc đời của cha mẹ tôi và tôi thật đáng kinh ngạc. Ở Mỹ có quá nhiều hướng để chọn đến nỗi lắm khi tôi không biết phải chọn đường nào. Tôi còn không biết phải lựa cam loại nào, dù rằng cam — hay bất cứ thứ trái cây nào khác, từng là những món ăn hiếm quý đối với cha tôi hồi còn bé. Tôi có thể mơ đến việc đi học tại một trường đại học như Harvard và chọn bất cứ ngành nào mình muốn, nó có thể là toán học hay kinh tế học, hoặc là triết học hay sinh hoá học — tất cả đều là những lựa chọn cha mẹ tôi không hề có, vì thời của họ đại học chọn ngành cho sinh viên. Tôi còn có thể mơ trở thành một người khởi nghiệp — một hình thức tự tìm hiểu và định đoạt số phận mình tôi cho là thuần tuý nhất. Tôi có thể đoan chắc rằng dù niềm đam mê có dẫn mình đến đâu chăng nữa Ba Mẹ vẫn sẽ ủng hộ lựa chọn của mình như ông bà đã làm 17 năm qua.

Nhưng quan trọng hơn cả, tôi trân quý việc Harvard, với truyền thống đào tạo những con người toàn diện bao thế kỷ qua, luôn nuôi dưỡng trong sinh viên tinh thần tự do lựa chọn giống như những gì Ba Mẹ đã hun đúc trong tôi. Tôi cảm thấy phấn khởi vì sẽ được tự vạch ra con đường học vấn cho chính mình và, hướng về tương lai, dùng hành trình bốn năm sắp tới để xây đắp nền tảng cho một cuộc du thám cả đời. Tôi cảm ơn trời đất đã cho tôi cơ hội làm điều này, nhưng tôi cũng biết nó đến từ sự hy sinh và viễn kiến của cha mẹ mình.

NHẬN XÉT CỦA TRƯỜNG

Kevin bắt đầu bằng một mẩu chuyện ngắn, một trong những phương pháp hiệu quả nhất để gây sự chú ý nơi độc giả. Dùng màu sắc và hình ảnh các quả cam, anh bắt đầu cấu tạo nên khung sườn cho chủ đề tự-định-hướng của mình.

Nhắc đến quá khứ cha mẹ mình là dấu hiệu cho thấy không những anh biết quý trọng những khó khăn thân sinh phải vượt qua mà anh còn nhận thức được những vấn đề mang tính toàn cầu. Nó dựng lên bối cảnh cho bài viết cũng như cách suy nghĩ của tác giả. Chúng ta nghe Kevin hồi tưởng thời còn nhỏ; nỗi băn khoăn tại sao anh không giống như những đứa bạn đã tìm được câu trả lời khi anh hiểu ra mình được ban tặng một cơ hội hiếm có. Kế đến, Kevin cho thấy bản thân anh cũng biết mình được tự do theo đuổi bất cứ môn ngành gì mình thích — một sự lựa chọn khôn khéo vì nhiều trường đại học rất muốn kiếm những học sinh có đầu óc tìm tòi học hỏi như thế.

Kevin kết thúc bài viết bằng cách trở lại với câu chuyện chọn cam, một phương pháp gói ghém ý tưởng giúp nhấn mạnh chủ đề. Kevin nói rõ anh sẽ nhất quyết không phí phạm bốn năm đại học của mình, và quan trọng hơn nữa, anh biết quý trọng những giá trị của ngôi trường mình đang xin vào. Kevin chấm dứt bài viết với cái nhìn tích cực và trưởng thành, đồng thời hứa hẹn sẽ là một thành viên xuất sắc cho trường.