1-

Katayama Emiko là cô gái sinh ra và lớn lên tại Tokyo. Cô tốt nghiệp Đại học Tokyo danh giá, ngành quản lý-xây dựng đô thị. Nhưng ngay sau khi tốt nghiệp đại học cách đây hơn 20 năm, cô khăn gói sang Việt Nam làm tình nguyện viên cho BAJ (Bridge Asia Japan – Cầu châu Á-Nhật Bản, tổ chức được thành lập bởi ông Masahiro Araishi, công dân danh dự Sài Gòn và Huế). Công việc của Emiko trong những năm tháng đầu tiên tại Việt Nam là rủ rê những đứa trẻ ở quận 8 cùng cô lội xuống kênh Lò Gốm vớt rác! Kênh Lò gốm hồi ấy thì khỏi phải nói, kinh không tả! Sau này, Emiko làm các dự án về bảo vệ môi trường ở Bình Khánh, quận 2 Sài Gòn; dự án môi trường cho dân vạn đò ở Huế; dự án mang rau sạch của người nông dân đến với người tiêu dùng ở Huế…

Trong một lần trò chuyện với Emiko, tôi hỏi cô ấy là tại sao một cô gái Nhật, dân thủ đô, tốt nghiệp Đại học Tokyo danh giá mà giới trẻ Nhật Bản luôn mơ ước đặt chân vào, song sau khi tốt nghiệp lại sang Việt Nam đi dạy cho đám nhỏ bảo vệ môi trường, vớt rác ở con kênh Lò Gốm hôi thối? Khi nghe xong câu hỏi của tôi, Emiko có một ánh nhìn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Cái ánh mắt khi ấy của Emiko đã khiến tôi biết mình đã hỏi một câu ngớ ngẩn, vô duyên, thấp kém… Đúng vậy, câu trả lời của Emiko sau đó đã cho biết cảm nhận mình đã sai là hoàn toàn chính xác. Emiko nói thế này: Giữ gìn môi trường ở Việt Nam cũng là góp phần giúp cho Trái đất này mà anh. Đâu cứ nhất thiết người Nhật thì chỉ giữ cho nước Nhật mà thôi…

Ôi thôi thôi, tầm nhìn của thiên hạ là tầm nhìn thế giới, thậm chí, sau này tôi còn có cơ hội gặp một số bạn trẻ là dân nghiên cứu khoa học ở nước ngoài, còn thấy họ nhìn đến cả chuyện vũ trụ, chuyện của hành tinh khác…; còn mình thì cứ loanh quanh người Sài Gòn thế này, người Hà Nội thế kia, dân Huế là thế nọ…!

2-

Năm ngoái, sau Tết, một sếp của tôi (nay đã về hưu) ngay trong ngày đi làm đầu tiên của năm mới, đã giận dữ chất vấn về một chi tiết trong một bài báo, khi có câu “một đôi bạn trẻ Sài Gòn gốc”. Anh hỏi: Thế nào là Sài Gòn gốc? Tôi sinh ra ở Sài Gòn nhưng có phải là Sài Gòn gốc không? Bởi nguyên quán của tôi đâu phải Sài Gòn? Và bao nhiêu người trong chúng ta ngồi ở đây là dân Sài Gòn gốc? Làm ơn đừng đặt những vấn đề như thế nữa… Tôi thống nhất với anh sếp, khi mà có lúc, không ít người còn lên tiếng chất vấn” sao lại để một cô gái Bắc lại làm đại sứ cho tháng áo dài ở Sài Gòn”!

Trời ạ, cả thế giới mà có tư duy thế này thì hàng mấy triệu con người Việt Nam chắc không sống yên thân ở khắp nơi; và sẽ không có 20 tỷ USD kiều hối mỗi năm! Cả cái nước Việt Nam không to bằng, không đông dân bằng một tỉnh của Trung Quốc, vậy mà “lòng tự hào” địa phương được chia thành 63 mảnh! Eo ơi, khiếp…

Vậy nên mới có chuyện lãnh đạo thì phải ngắm nghía phân theo vùng. Vậy nên mới có chuyện Đồng Nai, Huế cấm cửa dân Sài Gòn, Quảng Nam lập chốt kiểm soát dân Đà Nẵng…, dẫn đến việc lẫy hờn từ đầu mùa dịch đến giờ. Cái này tội lớn nhất là từ mấy ông ăn lương từ thuế của dân, khi lẽ ra chỉ cần nói là “mong tất cả những ai đến từ những vùng có dịch thì vui lòng hợp tác cùng chính quyền địa phương”; đằng này các bố cứ “dùi đục chấm mắm cáy”: ai về từ Sài Gòn, từ Đà Nẵng… thì cách ly 21 ngày!

Đáp trả lại, dân tự cho mình là người Sài Gòn bỉ bôi: Mai mốt hết dịch, có bệnh thì đừng chạy về Chợ Rẫy của Sài Gòn nghe con… Ôi thôi thôi, nghe mà nó buồn nẫu ruột.

3-

Với cái máu địa phương ngày càng phát triển, với cái chủ nghĩa lý lịch còn đang tồn tại, làm sao mà phát triển cho nhanh được? Thử nghĩ, nếu mà người Đức cũng như ta, làm sao họ có được bà thủ tướng tuyệt vời Merkel, người Đông Đức nhưng trở thành lãnh đạo của nước Đức thống nhất, trong bối cảnh Tây lấn át Đông? Một số bạn trẻ thành đạt ở nước ngoài, khi tôi hỏi họ kê khai những gì trong lý lịch lúc nộp hồ sơ xin việc, thậm chí cả nhập tịch? Haha, chỉ khai về bản thân chứ chả quan tâm gì đến bố mẹ chứ đừng nói là ông bà nội ngoại, cô dì chú bác… Và cũng chả ai phân biệt Nguyên quán – Sinh quán, Trú quán!

Bao giờ thì chúng ta quên hết đi những thứ gọi là người vùng này vùng nọ? Bao giờ thì chúng ta chỉ xét nhau theo một chuẩn: CON NGƯỜI – PHÁP LUẬT – ĐẠO ĐỨC? Bao giờ thì chúng ta mới thoát khỏi tư duy giữ cho nhà mình sạch còn hàng xóm kệ chúng; giữ cho cả Trái đất sạch sẽ chứ không chỉ mỗi Việt Nam?

Xin kết thúc bằng một câu chuyện có thật được nghe từ thế hệ ba tôi kể lại: Thời Pháp thuộc, người Pháp tạo nên cái gọi là chia để trị, nên kích động rất dữ dội chuyện Nam kỳ-Trung kỳ-Bắc kỳ. Và họ thành công đến độ, ở một giải quyền Anh toàn quốc với sự có mặt của ba tay đấm đại diện ba miền, trong đó võ sĩ đại diện miền Bắc được đánh giá mạnh nhất. Thế là trong trận mở màn giữa võ sĩ đại diện Nam kỳ với Bắc kỳ, tay đấm Nam kỳ chơi đòn chỏ, đá vào chỗ hiểm hạ đo ván đối thủ. Dĩ nhiên, anh Nam kỳ sau đó bị loại vì phạm luật, nhưng không sao, thà cho thằng Trung kỳ thắng chứ dứt khoát không để Bắc kỳ lên ngôi!

Đất nước đã thống nhất 46 năm, đến giờ vẫn còn người vùng này vùng nọ; vẫn còn có chuyện những công ty không nhận công nhân là người tỉnh này tỉnh kia… Thật quá đau! Tôi là người thích mọi thứ phải giải quyết bằng khoa học, nên những gì viết ra có thể chỉ là một góc nhìn mà thôi; vì vậy rất cần những nghiên cứu khoa học NGHIÊM TÚC để định bệnh cho những câu chuyện đang ồn ào về người nơi này người nơi kia…