Tại sao các quốc gia thất bại, phiên bản Mỹ
Trên NPR mới đây, hai tác giả Daron Acemoglu và James Robison vừa phân tích về sự kiện đáng tiếc ngày 1-6-2021 khi những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump đã tấn công và phá hoại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ. Bằng lăng kính nhìn nước Mỹ qua thể chế và những sai lầm có tính hệ thống, hai nhà nghiên cứu trên đã lý giải được một phần tại sao sự kiện trên lại xảy ra và làm thế nào để điều đáng tiếc này có thể tránh trong tương lai. Daron Acemoglu và James Robison là hai kinh tế gia lừng lẫy nước Mỹ, đồng tác giả hai cuốn sách đình đám “Tại sao các quốc gia thất bại” (Why Nations Fail) và “Hành lang hẹp” (The Narrow Corridor). theNewViet xin giới thiệu bài viết trên, qua bản dịch của cô Lê Thanh Hiền (chương trình Việt Nam học, Đại học Harvard).
Khi chúng ta tiến dần đến ngày lễ nhậm chức Tổng thống, đúng hai tuần sau vụ nổi loạn tại tòa nhà Quốc hội, người dân Mỹ đang bất an. Khoảng 20.000 lính Vệ binh Quốc gia sẽ triển khai bảo vệ an ninh vào ngày thứ Tư, đông hơn số lính hiện đóng tại Iraq và Afghanistan. Hệ thống chính trị của chúng ta đang lung lay và các thể chế thực sự dễ vỡ. Chúng ta giống như đang sống trong bối cảnh một tiểu thuyết rất tệ của tiểu thuyết gia Tom Clancy. Do không thể kết nối được với Clancy, chúng tôi đành liên hệ với hai tác giả của cuốn Why Nations Fail. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu cuộc nổi loạn này có phải là dấu hiệu quốc gia của chúng ta đang thất bại, và nếu thực sự như vậy, chúng ta phải làm gì.
“Tôi không nghĩ ngày 6-1 là ngày thất bại đơn lẻ” – phát biểu của kinh tế gia Daron Acemoglu thuộc Viện công nghệ Massachhusetts , đồng tác giả cuốn sách cùng viết với giáo sư kinh tế Đại học Chicago James Robison. Ông nói: “Tôi chỉ ngạc nhiên là phải tới ngày 6-1 (2021) sự việc này mới diễn ra”. Dựa trên kết quả nghiên cứu kinh tế qua nhiều thập niên, quyển Why Nations Fail lập luận rằng các thể chế chính trị – chứ không phải văn hóa, tài nguyên thiên nhiên hoặc địa lý – mới có thể lý giải tại sao một số quốc gia lại giàu có trong khi số khác vẫn nghèo đói. Ví dụ tiêu biểu là hai quốc gia Bắc Hàn và Nam Hàn. Cách đây 80 năm, hai quốc gia này không hề khác nhau. Thế nhưng sau cuộc nội chiến, Bắc Hàn trở thành quốc gia cộng sản, trong khi Nam Hàn chào đón kinh tế thị trường, và cuối cùng, nền dân chủ. Hai tác giả lập luận rằng thể chế chính trị của Nam Hàn chính là lý do rõ ràng cho thấy quốc gia này phát triển và giàu có hơn nhiều so với Bắc Hàn.
Các quốc gia như Nam Hàn xây dựng được nền tảng mà Acemoglu và Robinson gọi là “những thể chế dung nạp” (inclusive institutions), mà những điển hình là cơ quan lập pháp đại diện cho người dân, hệ thống trường công tốt, nền kinh tế thị trường mở và hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ mạnh mẽ. Các thể chế dung nạp định hướng giáo dục cho người dân. Họ đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Họ đấu tranh chống đói nghèo và dịch bệnh. Họ khuyến khích đổi mới. Các thể chế này khác xa với “thể chế loại trừ” (extractive institutions) tại các nước như Bắc Hàn, Venezuela, và Saudi Arabia, nơi mà chỉ một nhóm nhỏ giới tinh hoa có quyền hành, sử dụng quyền lực nhà nước phục vụ cho mục đích riêng và làm giàu nhờ tham nhũng, lạm dụng chính sách hay cưỡng bức người dân làm việc.
Khi Acemoglu và Robinso viết Why Nations Fail cách đây gần một thập niên, họ dùng nước Mỹ minh hoạ cho câu chuyện về một thể chế thành công. Tác giả thừa nhận rằng Hoa Kỳ có mặt tối: vấn đề nô lệ, nạn diệt chủng người da đỏ bản địa, và nội chiến. Nhưng quốc gia này là tạo tác của Khai sáng, nơi có hệ thống bầu cử tự do và công bằng và các trường đại học danh tiếng toàn cầu, là thiên đường cho người nhập cư, cho các ý tưởng mới mẻ và mô hình kinh doanh mới; và là một quốc gia thích ứng nhanh với các phong trào xã hội để mang lại công bằng hơn. May mắn cho Hoa kỳ và cho nền kinh tế của Hoa Kỳ là các thể chế của quốc gia này vận hành rất tốt.
Vậy thì mười năm sau, câu hỏi là Acemoglu và Robinson cảm nhận như thế nào về thể chế Hoa Kỳ? “Các thể chế Mỹ thật sự đang đứt đoạn – chúng ta đang đối mặt với nhiệm vụ khó khăn phía trước để tái dựng chúng” – Acemoglu nhận định – “Đây là giai đoạn nguy hiểm”. Acemoglu và Robinson xem cơn thuỷ triều đang dâng lên chống lại nền dân chủ tự do tại Mỹ phản ánh thất bại chính trị khi đối phó với những ung nhọt kinh tế. Theo quan điểm của hai tác giả, thể chế của Hoa Kỳ đã trở nên kém dung nạp, và nền kinh tế hiện chỉ làm lợi cho một nhóm nhỏ. Vài nghiên cứu kinh tế tốt nhất trong vài thập niên qua đã xác nhận lập luận này. Lương hầu như không tăng. Tính linh hoạt xã hội giảm mạnh. Thị trường lao động bị chia đôi, giữa một bên là nhóm người có bằng đại học trở nên phát đạt và bên kia là nhóm người không bằng cấp chứng kiến cơ hội của mình nhỏ dần, sau khi tự động hóa cùng với vấn đề thương mại với Trung Quốc làm mất đi hàng triệu việc làm vốn từng đem lại cho họ lương cao và danh giá.
Acemoglu và Robinson tin rằng trong khi vài yếu tố chẳng hạn sự chuyển đổi diện mạo truyền thông có vai trò của nó, những thay đổi kinh tế và sự thất bại của hệ thống chính trị trong việc đối phó với những thay đổi này là nguyên nhân chính gây ra chia rẽ chính trị và văn hóa. “Ngược với một số ý kiến tả khuynh, những người cho rằng mọi vấn đề là do sự chi phối của dòng tiền lớn và đám đông ảo tưởng, tôi vẫn nghĩ là có những bất mãn thực sự chính đáng” – Acemoglu nói. “Tầng lớp lao động tại Mỹ đã bị bỏ rơi, cả về kinh tế lẫn văn hóa”. “Trump hiểu được những bất mãn này theo cách mà các đảng phái truyền thống không hiểu được” – Robinson nhận định. “Tuy nhiên tôi không nghĩ là ông ấy có giải pháp cho bất kỳ vấn đề nào. Chúng ta nhìn thấy điều tương tự với những kinh nghiệm dân túy diễn ra tại Mỹ Latin, nơi mà thành công chính trị theo cách dân túy không cần thiết phải có giải pháp. Liệu Hugo Chavez hay Juan Peron có giải pháp nào cho những vấn đề này? Không hề, nhưng họ khai thác chúng một cách hay ho cho mục đích chính trị”.
Với Acemoglu và Robinson, dân chủ nhiều hơn chính là giải pháp cho những vấn đề chính trị và kinh tế. Trong một nghiên cứu khổng lồ trên 175 nước giai đoạn từ năm 1960-2010, họ thấy rằng các nước thực hiên dân chủ hóa tăng 20% GDP trên đầu người trong dài hạn. Khi được hỏi làm cách nào để không trượt vào tình trạng quốc gia vận hành sai, Acemoglu cho rằng các nhà lãnh đạo chính trị cần tập trung vào những đối tượng bị bỏ rơi phía sau và hỗ trợ để họ có vai trò trong hệ thống. Ông cổ xúy cho nghị trình “những việc làm tốt” mang tầm nhìn thay đổi chính sách và đầu tư công nhằm tạo ra, một cách tự nhiên, những công việc tốt và sự thịnh vượng cùng chia sẻ. Trích dẫn nghiên cứu của nhà nghiên cứu chính trị Robert Putman thuộc Đại học Harvard, Robinson cho rằng chúng ta nên tìm cách vượt lên những khác biệt văn hóa và chính trị và kết nối với người dân không có cùng quan điểm chính trị.
“Chúng ta hiện vẫn ở thời điểm có thể đảo ngược mọi thứ” – Acemoglu nói – “Nếu cố tình che dấu những vấn đề này, chúng ta chắc chắn sẽ nhìn thấy sự suy tàn khủng khiếp của các định chế Hoa Kỳ. Và nó sẽ xảy ra rất nhanh”.
Chúng ta hãy cùng hy vọng hai tác giả sẽ không phải sửa lại cuốn sách của họ.