Hong Kong đang thay đổi nhiều bởi Luật An ninh Quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt. Chủ nhật 6-9-2020, khoảng 90 người biểu tình lại bị bắt. Sự quan tâm của thế giới nói chung và người Việt nói riêng không chỉ là vấn đề chính trị mà là tinh thần dũng cảm đối đầu với “cường quyền” Bắc Kinh của người Hong Kong. Điều đó từng thể hiện trong văn hóa pop và phim ảnh của họ…

Câu chuyện của một “ông hoàng Cantopop”

Thập niên 1990 được xem là kỷ nguyên vàng của thể loại Cantopop, thể loại nhạc pop đặc trưng của Hong Kong, với rất nhiều ca sĩ nổi tiếng như Tứ Đại Thiên Vương (Lê Minh, Lưu Đức Hoa, Trương Học Hữu, Quách Phú Thành), Đàm Vịnh Lân, Mai Diễm Phương… Cantopop hay còn gọi là nhạc pop tiếng Quảng Đông với những bài hát có giai điệu dễ nghe dễ thuộc vừa đậm chất Á Đông vừa mang chất Tây nên được đông đảo khán giả châu Á hâm mộ.

Nhiều người hâm mộ Việt Nam hẳn không thể không biết những giai điệu của “there is only you in my heart” (Tựa gốc “Thiên thiên khuyết ca”), “chiều buồn nghiêng nắng, biển vắng cô đơn lang thang mình ta” (Tựa gốc “Lai sinh duyên”-Duyên nợ kiếp sau); hay “Người tình mùa đông” (tựa gốc “Dung dị thụ thương đích nữ nhân”-Người đàn bà dễ bị tổn thương). Trào lưu Cantopop hình thành và phát triển trở thành một dòng nhạc riêng là nhờ công của một nhân vật được người Hong Kong tôn vinh là “ông thần của những ca khúc tiếng Quảng Đông” Hứa Quán Kiệt (tên tiếng Anh là Sam Hui).

Hứa Quán Kiệt là diễn viên kiêm ca/nhạc sĩ, sinh trưởng trong gia đình có truyền thống làm giải trí gồm bốn anh em nổi danh khắp Hong Kong: Quán Văn, Quán Võ, Quán Anh và Quán Kiệt. Chịu ảnh hưởng của những thần tượng âm nhạc Anh Mỹ những năm 1960 như Elvis Presley, Beatles, Rolling Stones, Bee Gees…, chàng trai trẻ Hứa Quán Kiệt cũng khởi nghiệp bằng cách lập band nhạc chơi lại những ca khúc tiếng Anh thịnh hành thời bấy giờ. Sau thời gian hát cover, ông bắt đầu viết lời bài hát tiếng Quảng Đông trên giai điệu rock and roll của Anh-Mỹ.

Nhạc của ông không cầu kỳ hoa mỹ mà phần lớn có giai điệu sôi động trẻ trung. Ca từ phần lớn là lời ăn tiếng nói bình dân hằng ngày trong phương ngữ Quảng Đông, với nội dung về những điều liên quan trực tiếp đến đời sống của xứ Cảng Thơm. Có người nói, muốn biết dân Hong Kong sống như thế nào, ăn gì, nghĩ gì thì cứ nghe nhạc Sam Hui. Ông không chỉ ca ngợi cái đẹp của Hong Kong trong “Thiết tháp lăng vân” (“Tháp sắt xuyên mây”, ca khúc này được người dân Hong Kong xem là quốc ca không chính thức của mình) hay “Phật khiêu tường” (ca ngợi món súp trứ danh “Phật nhảy tường”) mà còn lên tiếng phản đối những điều chưa hay chưa đẹp của thành phố này.

Khi chính quyền Hong Kong ban hành lệnh cúp nước, ông lên tiếng bằng ca khúc “Chế Thủy Ca” (Bài ca cúp nước) viết trên nền nhạc “Mother and Child Reunion” của Paul Simon. Khi chính quyền Hong Kong tăng thuế, ông viết ca khúc “Cái gì cũng tăng” với lời ca: “Đường lên giá, muối lên giá, dầu ăn lên giá, đi xe bus, xe taxi cái gì cũng lên giá, hôm nay lên một chút, ngày mai lên một chút, làm sao chịu nổi?”. Ông đồng cảm với nỗi khổ của người dân lao động qua “Tám lạng nửa cân”, nai lưng ra làm nhưng không đủ tiền sống. Ông dạy người dân cách ăn mặc chỉnh tề khi đi ra đường để tạo ấn tượng đẹp với người đối diện trong ca khúc “Biết cách ăn mặc”. Ông khuyến khích người dân đừng mê tính dị đoan mà hãy dựa vào sức lao động để làm giàu chân chính trong “Tìm việc làm”. Ông châm biếm nạn hối lộ của quan chức chính phủ Hong Kong những năm 1960-1970 trong “Văn tự bán thân”, “Tiền, tiền, tiền” và “Ông nói gà, bà nói vịt”. Ngay cả cảnh kẹt xe, năn nỉ cảnh sát giao thông đừng ghi biên lai phạt, cũng được ông đưa vào các ca khúc của mình.

Năm 1997, ông là một trong số ít những người nổi tiếng ở Hong Kong từ chối di dân sang Canada. Trong ca khúc “Đồng châu cộng chế” (Cùng chèo chung một chiếc thuyền), ông ví Hong Kong là một chiếc thuyền lớn đang đứng trước cơn sóng dữ và động viên người dân hãy giữ vững tay chèo để đưa quê hương qua cơn hoạn nạn. Lời bài hát có đoạn: “Hong Kong là trái tim của tôi, suốt đời không thay lòng đổi dạ. Tôi sẽ không di dân sang nước khác để sống kiếp công dân hạng hai.” Và ông cũng là một trong số rất ít nghệ sĩ Hong Kong từ chối tham gia các hợp đồng đóng phim béo bở của Hoa Lục hay thu âm những bài hát tiếng Phổ Thông.

Với hàng trăm ca khúc gắn liền với Hong Kong, Sam Hui-Hứa Quán Kiệt xứng đáng với sự tôn vinh của người dân Cảng Thơm và sự kính trọng của các nghệ sĩ đàn em. Mỹ hiệu “Hương Cảng ca thần” mà người Hong Kong dành cho ông là hoàn toàn xứng đáng. Mỗi khi nghĩ tới Hứa Quán Kiệt, tôi nghĩ đến các “ông hoàng”, “bà hoàng” trong làng nhạc Việt. Có phải chúng ta quá dễ dãi và hời hợt trong việc tôn vinh và phong tặng danh hiệu? Phong tặng danh xưng thì dễ nhưng đẳng cấp và tư cách có xứng đáng danh xưng không thì là chuyện khác.

Học nhiều điều từ phim truyền hình Hong Kong

Tôi thích xem phim truyền hình TVB, vì qua đó, tôi học hỏi được nhiều điều của một xã hội Á Đông nhưng lại rất văn minh và dân chủ theo kiểu phương Tây. Một trăm năm dưới sự cai trị của mẫu quốc Anh đã mang đến cho người dân Hong Kong tư duy tiến bộ và phong cách sống vượt hẳn Đại Lục. Phim ảnh phản ánh đời sống và đồng thời cũng là một cách định hướng lối sống của con người rất hiệu quả. Phim TVB có nhiều chủ đề nói lên nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống ở Hong Kong.

  1. Tính dân chủ và văn minh trong các mối quan hệ: Cha mẹ tôn trọng con cái, và con cái luôn có tư duy độc lập với cha mẹ. Mâu thuẫn hai thế hệ luôn luôn được đề cập một cách thẳng thắn và chuyện cha mẹ nhận sai, xin lỗi con cái sửa sai là không hề hiếm trong phim Hong Kong, chứ không cổ xúy cho chữ hiếu Khổng Nho lỗi thời và bất công. Vợ chồng hay các cặp yêu nhau cũng rất văn minh. Họ tôn trọng sự khác biệt của nhau, hỗ trợ nhau trong công việc và khi không còn hợp, họ cũng chia tay trong sự hòa bình và tôn trọng. Không có chuyện ghen tuông nghi kỵ hãm hại nhau hay bi lụy trong tình cảm để lấy nước mắt người xem.
  2. Tinh thần thượng tôn pháp luật: “Hong Kong là xã hội pháp trị, không ai có quyền trên pháp luật” là câu nói thường được nghe trong các phim xã hội của TVB. Người dân được giáo dục tôn trọng pháp luật và hiểu rõ quyền của mình. Cảnh sát bắt người không có chứng cứ phải thả sau 48 tiếng tạm giam và người bị bắt giữ có quyền giữ im lặng không nói gì. Xem phim Hong Kong bạn sẽ hiểu được thế nào là quyền tự do bầu cử và giá trị của lá phiếu bầu. Từ việc bầu một người quản lý vựa trái cây cho tới bầu ủy viên khu, người Hong Kong đều biết phải làm gì. Đó là những điều bạn sẽ không bao giờ thấy khi xem phim truyền hình Việt Nam hay phim ngôn tình Trung Quốc.
  3. Tinh thần trách nhiệm cao của công dân: Tôi thích xem những bộ phim huấn luyện đặc cảnh Phi Hổ, đội cứu hộ, cảnh sát hình sự, cảnh sát kinh tế của TVB vì qua đó tôi học được tinh thần kỷ luật và trách nhiệm của một người đối với xã hội và đối với công việc mình đang làm. Trong bộ phim gần đây tôi xem, anh chàng tình nguyện viên đã nói với cô gái giang hồ một câu đáng suy ngẫm: “Tôi tình nguyện giúp người khác không phải vì tôi muốn làm siêu nhân hay chơi nổi. Tôi chỉ là một công dân làm đúng bổn phận đối với xã hội, thấy người già trên xe bus thì nhường chỗ, thấy trẻ em thì dẫn qua đường và thấy những gì sai trái thì phải lên tiếng.” Chừng nào phim truyền hình Việt Nam mới truyền tải được những thông điệp này?
  4. Phim Hong Kong không che giấu những mảng tối của xã hội: Những bộ phim tôi xem không tô hồng xã hội Hong Kong, với chỉ toàn giới thượng lưu trai xinh gái đẹp không làm gì cũng ở biệt thự, lái siêu xe ăn nhà hàng và lo yêu đương. Phim Hong Kong không hề giấu diếm những bất công xã hội: những bà già đẩy xe đi nhặt bìa carton bán lấy tiền sống qua ngày, những người nghèo không có trợ cấp xã hội, bệnh không có tiền uống thuốc… Cảnh sát và quan chức trong phim Hong Kong không phải ai cũng cần mẫn liêm chính mà cũng ăn hối lộ, cấu kết xã hội đen, cướp đất cướp nhà của dân… Có những kẻ tham quyền lực và tiền bạc đến mức bán đứng cả anh em đồng đội, đi ngược với lý tưởng phục vụ nhân dân ban đầu và cũng có người lỡ nhúng chàm trượt dài vào vũng lầy tội phạm. Cả những chuyện như cha mẹ ép con học để có thành tích tốt vào trường điểm cũng được phản ánh qua phim ảnh.

Âm nhạc hay phim ảnh không chỉ để giải trí đơn thuần. Những gì đọc, xem và nghe phản ánh tư duy của chúng ta và đồng thời cũng định hướng suy nghĩ và hành động, nhiều lúc còn sâu sắc hơn cả những gì được học ở trường lớp.