Chuyên san The Harvard Crimson (thuộc Đại học Harvard) đã đăng 10 bài tiểu luận xuất sắc năm 2019 của các em học sinh trung học thế giới khi nộp đơn xin vào Harvard, giúp tham khảo và học được cách viết một bài tiểu luận thành công nhằm có thể lọt vào cánh cửa cực khó của trường đại học danh tiếng này. Đọc những tiểu luận này giúp học thêm được kỹ năng tư duy cũng như “kỹ thuật” chọn vị trí để quan sát và diễn giải vấn đề sao cho đạt được sự thuyết phục cao nhất. TheNewViet xin giới thiệu bài thứ nhất…

Harvard Essay: Laura

Tôi có tí máu của một Bà Ngoại. Tôi không đeo kính gọng sừng, không ngồi ghế võng, cũng chẳng bỏ bịch kẹo cứng như đá nào trong ba lô. Thế nhưng, tôi lại khoái nướng bánh: cục bơ trơn trượt trên chiếc vỉ nóng chẳng khác một con thuyền đang lướt trên mặt hồ phẳng lặng; những hạt đường bột tung tăng trong không khí giống như hoa giấy bắn ra từ khẩu thần công. Nhiều người gọi mình là mọt toán, mọt văn, mọt sử. Tôi thì ngấu nghiến sách dạy nấu ăn, rà rẫm các trang web tìm công thức lạ, và mừng rỡ khi nhận được món quà sinh nhật năm nay: quyển “Bread Illustrated” dạy làm bánh mì.

Thời tiểu học, thành tích vẻ vang nhất của tôi chẳng phải bài thi đánh vần được 100 điểm, mà là lần đầu tiên nướng được một lô bánh cookie không bị cứng như sắt. Ba mẹ tôi rất ngỡ ngàng khi thấy con gái mình không thích búp bê Barbie, không chơi nhảy dây, không kéo yo-yo, mà lại khoái cái đồ đánh trứng bằng tay: y như câu “vừa thấy đã yêu”.

Tôi nướng bánh để chi? Nhiều khi để cảm ơn một người bạn hay nối lại liên lạc với một đồng nghiệp, sếp cũ hay thầy cô giáo. Nhưng nhiều khi chỉ vì nướng bánh là một quy trình vô cùng tinh tế. Kết tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa trứng và bột để làm ra chiếc bánh pâte à choux, đối với tôi, là một phương pháp thiền định. Cũng có khi tôi nướng bánh để có thì giờ suy ngẫm, thậm chí để hiểu thêm về những sở thích khác của mình.

Trong một lần làm bánh cho buổi họp Junior Commission, tôi suy nghĩ nhiều đến những cuộc phỏng vấn mình đã thực hiện với cảnh sát và người vô gia cư trong vùng, về kinh nghiệm của họ với nạn buôn lậu người trong cộng đồng. Tôi nhớ đến câu nói một viên cảnh sát điều tra: “Đối với một thiếu niên bị tách khỏi gia đình và bè bạn, chấp nhận cho người khác lợi dụng mình thật không khó, vì nhiều em nghĩ đó là cách duy nhất để sống còn.” Lúc đó tôi nghĩ trong đầu, “Dù thân thể mình bị đem bán chẳng khác một hộp cereal trong chợ Safeway sao?” Ý nghĩ này đã nảy sinh một tác phẩm được trưng bày trong một cuộc triển lãm của học sinh trung học thành phố — một bóng người vẽ bằng bar code, đại diện những món hàng trong chợ, đứng trước một phông nền đen đặc.

Rồi một lần khác, sở thích về chính trị của mình đã cho tôi những món ăn tinh thần theo nghĩa đen. Mùa Hè năm đó tôi được làm người phụ giúp tại Thượng Viện. Để chào đón các thượng nghị sĩ trở lại làm việc sau mùa nghỉ Lễ Độc Lập, tôi nướng một lô bánh choux à la crème — một sự phối hợp tuyệt vời của người Pháp giữa bột mì, trứng, bơ và không khí mà tiếng Anh gọi là “cream puffs”.

Tôi đã đi đến một cái chợ nhà nông trong vùng để tự tay lựa mua vật liệu làm bánh, bởi vì đối với tôi dùng hàng thổ địa và hữu cơ không phải là cái mốt; nó giúp giảm nhu cầu vận chuyển thực phẩm đồng thời hỗ trợ các tiểu thương thay vì các tập đoàn nông nghiệp lớn còn được gọi là Big Agra. Thật trớ trêu, một số nhà hoạt động đã chọn ngày hôm đó để biểu tình chống lại một dự luật về GMO [Genetically Modified Organism – sinh vật biến đổi gen] mà Big Agra đã bỏ ra rất nhiều tiền để vận động hành lang. Những người biểu tình thả một đống giấy bạc $1 như mưa xuống phòng họp Thượng Viện. Các thượng nghị sĩ và phụ tá của họ phải vừa phủi những đồng tiền rơi trên người vừa cố tránh giẫm lên chúng khi bước quanh phòng.

Nhưng cái mà thành ngữ Anh gọi là “con voi giữa phòng” không phải là mớ giấy bạc tung toé kia mà là những vị thượng nghị sĩ; họ quan tâm đến những kẻ được các đại công ty mướn đến để vận động hành lang hơn là người biểu tình đang cố vạch trần nạn tham nhũng. Nó giúp tôi hiểu rõ hơn giao điểm giữa chính trị và đời thường, từ ruộng đồng lên tới bàn ăn. Nhưng kể từ đó tôi nghiệm ra, mỗi khi cảm thấy muốn lên tiếng ủng hộ một phong trào gì đó tôi cần suy xét xem thính giả của mình — các nhà lập pháp chẳng hạn, nhìn mình hay phe đối lập ra sao. Có khi họ thấy cả hai bên đều đang làm phiền họ. Nhưng cũng có khi ta cần tỏ rõ thái độ đứng hẳn về một phía, hoặc sẵn sàng thoả hiệp với phe đối lập, thì mới nhận được sự ủng hộ mặc dù chỉ ngấm ngầm.

M.F.K. Fisher từng nói, “Trước tiên ta phải ăn cái đã, sau đó hãy làm mọi chuyện khác.” Nếu đúng vậy thì nướng bánh là phương tiện giúp tôi liên kết với người khác, với các phong trào, và theo đuổi các mục tiêu tri thức. Nhưng phần thưởng lớn nhất mà việc nướng bánh mang đến cho tôi là nghĩa vụ chia sẻ. Nhờ nó tôi nghiệm ra được điểm ưu tiên nội tại: biến khả năng trời cho của mình, dù trong bếp hay trong buổi họp, thành công cụ cải thiện cuộc sống cho người khác. Tôi muốn dùng lòng thương người, trí tuệ và óc sáng tạo của mình để dấn thân vào con đường phục vụ nhân quần. Và dù đôi khi tôi có cảm giác như một Bà Ngoại, tôi cũng quen một số Bà Ngoại thật đang làm việc trong chính quyền.

NHẬN XÉT CỦA TRƯỜNG

Câu mở đầu của Laura vô cùng độc đáo, gây chú ý cho người chấm bài. Cô tiếp theo với những hình ảnh cụ thể đầy ấn tượng, giúp đặt người đọc vào trong cuộc sống của cô, đồng thời cho ta thấy sở thích nướng bánh của cô là thật. Nhắc đến lô bánh cookie thành công đầu tiên của mình hồi còn bé như một niềm tự hào, Laura tách mình  khỏi những học sinh tuy cùng trang lứa nhưng có thể theo đuổi những sở thích khác.

Dùng việc nướng bánh như phương tiện kết nối với người khác, Laura cho ta biết cô xem mình là phần tử trong một cộng đồng lớn hơn — điều mà các giám khảo muốn thấy. Hơn thế nữa, Laura còn muốn tìm hiểu thêm về việc nướng bánh như một hình thức thiền, cho ta thấy chiều sâu nội tâm của cô, như cô viết “Kết tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa trứng và bột … là một phương pháp thiền định.”

Khi cô viết việc nướng bánh giúp cô “hiểu thêm về những sở thích khác của mình”, đó là cách triển khai sang những đề tài khác — nếu viết không khéo sẽ trở thành hời hợt sáo mòn, nhưng trong bài viết này nó trôi chảy một cách tự nhiên. Chúng ta được cho thấy Laura nghĩ đến những người bất hạnh khi cô đang nướng bánh, thay vì dùng lời cô dùng hành động để diễn tả khái niệm thiền trong việc làm bánh. Trong khi đó, đoạn áp chót cô khéo léo liệt kê khả năng và kinh nghiệm như trong một lá đơn xin việc nhưng vẫn không làm chậm tiến độ câu chuyện mình đang kể. Câu “giao điểm giữa chính trị và đời thường, từ ruộng đồng lên tới bàn ăn” là ý tưởng sâu sắc độc đáo, nói lên ảnh hưởng của chính trị trong đời sống thường ngày của chúng ta.

Laura đóng bài viết của mình bằng một câu nói của một nhân vật nổi tiếng, một chiêu thức dễ bị xem là sáo mòn. Thế nhưng cô đã chọn một câu nói liên quan trực tiếp đến mối liên hệ giữa thức ăn và mục đích lớn hơn, đưa bài viết lên một tầm cao mới. Để kết thúc, cô nối liền sự đam mê nấu nướng với thế giới bên ngoài, nhấn mạnh chất keo gắn kết suy nghĩ của mình với sự quan tâm đến người khác cũng như các mục tiêu trong tương lai.