Oscar 2021: “Second best” cho Yuh-Jung Youn
Steven Yeun, Alan S. Kim, Yuh-Jung Youn, Yeri Han và Noel Cho trong Minari (Josh Ethan Johnson—©A24)
Là gương mặt có thể xa lạ với màn bạc Mỹ nhưng Yuh-Jung Youn đã là diễn viên quen thuộc nhiều năm với người mê điện ảnh châu Á. Khán giả Việt Nam không xa lạ gì dáng vẻ lòm khòm và cách diễn xuất bi hài rất có duyên của bà. Dân Hàn Quốc gọi Yuh-Jung Youn là “Meryl Streep của Hàn Quốc”.
Yuh-Jung Youn đã làm được điều mà chưa diễn viên Hàn Quốc nào đạt được: chưa từng có diễn viên Hàn nào được đề cử Oscar. Không chỉ vậy, Yuh-Jung Youn đã vượt qua Maria Bakalova (Borat Subsequent Moviefilm), Amanda Seyfried (Mank), Olivia Colman (The Father; từng được đề cử hai lần) và Glenn Close (Hillbilly Elegy; từng được tám đề cử) để mang lại tượng Oscar hạng mục diễn xuất đầu tiên cho Hàn Quốc. Yuh-Jung Youn cũng là diễn viên châu Á đầu tiên giành Oscar hạng mục nữ diễn viên phụ kể từ năm 1957, khi Miyoshi Umeki chiến thắng hạng mục này với phim Sayonara.
Sinh năm 1947 tại Kaesong (hiện thuộc Bắc Triều Tiên), Yuh-Jung Youn đã có một sự nghiệp điện ảnh hơn nửa thế kỷ. Khi mới vào Đại học Hanyang ở Seoul, bà làm bán thời gian tại một đài truyền hình với công việc chính là… cầm chiếc mâm đựng những thứ được trao cho ai đó mà MC (emcee) xướng tên. Con đường vào nghề của bà bắt đầu với sự khuyến khích của đạo diễn Choi Sang-hyun.
Mặc cảm không xinh đẹp nhưng Yuh-Jung Youn cũng dự vài cuộc thi tuyển và cuối cùng được chọn trong một số phim truyền hình. Tiềm năng của bà được đạo diễn Kim Ki-young nhìn thấy. Bà gần như lập tức trở thành ngôi sao khi xuất hiện trong Woman of Fire của Kim Ki-young năm 1971. Giữa thập niên 1970, khi sự nghiệp điện ảnh vừa thăng hoa, Yuh-Jung Youn đột ngột bỏ nghề khi lập gia đình với ca sĩ Jo Young-nam và sang Mỹ định cư.
Tại Mỹ, bà cố học tiếng Anh và tham gia một số phim của Công giáo. Cuộc sống ở Mỹ không đơn giản và ngoi lên ở Mỹ càng không đơn giản. Yuh-Jung Youn trở thành một bà nội trợ thuần túy. Bà sống bình lặng, như nhiều phụ nữ gốc Á cảm thấy khó khăn trong việc hòa nhập môi trường Mỹ. Bà chỉ có thể kết giao với vài hàng xóm và dành thời gian nấu nướng cho gia đình. Sau khi sinh đứa con trai thứ hai, bà phát hiện chồng ngoại tình. Họ ly dị. Yuh-Jung Youn trở về Hàn Quốc với hai con trai. Không biết làm gì, Yuh-Jung Youn tìm cách quay lại phim trường ở tuổi gần 40, vào thời điểm mà điện ảnh Hàn Quốc không còn như thập niên 1970.
Yuh-Jung Youn kể rằng bà chấp nhận làm bất cứ gì để có thể tồn tại và nuôi con. Vai gì bà cũng nhận tuốt. Mẹ hiền, mẹ ác, mẹ nghèo rách nát, mẹ giàu sang chảnh…, bà “chấp” hết (ở Việt Nam, người đạt được đẳng cấp này có lẽ hiện chỉ có diễn viên Kim Xuân). Yuh-Jung Youn làm việc hùng hục. Bà càng đóng nhiều phim, tài năng bà càng hiển lộ.
Suốt cuộc đời diễn viên, Yuh-Jung Youn phải nỗ lực liên tục để cạnh tranh trong một môi trường cực kỳ khắc nghiệt nơi người ta chỉ thích diễn viên trẻ đẹp và sự thống trị của diễn viên nam cho các vai chính. Thoạt đầu nhiều khán giả than phiền gương mặt dài thuỗn và giọng nói khàn đặc của bà. Tuy nhiên, dần dà, người ta nhận ra rằng sự có mặt của Yuh-Jung Youn mang lại một nét độc đáo cho thế giới điện ảnh Hàn Quốc. Hơn thế nữa, Yuh-Jung Youn là một trong những diễn viên hiếm hoi có thể thể hiện rõ cái gọi là “tính cách Hàn Quốc” trên màn ảnh.
Yuh-Jung Youn đã mang gần như chính xác “tính cách Hàn Quốc” vào Minari. Bà ngoại Soon-ja trong Minari mà Yuh-Jung Youn thể hiện là phiên bản “bà ngoại châu Á” có thể thấy ở gần như tất cả phụ nữ Á Đông: chân chất, quê mùa, thành thật, đôi khi vụng về, nhưng sống tình cảm; và đặc biệt cưng cháu, luôn “đồng lõa” và bao che cho những hành vi sai trái vì nghịch ngợm thậm chí thái quá của cháu.
Sang Mỹ từ quê nhà (để giúp trông nhà cho vợ chồng đứa con gái đi làm), bà ngoại Soon-ja đã “bưng” nguyên “văn hóa Hàn Quốc” sang, từ lời ăn tiếng nói đến cách sinh hoạt. Thoạt đầu thằng cháu bảy tuổi, đẻ ở Mỹ, thấy bà ngoại lạ lạ kỳ kỳ như từ phương trời quái dị nào đó đến. Nó thậm chí nói bà có “mùi Hàn Quốc”. Bà không giận. Bà bắt đầu đầu têu bày trò cho cháu nghịch, rủ thằng bé chơi… đánh bài; và mỗi khi khoái trá, bà chẳng ngần ngại cười ha hả và chửi thề cho “sướng miệng”…
Minari là câu chuyện về một gia đình người Mỹ gốc Hàn rời bỏ California đến Arkansas để tạo sự nghiệp từ tay trắng. Câu chuyện trong Minari rất gần với vô số gia đình gốc Á định cư ở Mỹ, trong đó sự thành đạt và ý chí cá nhân trong nỗ lực vươn lên của những người đến Mỹ từ miền đất khác với nền văn hóa khác gần như luôn mang lại kết quả nào đó. Minari không chỉ nói đến “giấc mơ Mỹ” mà còn là sự lồng ghép tinh thần dân tộc qua hình ảnh “bà ngoại Soon-ja”.
Có thể thấy bóng dáng “Soon-ja” ở vô số bà ngoại châu Á, trong đó có những bà cụ Việt Nam, những người đến sống ở Mỹ nhưng vẫn níu kéo và giữ gìn những gì có thể gợi nhớ quê nhà, từ cọng rau muống, buồng chuối, đến minari (một loại rau cần nước). Bụi rau sau nhà hay quầy chuối bên hiên không chỉ giúp họ nguôi cảnh nhớ nhà mà còn dùng tặng hay bán cho những đồng hương cùng cảnh xa quê; để từ đó, nó mang đến sự chia sẻ, gắn kết cộng đồng, và cuối cùng thiết lập được một phần “định tính dân tộc” riêng biệt của mình, đặt trên nền tảng văn hóa đa chủng tộc rộng lớn của Mỹ.
Vai diễn của Yuh-Jung Youn đòi hỏi một sự tinh tế trong diễn cảm và bà đã làm xuất sắc điều đó. Trước khi chiến thắng Oscar, Yuh-Jung Youn đã giành được rất nhiều giải lớn, trong đó có BAFTA (British Academy Film Awards), Hiệp hội phê bình Hollywood, Hiệp hội phê bình điện ảnh New York, Hiệp hội diễn viên điện ảnh Hoa Kỳ (SAG)…
Yuh-Jung Youn là linh hồn của Minari. Không có “bà ngoại Soon-ja”, Minari có thể vẫn là một bộ phim hay nhưng chắc chắn nó không thể là bộ phim gây đủ cảm xúc để lấy nước mắt khán giả. Đề cử và chiến thắng của bà được “ấn định” bởi tên hạng mục gọi là “best supporting actress”, tuy nhiên, nếu cần phải gọi chính xác hơn thì có lẽ nên nói là “second best” – vai xuất sắc nhất bên cạnh vai chính. Cái gọi là “vai phụ” của Yuh-Jung Youn trong Minari đã gánh một phần rất lớn trong toàn bộ gánh nặng thông điệp mà bộ phim muốn mang lại.