Ngữ pháp: công cụ tốt nhất để nâng cao tư duy
Kinh nghiệm học và dạy tiếng Anh cho tôi thấy nếu người học muốn nắm vững bốn kỹ năng chính (nghe, nói, đọc, viết) để có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo, việc học ngữ pháp (ngày xưa gọi là “văn phạm”) là khâu quan trọng hàng đầu.
Có điều, học sinh hay sinh viên ngán nhất môn này, vì nó khô như ngói, chán như cơm nếp nát, và đi ngược lại với lối tư duy thông thường của học viên và kể cả lý thuyết giao tiếp của một số giáo viên. Lối tư duy thông thường cho rằng: muốn giỏi ngoại ngữ, chỉ cần sang nước ngoài (nhất Mỹ, nhì Anh, tam Ca, tứ Úc) một thời gian, giao tiếp nhiều thì tự nhiên sẽ thành thạo thứ tiếng quốc tế này. Một số người, có “trình độ” cao hơn, lý luận theo kiểu ba rọi rằng mục tiêu của ngôn ngữ là giao tiếp (trong khi nếu hỏi họ “giao tiếp” là cái gì thì họ cũng trả lời… trớt quớt). Vậy nếu “giao tiếp” tốt thì xem như đã nắm vững ngoại ngữ đó (ngay cả niềm tự hào của nhiều người, kể cả giáo viên đang dạy tiếng Anh, cho rằng mình đã “master” (nắm vững) thứ tiếng này, cũng cần phải kiểm tra lại).
Trong một thời gian dài cả thế giới ồ ạt chạy theo phương pháp “giao tiếp” (communicative method), các giáo viên dạy ngoại ngữ hết lời chê bai, dè bỉu phương pháp “ngữ pháp-phiên dịch” (grammar-translation method), cho rằng phương pháp này chỉ còn là một kỷ niệm đáng xấu hổ trong bảo tàng viện của môn ngôn ngữ học. Quan điểm của tôi hoàn toàn khác: ngữ pháp là nền tảng của việc nắm vững cấu trúc căn bản của ngôn ngữ, và phiên dịch (translation/ interpretation) chính xác thể hiện sự nắm vững đó. Tôi áp dụng nguyên tắc này vào việc học các ngoại ngữ khác đều thấy kết quả như nhau.
Không học ngữ pháp mà chỉ cắm đầu học thuộc lòng càng nhiều từ vựng càng tốt, thậm chí học cả cuốn từ điển (một thái độ phổ biến của rất nhiều người nôn nóng muốn giỏi một ngoại ngữ thật nhanh) thì chỉ mau chóng tẩu hỏa nhập ma, đơn giản là vì từ vựng nếu không sử dụng trong các khâu nghe, nói, đọc, viết, thì cũng sẽ rơi rụng hết như lá mùa thu, mà muốn nghe đúng, nói đúng, viết đúng, đọc hiểu đúng, thì không thể thiếu căn bản ngữ pháp.
Trong quá trình dạy môn biên phiên dịch, tôi thấy nhiều sinh viên biết rất nhiều từ vựng, gần như là một bộ tự điển sống, nhưng khi ráp nối những từ vựng rời rạc lại thành câu cú cho đúng ngữ pháp thì cấu trúc run rẩy, lỏng lẻo như răng bà già tám mươi, sản sinh ra những câu không giống con giáp nào. Lúc tôi học chuyên Anh (Đại Học Tổng Hợp TP.HCM, 1976-1980), các thầy cô Trương Tuyết Anh, Nguyễn Lương Thiện, Đỗ Khánh Hoan, Lê Văn Diệm, Nguyễn Thị Dần, Vũ Thị Thu…, đều kiểm tra lỗi ngữ pháp hết sức gắt gao, trừ điểm quyết liệt nếu còn sót lỗi trong bài thi.
Viết đến đây lòng lại trào lên niềm cảm khái nhớ lại công ơn của thầy cô: trình độ của các thầy cô vừa vững chắc, uyên thâm, đạo đức sư phạm không có gì để chê trách. Các thầy cô đã giúp tôi một nền tảng tiếng Anh thật vững chắc để có thể tiến bước mãi trên con đường đi học, từ lũy tre xanh của đồng ruộng Việt Nam đến các thư viện mênh mông của các trường đại học Mỹ. Viết một câu sai ngữ pháp, thầy cô chấm bài nhăn mặt, lòng tôi cũng đau nhói, tự trách bản thân không chịu cố gắng. Lần nào được thầy cô khen một câu thì sung sướng còn hơn cầm tay bạn gái lần đầu tiên. Không biết các bạn trẻ hiện nay còn cảm xúc tương tự như vậy hay không hay là với tình trạng xã hội bát nháo như hiện nay, các bạn đã “di cư” hết vào trong thế giới ảo nên cảm xúc dành cho thế giới thật cũng chẳng còn lại bao nhiêu. Cộng thêm các phần mềm hỗ trợ phiên dịch của Google càng khiến các bạn trẻ cảm thấy việc học ngữ pháp là điều không cần thiết. Thật ra việc hiểu ngữ pháp không đơn thuần giúp các bạn viết đúng hay nói đúng một ngoại ngữ nào đó. Lợi ích lớn nhất của việc học ngữ pháp là nâng cao khả năng tư duy phân tích và tư duy tổng hợp của người học.
Một thí dụ nhỏ: khi đọc hay nghe một câu tiếng Anh sau đây: “I thought she’s single,” nhiều học viên thấy câu này quá dễ và học dịch sang tiếng Việt như sau: “Tôi nghĩ cô ấy còn độc thân”. Đúng ra phải dịch là: “Tôi cứ tưởng cô ấy còn độc thân.” Lý do? Động từ think/suy nghĩ trong trường hợp này chuyển sang dùng ở thì quá khứ “thought” – có nghĩa là người nói đã nhận ra sự nhầm lẫn trong tư duy của mình, còn nếu viết “I think she’s single” thì người viết hiện nay, bây giờ, vẫn còn suy nghĩ như vậy.
Khi thực tập phân tích (parsing) mối quan hệ giữa các thành phần trong câu (sentence) hay cả một đoạn văn (discourse analysis), người học vô tình đã nâng cao năng lực tư duy của bản thân, tạo tiền đề cho việc hiểu sâu hơn tiếng Việt và các ngoại ngữ khác sẽ học trong tương lai.
Việc kém ngữ pháp cũng không hoàn toàn do lỗi của học viên. Người dạy ngoại ngữ hiện nay cũng là một nguyên nhân khiến cho môn ngữ pháp/biên dịch xuống dốc. Bản thân họ cũng chưa thực sự nắm vững ngữ pháp, cho dù có đi học ở nước ngoài. Bản thân họ cũng chán chê môn ngữ pháp, không thực sự đầu tư công sức, thời gian cho môn này. Các giảng viên trẻ hiện nay thích dạy những môn mà họ cho là “interesting” hơn như speaking and listening hoặc reading comprehension…, còn riêng môn grammar được xem như một bà già lẩm cẩm khó chịu chỉ đáng được nhốt trong nhà bếp và chỉ được hỏi ý kiến khi chủ nhân muốn tạo ra một “món ăn” nào đó. Kết quả chất lượng “món ăn” như thế nào thì ai cũng biết.
Rất mong các bạn trẻ hiện nay khi học ngoại ngữ, làm ơn tập trung nhiều hơn cho việc nắm vững ngữ pháp, đừng ngông cuồng chạy theo những lý thuyết tào lao bí đao, chỉ phục vụ cho việc bán sách giáo khoa và chiều chuộng thói làm biếng của các bạn! Mong lắm thay!