Ngu như bò
Sách “Từ điển thành ngữ tục – ngữ Việt Hán” (Nguyễn Văn Khang – NXB Văn hoá Sài Gòn -2008) đưa ra các cặp đối chiếu Việt Hán: “ngu như bò 遼東之豕”; “ngu như lợn 遼東之豕”.
Theo đây, Nguyễn Văn Khang cho rằng “ngu như bò” và “ngu như lợn” trong tiếng Việt, đồng nghĩa với “遼東之豕” (Liêu Đông chi thỉ) tiếng Hán.
Tuy nhiên, trong tiếng Việt: “ngu như bò”, “ngu như lợn” hay “dốt như bò”, ý chỉ dốt nát, ngu si, học hành kém cỏi, không có khả năng tiếp thu; trong khi Hán: “遼東之豕” (Liêu Đông chi thỉ) lại ý chỉ kiến văn hạn hẹp, hiểu biết nông cạn. Hán ngữ đại từ điển giảng: “Liêu Đông thỉ: “Hậu Hán thư – Chu Phù truyện”: “Xưa ở Liêu Đông có con lợn nái đẻ ra một con lợn đầu trắng. Chủ nhân cho là dị thường, liền đem đi tiến vua. Khi đến đất Hà Đông mới thấy một đàn lợn toàn những con đầu trắng. Người này lấy làm xấu hổ quay về. Sau này thành ngữ ‘Liêu Đông thỉ’ chỉ kiến thức nông cạn, kiến văn hạn chế, thấy gì cũng lạ” [遼東豕 “後漢書 – 朱浮傳”: “往時 遼東 有豕,生子白頭,異而獻之,行至河 東, 見群豕皆白,懷慚而還. 若以子之功 論於朝廷, 則為 遼東 豕也.” 後以 “遼東豕” 指知識淺薄, 少見多怪].
Theo đây, “Liêu Đông chi thỉ” trong tiếng Hán, có chăng đồng nghĩa với “ếch ngồi đáy giếng” chứ không đồng nghĩa với “ngu như bò” trong tiếng Việt. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê – Vietlex): “ếch ngồi đáy giếng: ví người ít tiếp xúc với bên ngoài nên ít hiểu biết, tầm nhìn hạn hẹp”.