Một số sai sót trong sách “Thành ngữ bằng tranh” (Kỳ 1)

Sách “Thành ngữ bằng tranh” (Biên soạn: Nguyễn Thị Hường Lý; Tranh: Nguyễn Quang Toàn – NXB Kim Đồng, 2020).

NXB Kim Đồng cho biết, sách “Thành ngữ bằng tranh” là một cuốn “từ điển bỏ túi với hơn 300 thành ngữ tiếng Việt thông dụng […] Người biên soạn cuốn sách […] đã chọn cách giải thích dễ hiểu nhất, trực diện với từng thành ngữ để người đọc có được thông tin nền, chuẩn về nó”, và sách “có thể được sử dụng như một cuốn từ điển thành ngữ mini trong gia đình và nhà trường”.

Về cấu tạo các mục từ, ngoài phần giải nghĩa thành ngữ (phần này dựa vào từ điển tiếng Việt nên cơ bản là đúng), sách còn có thêm phần lý thú, bổ ích là tìm hiểu nguồn gốc từ ngữ, điển tích. Tiếc rằng nhiều mục soạn giả nặng về phỏng đoán, suy diễn, thiếu tra cứu và kiến thức nền cần có, nên dẫn đến không ít sai sót.

Sau đây là một số trao đổi của chúng tôi

a-Phỏng đoán và suy diễn (Phần trong ngoặc kép sau số mục, in nghiêng là nguyên văn trong sách “Thành ngữ bằng tranh”; phần xuống dòng tiếp theo là nội dung trao đổi của chúng tôi. Với những mục xét thấy không cần thiết trích dẫn, chúng tôi xin lược bỏ phần giải nghĩa từ vựng):

1 -“Ăn cá bỏ lờ: Lờ thường được chắn ở nơi có dòng nước chảy để khi cá bơi qua sẽ mắc vào lờ. Sau khi lấy cá ra người ta vẫn để nguyên chiếc lờ lại đó cho cá tiếp tục mắc vào. Thực ra đây là công việc liên hoàn của người đánh cá, nhưng dân gian lấy hình ảnh ăn cá mà bỏ chiếc lờ lại để ví với hành động bội bạc vô ơn”.

Thông thường, các dụng cụ đánh bắt như nơm, lờ, đó, trúm, cung, tên,… được sử dụng theo mùa vụ. Hết mùa hoặc kết thúc đợt đánh bắt, các dụng cụ này bị bỏ không, có khi để chỏng chơ nơi đầu hè, chái bếp, đến lúc cần dùng thì đã bẹp dúm, hư hỏng. Những hình ảnh này khiến dân gian liên tưởng đến sự đời: lúc cần thì nâng niu giữ gìn, khi xong việc thì sẵn sàng vứt bỏ, quên ơn người đã giúp mình. Thế nên, còn có tục ngữ gốc Hán “Đắc ngư vong thuyên” 得魚忘筌 (Được cá quên nơm), hay “Được cá quên chài”, “Được chim quên ná”…

Như vậy, dân gian không hồ đồ tới mức lấy việc tiếp tục “đặt lờ” (đơm cá) để làm nghĩa đen cho việc “bỏ lờ” (vứt bỏ lờ).

 

2 -“Bạn nối khố. Ý nói: Bạn thân thiết, gần gũi với nhau từ thời thơ ấu.

Nối khố: Ngày xưa có những cặp bạn thân với nhau từ nhỏ và lớn lên bên nhau. Họ thương nhau đến nỗi, khi thấy khố của bạn mình ngắn quá (vì bạn cao lớn lên), không còn đóng được nữa, bèn tự nguyện cắt bớt khố của mình, nối vào khố cho bạn. Đây là tình cảm nhường nhịn, đùm bọc nhau của đôi bạn nghèo rất đáng trân trọng”.

Thực ra, “nối khố” ở đây là lối nói ngoa dụ, hiểu theo nghĩa bóng là tình bạn gắn bó, thân thiết không rời nhau, đi đâu cũng có nhau, tựa như  hai người “nối khố” (nối hai dải khố) lại với nhau vậy.

Trong thực tế, “bạn nối khố” không hàm ý “nhường nhịn, đùm bọc nhau”, hy sinh vì nhau như soạn giả giải thích, mà chỉ đôi bạn thân thiết, gắn bó không rời nhau. Thế nên Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên) giảng “bạn nối khố” là: “Bạn thân, đi đâu cũng có nhau”. Ngữ liệu: “Con nên nhớ, hồi nhỏ, bố và chú Ngạn là hai người bạn nối khố với nhau đấy, chẳng bao giờ cãi nhau hay xa nhau nửa bước đâu.” (Phù sa – Đỗ Chu), cũng cho thấy điều đó.

3 -“Chỉ đâu đánh đấy: Ngày xưa trên mặt trận, vị tướng chỉ huy quân bằng cách cưỡi ngựa, dùng thanh gươm hay ngọn cờ chỉ về mục tiêu, rồi hô quân “Đánh!”. Còn quân thì phải tuân lệnh: tướng chỉ đâu, quân đánh đúng chỗ đấy, không cần suy xét, không được phép cãi lệnh. Ý nói: Chỉ biết thừa hành mệnh lệnh một cách máy móc, thụ động, thiếu sáng tạo”.

“Quân lệnh như sơn”! Trên chiến trường mà quân không theo lệnh tướng, tự tiện “sáng tạo” thì chỉ có hoạ “quân hồi vô phèng”. Bởi vậy, lính tráng y lệnh chỉ huy không thể hiểu thành “chỉ biết thừa hành mệnh lệnh một cách máy móc, thụ động, thiếu sáng tạo”.

Thực ra, “chỉ đâu đánh đấy” là dị bản rút gọn của “Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy”.

Theo truyền thuyết dân gian, Thiên Lôi là vị thần nhà Trời, làm ra sấm sét và vâng lệnh trừng trị kẻ gian ác, bất hiếu. Trời sai Thiên Lôi trừng trị kẻ nào, Thiên Lôi cứ thế y lệnh vung lưỡi tầm sét trừng trị kẻ ấy. Bởi thế, Thiên Lôi còn được ví với kẻ tai sai trung tín, nhất nhất làm theo lệnh chủ. Tục ngữ Hán có câu: “Lôi công bất đả ngật phạn nhân” 雷公不打吃飯人 (Thiên Lôi không đánh kẻ đang ăn cơm), tương tự câu “Trời đánh còn tránh miếng ăn”, của người Việt, hàm ý: đến kẻ thừa hành mệnh lệnh một cách máy móc, “chỉ đâu đánh đấy” như Thiên Lôi, còn biết “tránh miếng ăn”, hoãn lệnh thi hành nếu thấy kẻ tội đồ đang dùng bữa nữa là! (lời khuyên nên tôn trọng bữa ăn của người khác).

4 -“Mã đáo thành công: Mã: con ngựa; đáo: trở về. Ngày xưa, người Trung Hoa phương Bắc sinh sống trên các bình nguyên rộng nơi có rất nhiều ngựa hoang. Mùa xuân hàng năm, người ta thường thả ngựa nuôi ra bình nguyên để dụ ngựa  hoang theo về trang trại. Như vậy có khả năng ngựa sẽ không bao giờ trở về, nhưng cũng có khả năng ngựa quay về và dẫn theo đàn ngựa hoang. Vì vậy, nếu ngựa quay trở về thì có nghĩa chủ trại đã thành công. Câu này thường được dùng như một lời chúc trước khi lên đường với ý: “Thành công tốt đẹp”.

Mã đáo thành công” mà được hiểu theo ý của soạn giả, thì khác nào chúc thành công kiểu may rủi, “được ăn cả ngã về không”. Thực ra, “đáo” ở đây có nghĩa là “đến”; “mã đáo” 到 là “ngựa đến”, chứ không phải “ngựa quay trở về”:

 -“Hán ngữ đại từ điển” giảng: “Mã đáo thành công: hình dung công việc thuận lợi, vừa tiến hành đã thu được thành công ngay [馬到成功: 形容事情順利,一開始就取得勝利].

-“Hán điển” giảng rõ hơn: “Mã đáo thành công: khi xuất chinh, chiến mã vừa đến nơi đã thu được thắng lợi ngay, tỉ dụ sự thành công mau chóng mà thuận lợi.” [征戰時戰馬一到便獲得勝利, 比喻成功迅速而順利].

Như vậy, “mã” ở đây là “chiến mã”, không phải ngựa nhà thả ra để dụ ngựa hoang; “mã đáo” là ngựa chiến đến nơi trận tiền. “Mã đáo thành công” là thành công một cách nhanh chóng, thuận lợi, chứ không phải thành công theo kiểu “có khả năng ngựa sẽ không bao giờ trở về, nhưng cũng có khả năng ngựa quay về và dẫn theo đàn ngựa hoang”.

5 -“Nuôi báo cô: Báo cô: Ngày xưa, một người đàn bà không có chồng, không có con (gọi là bà cô) thường để của cải cho một người cháu nào đó. Khi người cô già, người cháu phải nuôi, tức phụng dưỡng bà, gọi là nuôi báo cô. Báo cô chính là một nghĩa cử truyền thống tốt đẹp. Nhưng ở đời cũng có những bà cô khó tính, gây phiền nhiễu cho con cháu, nên dần dần người ta không thiện chí với công việc này nữa. Ý nói: Nuôi một người mà chẳng mang lợi lộc gì cho mình cả”.

Câu thành ngữ chính xác là “Nuôi bảo cô”. “Bảo cô” thành “báo cô” hay “báu cô” (phương ngữ Thanh Hoá) đã phổ biến, và được từ điển ghi nhận, nên cũng có thể xem là không sai. Tuy nhiên, giải thích từ nguyên theo kiểu phỏng đoán, suy diễn như soạn giả lại là chuyện khác.

Vậy “bảo cô”, hay “báo cô” nghĩa là gì?

-“Hán ngữ đại từ điển” giải thích: “bảo cô: Quy định của hình luật thời cổ đại, phàm đánh người đến mức thương tích, quan phủ sẽ xem xét tình tiết để xác định kỳ hạn mà bị cáo phải trị liệu cho kẻ bị hại. Nếu đang trong kỳ hạn, mà nạn nhân bị chết vì vết thương ấy, thì bị cáo sẽ bị khép vào tội chết; còn nếu nạn nhân không chết, thì bị cáo bị định vào tội đánh người gây thương tích, gọi là nuôi bảo cô.”[保辜:古代刑律規定,凡打人致傷,官府視情節立下期限,責令被告為傷者治療.如傷者在期限內因傷致死,以死罪論;不死,以傷人論.叫做保辜]. 

Ở Việt Nam, “Nuôi bảo cô” cũng được đề cập đến trong các bộ luật thời cổ đại, như:

-Điều 272 Luật Gia Long quy định: “Phàm nuôi bảo cô, trước hết phải giảo nghiệm xem thương tích nặng hay nhẹ, đánh bằng tay chân hay vật gì khác, hoặc là đánh bằng đồ nhọn, để định rõ về thời hạn nuôi bảo cô và trách cứ phạm nhân phải chữa thuốc”.

-Điều 408 Luật Hồng Đức ghi rõ: “Nếu còn trong thời hạn nuôi bảo cô mà nạn nhân chết thì phải tội kém tội đánh chết người một bậc. Nếu đã hết hạn nuôi bảo cô hay còn trong hạn nuôi bảo cô, nhưng vì nguyên cớ gì khác mà chết thì phải tội như là đánh người bị thương.” (Định chế pháp luật và tố tụng triều Nguyễn – TS. Huỳnh Công Bá – NXB Thuận Hoá, 2017).

Một số cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản trước 1975 hãy còn ghi nhận “Nuôi bảo cô”:

-“Đại Nam quấc âm tự vị”: “bảo cô: chịu lãnh vì tội mình. Nuôi bảo cô: chỉ nghĩa là chịu cơm thuốc mà nuôi người mình đã làm cho phải thương tích nặng”.

-“Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến đức): “bảo-cô • Nuôi nấng người mà mình đã đánh bị thương <> Nuôi như nuôi bảo-cô”. 

Như vậy, “bảo” 保 trong “bảo cô” 保辜 có nghĩa là “nuôi nấng, chăm sóc”  [養育;撫養], còn “cô” 辜 nghĩa là “tội”, “tội lỗi” [罪,罪過]; “bảo cô” là tội phải bồi thường bằng hình thức cấp dưỡng cho nạn nhân.

6 -“Trông mặt đặt tên: ngày xưa, trẻ con sinh ra không được đặt tên ngay. Phải đến khi lớn làm lễ thôi nôi (lễ đầy năm) mới nhờ thày cúng đặt tên. Lúc đó thày trông mặt bé, đặt cho cái tên hợp với đặt điểm, tính cách của bé. Gọi là trông mặt đặt tên”.

Xưa kia đa số đặt tên nôm na, xấu xí cho dễ nuôi. Nhà có chữ thì đặt tên con cái thể hiện chí hướng hoặc ước muốn của ông bà, cha mẹ. Chuyện nhờ thầy cúng “trông mặt bé đặt cho cái tên hợp với đặt điểm, tính cách của bé” nếu có, cũng không phải là bản chất vấn đề.

Thực ra, tục ngữ “Trông mặt đặt tên” có nghĩa là trông tướng mạo, bề ngoài (ăn mặc, đi đứng, nói năng) có thể đánh giá được tính cách, bản chất bên trong con người (gọi tên, đặt tên sự vật). Thế nên còn có dị bản “Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo cỗ lòng mới ngon”.

7 -“Đón trước rào sau: Nhà kiểu ngày xưa thường có hai cổng. Cổng trước nhà thường mở rộng để đón khách, nhưng cổng sau chỉ để người nhà đi lại, ra vào vườn thì lại phải rào kín để tránh trộm đạo. Đón trước rào sau chứng tỏ là gia đình hiếu khách, nhưng vẫn cẩn thận chu đáo. Ý nói: Dẫn dắt lý lẽ, bằng chứng một cách khéo léo, tế nhị trước khi đưa ra điều mình cần trình bày để tránh bị người khác thắc mắc, bắt bẻ”.

Soạn giả đã hiểu lầm “đón” với nghĩa chặn lại, thành “đón” với nghĩa đón rước, chào đón.

Đón trước rào sau” là một kiểu “nâng cấp” từ ghép đẳng lập “rào đón” lên thành một đơn vị thành ngữ, có tác dụng nhấn mạnh và tạo hiệu quả trong diễn đạt. Trong đó, “rào” có nghĩa là ngăn, chặn; mà “đón” cũng có nghĩa là ngăn, chặn lại. Thế nên còn có các dị bản “Rào sau chặn trước”, hay “Rào trước đón sau”:

Việt Nam tự điển (Hội Khai trí tiến đức) giảng: “đón: 2 Ngăn, chặn <> Đón đường để đánh. Nói đón.”. 

Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “nói đón • đt. Nói cách rào đón để đừng bị bắt-bẻ”.

8 -“Quạ mổ diều tha: Cách ăn mồi của hai loài chim ăn thịt: quạ và diều hâu. Quạ thì mổ con mồi ăn tại chỗ còn diều hâu thì quắp vào chân và tha đi. Ý nói: Những kẻ nanh nọc, độc ác, đáng nguyền rủa”.

Quạ mổ diều tha” không phải là cái đồ (giống như) con quạ, con diều, mà là đồ bị quạ mổ, bị diều tha. Tương tự như khi chửi “Quỷ tha, ma bắt”, “Trời đánh, thánh vật”, không phải là cái đồ quỷ, đồ ma, đồ trời, đồ thánh, mà là đồ bị quỷ tha, bị ma bắt, bị trời đánh, bị thánh vật.

Như vậy, “quạ mổ diều tha” là lời chửi rủa kẻ đốn mạt, đáng khinh bỉ, đáng bị con diều nó tha, con quạ nó mổ (thường dùng để chửi hạng đàn bà hư thân mất nết).

XEM KỲ 2