Những lời khen hằng ngày có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của con cái…

Khen ngợi con có vẻ là một việc làm đúng đắn. Các bậc phụ huynh thường xuyên được nhắc nhở tầm quan trọng của việc trao thưởng và khen ngợi cho những hành động tốt của con. Tuy nhiên, theo giáo sư tâm lý Wendy S. Grolnick thuộc Đại học Worcester, những lời khen thái quá sẽ dẫn đến tiêu cực. Khi khen một cách máy móc chẳng hạn “Bức tranh con vẽ đẹp quá!” hoặc “Ôi, con của mẹ thông minh quá đi mất!”, phụ huynh vô tình khiến con cái lo lắng quá mức và luôn chỉ muốn được khen, bất luận chúng làm gì và làm như thế nào. Những cô cậu nhỏ sẽ bắt đầu nhận thấy “điều kiện” trong tình yêu của ba mẹ dành cho mình (“Mình là đứa con thông minh khi làm việc A; Mình sẽ không là đứa thông minh khi không làm việc A). Con cái sẽ dần chú trọng vào việc làm hài lòng ba mẹ thay vì tìm thấy niềm vui trong các hoạt động của chúng.

raisingchildren.net.au 

Khen nỗ lực và công sức thay vì cá nhân đứa trẻ

Giáo dục bắt đầu hiện đại hóa từ khoảng năm 1970, khi phụ huynh được hướng dẫn để đưa ra những lời khen như “Con giỏi quá”. Cách dạy này khác xa với những hình thức giáo nghiêm trước đó. Những lời động viên nhằm tạo tâm lý thoải mái hơn cho con trẻ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy điều ngược lại. Tiến sĩ tâm lý Carol S. Dweck thuộc Đại học Stanford, khi nghiên cứu tác dụng của cách khen ngợi con trẻ từ cuối những năm 1990, cho rằng những lời ca tụng máy móc thường mang lại kết quả không như mong muốn.

Nghiên cứu của Carol S. Dweck chỉ ra rằng trẻ con thường xuyên cảm thấy áp lực để đạt được kỳ vọng của ba mẹ, dẫn tới các trạng thái tâm lý không tốt, như lo sợ, hoang mang hoặc thất vọng về bản thân. Những cô cậu được khen ngợi thường xuyên dần trở nên có khuynh hướng chọn sự “an toàn hoá” trong các quyết định và hành động, vì sợ việc làm cho phụ huynh thất vọng. Cuối cùng, hậu quả là trẻ mất đi sự hứng thú trong nhiều hoạt động và trở thành “nô lệ” cho niềm vui của ba mẹ.

Nghiên cứu của Carol S. Dweck cho thấy những lời khen dành cho nỗ lực của đứa trẻ thay vì bản thân chúng sẽ giúp trẻ tự tin hơn để thử những hoạt động mới. Một nghiên cứu năm 1998 với hai nhóm trẻ được yêu cầu giải những bài toán khó đã cho thấy kết quả cụ thể hơn. Nhóm đầu tiên được bảo rằng chúng giải được là vì sự thông minh của nhóm. Nhóm thứ hai được bảo rằng chúng giải được là vì sự tập trung và nỗ lực của nhóm. Kết quả, những đứa trẻ ở nhóm thứ hai có khuynh hướng muốn thử sức với những câu hỏi khó hơn nhóm thứ nhất. Thậm chí những đứa trẻ ở nhóm hai vẫn cố gắng khám phá cách giải mới kể cả sau khi chúng thất bại lần đầu.

Để mắt đến quá trình phát triển của đứa trẻ

Bác sĩ Kyla Haimovitz nói thêm rằng, những lời động viên từ phụ huynh không cần luôn đến ngay lập tức. Nếu con của bạn đang vẽ, ba và mẹ không cần khen mỗi màu tô mới của bức tranh. Hãy đợi đến lúc sản phẩm hoàn thiện và nói: “Con chọn màu tím cạnh với màu nâu à? Rất độc đáo và đặc biệt đấy!”. “Phụ huynh luôn nên chú tâm đến quá trình làm việc của đứa trẻ để có thể đưa ra những lời khen ngợi giá trị nhất”, bác sĩ Haimovitz nói. “Việc này còn cho trẻ khoảng thời gian cần thiết để tự đánh giá bản thân, thay vì luôn bị đánh giá bởi người khác.” Nói cách khác, thay vì khen chỉ để khen, phụ huynh nên gợi ý để con biết tự đánh giá bản thân, từ đó thúc đẩy tinh thần tự học hỏi và tìm tòi của trẻ.

parentmap.com 

Hãy chỉ khen những thứ trong tầm kiểm soát của con

Theo tiến sĩ tâm lý Patricia Smiley, chúng ta thể hiện giá trị bản thân qua những lời khen dành cho người khác. Một trong những giá trị quan trọng nhất là quyền tự chủ. Vì thế phụ huynh nên khen những thứ trong tầm kiểm soát của con, chẳng hạn cách chọn màu lúc vẽ hoặc cách giải toán. Việc này giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn với việc chúng đang làm. Khen ngợi những thứ trong tầm kiểm soát của con thể hiện rằng ba mẹ thật sự quan tâm và ủng hộ sở thích đó. Khi trẻ thấy được điều này, chúng sẽ cảm thấy gần gũi hơn với phụ huynh. Cách khen này luôn thành công trong việc động viên trẻ có những hành động đáng biểu dương hơn, giúp trẻ tăng hứng thú và say mê trong các hoạt động.

Đừng khen ngợi bằng cách so sánh

Phụ huynh thường thích khen con bằng cách so sánh với trẻ khác (“Con nhảy cao hơn cả bạn A trong lớp học thể dục!”). Cách này không những vô tình dẫn đến tâm lý cạnh tranh vô lý mà còn không thật sự khiến trẻ cảm thấy có động lực hơn.

Coi chừng việc thổi phồng những lời khen

Thường xuyên thổi phồng những lời khen sẽ dễ dẫn đến triệu chứng “nghiện được khen” ở trẻ. Con của bạn sẽ dần cố ý làm mọi việc mà chúng biết sẽ được ba mẹ tán thưởng. Ngoài ra, một “rủi ro” lớn khi ca tụng quá đà: trẻ con có thể thấy được những lời khen thiếu chân thật. Khi được khen rằng “Bức tranh này là bức đẹp nhất mà ba từng thấy!”, trẻ sẽ mất đi sự phấn đấu rất nhanh.

Phản hồi cụ thể thay cho những lời khen

“Phản hồi cụ thể” là một ý tưởng được giới thiệu từ năm 1980 trong quyển Nói để con nghe, Nghe để con nói (How to Talk So Kids Will Listen & Listen So Kids Will Talk) của Adele Faber và Elaine Mazlish. Thay vì luôn khen ngợi, phụ huynh hãy động viên trẻ để thảo luận về việc mà chúng vừa làm. Khi ba mẹ hỏi con “Ngày hôm nay ở trường như thế nào?”, đứa trẻ sẽ thường im lặng. Ngược lại, nếu phụ huynh nói “Ba mẹ thấy trên hộp bút con có vài hình vẽ”, đứa trẻ sẽ cởi mở hơn để nói những chuyện trong lớp và ở trường.

(Lược dịch từ Are You Overpraising Your Child?, New York Times)