“Nghề” nuôi con
Có những bạn mới quen, hỏi tôi làm nghề gì. Tôi chìa cho họ tấm danh thiếp – trên đó có chữ “Bố“. Đây là một nghề rất lạ. Vì cho dù không được trả lương, khổ cực, tốn tâm trí, thời gian, và tinh thần, nhưng tôi vẫn đâm đầu vào theo đuổi suốt đời. Tôi không sống theo khuôn thước mà chỉ dựa vào cái cốt lõi của vấn đề nên cách thức trong “nghề” của tôi cũng không theo một định nghĩa có sẵn.
Trong cuộc đời quá năm mươi tuổi của tôi, trải qua nhiều cách kiếm tiền, không nghề nào khó khăn cho tôi bằng nghề nuôi con. Với những công việc bình thường, có sách vở, phương pháp, và kỹ năng để nghiên cứu học hỏi. Chịu khó một chút là có tiền. Không làm được cho hãng này thì nhảy sang hãng khác. Hay thất bại thương mãi lần này thì có thể khởi nghiệp lần khác.
Riêng với nghề nuôi con, sai một ly, đi một dặm. Người xưa có câu “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người“. Tôi đến với “nghề” này là duyên phận. Chưa từng có kinh nghiệm. Nhưng “cờ đến tay thì phải phất”. Con trai đầu lòng tôi ra đời. Nhìn quanh, ông Trời không kèm theo cẩm nang̣ (manual) đi cùng. Tôi vội vàng học nghề và trau dồi kiến thức qua nhiều sách vở. Bản thân tôi may đến với nghề khi qua tam thập lục, đầu óc đã chứa nhiều chất sạn cuộc sống. Nên tôi có cơ hội lôi ra những ví dụ và “hình mẫu” mà mình từng chứng kiến. Rất nhiều ví dụ, đủ mọi kiểu và đủ mọi kết quả. Mới vào nghề là tay mơ. Học theo kiểu nghề dạy nghề. Nhưng hầu hết cho là cách dạy con của mình là tốt nhất, không cần phải học. Sau cùng, nhiều người trong số họ thường tự an ủi. Người ta có con tốt là cái “số trời cho”. Mình “xui” thì đành chấp nhận.
Tôi tự hỏi không biết có phải là tùy số phận để con tốt hay không? Phân tích và đúc kết nhiều trường hợp thành công và thất bại thì câu trả lời trở thành rõ rệt cho tôi. Có thể có số phận, nhưng mà càng nuôi con đúng hướng, số phận không may càng giảm đi. Xác xuất cho con thành công càng nhiều, đến độ, có thể đoán được.
Tôi sống theo khoa học và trong văn hóa cởi mở khá lâu. Tôi có sở thích khi đi làm và du lịch nước nào, văn hóa nào, tôi hay để ý để học hỏi cách sống và triết lý của họ. Tôi nghiệm được một điều, lịch sử là quan trọng. Những câu “Gieo gió gặp bão”, hay “Gieo nhân lấy quả” thật đúng. Chỉ cần lội ngược lại gương dạy con của các gia đình, thành công hay thất bại, thì mình biết đại khái mình phải làm gì. Những góp nhặt này cùng với sách vở giúp tôi đúc kết được cẩm nang nghề dạy con của tôi.
Phương châm đầu tiên của cẩm nang dạy con của tôi là “Đồng Hành Cùng Con”. Tôi quan niệm rằng tâm lý và kinh nghiệm của con người đi qua từng chặng. Từ bé thơ, đến tuổi con nít, tiểu học, trung học đệ nhị cấp, trung học đệ nhất cấp, đại học, ngưỡng tuổi 20, 30, 40, 50… Mỗi độ tuổi có tâm sinh lý, trải nghiệm, kinh nghiệm và kiến thức khác nhau. Ai là người, ngoài thân nhân ruột thịt, sẽ tạo ảnh hưởng nhất trên mỗi chặng tuổi cuộc đời. Xã hội sẽ biến đổi như thế nào. Cái gì luôn có giá trị tịnh và cái gì có giá trị thay đổi theo thời gian… Cho rằng “nghề nuôi con” là nghề mà suốt đời mình theo đuổi và để tiếp tục cùng chung bước với con qua mọi chặng tuổi, tôi phải luôn thích ứng thay đổi với những giá trị động, để sao cho có thể cùng nhịp tim với con mình. Tuy nhiên, cùng lúc, tôi cũng nghĩ mình cũng phải giữ neo lại những giá trị tịnh, để cha con không bị chao đảo thay đổi bởi thời thế.
Tôi quan niệm trước hết, con phải thành nhân trước, thậm chí trước cả học vấn hay nghề nghiệp. Vì ý thức làm người là nền tảng vững chắc cho những động lực, cố gắng, mục đích và hướng đi. Tôi đặt ra hai mục tiêu dạy con: Dạy con tập được những tính giúp cho cuộc sống hạnh phúc; hướng dẫn con trau dồi bản lãnh đời, để bất cứ gì con làm cũng đạt hiệu quả; phát triển toàn diện khả năng của con, cho dù sống ở đâu, môi trường nào. Nếu con biết sống hạnh phúc, và có ý thức trau dồi bản lãnh đời, bạn đã thành công rồi.
Bạn có thể ngạc nhiên. “Cha mẹ tôi nói tôi thành gia thất thì ông bà mới yên tâm nhắm mắt”. Có bạn cho ý kiến. “Phải xong đại học, có nghề nghiệp mới tạm gọi là yên tâm”. Thước đo thành công của tôi rất khác thước đo truyền thống. Một khi hiểu sâu, sẽ hiểu thành công là đo tâm và đo ý thức. Cho dù thành gia thất, nhưng không hạnh phúc, ly dị mấy hồi! Và dù có việc làm, thời thế thay đổi, bị cho nghỉ việc, bằng đại học cũng chỉ là kỷ niệm.
Mỗi người là một cá thể riêng biệt. Người hạnh phúc là người phát huy được hết khả năng, và sống đời sống mình thích, về vật chất lẫn tinh thần. Cha mẹ nên coi họ như là huấn luyện viên tận tụy, giỏi, và khôn ngoan. Vì khi làm huấn luyện viên, mình có thể cởi ra chiếc áo đầy cảm tính của cha mẹ, để có thể huấn luyện cho con, với kiến thức và phương pháp tốt nhất. Huấn luyện viên cần nhìn thấy cả bầu trời tương lai để cho con phát triển theo khả năng của chúng. Cần biết yếu kém của chính mình, để học hỏi, hay nhờ những người khác chỉ bảo. Tất nhiên cũng không thể quên bản năng làm cha mẹ, khi con mình cần một lời an ủi, một vòng tay ôm, và một chỗ dựa. Ngoài ra, nghề dạy con cũng đòi hỏi đôi khi mình trở thành nhà tâm lý học, để nhìn thấy, phân tích cho chính mình và con mình những tình huống với con mắt khách quan, cái nhìn mở, trái tim đồng cảm, và hành động dứt khoát. Cha mẹ còn nên đóng vai như người “kiến tạo môi trường”, để con mình có không gian cọ sát. Huấn luyện viên tốt luôn tìm hiểu cái hay, phương pháp tốt hơn, tìm môi trường tốt đưa con vào, để con có cơ hội luyện nhân và thân. Đặc biệt, phụ huynh cần có lòng can đảm, để vượt qua chính mình, từ cảm xúc, tự ái, tự ti, tự tôn, và nỗi lo âu ngắn hạn, để đi đúng hướng, nhằm mang lại cho con một tương lai tốt và hạnh phúc nhất.
Một trong những yếu tố cần thiết để dạy con cho tốt là chia sẻ, để cùng học, cùng đi lên. Thế nên, tôi không bao giờ ngần ngại chia sẻ với mọi người. Nhờ thế, tôi học hỏi đúc kết thêm để bồi bổ cho kiến thức của mình. Tôi cảm thấy “nghề làm bố” của mình đã khá, nhìn thấy được thành công bước đầu với hai con trong việc xây dựng căn bản trên nền tảng giáo dục làm người, cho dù các cháu chưa ra đại học, chưa thành gia thất. Con trai cả 20 tuổi đã có thể tự lập tài chính từ ngay khi vào Đại học UC Irvine. Cháu đã thành lập công ty riêng, với mục đích giúp cộng đồng. Con gái thứ hai 18 tuổi nhõng nhẽo hơn. Hiện cháu cũng đang học Đại học UC Berkeley. Hai con bây giờ đều có thể tự bơi, tự kiếm cơ hội và biết mình phải làm gì để tạo hạnh phúc. Anh phụ tiền cho em học. Gia đình quen gắn bó trao đổi trong mọi công chuyện, kể cả chuyện riêng tư. Quan trọng nhất là hai con biết mình yếu hay tốt ở đâu để tiếp tục trau dồi, học từ vấp ngã, và bước lên đi tiếp. Kể từ khi con đi đại học, tôi học hỏi nhiều ở các cháu, và tâm niệm sẽ tiếp tục “Đồng Hành Cùng Con” trên các chặng đường đời, ngay cả sau khi thân thể tôi trở về cát bụi.
…
Mời xem một clip ngắn hai đứa con của tôi