? 1.

Tôi nghĩ đứa trẻ nào cũng có một cái cây của riêng mình, như cô bé Anne tóc đỏ [1] có cây anh đào “đáng yêu đến rạng rỡ”, “nở bung như trải cả lòng mình”. Anne thích đặt tên cho những cái cây, bởi vì theo cô bé, “như vậy chúng có vẻ người hơn”. Cô bé gọi cây anh đào ven hồ là Nữ Hoàng Tuyết, cây phong lữ bên ngoài cửa sổ là Bonny, vì cô cho rằng cái cây sẽ bị tổn thương nếu chỉ gọi nó là “anh đào”, là “phong lữ”. Anne quả là có lý. Chúng ta đều sinh ra với một cái tên. Chúng ta không thích được gọi bằng một danh từ chung!

Tôi cũng có một cái cây của riêng mình, một cái cây gắn với những rung động tuổi thơ trong trẻo. Chẳng biết tên của nó là gì, tôi gọi nó là cây phượng vàng, vì hoa của nó giống như phượng vỹ, nhưng nhỏ hơn và màu vàng. Suốt cả mùa đông, cây phượng vàng trơ trụi trong gió rét, mưa phùn. Đến một ngày, mở cửa sổ ra bỗng thấy rực rỡ một khoảng trời, thế là biết hè về. Dưới gốc phượng vàng, trong những đêm hè oi ả bị cúp điện, dưới bầu trời đầy sao, bố kể cho chị em tôi và lũ trẻ hàng xóm về vũ trụ bao la, trên đó con người có thể bay lơ lửng như chim và nhấc được những chiếc xe tăng trên lòng bàn tay. Lũ trẻ há hốc miệng nghe từng lời bố nói, chưa đứa nào có khái niệm về lực hấp dẫn và sức hút của Trái đất, vì thế câu chuyện của bố nghe ly kỳ như thần thoại.

Những mùa hè ấu thơ của tôi chỉ có nắng vàng và hoa phượng. Lũ trẻ nhặt những bông phượng rụng để chơi đồ hàng, xâu thành chuỗi rồi đeo vào cổ, vào tay làm vòng, đội lên đầu làm công chúa. Tuổi thơ của tôi được bao bọc bởi cỏ cây nhiều hơn là vòng tay cha mẹ. Cha đi công tác xa nhà triền miên, mẹ bận rộn đi làm từ sáng sớm đến chiều tối, tôi và lũ trẻ trong xóm tha thẩn cả ngày ngoài bờ sông, trong những khu vườn hoang trong doanh trại gần nhà. Mồm miệng lúc nào cũng lem nhem vì nhựa mít non, ổi xanh và sung rụng. Bọn trẻ tìm thấy thiên đường cỏ cây của mình dưới những gốc bàng già nua, những vạt cỏ dại… Những ngày hè không bài không vở, lang thang khắp các ngõ hẻm, rủ nhau chọi cỏ gà, thổi ống phốc bằng hạt cây cơm nguội, nhảy ngựa, đuổi bắt trốn tìm…, những trò chơi bây giờ đám trẻ con thành phố không còn chơi nữa. Lũ trẻ xóm cũ giờ phiêu bạt mỗi đứa mỗi nơi. Cây phượng vàng cũng không còn nữa. Chỗ nó đứng ngày xưa giờ mọc lên một tòa nhà cao ngất. Cái cây bị đốn đi, nhưng sắc vàng rực rỡ của nó vẫn còn trong ký ức…

Minh họa (baophapluat.vn)

Mỗi cái cây đều có thể kể cho bạn nghe một câu chuyện. Có những câu chuyện chỉ riêng mình bạn biết. Có những câu chuyện là ký ức chung của nhiều thế hệ, nhiều khu phố, nhiều gia đình… Như trong ký ức của cô bạn gái từng sống ở phố Thợ Nhuộm, có một cây bằng lăng kỳ lạ. Nó đứng ở cuối phố Thợ Nhuộm, gần ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu. Mùa đông năm 1972, một quả bom rơi lạc xuống phố Thợ Nhuộm đã đội nó cùng một mảng lớn vỉa hè lên. Nhưng nó không chết. Bao nhiêu năm qua nó vẫn mê mải ra hoa. Mỗi lần đi qua nhìn nó, lại nghĩ nó giống như một sinh linh, một nhân chứng của những tháng ngày đau thương, khốc liệt.

Mỗi con phố Hà Nội đều có những hàng cây đặc trưng: phố Phan Đình Phùng, phố Trần Hưng Đạo có hàng sấu già, đường Nguyễn Du nồng nàn hương hoa sữa, phố Lý Thường Kiệt có hàng cây cơm nguội, đường Kim Mã tím ngát bằng lăng… Anh bạn lãng tử của tôi bôn ba khắp chốn, mỗi khi trở về Hà Nội lại một mình tha thẩn dưới hàng cây sao đen cổ thụ trên phố Lò Đúc. Anh muốn tìm lại bóng dáng tuổi thơ của mình cùng những rung động đầu đời non nớt, trong trẻo nơi góc phố, hàng cây.

Louis Aragon có hai câu thơ tuyệt hay:

Trên đời này anh đâu cần lắm thứ

Mình em thôi và những cành xanh…

Nếu thiếu những cành xanh, nụ hôn tình nhân sẽ trơ trụi lắm. Nếu đường phố không có những vòm cây xanh, lũ chim và ký ức tuổi thơ sẽ bơ vơ lắm…

 ? 2.

Nếu từ những ô cửa sổ nhìn ra không thấy một cái cây nào, cuộc sống hẳn là sẽ trở nên khó khăn nhiều hơn nữa! Cô bé mồ côi Anne tóc đỏ luôn thấy hạnh phúc bởi bên ngoài cửa sổ phòng cô luôn có một cái cây. Khả năng trò chuyện cùng cây cối của Anne đã khiến cuộc sống của cô bé trở nên đầy màu sắc. Đời sống thiên nhiên và con người là đời sống cộng sinh. Một cái cây hạnh phúc là một cái cây có những đứa trẻ leo trèo, đánh đu trên những cành lá, giống như lũ chim nhảy nhót nô đùa trong những tán cây. Và ngược lại, có rất nhiều bài học mà lũ trẻ tự mày mò trong thiên nhiên cây cỏ.

Minh họa: Unsplash

Khi tự mình chăm sóc một cái cây, vào những lúc khó khăn trong cuộc đời, chúng ta sẽ hiểu điều gì giúp một người sống sót và vươn lên mạnh mẽ. Có lần, tôi đi vắng cả tuần. Khi tôi trở về, mấy chậu cây ngoài ban-công héo lụi. Tôi nghĩ là chúng đã chết nên không tưới nữa, định sẽ đi mua mấy chậu cây mới thay thế. Rồi đột nhiên một sáng thức giấc, tôi nghe mùi hương thơm ngát. Cây quất đã ra hoa. Mùa hoa thứ ba, nhỏ xíu và tinh khiết. Điều gì đã khiến cho những cành lá khẳng khiu, trơ trụi kia sống sót qua nhiều ngày mà không cần được tưới tắm, chăm sóc? Chỉ có thể là nhựa sống từ bên trong và ánh nắng mặt trời của mỗi ngày mới thức dậy. Cây quất của tôi có lẽ cũng giống cái cây trong bài hát “Tree Song” của Evie Karlsson, nó luôn vươn về phía có ánh nắng mặt trời:  

I saw a tree by the riverside one day as I walked along

Straight as an arrow and pointing to the sky growing tall and strong

“How do you grow so tall and strong?”, I said to the riverside tree

This is the song that my tree friend sang to me:

I’ve got roots growing down to the water,

I’ve got leaves growing up to the sunshine,

and the fruit that I bear is a sign of the life in me.

I am shade from the hot summer sundown.

I am nest for the birds of the heavens.

I’m becoming what the Lord of trees has meant me to be:

A strong young tree

(Một ngày, tôi đi dạo và nhìn thấy một cái cây bên bờ sông

Như một mũi tên vươn thẳng lên bầu trời, cao lớn và mạnh mẽ

“Làm thế nào mà bạn vươn cao và mạnh mẽ như vậy?”, tôi hỏi cái cây

Đây là bài hát mà người bạn cây đã hát cho tôi:

Những chiếc rễ của tôi mọc sâu xuống nước

Những chiếc lá của tôi vươn lên trong ánh mặt trời,

và trái cây là dấu hiệu của sự sống trong tôi

Tôi là bóng mát dưới mặt trời mùa hè oi ả

Tôi là tổ của những chú chim trên bầu trời

Tôi đang trở thành một cây non mạnh mẽ)

Không phải cái cây nào cũng có thể lớn lên mạnh mẽ, như “Cây mận” trong bài thơ của Bertolt Brecht, nó còi cọc vì thiếu ánh mặt trời. Bài thơ là triết lý về sự trưởng thành: con người ta chỉ có thể lớn lên mạnh mẽ cùng mưa nắng dãi dầu và những trải nghiệm cuộc đời:

Cây mận ở góc sân/ Khẳng khiu và bé nhỏ/ Không ai dẫm lên nó/ Hàng rào gỗ bao quanh.

Cây mận không thể lớn/ Dù nó muốn vươn cao

Điều giản dị biết bao: Thiếu mặt trời sao lớn?

Cây mận không ra trái/ Nên chẳng ai nhận ra/ Nhưng nhìn những chiếc lá/ Là cây mận đó mà.

 ? 3.

Có một cuốn sách mà tôi rất thích, cuốn “Cây táo yêu thương” (The Giving Tree) của nhà văn người Mỹ Shel Silverstein. Đây là một câu chuyện ngụ ngôn đầy cảm động, chuyển tải thông điệp về tình yêu thương không cần đáp trả. Hạnh phúc của cây táo là được cho đi, cho đến những cành lá cuối cùng. Câu chuyện giản dị của Silverstein chạm đến tâm thức của những-người-lớn-đã-từng-là-đứa-trẻ, khiến họ nhận ra không đâu yên ổn bằng dưới mái nhà của cha mẹ, không đâu có được tình yêu tha thiết, bền bỉ và thuần khiết như tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Cây táo của Shel Silverstein còn nhắc nhở chúng ta về sự cho và nhận. Chúng ta dường như nhận quá nhiều từ thiên nhiên hào phóng mà chưa đền đáp lại gì cho thiên nhiên, thậm chí còn hủy hoại, tàn phá thiên nhiên.

Minh họa: Unsplash

Henry David Thoreau viết: “Sẽ là tội ác nếu gây ra một vết thương không cần thiết cho một cái cây đã từng cho chúng ta hoa trái và bóng mát”. Chúng ta dễ dàng tước đoạt sự sống của cây cối, tạo những vết thương cho chúng, đơn giản vì chúng ta không nghĩ chúng là những sinh linh. Suzanne Simard, nhà sinh thái học người Canada, đã đưa ra những lý thuyết và kết quả thực nghiệm về cách thức cây cối trò chuyện cùng nhau. Theo Suzanne, có vô vàn những “tin nhắn” được cây cối chuyển cho nhau dưới lòng đất và qua những tán lá. Điều quan trọng là chúng ta có đủ thời gian và sự tĩnh tâm để lắng nghe giai điệu và lời thì thầm của những chiếc lá?

Nếu chúng ta biết lắng nghe một cái cây, chúng ta sẽ biết lắng nghe một đứa trẻ. Bởi ngôn ngữ của trẻ nhỏ có lẽ là ngôn ngữ gần gũi nhất với thiên nhiên. Nếu mỗi đứa trẻ đều có một cái cây của riêng mình, chúng sẽ luôn được ôm ấp, an ủi và biết cách trò chuyện. Nếu lũ trẻ biết nâng niu cành lá, chúng sẽ biết nâng niu tâm hồn. Nếu ký ức của mỗi chúng ta đều có một cái cây rủ bóng mát, tâm hồn chúng ta sẽ không cằn cỗi theo tháng năm. Nếu chúng ta từng làm bạn và đặt tên cho một cái cây, chúng ta sẽ không hành xử bạo lực với những đứa trẻ yếu ớt, không có khả năng tự vệ… Tôi đặt ra những giả định này khi đọc trên báo những câu chuyện đau lòng về nạn bạo hành trẻ nhỏ, về những hàng cây cổ thụ chỉ còn trơ gốc sau một đêm… Những cái cây cũng giống như những đứa trẻ, chúng không có khả năng tự vệ trước những nhát rìu và lưỡi cưa…

[1] Nhân vật trong tiểu thuyết “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh (Anne of Green Gables) của L.M.Montgomery.

???