Gần đây, khá nhiều người trong giới nghiên cứu đặt ra quan ngại về chất lượng các bài báo khoa học và quá trình xử lý bản thảo gửi đăng trên các tạp chí của một số nhà xuất bản như MDPI (Multidisciplinary Digital Publishing Institute) hay Growing Science (xem lại 12).

Bài này chia sẻ kinh nghiệm cá nhân tôi trong quá trình bình duyệt các bản thảo bài báo khoa học của MDPI để những ai quan tâm có thêm thông tin về cách thức hoạt động của nhà xuất bản này và một số nhà xuất bản khác theo mô hình truy cập mở (Open Access). Cần nói ngay rằng tôi là người ủng hộ mô hình truy cập mở để tri thức khoa học – tài sản chung của nhân loại – có thể được lan tỏa, chia sẻ rộng rãi, miễn phí tới càng nhiều người càng tốt. Do đó, không có mối liên hệ nào giữa việc ủng hộ hay phê phán một bài báo cụ thể, một tạp chí cụ thể hay một nhà xuất bản cụ thể với việc phản đối hay ủng hộ mô hình Open Access nói chung.

Trong mô hình xuất bản khoa học truyền thống, hoặc với nhiều tạp chí truy cập mở nghiêm túc, quá trình bình duyệt thường diễn ra giữa academic editor, reviewer và các tác giả bài báo. Cả ba đối tượng này đều là những người có chuyên môn khoa học sâu, trao đổi trực tiếp với nhau để đánh giá khách quan chất lượng bản thảo và thảo luận tìm cách nâng cao chất lượng bản thảo trước khi xuất bản. Assitant editor không tham gia hoặc chỉ tham gia rất hạn chế vào quá trình bình duyệt. Với một số nhà xuất bản như MDPI, academic editor, reviewer và các tác giả không còn được trao đổi trực tiếp với nhau nữa mà toàn bộ quá trình bình duyệt đều do Assitant editor của nhà xuất bản chi phối.

Thông thường, các tạp chí mời reviewer bình duyệt bản thảo trong vòng vài tuần để đảm bảo các nhà khoa học có thể sắp xếp công việc, dành đủ thời gian để đọc và đánh giá kỹ bản thảo. Riêng nhà xuất bản MDPI cho reviewer một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều, thường chỉ không quá một tuần để bình duyệt. 

Trong mô hình xuất bản khoa học truyền thống, độc giả phải trả phí (từ vài chục đến hàng trăm USD mỗi bài) mới đọc được nội dung toàn văn các bài báo khoa học khiến cho nhiều người, đặc biệt là các nhà nghiên cứu ở các nước đang phát triển, thu nhập thấp khó tiếp cận với những tri thức khoa học mới nhất. Nhược điểm này của mô hình xuất bản khoa học truyền thống dẫn đến sự ra đời của mô hình truy cập mở, trong đó độc giả có thể đọc miễn phí các bài báo khoa học. Chi phí cho quá trình xuất bản lúc này chuyển sang vai người làm nghiên cứu: các tác giả bài báo trả phí xuất bản một lần (từ hàng trăm đến hàng ngàn USD mỗi bài) cho nhà xuất bản để công trình nghiên cứu của họ được phép truy cập miễn phí ở bất kì nơi nào trên thế giới.

Tuy nhiên, một số nhà xuất bản (thường được gọi là predatory publisher – nhà xuất bản săn mồi) đã lợi dụng mô hình truy cập mở để kinh doanh bằng cách chấp nhận đăng rất nhiều bài báo chất lượng thấp mà không tiến hành bình duyệt hoặc chỉ bình duyệt qua loa để tận thu phí xuất bản của các tác giả. Nhiều tác giả làm việc trong các môi trường nghiên cứu kém minh bạch, thiếu các chuẩn mực khoa học rõ ràng đã i) trở thành nạn nhân của các nhà xuất bản kiểu này do kém hiểu biết, hoặc ii) chủ động tìm đến các nhà xuất bản săn mồi để đăng càng nhiều bài báo càng tốt nhằm mục đích thăng tiến hoặc kiếm tiền thưởng mà không quan tâm đến chất lượng khoa học.    

Bốn tuần trước, tôi vừa bình duyệt một bản thảo (manuscript) cho một trong những tạp chí có hệ số ảnh hưởng (impact factor) cao nhất của MDPI. Tôi đã chỉ ra khoảng 70-80% nội dung của manuscript này đạo văn từ một bài báo khác công bố từ năm 2013 bằng cách lập một bảng dài 22 trang so sánh từng đoạn giống nhau giữa hai bài báo. Việc này tiêu tốn của tôi nhiều ngày bởi cáo buộc đạo văn trong khoa học là cực kỳ nghiêm trọng khiến tôi phải kiểm tra, rà soát, đối chiếu cẩn thận rất nhiều lần. Điều đáng nói là cả academic editor (biên tập viên khoa học), assistant editor (trợ lý biên tập), lẫn các reviewer khác đều không ai phát hiện ra chuyện đạo văn hết sức rõ ràng này.

Với các tạp chí khác mà tôi từng làm reviewer, một bản thảo có tới ¾ nội dung đạo văn như vậy chắc chắn đã bị từ chối (reject) ngay lập tức mà không có cơ hội gửi đi review để không phí thời gian của cả reviewer lẫn editor.

So sánh đề mục giữa hai bản thảo. Bên phải là bài báo đã xuất bản từ năm 2013. Bên trái là bản thảo đạo văn.

Phần review của tôi gửi đi ngày 19-7-2020. Đến tận 13-8-2020, tức là gần một tháng sau, assistant editor mới thông báo bản thảo bị reject. Trong khi MDPI chỉ cho reviewer đúng một tuần để bình duyệt và liên tục nhắc deadline thì một bản thảo đạo văn rõ ràng tới 70-80% lại không bị reject với tốc độ tương đương. Một điểm cần nhắc đến là với các tạp chí của MDPI, reviewer chỉ liên lạc, trao đổi với assistant editor chứ không hề biết academic editor là ai. Cách làm này có thể khiến assistant editor, nhân viên do MDPI trả lương, vốn chỉ là một người hỗ trợ xử lý các thủ tục hành chính, có quyền can thiệp và quyết định rất nhiều vào quá trình bình duyệt và xuất bản bài báo, cả theo hướng tích cực (tăng tốc quá trình bình duyệt) lẫn tiêu cực (biến academic editor thành công cụ hay bù nhìn).

Minh họa mô hình hoạt động của MDPI trong đó Assistant editor – một nhân viên do nhà xuất bản trả lương – có thể can thiệp và lũng đoạn quá trình bình duyệt bài báo khoa học

—————

 

Trong mô hình xuất bản khoa học truyền thống, hoặc với nhiều tạp chí truy cập mở nghiêm túc, quá trình bình duyệt thường diễn ra giữa academic editor, reviewer và các tác giả bài báo. Cả ba đối tượng này đều là những người có chuyên môn khoa học sâu, trao đổi trực tiếp với nhau để đánh giá khách quan chất lượng bản thảo và thảo luận tìm cách nâng cao chất lượng bản thảo trước khi xuất bản. Assitant editor không tham gia hoặc chỉ tham gia rất hạn chế vào quá trình bình duyệt. Với một số nhà xuất bản như MDPI, academic editor, reviewer và các tác giả không còn được trao đổi trực tiếp với nhau nữa mà toàn bộ quá trình bình duyệt đều do Assitant editor của nhà xuất bản chi phối.

Thông thường, các tạp chí mời reviewer bình duyệt bản thảo trong vòng vài tuần để đảm bảo các nhà khoa học có thể sắp xếp công việc, dành đủ thời gian để đọc và đánh giá kỹ bản thảo. Riêng nhà xuất bản MDPI cho reviewer một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều, thường chỉ không quá một tuần để bình duyệt. 

Kinh nghiệm bình duyệt này của tôi khá tương đồng với trải nghiệm của nhiều reviewer khác khi họ cho biết dù đã khuyến cáo reject nhưng bản thảo sau đó vẫn được MDPI chấp nhận công bố. Sự khác biệt chính nằm ở chỗ với bản thảo tôi vừa review, lý do reject (đạo văn, chứ không phải nội dung khoa học) là gần như không thể tranh cãi. Thế nhưng MDPI, mà cụ thể là assistant editor, dường như đã trì hoãn việc reject và tìm cách cứu vãn một bản thảo đạo văn.

Câu chuyện này đặt ra một số vấn đề:

1/ Quy trình sàng lọc bản thảo của MDPI có lỗ hổng lớn: các bản thảo có lẽ đã không được kiểm tra đạo văn – một việc làm thường quy và bắt buộc ở các nhà xuất bản khác – trước khi gửi đi bình duyệt.

2/ Assistant editor, từ vị trí nhân viên hưởng lương của MDPI để hỗ trợ academic editor xử lý các sự vụ hành chính trong quá trình bình duyệt và xuất bản, có thể can thiệp và lũng đoạn các quá trình này, làm giảm vai trò của academic editor và reviewer, những người có thẩm quyền khoa học và phục vụ miễn phí cho MDPI.

3/ Dường như MDPI có xu hướng tìm cách xuất bản càng nhiều bài báo càng tốt, coi trọng số lượng hơn chất lượng, mà động cơ tương đối rõ ràng là để tận thu phí xử lý bản thảo (dao động từ 1.100 đến 2.500 USD).

Dù sao, đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân trong một trường hợp cụ thể để mọi người có thêm thông tin về cách thức hoạt động của MDPI. Kinh nghiệm này không có hàm ý rằng tất cả các tạp chí hay mọi bài báo của MDPI đều tồi tệ. Xin nhắc lại rằng trường hợp này xảy ra với Pharmaceutics, một trong những tạp chí có impact factor (4,421) cao nhất của MDPI với ban biên tập gồm nhiều người uy tín trong ngành của tôi.