Lee Kun-hee, 1942-2020: Đập nát để xây lại!
Được xem là một trong những huyền thoại lịch sử doanh nhân châu Á, Lee Kun-hee đã xây dựng nên đế chế khổng lồ Samsung. Khi tiếp nhận tập đoàn sau khi bố mất năm 1987, nhiều người vẫn không tin Lee Kun-hee có thể làm được chuyện gì lớn lao. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, khi từ trần ngày 25-10-2020 ở tuổi 78, Lee Kun-hee đã để lại một tập đoàn không chỉ vang danh châu Á mà cả thế giới…
Đập phá và tái dựng
Theo lệnh chủ tịch Lee Kun-hee, 2.000 công nhân nhà máy Gumi thuộc tập đoàn điện tử Samsung đều quấn băng đỏ ghi “Chất lượng là hàng đầu”. Họ tập trung đầy đủ tại sân nhà máy. Trước mặt là đống điện thoại di động, máy fax và nhiều thiết bị điện tử trị giá tổng cộng gần 50 triệu USD. Chủ tịch Lee cùng ban giám đốc đứng cạnh, gần tấm băngrôn ghi “Chất lượng là kiêu hãnh của tôi”. Thế rồi, 10 công nhân cầm búa bắt đầu đập nát đống thiết bị và quẳng vào lửa. Quang cảnh càng đậm màu bi kịch khi hàng loạt công nhân bật khóc. Chuyện này xảy ra sau khi Lee tặng một số bạn hữu điện thoại di động Samsung sản xuất tại Gumi nhân dịp Tết 1995 nhưng điện thoại không dùng được. Và đó là một trong câu chuyện về Lee Kun-hee, người xây dựng cực kỳ thành công một thế giới hàng điện tử chất lượng cao đã và tiếp tục chinh phục toàn cầu.
Màn đập phá là phong cách tiêu biểu của Lee Kun-hee. Cuối thập niên 1990, Lee Kun-hee sa thải hàng ngàn công nhân và xây nhà máy tại những nước có nguồn nhân lực rẻ. Tiếp đó, Lee bỏ hàng tỉ đôla vào các nhà máy chuyên sản xuất bộ nhớ và màn hình tinh thể lỏng. Chính sách đầu tư mang tính cá cược và nhiều may rủi (thời điểm đó) bây giờ đã cho thấy tầm nhìn Lee Kun-hee là không sai, khi các kỹ thuật này hiện kích thích một thế hệ mới thiết bị điện tử sinh hoạt trong đó có điện thoại di động, máy quay video, máy nghe nhạc, tivi độ phân giải cao…
Samsung (có nghĩa “Ba ngôi sao” – số ba được xem là số may mắn trong văn hóa Hàn Quốc) hiện bành trướng nhiều lĩnh vực. Không chỉ Samsung Eletronics (sản xuất điện tử), còn có Samsung Securities (chứng khoán), Samsung Life Insurance (bảo hiểm), Samsung Petrochemicals (hóa dầu), Samsung Heavy Industries (công nghiệp nặng), Samsung Engineering (cơ khí máy móc) và thậm chí công viên chủ đề Samsung Everland. Samsung Electronics nằm gần Samsung Life Insurance, trong tòa nhà cao tầng ở đại lộ gần Namdaemun, nhưng nơi điều khiển nó lại nằm ở một tòa biệt thự cách vài dặm, khuất trên sườn núi Namsan. Lee Kun-hee sống tại đó.
Sản phẩm tiêu dùng và linh hồn dân tộc
Samsung được bố của Lee Kun-hee (ông Lee Byung-chul) thành lập cuối thập niên 1930, chuyên xuất khẩu trái cây và cá khô. Thập niên 1960-1970, Samsung tham gia công nghiệp xây dựng, trở thành một trong những nhà thầu chủ lực cho các công trình nhà nước. Tiếp đó, Samsung nhảy vào công nghiệp đóng tàu, hóa dầu, cơ khí nặng…
Sinh ngày 9-1-1942, Lee Kun-hee thời thanh niên là cậu công tử nổi tiếng ăn chơi và chỉ quan tâm doanh nghiệp gia đình sau khi bố mất năm 1987. Tốt nghiệp kinh tế Đại học Wasada (Nhật) và học thạc sĩ kinh thương Đại học George Washington (Mỹ), Lee Kun-hee bắt đầu lập chiến lược phát triển công ty, nhấn mạnh chính sách không cạnh tranh bằng giá mà bằng chất lượng và thiết kế. Từng bôn ba nhiều nơi, Lee nhận thấy điều đầu tiên khiến khách hàng để ý sản phẩm luôn là thiết kế bắt mắt.
Phác thảo xong nền tảng cho “triết lý thiết kế”, Lee thuê một nhà tư vấn Nhật để nghiên cứu bài học thành công từ các công ty Nhật. Nhà tư vấn đã nhấn mạnh đến ý tưởng rằng sản phẩm Samsung nhất thiết phải tạo ra phong cách Hàn Quốc hay nói rõ hơn là đem lại một cá tính Hàn Quốc. Làm thế nào đưa ra thị trường thế giới một “cá tính Hàn Quốc”, trong khi văn hóa Hàn Quốc chịu ảnh hưởng sâu sắc trong giai đoạn Nhật đô hộ từ 1905-1945, khiến ngôn ngữ bị lấn át, cung đình bị tàn phá và công dân phải dùng tên Phù Tang? Tuy nhiên, nhà tư vấn vẫn nói rằng tương lai Samsung nằm ở phác họa và sự thể hiện cụ thể “cá tính Hàn Quốc” trong sản phẩm của họ.
Từ đó, Samsung thực hiện chiến dịch tìm kiếm những địa điểm và vật thể tượng trưng cho linh hồn Triều Tiên. Một trong những nơi đầu tiên được Lee chọn là Seokguram, vùng núi hẻo lánh nơi có tượng Phật thế kỷ thứ 8. Lee cũng tung ra khẩu hiệu “Cân bằng lý trí và tình cảm” để bày tỏ triết lý thiết kế của Samsung. “(Sản phẩm) phải đặc thù phương Đông, không đen-trắng mà phải là sự cân bằng” – giải thích của Song Hyun-joo, giám đốc điều hành phụ trách thiết kế – “Có nghĩa chúng tôi phải đáp ứng nhu cầu cảm xúc của khách hàng với giải pháp kỹ thuật mà chúng tôi có”.
Một lần (năm 1993), ông triệu tập 150 viên chức điều hành cấp cao đến khách sạn hạng sang Kempinski tại Đức, yêu cầu tất cả đến bằng vé máy bay hạng nhất. 8g tối, Lee thực hiện buổi nói chuyện, kéo dài liên tục hơn 7 giờ và thậm chí “không vào phòng vệ sinh”. Lee nói đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cuối thế kỷ, ở thời điểm mà mọi việc đều có vẻ suôn sẻ. Do vậy, nhiều người không hiểu được hết ý cũng như khả năng dự báo của Lee. Trong buổi gặp khác, tổ chức tại Los Angeles, Lee đưa 1.000 USD cho mỗi trong 24 viên chức điều hành, yêu cầu họ mua món hàng điện tử cao cấp để dùng và so sánh với sản phẩm Samsung. Mục tiêu Lee là tái dựng Samsung với tấm gương thành công Sony. Trong phân xưởng sản xuất, Lee yêu cầu nhân viên sử dụng sản phẩm Sony cùng lúc với hàng Samsung nhằm so sánh khác biệt về kỹ thuật cũng như thiết kế. Lee gọi chiến dịch cải tổ trên là Sáng kiến quản lý mới.
Trong diễn văn Tết 1996, Lee Kun-hee tuyên bố đó là “năm thiết kế”, nhấn mạnh đến ý nghĩa rộng nhất của khái niệm thiết kế, tức không chỉ ngồi trong phòng lab vẽ kiểu hợp thời trang mà phải đi ra ngoài nghiên cứu. Thế là các nhà thiết kế Samsung được cử đi khắp nơi, quan sát không chỉ phong cách thiết kế nghệ thuật Phục hưng của kinh đô ánh sáng Paris mà cả họa tiết hoa văn tại kim tự tháp Ai Cập. Mọi việc đang ở giai đoạn khởi sự thì cơn khủng hoảng tài chính châu Á 1997 bùng nổ. Samsung sa thải 30% nhân công (khoảng 24.000 người) và dời nhà máy sang nhiều nước có giá lao động rẻ (Trung Quốc, Malaysia, Mexico, Brazil, Hungary, Slovakia…). Dù thế, giấc mơ chinh phục thế giới của Lee Kun-hee vẫn không tàn. Ông tiếp tục yêu cầu nghiên cứu tiên phong về SDRAM (bộ nhớ siêu nhanh dùng cho máy tính cá nhân).
Không chỉ sản xuất mà còn phải biết “bán hàng”
Cuối năm 1998, Samsung bắt đầu đổ vốn vào công nghệ kỹ thuật cao. Yun Jong-yong (nắm ghế tổng giám đốc điều hành từ năm 1997 đến nay) tiến hành chiến dịch chuyển từ cơ chế tập trung sản xuất sang cơ chế chi phối thị trường, có nghĩa Samsung phải tập trung mạnh hơn vào tiếp thị và nghiên cứu tâm lý thị trường (tung ra các nhóm nhỏ, cải trang và trà trộn vào xã hội để ghi nhận ý kiến người tiêu dùng). Yun Jong-yong thậm chí thuê Eric Kim (gốc Mỹ) về làm chuyên gia tiếp thị. Ở một nơi nặng truyền thống dân tộc như Hàn Quốc, sự có mặt của người nước ngoài Eric Kim đã tạo ra bất đồng trong bộ máy điều hành Samsung, và mọi việc chỉ êm xuôi khi Yun Jong-yong tuyên bố “bất cứ ai cản trở Eric Kim đều phải chết!”.
Lee Kun-hee và vợ (bà Ra-Hee Hong) – CNN
Đầu thập niên 2000, uy tín Lee Kun-hee trong làng quản trị doanh nghiệp thế giới không còn gì để tranh cãi. Tháng 10-2003, (nguyên) tổng giám đốc điều hành Sony Nobuyuki Idei đề nghị hợp tác Samsung trong sản xuất màn hình tinh thể lỏng; đồng thời áp dụng chính sách tinh giảm biên chế cũng như dời nhà máy ra nước ngoài – điều mà Samsung từng làm. Cuối cùng, cậu học trò Hàn Quốc đã dạy được một bài học lớn cho ông thầy Nhật Bản. Hơn nữa, nói đến Samsung như một anh kỹ sư chế tạo sản phẩm bắt mắt thì cũng chẳng có gì nhiều để nể phục. Vấn đề cần nhấn mạnh là tầm nhìn, như một nhà hoạch định chiến lược, không chỉ cho doanh lợi công ty mà còn cho hưng thịnh đất nước. Lee Kun-hee đã khơi dậy tinh thần dân tộc Hàn Quốc, không chỉ (rằng) “người Hàn dùng hàng hóa Hàn” mà còn (là) “người Hàn tự hào về sản phẩm Hàn”!
Lee Kun-hee từng nói: “Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con bạn”. Sự thay đổi và đổi mới liên tục trong Samsung đã đem lại thành tích ngoạn mục như ngày nay. Tự hào Samsung có những bộ não tinh túy nhất Hàn Quốc, Lee nhấn mạnh: “Một thiên tài có thể nuôi sống hàng triệu người khác. Trong kỷ nguyên sắp tới, khi sáng tạo là động lực quan trọng nhất cho thành công doanh nghiệp, chúng tôi sẽ thu hút những người tài năng nhất. Giá trị kinh tế của một thiên tài là hơn 1 tỉ USD… Thế giới doanh nghiệp đang thay đổi sâu sắc. Thật khó đoán ngành nào sẽ phát triển và đem lại vận hội trong tương lai. Nhưng nếu sử dụng những người tinh hoa nhất, bạn sẽ giải quyết được bất cứ vấn đề gì của tương lai”. |
Không như nhiều trùm chaebol, Lee hiếm khi xuất hiện trước công chúng cùng các chính khách. Không thường ghé trụ sở công ty, Lee sống khá khép kín với đam mê sưu tập xe hơi lạ, chó Bắc Kinh và tác phẩm nghệ thuật. Giữ ghế chủ tịch Samsung Group từ 1987-1998; chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Samsung Electronics từ 1998-2008; chủ tịch Samsung Electronics từ 2010 cho đến khi từ trần, Lee Kun Hee từng được báo chí Hàn Quốc gọi là “tổng thống về kinh tế của Hàn Quốc”. Nếu không kể những scandal từng chấn động Hàn Quốc trong đó có việc hối lộ giới chính trị gia cùng các cáo buộc trốn thuế, Lee Kun-hee thật sự là doanh nhân đáng nể, với dấu ấn đặc biệt có thể được xem như là một huyền thoại.
******
Đọc thêm:
Cái chết bi thảm của con gái chủ tịch Samsung
Thoạt đầu, người ta loan tin cô con gái út của Chủ tịch Samsung Lee Kun-Hee – Lee Yoon-Hyung – chết bởi tai nạn xe nhưng sau đó báo chí cho biết Lee Yoon-Hyung từ trần bởi tự tử. Nguyên nhân: vì một cuộc tình bất thành…
Thứ bảy 26-11-2005, hãng tin Yonhap là nơi đầu tiên đưa tin Lee Yoon-Hyung chết bằng cách treo cổ. Theo Yonhap, Lee Yoon-Hyung 26 tuổi – sinh viên Đại học New York – được tìm thấy trong căn hộ gần trường đại học mình ở Manhattan (New York) vào đêm 18-11-2005. Mới đến Đại học New York vào tháng 9, “thiên kim tiểu thư” nhà Lee đã tìm đến cái chết do bất mãn việc bất thành trong cuộc tình. Gia đình đã phản đối quyết liệt việc cô giao du với một thanh niên không môn đăng hộ đối. Chuyện tình Lee Yoon-Hyung từng là đề tài báo chí Hàn Quốc. Lee Yoon-Hyung là một trong 5 phụ nữ giàu nhất Hàn Quốc (cùng mẹ và hai cô chị) với tài sản riêng khoảng 200 tỉ won (chừng 192 triệu USD).
Thoạt đầu, Samsung loan báo Lee Yoon-Hyung chết vào sáng 19-11-2005 do “tai nạn giao thông”. Ai đụng Lee Yoon-Hyung hoặc Lee Yoon-Hyung gặp tai nạn trong tình huống nào tất nhiên không được nói rõ. Báo chí Hàn Quốc bắt đầu nghi ngờ. Tờ Korea Times cử ba phóng viên sang New York điều tra. Thi hài Lee Yoon-Hyung được thiêu trong một lễ tang theo nghi thức Phật giáo tại New York vào ngày 22-11-2005. Đám tang Lee Yoon-Hyung có sự hiện diện của vài thành viên gia đình trong đó có người anh Lee Jae-Yong, hai người chị Lee Bu-Jin và Lee Seo-Hyun. Bố Lee Kun-Hee và mẹ Hong Ra-Hee có mặt ở New York nhưng không dự đám tang. Theo phong tục Hàn Quốc, cha mẹ không được dự đám tang nếu con họ chết khi chưa lập gia đình.
Trong gia đình, Lee Yoon-Hyung là người có lối sống cởi mở hơn cả. Năm 2004, cô tốt nghiệp Đại học phụ nữ Ewha với bằng văn chương Pháp. Theo một số bản tin chi tiết hơn, thi thể Lee Yoon-Hyung được chính bạn trai cô (Soobin Shin) cùng một người bạn khác tìm thấy lúc 3g sáng khi đến căn hộ cô. Lee Yoon-Hyung treo cổ bằng dây điện. Cuối cùng, phát ngôn viên Samsung, Yim Joon-seok, đã thừa nhận ngày 26-11 rằng Lee Yoon-Hyung tự tử nhưng không cung cấp bất kỳ chi tiết nào khác.