Thế giới vẫn tiếp tục khổ vì rác và nỗi khổ này càng tăng dần với sự bành trướng không kiểm soát của những bãi rác. BusinessWeek cho biết chỉ riêng Mỹ, mỗi năm nước này thải ra 220 triệu tấn rác. Một nghiên cứu của Cơ quan môi trường Hoa Kỳ (EPA) cho biết lượng rác thải tại Mỹ tương đương hơn 82.000 sân bóng đá được chôn lèn sâu 1,82m. Tính toàn cầu, lượng rác thải lên đến 1 tỷ tấn mỗi năm (hơn 400.000 sân bóng đá). “Đối phó” như thế nào với rác là câu chuyện thời sự bức xúc với tất cả quốc gia…

Trời ơi, rác!

Rác có mặt khắp nơi. Tại bãi Nezahualcoyotl (Mexico City), người ta đổ đến 12.000 tấn mỗi ngày và bãi rác duy nhất của thành phố này đã “quá tải” nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa biết xử lý thế nào. Bãi rác Lão Cảng 410 hecta thuộc Phố Đông tân khu ở Thượng Hải (một trong những bãi rác thải lớn nhất Trung Quốc và là bãi ủ khí thải ô nhiễm nhất châu Á) cũng chứa lượng rác tương đương. Phóng sự gần đây của tuần báo Anh The Economist cho biết, suốt vòng cung duyên hải Thái Bình Dương từ Hawaii đến California hàng ngàn dặm gần như chẳng thấy gì, không đảo xanh, không bãi neo tàu, không bóng người, chỉ thấy mỗi bầu trời xanh trong vắt, biển chập chùng và… “mênh mông” rác! Tại vài địa điểm, người ta thấy ước chừng cả triệu rác plastic mỗi km2, nhiều gấp 112 lần phiêu sinh vật!

Rác trên đường phố Kathmandu, Nepal (ảnh: Kathmandu Post)

Điều đó có nghĩa thế giới có khoảng 100 triệu tấn rác nổi chưa được tính đến và lượng chất thải này được bồi dày thêm mỗi ngày; và điều đó cũng có nghĩa rác không chỉ đồng hành với cuộc sống tại bất kỳ đâu có người mà cũng hiện diện ở những nơi không người! Không chỉ ở mặt đất, bầu trời bây giờ cũng đầy rác (trở thành nguyên nhân gây hỏng một vệ tinh Mỹ vào giữa tháng 2-2009). Nhà leo núi Nhật Ken Noguchi kể thêm rằng mình từng gom 9 tấn rác trên những sườn núi trong 5 lần dọn vệ sinh ngọn Everest… Tính trung bình, người phương Tây thải ra 500kg rác mỗi năm. Rác là vấn đề trọng đại, xét ở góc độ nào đó, nhưng sự quan tâm đến nó vẫn còn bỏ ngỏ nhiều nơi. Và nói đến rác, còn phải hiểu là nó không chỉ hôi thối. Rác sinh ra nhiều hóa chất hại cho đất và nguồn nước khi nó được chôn; cho không khí khi nó được đốt. Rác chiếm gần 4% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính (chủ yếu từ khí methane, có khả năng tạo ra hiệu ứng nhà kính gấp 21 lần so với CO2). Giải quyết rác là vấn đề tốn kém. Các nước giàu chi khoảng 120 tỷ USD/năm để đổ rác cộng đồng và thêm 150 tỷ USD cho rác công nghiệp – theo Viện nghiên cứu Pháp CyclOpe. Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil chỉ mới chi khoảng 5 tỷ USD/năm cho thu gom và xử lý rác thải cộng đồng.

Ý tưởng “quản lý” rác là một khái niệm tương đối mới dù trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, con người luôn “thao thức” với chuyện đổ rác và giữ gìn vệ sinh chung. Năm 1552, bố của kịch tác gia William Shakespeare từng bị phạt một shilling tội đổ phân ra đường thay vì mang đến điểm thải qui định. Tại Mỹ, Benjamin Franklin không chỉ được biết đến với vai trò lịch sử là một trong những người sáng lập nước Mỹ hiện đại mà còn là người lập ra dịch vụ dọn rác đường phố đầu tiên của nước này, tại Philadelphia năm 1757.

Với một số nước, họ có thể an tâm với “hệ thống” bãi rác hiện tại. Mỹ chẳng hạn, những bãi chứa hiện thời có thể giải quyết vấn đề rác nước Mỹ trong hai thập niên nữa (bãi Fresh Kills tại New York rộng đến 12km2 được xem là hạ tầng xây dựng nhân tạo lớn nhất thế giới, to hơn cả các kim tự tháp Ai Cập). Tuy nhiên, với những nước đất chật người đông như Trung Quốc và Singapore hoặc đầy đồi núi như Nhật, việc tìm đất trống để chứa rác là chuyện không đơn giản. Trong khi đó, việc chôn rác vẫn chưa là giải pháp hoàn hảo bởi khả năng gây ô nhiễm cao, tương tự phương pháp đốt (nitrogen sulphur trong khói là nguyên nhân gây mưa acid, và các phân tử mụi khói là thủ phạm tàn phá hệ hô hấp; chưa kể các hóa chất độc hại khác chẳng hạn dioxin furan – những chất gây ung thư và làm hỏng hệ thần kinh cũng như hệ miễn dịch).

Rác ở Trung Quốc (AFP/Getty Images)

Thập niên 1960-1970, loạt sự cố liên quan rác thải đã buộc chính phủ các nước giàu nhìn rác bằng cặp mắt khác. Tại Nhật, việc thải hóa chất chứa thủy ngân vào vịnh Minamata thập niên 1950 đã làm thiệt mạng cả ngàn người và khiến 10.000 nạn nhân khác bị bệnh. Tại Mỹ, thập niên 1950, một cộng đồng cư dân ở Niagara Falls vô tình dựng nhà tại địa điểm từng là nơi đổ chất thải (21.000 tấn) từ nhà máy hóa chất Hooker Chemical đã chứng kiến loạt sự cố, từ quái thai đến sảy thai, khiến cuối cùng chính quyền phải dời toàn bộ 800 gia đình sang nơi ở mới. Kể từ đó, luật xử lý rác thải tại các nước phương Tây bắt đầu chặt chẽ hơn.

Một “thái độ đối xử” khác với rác

Quản lý rác không đơn giản. Trong không ít trường hợp, nó không chỉ không hiệu quả mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường không chỉ nước sở tại mà cả nhiều phần thế giới! Trong phóng sự trên New York Times, cây bút Keith Bradsher cho biết chương trình thiêu hủy rác của Trung Quốc (nơi đã qua mặt Mỹ trở thành quốc gia có nguồn rác thải lớn nhất thế giới) với những lò thiêu khổng lồ đang là trở thành nguồn gây ô nhiễm toàn cầu, tống ra nhiều hóa chất độc hại từ dioxin đến thủy ngân. Quan sát vệ tinh cho thấy hóa chất độc hại được “phóng thích” từ vô số lò thiêu rác Trung Quốc đã “trôi nổi” sang tận Mỹ.

Theo Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne thuộc Đại học Washington, 1/6 thủy ngân rơi xuống các con hồ Bắc Mỹ đều có nguồn gốc từ châu Á, đặc biệt Trung Quốc, chủ yếu từ các nhà máy than cũng như lò thiêu rác. Năm 2005, Ngân hàng Thế giới (WB) từng cảnh báo nếu Trung Quốc tiếp tục tăng tốc xây lò thiêu rác mà không theo chuẩn kỹ thuật giám sát nghiêm nhặt, nồng độ dioxin trên thế giới sẽ tăng gấp đôi! Tro cũng là vấn đề nữa từ những lò thiêu rác Trung Quốc. Theo viên kỹ sư chính của lò thiêu rác Bảo An tại Thâm Quyến, tro rác được chôn trong một hố “đặc biệt” chuyên xử lý chất thải. Tuy nhiên, một bài viết của giáo sư Niếp Vĩnh Phong (Nie Yongfeng) thuộc Đại học Thanh Hoa ghi nhận rằng hầu hết bãi chứa đều không còn đủ chỗ cho tro vì thế tro được tống bừa theo kiểu “tiện đâu đổ đó”.

Các thùng rác phân loại tại Nhật (ảnh: Elmimmo)

Khoa học là chìa khóa của vấn đề rác. Tại Mỹ, Waste Management, nhà “thầu rác” lớn nhất nước này, hiện thử nghiệm kỹ thuật lò phản ứng sinh học, được thiết kế để tăng tốc độ phân hủy rác. Một kỹ thuật nữa là “thủy phân enzym” (dùng enzym để phá vỡ những phân tử phức tạp thành phân tử đường để ethnol có thể được lên men). Nếu kỹ thuật này được ứng dụng thành công, những bãi rác có thể biến thành nguồn năng lượng khổng lồ. Đến trước năm 2030, Mỹ nỗ lực đạt mục tiêu sản xuất 5% điện năng từ rác, 20% nhiên liệu giao thông và 25% hóa chất. Nhiều kỹ thuật khác cũng đang được nghiên cứu, trong đó có công nghệ khử trùng (autoclaving), khí hóa (gasification), nhiệt phân (pyrolysis)… Tuy nhiên, cốt lõi vấn đề vẫn nằm ở chỗ ý thức, từ việc hạn chế thải rác đến việc tái chế.

San Francisco hiện là một trong những thành phố hàng đầu thế giới về tái sử dụng rác thải (chỉ tống 30% ra bãi chứa). Điều này được thực hiện bằng cách yêu cầu người dân tự phân loại rác. Tính toàn nước Mỹ, phương pháp tương tự đã giúp tăng tỷ lệ tái sinh rác lên gấp đôi từ năm 1995-2005, tức 32% rác thải (trong cùng thời gian, châu Âu tăng từ 22% lên 41%). Cùng lúc, người ta cũng kêu gọi hạn chế thải rác. Ngôi làng nhỏ Sieben Linden thuộc Đông Đức cũ đang được xem là một trong những hình mẫu. Dân làng này sống với mục tiêu xanh bằng cách tự cung tự cấp (tự trồng lúa, cây ăn quả…) và đặc biệt hạn chế tối đa thải rác. Họ chia nhau xài chung máy giặt và xe hơi. Trước khi mua sản phẩm nào đó, họ viết lên tấm bảng sinh hoạt cộng đồng, hỏi rằng ai trong làng có không để họ mượn. Tất cả vật không dùng trong gia đình cũng được ghi tại tấm bảng để ai đó biết mà mượn khi cần. Nhờ cách sống như vậy, rác gần như không hiện diện ở Sieben Linden… Tất nhiên với nhiều thành phố, việc trở về với thiên nhiên và “hoang dã hóa đời sống đô thị” là điều bất khả đến nực cười. Dù vậy, người ta vẫn tìm cách này cách kia để hạn chế thải rác.

Cách dễ nhất là tính phí cao và kéo dài thời gian gom rác định kỳ. 36 bang tại Mỹ áp dụng tính phí cho việc thải lốp xe (một trong những loại rác thải gần như không thể phân hủy nếu không được tái chế); trong khi một số bang khác tính phí thu gom màn hình máy tính và tivi cũ. Tại nhiều nơi ở Anh, công nhân gom rác chỉ đến mỗi tuần một lần. Ở Đài Loan, người dân phải tự mang thùng ra xe tải đổ rác. Châu Âu, châu Mỹ và thậm chí châu Á, kế hoạch “trả-khi-xả” (pay-as-you-throw) cũng được áp dụng (1/4 người Mỹ sống ở các cộng đồng thành thị đang theo chương trình này). Giới sản xuất cũng được khuyến cáo đưa ra sản phẩm “thân thiện” hơn với môi trường. Trong thực tế, lon nhôm nước ngọt hiện chỉ dày bằng ½ so với thập niên 1960.

Tại Anh, Cơ quan quản lý rác WRAP (Waste and Resources Action Programme) yêu cầu tất cả siêu thị và nhà cung cấp thực phẩm nước này tình nguyện cam kết hạn chế gói hàng. Nhiều nơi, từ San Francisco đến vương quốc Bhutan, hiện người ta cấm tiệt hoặc hạn chế nghiêm khắc sử dụng bao xốp; và tại Liên minh châu Âu, nhà sản xuất xe hơi còn được yêu cầu có trách nhiệm thu gom xe cũ (cho tái chế hoặc tái sử dụng 80% thành phần xe – tính theo trọng lượng).

Rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (ảnh: Tuổi Trẻ)

Việt Nam tất nhiên cũng khổ lên khổ xuống vì rác. Tờ Môi trường Đô thị (3-8-2020) cho biết vấn đề rác thải nhựa đang là nỗi “nhức nhối” nghiêm trọng. Mỗi tháng, mỗi gia đình sử dụng đến một kg túi nylon. Tính theo tỷ lệ thì Việt Nam đang ở thứ hạng có “số má” về rác thải nhựa: trong khi mỗi năm thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa thì chỉ riêng Việt Nam đã “đóng góp” 1,8 triệu tấn! Thống kê của Tổng cục Môi trường cho biết, chỉ riêng Sài Gòn, mỗi ngày lại phát sinh thêm 13.000 tấn rác thải, trong đó có 8.300 tấn rác thải sinh hoạt, 1.500 – 2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200 – 1.600 tấn rác xây dựng, 22 tấn rác thải y tế và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại. Rác và mùi hôi thối đến giờ vẫn là cuộc khủng hoảng đầy ám ảnh đối với “hệ khứu giác” của cư dân quận 7, đặc biệt khu Phú Mỹ Hưng. Còn trên địa bàn thành phố Hà Nội, tổng khối lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 6.500 tấn/ngày!