Lá bài “tham nhũng địa chiến lược” của Trung Quốc
Tham nhũng từ lâu là tai họa ở một số nước Mỹ Latin. Tham nhũng ở Mỹ Latin thậm chí đã trở thành truyền thống, lan rộng từ trung ương xuống địa phương. Nó là căn bệnh di căn tại nơi mà các ông trùm ma túy luôn sống khỏe khi họ được hưởng lợi từ các giao dịch hối lộ tinh ranh. Một báo cáo năm 2022 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho thấy 27 trong 30 quốc gia ở châu Mỹ Latin và Caribe có mức độ tham nhũng trì trệ và không hề được cải thiện trong những năm gần đây.
Và hai thập niên qua, một hình thức tham nhũng mới đã xuất hiện ở các quốc gia trong khu vực, một hiện tượng được gọi là “tham nhũng địa chiến lược” (“geostrategic corruption”). Nó được đặc trưng bởi các quốc gia bên ngoài sử dụng các phương pháp tham nhũng – hợp đồng không đấu thầu, thỏa thuận tài chính nội gián, quan hệ đặc biệt với những người nắm quyền – để trở thành các bên liên quan trong nhiều khía cạnh của chính trị, kinh tế và xã hội của một quốc gia. Trung Quốc là tay tổ trong trò này.
Trung Quốc và trò “đấm mõm” giới chức Mỹ Latin
Tham nhũng địa chiến lược được xây dựng trên các mô hình phổ biến truyền thống của hoạt động bảo trợ. Nói cách khác, nó chẳng khác gì hoạt động bảo kê trong giới giang hồ. Đặc biệt ở Mỹ Latin, sự phát triển của các băng đảng ma túy kể từ những năm 1980 đã dẫn đến “tham nhũng ma túy”, trong đó cảnh sát và quan chức địa phương cấu kết với các băng đảng có tổ chức, những băng đảng này có thể “mua sự bảo vệ” để khỏi bị truy tố. Mô hình tham nhũng này xảy ra trùng với thời kỳ mà Mỹ đã chuyển sự chú ý của họ khỏi Mỹ Latin và hướng tới Trung Đông và sau đó là Châu Á.
Khoảng trống phần lớn đã được lấp đầy bởi Trung Quốc. Thương mại giữa khu vực và Trung Quốc tăng vọt từ $10 tỷ giá trị hàng hóa năm 2000 lên $450 tỷ vào năm 2021. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Nam Mỹ, chiếm tới 34% tổng thương mại ở Chile, Brazil và Peru. Sự bành trướng Trung Quốc trong khu vực phần lớn được thúc đẩy bởi việc nước này tìm kiếm các nguồn tài nguyên như coban, lithium, đất hiếm, hydrocarbon và khả năng tiếp cận nguồn cung ứng thực phẩm, vốn có rất nhiều ở Mỹ Latin. 20 năm qua, Trung Quốc cũng rót những khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng và tài chính của Mỹ Latin. Trong suốt thời gian trên, Bắc Kinh đã tận dụng tối đa việc khai thác văn hóa tham nhũng và các thể chế yếu kém của khu vực.
Sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực là một phần trong mục tiêu chiến lược dài hạn của Bắc Kinh nhằm thách thức ảnh hưởng Hoa Kỳ trên toàn cầu thông qua các biện pháp kinh tế, quân sự, tài chính và chính trị. Quá trình đó đã được hỗ trợ bởi các xu hướng toàn cầu. Các quốc gia như Brazil và Argentina ngày càng tìm cách đa dạng hóa mối quan hệ song phương và trở nên ít phụ thuộc hơn vào quan hệ thương mại với Mỹ.
Trong khi đó, sự gây hấn của Nga ở Ukraine đã mang lại cho Trung Quốc nhiều trọng lượng hơn trên trường quốc tế, với việc Bắc Kinh tự coi họ là một sức mạnh ngoại giao thay thế Washington, đặc biệt đối với các quốc gia cảm thấy họ không dễ dàng trong việc liên kết với phương Tây. Một ví dụ gần đây: Vào Tháng Ba, Honduras tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh và cắt đứt quan hệ với Đài Loan – một diễn biến mà các quan chức Đài Loan nói là do giới chức Honduras “ngậm tiền” Trung Quốc.
“Nước lớn” chơi luật giang hồ
Điều mang lại cho Trung Quốc lợi thế cạnh tranh bổ sung khi nước này mở rộng ảnh hưởng là họ có thể tránh được những ràng buộc nhiều nhà đầu tư phương Tây thường đưa ra, chẳng hạn những lo ngại về môi trường, về quyền lao động và mức độ tham nhũng. Những công ty Trung Quốc bị các cơ quan giám sát quốc tế đánh giá là kém minh bạch nhất trên thế giới; và các cơ quan giám sát hối lộ từ lâu đã báo cáo rằng Bắc Kinh luôn miễn cưỡng truy tố những công ty hoặc cá nhân Trung Quốc bị cáo buộc hối lộ liên quan các hợp đồng nước ngoài. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy 35% dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc trên toàn thế giới có vấn đề về thờ ơ môi trường, sử dụng nguồn lao động không đúng luật và đặc biệt hối lộ.
Các công ty Mỹ không phải không tì vết khi nói đến việc dính líu các hoạt động tham nhũng ở nước ngoài; nhưng không giống Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ bị ràng buộc bởi một hiệp ước quốc tế cấm sử dụng hối lộ để giành hợp đồng. Hơn nữa, Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (Foreign Corrupt Practices Act) của Hoa Kỳ nghiêm cấm các công ty Mỹ hối lộ giới chức nước ngoài. Trung Quốc không hề có đạo luật nào như vậy.
Đầu tư của Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn ở những nơi mà chế độ dân túy cai trị và luật pháp từ lâu đã bị hủy hoại, chẳng hạn Argentina, Bolivia và Venezuela. Ví dụ, ở Bolivia, trong nhiệm kỳ 14 năm của Tổng thống Evo Morales, các công ty Trung Quốc đã đạt được chỗ đứng vững chắc trong các lĩnh vực then chốt, dẫn đến độc quyền đối với ngành công nghiệp lithium, bất chấp phong trào phản đối khai thác mỏ mạnh mẽ ở quốc gia này.
Tham nhũng địa chiến lược ở Argentina bắt nguồn từ cấp địa phương, ở các tỉnh và khu vực trên cả nước. Các thống đốc cai trị kiểu phong kiến đã kích hoạt một mạng lưới tham nhũng tinh vi mà Trung Quốc đã láu cá tận dụng để đầu tư mọi thứ, từ nhà máy hạt nhân, xây nhà máy pin lithium cho đến lập trạm mặt đất để theo dõi vệ tinh…, đó là chưa đường sắt, nhà máy thủy điện, cơ sở nghiên cứu…
Ở Ecuador, những dự án của Trung Quốc gồm một con đập được xây để đổi lấy các hợp đồng dầu mỏ; nhà máy thủy điện Coca Codo Sinclair (rạn nứt ngay sau khi xây dựng); và dự án thủy điện Quijos (không tạo ra sản lượng điện như cam kết). Tương tự, Kênh đào Grand Interoceanic do Trung Quốc tài trợ ở Nicaragua được những người phản đối dự án ước tính tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái và khiến khoảng 120,000 người phải di dời.
Tại Venezuela, Trung Quốc khởi xướng nhưng chưa bao giờ hoàn thành việc xây dựng tuyến tàu cao tốc trị giá hàng tỷ đôla, và một thỏa thuận khai thác sắt không chỉ cho phép Trung Quốc mua quặng sắt Venezuela với giá thấp hơn 75% so với giá thị trường, mà còn khiến Venezuela phải gánh khoản nợ kinh hoàng $1 tỷ! Cũng tương tự như vậy, tại Panama, việc nhượng quyền khai thác cảng và một tuyến tàu cao tốc đã bị đóng băng hoặc hủy bỏ. Toàn cảnh, khắp Mỹ Latin, các công ty Trung Quốc đều liên quan hối lộ và trò “lại quả” nhằm làm giàu cho đám quan chức địa phương để đổi lấy các hợp đồng và quyền tiếp cận.
Gây phương hại cho Mỹ
Chiến lược sử dụng tham nhũng địa chiến lược của Trung Quốc đang gây phương hại trực tiếp đến lợi ích của Mỹ. Ở Argentina và Bolivia, sự bành trướng Trung Quốc đồng nghĩa với việc các lĩnh vực quan trọng đối với sự thành bại trong các mục tiêu năng lượng xanh của Mỹ đang ngày càng nằm dưới sự kiểm soát Bắc Kinh. Nó cũng làm suy yếu những nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc chống tham nhũng và vi phạm nhân quyền trong khu vực. Và nữa, lối chơi luật rừng của Trung Quốc khiến các công ty Mỹ gần như mất hẳn khả năng cạnh tranh.
Chính quyền Biden đặt ra các tiêu chuẩn cao cho đầu tư của Hoa Kỳ vào những lĩnh vực mà người Trung Quốc đang có chỗ đứng, trong đó có yếu tố minh bạch và trách nhiệm giải trình, cũng như các cam kết đối với các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và nhân quyền. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn như vậy là yếu tố phân biệt cách thức làm ăn và đầu tư của Mỹ với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, vô hình trung, nó lại cản trở các công ty Mỹ khi so găng với Trung Quốc. Cho đến thời điểm này, Washington vẫn chưa tìm ra được cách đối phó hữu hiệu với chiến lược “tham nhũng địa chiến lược” của Trung Quốc.