Cha mẹ nuôi con không tính tháng kể công. Nhưng khi phải cất tiếng than ôi, sao nó không biết thương mình, tức là ta đã có cái niềm sân hận ở trong, điều kiện tính toán đo đếm về tình thương phụ mẫu với con cái rồi chăng?

Nước mắt chảy xuôi, ta vẫn nghe vậy, và cũng thấy vậy. Nhìn lại ngày trước ta đã từng cãi lời, thậm chí là oán ghét cha mẹ thế nào, bây giờ con nó đáp trả y như vậy. Nói là nhân quả thật không sai. Nhưng cần phải biết cách dùng nhân quả để soi rọi những hành động trong quá khứ, để đối ứng với hiện tại và khoan hãy nghĩ đến tương lai. Bây giờ, nhìn vào nỗi thất vọng đau đớn của ta trước đứa con đã làm ta đau khổ, ta làm gì?

Trong cuốn Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse có kể về Tất Đạt Đa. Khi có con với một kỹ nữ, Tất Đạt Đa không hề hay biết, cho đến khi cô qua đời vì bạo bệnh, trao lại đứa con cho ông. Tất Đạt Đa đã nuôi con, ban đầu đầy phấn khích mang sâu nặng tình phụ tử, nhưng đứa con vốn được nuông chiều từ nhỏ, lại sống trong nhung lụa nên không thể kham khổ cơm rau với ông qua ngày được. Nó bất mãn và kiêu ngạo, từ chối mọi thứ ông đem đến cho nó, nhưng ông đều tha thứ hết, bất kỳ lúc nào con trở về, ông đều ôm lấy vào lòng và dỗ con. Người cha càng chiều chuộng, đứa con càng chống lại.

Cho đến một ngày ông hiểu ra rằng, có lẽ do ông đã “giam giữ” con mình như một “tù nhân” của cuộc đời. Ông muốn nó phải thế này, phải thế kia mà không hề quan tâm đến nó cũng có muốn vậy không, hay nó muốn cái khác. Người bạn sống bên cạnh ông, Vệ Sử, đã nói điều này:

Tôi biết, bạn không cứng rắn với nó, bạn không phạt, không ra lệnh cho nó – bởi bạn biết rằng sự mềm dẻo mạnh hơn là nghiêm khắc, nước mạnh hơn đá, tình yêu mạnh hơn bạo lực. Tốt lắm, tôi khen bạn. Nhưng không phải là một lỗi của bạn hay sao, vì đã không cứng rắn với nó, không phạt nó? Bạn lại không trói buộc thằng bé với tình thương của bạn đó sao? Bạn lại không làm cho thằng bé hổ thẹn trước lòng tử tế và kiên nhẫn của bạn, và làm cho nó càng thêm khó xử đó sao? Bạn lại không bắt buộc đứa con nuông chiều ngạo nghễ ấy sống trong một chòi tranh với hai ông già ăn chuối chát, xem gạo cũng đã là cao lương, những người mà tư tưởng không đồng với nó, mà trái tim đã vắng lạnh già cỗi, đập khác nhịp với nó? Thử hỏi có phải thằng bé đã bị trói buộc và hành phạt bởi mọi thứ ấy không?”.

Ảnh: Pixabay

Kết cục câu chuyện chính là thằng bé bỏ đi, không một mảy may thương xót cha nó. Còn Tất Đạt Đa thì hiểu rằng, chính mình đã lôi mình vào bể khổ trầm luân của luyến ái, tự trói buộc, tự làm đau, và mãi không thể làm thay đổi được định mệnh của ai nếu không ý thức về bản thể mỗi người là khác biệt. Người làm cha mẹ dính mắc với tình yêu thương luyến ái rất nhiều, để rồi khổ lụy với điều đó. Không phải ai cũng ý thức được về tình yêu thương vô điều kiện. Và không phải ai cũng yêu ai đó được bằng tình yêu thương vô điều kiện. Tất cả mọi đau khổ oan trái đều nằm ở chỗ này.

Một người cha từng đánh mắng chửi rủa hành hạ con mình, để lại trong tâm hồn con những vết thương lòng đau đớn. Nhưng chính ông, đến một lần, không thể chịu đựng nổi sự ghẻ lạnh của nó, liền hỏi: “Sao con có thể làm ta đau buồn đến thế?” – “Vì cha ích kỷ chỉ muốn người khác sống theo ý mình. Tôi đâu có lựa được cha mẹ để sinh ra. Giờ tôi lỡ làm con cha rồi, cha ỷ làm cha, muốn hành hạ tôi thế nào cũng được hay sao? Để đến khi tôi đủ tuổi lớn, tôi sẽ đi khỏi căn nhà này mãi mãi”.

Ông suýt nổi khùng điên vì câu trả lời đó. Nhưng ông không còn sức lực để làm gì nữa. Ông ngồi thụp xuống, ôm đầu nghe rõ từng chữ, từng lời của con. Và rồi một hôm ông nói với con rằng kể từ nay, con ông có thể đi đâu, làm gì tùy thích và tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Mọi tình yêu thương của ông dành cho con bấy lâu thế nào bây giờ vẫn thế, không suy suyển, chỉ là ông không đòi hỏi gì ở con nữa hết. Ông cũng không trông mong vào bất kỳ điều gì ở con, kể cả niềm hạnh phúc bấy lâu ông cầu nguyện cho con, bây giờ ông cũng trao lại cho con, không còn nài xin ai cho con nữa. Đứa con lúc này mới nhìn vào mắt cha mình, nó nói: “Tình thương của cha dành cho con chính là để cho con được là con, không phải là theo ý của cha muốn thế”. Hai cha con chẳng cần chia tay nhau mà ai cũng có thể đi về phía giải thoát cho chính mình.

Đứa con làm cho cha mẹ buồn, dù là nghịch tử thế nào, cũng chỉ mong cầu ở cha mẹ một tình thương vô điều kiện. Con người dù là chủng tử ác hay hiền, dữ hay lành cũng chỉ được an ủi khi cha mẹ chúng giang rộng vòng tay bằng tình thương bao dung, lòng từ bi, nhẫn nại. Bởi sau này, nước mắt chảy xuôi, khi con của chúng lớn lên, chỉ cần nhìn lại quá khứ xa xưa, người cha, người mẹ hiện tại sẽ thấy con chúng ta vẫn y như vậy: đau thì khóc, đói muốn ăn, muốn được chơi, được đọc, được làm những điều chúng thích mà không bị cha mẹ uốn nắn hay ép uổng quá mạnh để trở thành trơ lì, gỗ đá mai sau sân hận như vết thương lòng khoét mãi tận đáy sâu không thể lành.

Gởi đến những cha mẹ đang có con làm cho đau buồn phải cất tiếng, than ôi…