Kéo mọi người lại vào mâm cơm gia đình
Bạn thử “đếm” lại xem mỗi tuần hoặc mỗi tháng có bao nhiêu bữa ăn mà mọi người trong gia đình đều tề tựu cùng nhau? Có thể với vài gia đình thì cảnh đầm ấm ấy vẫn duy trì nhưng chắc chắn rằng có không ít gia đình mỗi tháng chắc chỉ có chừng vài bữa ăn xum họp. Chuyện hạnh phúc quanh mâm cơm gia đình dường như đang trở thành một thứ “xa xỉ” và điều này không chỉ xảy ra đối với văn hóa-cộng đồng người Việt mà với cả các nước phương Tây, đến mức giới nghiên cứu xã hội Mỹ đang la ầm lên về việc kéo mọi người lại vào mâm cơm gia đình…
Bạn hãy nhắm mắt lại và vẽ ra một bữa ăn tối cùng với gia đình. Nào là khăn ăn vải lanh, lũ trẻ được kỳ cọ tay trước khi ngồi vào bàn, hơi nước bốc lên từ món thịt hầm đậu, và cả chú chó vểnh tai chăm chú lắng nghe những âm thanh đang được phát ra từ nhà bếp. Đó là nơi mà gia đình truyền đạt kinh nghiệm, đón nhận mong ước, dự tính, xưng tội và tha thứ lỗi lầm. Phiên bản lý tưởng này rất gần với một buổi nghi lễ thờ cúng thường xuyên với những tiếng kinh cầu và bài học về phước lành khi gia đình ra khỏi nhà thờ. Quan niệm đó đã thấm sâu vào tinh thần và truyền thống nhiều dân tộc thế giới. Chúng ta ngồi cùng với nhau không có nghĩa chúng ta có chuyện để nói với nhau: trẻ con cãi vã, không chịu ngồi yên và mơ màng trong khi ba mẹ hâm nóng hoặc nấu nướng thức ăn.
Thường thì những cuộc trò chuyện hoặc khoảnh khắc thân mật thật sự diễn ra ở nơi nào khác: có thể là trên xe, sau khi đá bóng về lúc chạng vạng tối, khi mà ánh sáng yếu ớt và sự thiếu thốn trong giao tiếp cho phép những bí mật được giãi bày… Tuy nhiên, có một điều gì đó về một bữa ăn chia sẻ, không phải vài bữa trong kỳ nghỉ, không phải thi thoảng mà là đều đặn và xác thực, luôn giúp đem lại sự kết nối trong gia đình. Các chuyên gia nghiên cứu sự phát triển ở tuổi mới lớn thường nhấn mạnh về giá trị của bữa ăn gia đình. Nghiên cứu cho thấy gia đình càng dùng bữa cùng nhau nhiều thì trẻ có thể giảm nguy cơ hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy, suy nhược, rối loạn ăn uống và tự tử. Điều này giúp trẻ học tốt hơn ở trường và thậm chí ngăn chặn việc quan hệ tình dục sớm.
Robin Fox, nhà nhân chủng học tại Đại học Rutgers (New Jersey), nói về cách mà bữa ăn gia đình in sâu vào tâm hồn chúng ta: “Nếu chỉ nói về thức ăn, ta chỉ việc lùa chúng vào miệng. Trong khi đó, một bữa ăn luôn hướng đến tinh thần giáo dục trẻ em. Nó dạy trẻ trở nên hòa nhập với nền văn hóa”. Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm quốc gia Hoa Kỳ về nghiện và lạm dụng vi chất (CASA) thuộc Đại học Columbia phát hiện thêm, một gia đình càng ít dùng bữa chung với nhau thường gặp thức ăn kém dinh dưỡng và buổi chuyện trò càng tẻ nhạt. Những đứa trẻ sống trong gia đình như thế kể rằng mối quan hệ trong gia đình rất căng thẳng và dường như chúng ít có khả năng nghĩ rằng cha mẹ tự hào về chúng.
Theo nghiên cứu CASA (dẫn lại từ tuần báo Time), trong số đối tượng trẻ thường xuyên dùng bữa cùng cha mẹ thì 40% cho rằng chúng thường được điểm A và B tại lớp, hơn hẳn so với trẻ chỉ dùng bữa với cha mẹ một hay hai lần trong tuần. Trở lại thời gian trước đây, bữa ăn tối hiếm khi là sự kiện trang trọng của gia đình Mỹ. Chỉ có những nhà khá giả mới có phòng ăn riêng. Hầu hết bữa ăn đều xuề xòa, giống như một hình thức tiếp năng lượng “định kỳ”. Cho đến tận thế kỷ 19, khi xã hội phát triển cùng nhịp sống của tầng lớp trung lưu, một phòng ăn riêng trở thành niềm mơ ước. Khi trẻ 8 hoặc 9 tuổi, chúng được phép ăn cùng với người lớn để được dạy phép xã giao.
Dần dần với sự phát triển nhà hàng thoạt tiên nhằm phục vụ nhân viên văn phòng, việc ăn uống bên ngoài trở thành thú tiêu khiển. Trước những năm 1950, bữa ăn tối gia đình Mỹ định hình với kiểu mẫu: mẹ nấu, ba thái thức ăn, con trai dọn dẹp, con gái rửa bát. Và cuối cùng, sự ảnh hưởng từ các nhân tố xã hội, kinh tế và khoa học kỹ thuật làm cho sự đều đặn của các bữa ăn gia đình giảm xuống 1/3 trong vòng 30 năm. Tìm được một lúc nào mà mọi người quây quần quanh bàn ăn, cùng dùng bữa và lắng nghe nhau, trở thành một sự xa xỉ kỳ quặc. Khi cha mẹ bận bịu với công việc, lũ trẻ chỉ còn biết lo chơi thể thao hoặc dán mắt vào màn hình vi tính tại nhà… Nhà nhân chủng học Robin Fox nói thêm, chúng ta đã đánh mất một điều gì đó quý giá khi xem việc nấu nướng là cực nhọc và các bữa ăn được thực hiện tùy tiện. Fox cho rằng làm thức ăn là một việc mang tính linh thiêng, quan trọng hơn cả quan hệ tình dục! Bởi lẽ bạn có thể kế hoạch hóa gia đình bằng cách quan hệ tình dục một năm một lần, song bạn luôn phải ăn ba bữa mỗi ngày!
Việc có được thức ăn một cách dễ dàng khiến chúng ta giảm dần sự nhận thức được tầm quan trọng của nó. Khi tự mình phải trồng ra bắp, người ta mới cảm nhận giá trị của thức ăn. Hơn nữa, bên cạnh việc cân bằng chế độ dinh dưỡng cho trẻ, bữa ăn chung là lúc gia đình xây dựng nét văn hóa riêng. Trẻ nhỏ có thể biết thêm nhiều từ vựng và ý thức được cấu trúc của một cuộc đàm thoại như thế nào. Chúng học cách giải quyết vấn đề nào đó, lắng nghe mối quan tâm của người khác hoặc thậm chí bắt đầu nhận biết khẩu vị. Trẻ học cách gắp thức ăn mời người khác, học cách ăn như thế nào và ngồi tại bàn cho đến khi người khác dùng xong bữa. Vài người nghĩ rằng trẻ bây giờ thích tụ năm túm bảy hơn là cần gia đình.
Không đúng như thế. Cha mẹ có thể hạ thấp giá trị mình và sai hoàn toàn khi kết luận rằng việc cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ tốt hơn sử dụng thời gian một giờ quây quần bên bàn ăn chỉ để nói chuyện với cha mẹ. Chẳng phải tự nhiên mà ngày càng có nhiều trường phổ thông dạy cách nấu nướng căn bản. Còn nữa, dường như khi giúp cha mẹ chuẩn bị bữa ăn, trẻ em có thể sẽ thích ăn và dùng bữa ngon miệng hơn. Và đó là một kỹ năng cần thiết nhằm xây dựng tính quý trọng bản thân cho trẻ cũng như thiết lập mối tương quan gia đình. Khái niệm hạnh phúc tổ ấm gia đình đôi khi đơn giản chỉ là bữa ăn mọi người cùng quây quần.