“Hàng ngày” và “Hằng ngày”
Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2003), có thể dùng “hằng” với tư cách là phụ từ trước động từ hay danh từ chỉ đơn vị thời gian. “Hằng” ở vị trí trước động từ (như trong “hằng mong ước”) thì “biểu thị tính liên tục của một hoạt động (thường là hoạt động tâm lý – tình cảm) diễn ra trong suốt cả thời gian dài; thường, luôn luôn”; còn khi ở vị trí trước từ chỉ đơn vị thời gian (như trong “hằng tháng”, “hằng năm”, “hằng ngày”) thì “biểu thị tính lặp đi lặp lại một cách định kỳ theo từng đơn vị thời gian được nói đến”.
Cũng theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, có thể dùng “hàng” với tư cách là phụ từ ở vị trí trước danh từ (lưu ý: danh từ, chứ không phải danh từ chỉ đơn vị thời gian) hay danh từ chỉ đơn vị thời gian. “Hàng” ở vị trí trước danh từ (như trong “hàng chồng sách”, “hàng nghìn”) thì “biểu thị số lượng nhiều không xác định, nhưng tính bằng đơn vị nói đến”; còn khi ở vị trí trước danh từ chỉ đơn vị thời gian thì tuy có thể nói “hàng” nhưng hình thức chuẩn mực hơn, là “hằng”.
Thảo luận:
(1) Cứ như trên, thì có thể chắc chắn “hằng” vốn là tiếng Hán Việt, viết 恆 hay 恒, nghĩa là lâu bền, không đổi, bình thường (Mạnh Tử 孟子: “無恆產而有恆心者, 惟士為能” – “Vô hằng sản nhi hữu hằng tâm giả, duy sĩ vi năng” – Không có của cải (sinh sống) bình thường mà có lòng thiện lâu bền thì chỉ có kẻ sĩ mới làm được).
(2) Vị trí đứng trước động từ thì chỉ có “hằng”, chứ không thể dùng “hàng”: như thế, “hằng mong ước” là đúng, mà “hàng mong ước” là sai.
(3) Vị trí đứng trước danh từ không chỉ đơn vị thời gian là của “hàng”, chứ không phải của “hằng”: như thế, “hàng chồng sách”, “hàng nghìn” là đúng, mà “hằng chồng sách”, “hằng nghìn” là sai.
(4) Vị trí đứng trước danh từ chỉ đơn vị thời gian thì có cả “hằng” và “hàng” nhưng khác về nghĩa. Ví dụ: có thể nói “hàng tháng” hay “hằng tháng”, nhưng trong “Phải chờ hàng tháng” thì ý của câu là nói phải chờ rất lâu, đến cả tháng (theo cách diễn đạt của Hoàng Phê, là ý nói số lượng nhiều không xác định, nhưng tính bằng đơn vị là tháng), như thế phải dùng “hàng tháng”, chứ không phải “hằng tháng” vì “hằng tháng” là “tháng nào cũng thế”, tức biểu thị tính lặp đi lặp lại. Trong khi đó, trong “Tạp chí ra hằng tháng” thì ý nói tạp chí được xuất bản mỗi tháng một lần, tức có tính lặp đi lặp lại, và như thế chỉ có thể nói “hằng tháng” chứ không thể “hàng tháng”.
(5) Việc dùng lẫn lộn “hàng”/“hằng” trên thực tế chỉ xảy ra ở trường hợp đứng trước danh từ chỉ đơn vị thời gian.
Về mặt ngữ nghĩa, như đã nói ở (4), “hàng” và “hằng” có khác nhau. Nhưng trong nhiều trường hợp, sự lẫn lộn “hàng”/“hằng” về mặt ngữ âm vẫn có thể không gây lẫn lộn về nghĩa vì có sự can dự của ngữ cảnh. Ví dụ trong câu “Hằng ngày tôi vẫn đi qua con đường này” thì dù có đọc/viết “hàng ngày” nghĩa của câu vẫn không thể bị hiểu sai.
Về mặt ngữ âm, “hằng” trong “hằng ngày” không có trọng âm nên bị trung hòa hóa (neutralized), nói cách khác, trên thực tế phát âm, “hằng ngày” cũng được nói và nghe như “hàng ngày”. Xin dẫn ý kiến của Cao Xuân Hạo về trường hợp mặc cả/mà cả: “Hai từ này [mặc cả/mà cả] ai cũng phát âm như nhau, nhưng không nhất trí nhau về cách viết và cả cách hiểu yếu tố đầu. Đó có thể là mà, mạ, mạc hay mặc; các vần này khi đứng đầu một kết cấu có mô hình trọng âm [01] [tức là cả có trọng âm, còn mà, mạ, mạc hay mặc thì không có trọng âm – HD chú] không thể khu biệt với nhau được” (Cao Xuân Hạo 2003, Tiếng Việt – mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Giáo dục: Hà Nội, tr. 138).