Đức Phật là ai?
Nhân ngày Vu Lan, Phật lịch 2564
Đặc Điểm Của Đức Phật Pāli ngữ Buddha (Phật) xuất nguyên từ căn “Budh”, là hiểu biết hay tỉnh giác. Ngài được gọi là Buddha (Phật) vì Ngài hiểu biết đầy đủ Bốn Chân Lý Cao Quý (Tứ Thánh Đế / Tứ Diệu Đế), Ngài đã thức tỉnh khỏi giấc ngủ Vô Minh. Chẳng những hoàn toàn thấu triệt, mà Ngài còn có đủ khả năng truyền bá Giáo Lý và khai sáng cho những người khác nên cũng gọi là Sammā Sambuddha (Chánh Đẳng Chánh Giác) – bậc hoàn toàn Giác Ngộ – để phân biệt với chư Phật Độc Giác (Paccekabuddha – Phật đơn độc) chỉ thấu triệt Giáo Lý mà không thể khai sáng cho kẻ khác, tự giác nhưng không thể giác tha.
Trước khi thành đạt Đạo Quả Phật, Ngài được gọi là Bồ Tát (Bodhisatta), có nghĩa là người có nguyện vọng đạt được trạng thái Giác Ngộ. Mỗi nguyện vọng Giác Ngộ phải trải qua thời kỳ Bồ Tát, một thời kỳ tích cực trau dồi và phát triển những Phẩm Hạnh: Bố Thí, Trì Giới, Xuất Gia, Trí Tuệ, Tinh Tấn, Nhẫn Nại, Chân Thật, Quyết Định, Lòng Từ và Lòng Xả. Trong một thời kỳ chỉ có một đấng Chánh Đẳng Chánh Giác. Cũng như có những loại cây, trọn đời chỉ trổ ra một bông, một hệ thống thế gian (lokadhātu, kiếp trái đất) chỉ có một đấng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Đức Phật là chúng sanh duy nhất, là nhân vật hy hữu, chỉ thật lâu mới có thể xuất hiện trên thế gian, vì lòng Bi Mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại. Tôn vinh Ngài là “Acchariya manussa” vì Ngài là một con người kỳ diệu lạ thường. Tôn vinh Ngài là “Amatassa dātā” vì Ngài đã ban bố tình trạng bất diệt. Tôn vinh Ngài là “Varado” vì Ngài là người đã ban bố tình thương tinh khiết nhất, Trí Tuệ thâm sâu nhất và Chân Lý cao siêu nhất. Cũng tôn vinh Ngài là “Dhammassāmi” vì Ngài là Pháp Vương, Chúa của Giáo Pháp (Dhamma).
Như chính bản thân Đức Phật dạy, Ngài là: “Đấng Như Lai (Tathāgata), bậc Ứng Cúng (Arahaṃ), đấng Chánh Đẳng Chánh Giác (Sammā Sambuddha), người đã thành lập ra con đường chưa được thành lập, đã sáng tạo con đường chưa được sáng tạo, đã công bố con đường chưa được công bố, người đã hiểu biết con đường, người đã mục kích con đường, người đã Nhận thức con đường”. Không có vị thầy nào dạy cho sự Giác Ngộ của Ngài, “Na me ācariyo atthi”, “ta không có một Đạo Sư”, là chính lời của Đức Phật.
Ngài có học với những vị thầy để hiểu biết thế gian Pháp nhưng để đến tầng Siêu Thế thì không. Chính Ngài tự lực thành đạt Trí Tuệ trực giác. Nếu Đức Phật đã nhờ một vị thầy hay một hệ thống tín ngưỡng nào như Ấn Độ Giáo chẳng hạn – tôn giáo mà Ngài đã trưởng thành trong ấy – để phát triển Trí Tuệ siêu phàm, thì ắt Ngài không thể tự gọi là “Đạo Sư vô song” (ahaṃ satthā anuttaro). Trong bài Pháp đầu tiên, Ngài tuyên bố rằng ánh sáng đã rọi rõ cho Ngài trong những việc chưa từng được nghe.
Trong những ngày đầu tiên sau khi Xuất Gia tầm đạo, Ngài cố tìm đến sự hướng dẫn của những vị thầy lỗi lạc nhất thời bấy giờ, nhưng trong Giáo Huấn của các vị thầy này không tìm thấy được điều mong mỏi. Tình thế bắt buộc Ngài phải tự mình tìm và cố gắng đạt đến Chân Lý. Và Ngài đã tìm ra Chân Lý bên trong Ngài. Ngài theo dõi đến tận mức thâm sâu nhất của dòng tư tưởng, và Chứng Ngộ Chân Lý cùng tột, chưa bao giờ từng được nghe và chưa từng được biết. Tuệ Giác phát sanh từ bên trong và rọi sáng những sự vật mà trước kia Ngài chưa từng nghe thấy. Vì Ngài đã thấu triệt tất cả những gì cần được biết và đã nắm được cái chìa khóa mở cửa vào mọi kiến thức, nên tôn Ngài là Sabbaññū, bậc Toàn Giác. Đó là Trí Tuệ siêu phàm mà Ngài đã dày công trau dồi, trải qua vô lượng tiền kiếp.
Hàng tín đồ gọi Ngài là Đức Phật (Buddha), Đức Thế Tôn (Bhagavā), Đức Thiện Thệ (Sugata), v.v… Những người ở đạo khác gọi Ngài là Tôn Giả Gotama (Cồ Đàm – Bho Gotama), Sa Môn Gotama (Cồ Đàm, Samaṇa Gotama), v.v… Khi đề cập đến mình, Đức Phật dùng danh từ “Như Lai” (Tathāgata) có nghĩa là “người đã đến như vậy”, “người đã ra đi như vậy”.
Phật Là Ai?
Ngày nọ có người theo đạo Bà La Môn tên Dona, nhân khi thấy dấu chân của Đức Phật in dưới cát có những đặc điểm lạ thường, đến gần Ngài và hỏi: – Phải chăng Ngài là một vị Thiên (Deva)? – Không, quả thật tôi không phải là một vị Thiên. – Vậy phải chăng Ngài là một nhạc công trong cõi Thiên (Gandhabba)? – Không, tôi không phải là một nhạc công trong cõi Thiên. – Vậy Ngài là quỷ Dạ Xoa (Yakka) chăng? – Không, quả thật tôi cũng không phải là quỷ Dạ Xoa (Yakka). – Như thế chắc Ngài là người? – Không, quả thật tôi cũng không phải là người. – Vậy, xin cho biết Ngài là ai?
Đức Phật trả lời rằng Ngài đã tận diệt những Kiết Sử, vốn tạo điều kiện để tái sanh là một vị Thiên, Gandhabba, Yakka hay người, và thêm: “Như hoa sen, đẹp đẽ và dễ mến, Không Ô Nhiễm bùn dơ nước đục, Giữa đám bụi trần, ta không vướng chút bợn nhơ. Như vậy, Ta là Phật”. Đức Phật không hề tự xưng là hiện thân (avatāra) của Thần Vishnu, một Thần Linh Ấn Độ Giáo mà kinh Bhagavad Gītā đã ca ngợi một cách huyền diệu, sanh ra để bảo vệ sự Chân Chánh, tiêu diệt tội lỗi để thiết lập và củng cố Đạo Lý (Dharma).
Theo lời dạy của Đức Phật thì có hằng hà sa số chư Thiên (Deva, cũng gọi là những vị Trời) – cũng là hạng chúng sanh, còn phải chịu sanh tử Luân Hồi – nhưng không có một Thần Linh tối thượng, với quyền lực Siêu Thế, kiểm soát vận mạng con người, xuất hiện trên thế gian từng lúc, dùng hình thức người làm phương tiện. Đức Phật cũng không bao giờ tự gọi là “Đấng Cứu Thế” có quyền năng cứu vớt kẻ khác bằng chính sự cứu rỗi của mình. Ngài thiết tha kêu gọi những ai hoan hỷ bước theo dấu chân Ngài không nên ỷ lại nơi người khác mà phải tự mình Giải Thoát lấy mình, bởi vì cả hai trong sạch và bợn nhơ, cũng đều tùy thuộc nơi chính mình. Ta không thể trực tiếp làm cho ai Trong Sạch hay Ô Nhiễm.
Để minh định rõ ràng mối tương quan của Ngài đối với hàng môn đệ và để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện tự mình nhận lãnh trọn vẹn trách nhiệm và tự mình nỗ lực kiên trì, Đức Phật minh bạch dạy rằng: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là Đạo Sư”. Đức Phật chỉ vạch cho ta con đường và phương pháp mà ta có thể nương theo đó để tự Giải Thoát ra khỏi mọi khổ đau và thành tựu mục tiêu cứu cánh. Điều đó để lại cho Môn Đồ niềm tin về con đường, là những người muốn thoát khỏi cuộc sống khốn khó đi theo. “Ỷ lại nơi kẻ khác để Giải Thoát cho mình là tiêu cực. Nhưng đảm đang lãnh lấy trách nhiệm, chỉ tùy thuộc nơi mình để tự Giải Thoát, quả thật là tích cực”.
Tùy thuộc nơi người khác là đem tất cả cố gắng của chúng ta ra quy hàng. “Hãy tự xem con là hải đảo của con. Hãy tự xem con là nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác!”. Các lời lẽ có rất nhiều ý nghĩa kia mà Đức Phật đã dạy trong những ngày sau cùng của Ngài quả thật mạnh mẽ, nổi bật và cảm kích. Điều này chứng tỏ rằng cố gắng cá nhân là yếu tố tối cần để thành tựu mục tiêu. Tìm sự cứu rỗi nơi những nhân vật hảo tâm có quyền năng cứu thế và khát khao ham muốn hạnh phúc ảo huyền xuyên qua những lời van vái nguyện cầu vô hiệu quả và nghi thức cúng tế vô nghĩa lý, quả thật là thiển bạc và vô ích. Đức Phật là một người như chúng ta.
Ngài sanh ra là một con người, sống đời sống con người, và từ giã cõi đời như một con người. Mặc dầu là người, nhưng Ngài đã trở thành một người phi thường, một bậc siêu nhân, do những cá tính đặc biệt duy nhất của Ngài. Đức Phật đã ân cần nhắc nhở nhiều lần như vậy và không có điểm nào trong đời sống hoặc trong lời dạy của Ngài để chúng ta lầm hiểu rằng Ngài là một nhân vật vô sanh bất diệt. Có lời phê bình rằng lịch sử nhân loại, không hề có vị giáo chủ nào “phi Thần Linh hơn Đức Phật, tuy nhiên, cũng không có vị nào có đặc tánh Thần Linh hơn Đức Phật”.
Trong thời Ngài còn tại thế, Đức Phật chắc chắn được hàng tín đồ hết lòng tôn kính, nhưng không bao giờ Ngài tự xưng là Thần Linh. Tánh Cách Vĩ Đại Của Đức Phật Sanh ra là một con người, sống đời sống con người, Đức Phật thành đạt trạng thái tối thượng của sự toàn thiện, Đạo Quả Phật, do sức kiên trì nỗ lực cá nhân. Nhưng Ngài không dành giữ sự liễu ngộ siêu phàm cho riêng mình mà công bố trước thế gian rằng tâm có khả năng và oai lực bất khuất. Không khi nào tự hào rằng chỉ có Ngài là người duy nhất…
(Trích “Đức Phật và Phật pháp” – bản dịch của ông Phạm Kim Khánh, từ quyển The Buddha and His Teachings của Hòa thượng NĀRADA MAHĀ THERA; ấn hành đầu tiên tại Sài Gòn năm 1964)